Giáo xứ Thái Hà lại nóng
2014.10.24
Vụ việc đất đai của Giáo xứ Thái Hà và Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà lại “nóng” lên khi khu đất Hồ Ba Giang mà Nhà Dòng có đầy đủ giấy tờ sở hữu đang bị cải tạo; dù Nhà Dòng lâu nay có nhiều đơn thư khiếu nại nhưng chính quyền không giải quyết.
Giấy tờ sở hữu hợp pháp
Giáo xứ Thái Hà do các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách vào ngày 16 tháng 10 vừa qua có đơn khiếu nại khẩn cấp gửi đến chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo. Đơn khiếu nại nêu ra vụ việc khu đất Hồ Ba Giang rộng hơn 18.200 mét vuông thuộc giáo xứ Thái Hà và Dòng Chúa Cứu Thế đang bị san lấp một cách vội vã. Việc làm này theo đơn khiếu nại là bất chấp mọi qui định của pháp luật và đạo lý, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà Dòng và Giáo xứ Thái Hà.
Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà trình bày lại thông tin liên quan khu đất đó như sau:
Chuyện Hồ Ba Giang là một câu chuyện rất dài. Từ năm 1996, chúng tôi đã đề nghị, yêu cầu chính quyền trao lại quyền quản lý cho chúng tôi bởi vì khu đất đó là của Nhà Dòng chúng tôi từ xưa đến nay. Chính xác từ năm 1928 khi các linh mục Canada đến Việt Nam và mua mảnh đất ở Hà Nội này thì khu đất Hồ Ba Giang đã nằm trong bản đồ đất đai của Nhà Dòng chúng tôi. Và từ đó đến nay chúng tôi chưa có trao nhượng, bán hay giao quyền sử dụng, sở hữu cho bất cứ cá nhân hay tổ chức nào. Ngay cả những công văn gần đây nhất chính quyền Hà Nội cũng công nhận khu đất đó do Giáo xứ Thái Hà của chúng tôi quản lý.
Thực ra mà nói họ có gì đó nghi kỵ với tôn giáo nên họ cứ chèn ép thế. Họ cứ lấy quyền của họ để lấy của mình, chẳng làm sao mà đòi được.
- Giáo dân Thái Hà
Từ năm 1996 chúng tôi làm đơn yêu cầu họ trao trả cho chúng tôi và từ đó đến bây giờ chúng tôi vẫn cứ tiếp tục làm đơn. Đến gần đây phía chính quyền cũng trả lời các văn thư của chúng tôi và cũng như mọi khi: không có gì mới. Họ vẫn lấy lý do là vào năm 1961, linh mục Nguyễn Ngọc Bích quản lý đã ký bàn giao toàn bộ 60.000 mét vuông của Nhà thờ Thái Hà, và Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội giao quyền quản lý cho Nhà Nước.
Chúng tôi yêu cầu trưng tất cả những bằng chứng cho thấy linh mục Nguyễn Ngọc Bích đã ký giấy bàn giao thì họ không chứng minh được sự quản lý hợp pháp từ phía Nhà nước: đã quản lý trong hoàn cảnh nào và linh mục đã ký bàn giao như thế nào, đâu là bằng chứng cho thấy linh mục Nguyễn Ngọc Bích đã ký giấy bàn giao. Cho đến nay Nhà nước vẫn không chứng minh được điều đó và họ cứ nại vào lý do đó để lấp liếm công luận, tiến hành những công trình phi pháp trên đất đó.
Nhu cầu giáo dân gia tăng
Một giáo dân thuộc Giáo xứ Thái Hà cho biết về nhu cầu của giáo xứ hiện nay như sau:
Các lớp giáo lý của các cháu vào mỗi chiều chủ nhật các cháu phải ngồi cả ngoài sân và cả trong Nhà Thờ. (Ngoài sân) thì trời nắng như vậy. Các cháu nay càng lúc càng đông. Mỗi chiều chủ nhật từ lúc 2 giờ, vài trăm cháu đến sinh hoạt. Còn vào buổi tối thì các lớp dự tòng, các hội đoàn đến sinh hoạt cũng không có đủ phòng để họp. Nay có nhiều người muốn tìm hiểu về đạo nhưng cũng không có phòng để mở lớp, mỗi tuần chỉ mở được bốn buổi hai khóa, giáo lý hôn nhân một khóa nữa…Còn 12 ca đoàn tập hát thì lấy phòng ốc đâu mà tập. Đồi với nhu cầu, chúng tôi còn thiếu thốn lắm nhưng họ chẳng quan tâm đến.
Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong cũng cho biết nhu cầu phục vụ giáo dân không chỉ của giáo xứ Thái Hà mà của nhiều người giáo dân nhập cư làm ăn, sinh sống tại Hà Nội:
Hiện nay chúng tôi chỉ còn 2700 mét vuông trên tổng số 60 ngàn mét vuông mà thôi. Trong khi nhu cầu của chúng tôi rất lớn: mỗi ngày chủ nhật ở đây có khoảng 15 ngàn người đến để thực hành các nghi thức tôn giáo. Chúng tôi không có chỗ để mở các lớp giáo lý, các trường cho người giáo dân. Cơ sở của chúng tôi không thể đáp ứng đủ cho nhu cầu giáo dân, đặc biệt những người di dân đến làm ăn, sinh sống. Chúng tôi có nhu cầu như thế và nhiều lần đề nghị chính quyền cấp đất cho chúng tôi, hay giao lại cho chúng tôi những khu đất mà hiện nay đang bỏ trống như khu đất Hồ Ba Giang là khu đất mà về mặt luật pháp ngay cả những văn bản của chính quyền cũng khẳng định chúng tôi là người quản lý khu đất đó một cách hợp pháp.
Hành xử của chính quyền
Như trình bày của linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong thì Giáo xứ Thái Hà và Nhà Dòng Cứu Thế đã có nhiều văn thư liên quan khu đất Hồ Ba Giang gửi đến các cấp chính quyền; thế nhưng mọi trình bày, nguyện vọng nêu ra đều không đượcgiải quyết.
Người giáo dân Thái Hà bày tỏ quan điểm của bản thân về hành xử của chính quyền trong vấn đề đất đai của giáo xứ lâu nay như sau:
Thực ra mà nói họ có gì đó nghi kỵ với tôn giáo nên họ cứ chèn ép thế. Họ cứ lấy quyền của họ để lấy của mình, chẳng làm sao mà đòi được. Còn đất của chúng tôi có từ năm 1928 đến nay chứ có phải đến bây giờ mới có đâu!
Từ năm 1996 chúng tôi làm đơn yêu cầu họ trao trả cho chúng tôi và từ đó đến bây giờ chúng tôi vẫn cứ tiếp tục làm đơn.
- LM Nguyễn Ngọc Nam Phong
Theo quan điểm của linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong thì vì chủ trương bất dung tôn giáo của chính quyền cộng sản nên họ không muốn giải quyết những khiếu nại về đất đai cho giáo xứ Thái Hà và Dòng Chúa Cứu thế một cách thỏa đáng. Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong phát biểu:
Tôi nghĩ nếu Nhà nước này thật sự vì dân, vì nước thay vì thể chế cộng sản thì vấn đề cũng dễ dàng chứ không có khó khăn gì. Bởi vì quỹ đất không phải là thiếu; có rất nhiều những dự án mà bây giờ người ta gọi là ‘dự án treo’ để đó mà không phát triển được.
Đây là một chủ trương của nhà nước, chủ trương hạn chế tôn giáo. Nếu họ không thâm nhập làm cho tôn giáo đó biến chất từ bên trong được, thì họ đánh phá từ bên ngoài, hạn chế sự phát triển Chính vì chủ trương đó làm cho vấn đề giải quyết đất đai trở nên khó. Thực chất chính sách về tôn giáo của họ trước sau như một, không bao giờ thay đổi. Khi mà chính sách không thay đổi thì không thể giải quyết bất cứ vấn đề gì.
Vào chiều ngày 23 tháng 10, một số giáo dân xứ Thái Hà đến tại Ủy ban Nhân dân Quận Đống Đa để phản đối việc chính quyền để cho đơn vị thi công san lấp Hồ Ba Giang. Tin tức và hình ảnh cho thấy, ủy ban không những không tiếp người dân mà còn cho nhân viên ra giằng xé những biểu ngữ phản đối của giáo dân.
Vào đầu giờ chiều ngày 24 tháng 10, chúng tôi gọi điện đến lãnh đạo các cơ quan chức năng quận Đống Đa gồm Uy ban nhân dân, Hội đồng Nhân dân và phòng Địa chính- Nhà Đất- Đô thị nhưng cả ba nơi đều không ai trả lời.