Cán bộ “có khuyết điểm” xin từ chức, có thoát tội?

RFA
2022.11.30
Cán bộ “có khuyết điểm” xin từ chức, có thoát tội? Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hà Nội vào ngày 20 tháng 10 năm 2022.
AFP

Ban Chấp hành Trung ương vừa ban hành nghị quyết 28, trong đó có nêu cần kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Đồng thời khuyến cán bộ từ chức khi có khuyết điểm. Mục đích là gì?

“Buộc phải làm…”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương đảng về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Nội dung Nghị quyết có nêu khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì thực hiện “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ.

Trước đó, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua truyền thông Nhà nước, kêu gọi cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút thì nên tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Việc kêu gọi cán bộ có khuyết điểm từ chức được coi là một điểm mới, bởi trước đây, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn tại chức, ông đã được coi là “từ chối từ chức”, dù vào thời điểm đó (năm 2012), truyền thông Nhà nước đăng tải thông tin ông đã tự nhận khuyết điểm tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII.

Ngày xưa cán bộ bị kỷ luật thì tùy theo mức độ sai phạm mà có ba khả năng kỷ luật. Một là vẫn cho làm hết nhiệm kỳ, hai là thuyên chuyển công tác khác, vị trí khác nhưng chức cũng tương đương như cũ, ba là cách chức. Còn bây giờ như ông Trọng hay là trung ương vừa nói thì người ta loại bỏ hết hai khả năng, chỉ còn khả năng là động viên nghỉ việc, có nghĩa là cách chức. - Trung tá Quân Đội Đinh Đức Long

Chúng tôi trích nguyên văn từ nguồn Tuổi Trẻ: “Tập thể Ban cán sự Đảng và mỗi đồng chí chúng tôi đã thành khẩn nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm và chân thành cầu thị rút ra những bài học thấm thía, sâu sắc nhất trong thực thi chức trách nhiệm vụ được giao và trong cả quá trình hoạt động cách mạng của mình. Với trọng trách là ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; một số tập đoàn, tổng công ty, điển hình là Vinashin, Vinalines, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò của kinh tế nhà nước”. 

Sau lần nhận khuyết điểm đó ông vẫn tại vị mãi đến năm 2016. Một trường hợp nữa xảy ra gần đây là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Người được cho đã vi phạm trong chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Y tế và một số cơ sở khám, chữa bệnh vi phạm có hệ thống, kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước nhưng bà này vẫn không “tự nguyện từ chức”.

Có ý kiến về vấn đề này, Trung tá Quân Đội Đinh Đức Long nhận định với RFA sáng 30/11:

“Thực ra cái này không có gì là mới cả. Ngày xưa cán bộ bị kỷ luật thì tùy theo mức độ sai phạm mà có ba khả năng kỷ luật. Một là vẫn cho làm hết nhiệm kỳ, hai là thuyên chuyển công tác khác, vị trí khác nhưng chức cũng tương đương như cũ, ba là cách chức. Còn bây giờ như ông Trọng hay là trung ương vừa nói thì người ta loại bỏ hết hai khả năng, chỉ còn khả năng là động viên nghỉ việc, có nghĩa là cách chức. Thật ra kỷ luật cũng tùy tình hình chính trị và nhu cầu nhân sự từng thời điểm.”

Thuyên chuyển nơi công tác như ông Long nói cũng đã từng xảy ra với rất nhiều lãnh đạo vi phạm ở Việt Nam. Thậm chí có những trường hợp quan chức bị kỷ luật “được” điều chuyển về một cơ quan khác, ở vị trí khác rồi sau đó mới bị bắt tạm giam, khởi tố và bị tuyên án tù như trường hợp ông Đinh La Thăng.

Ông Thăng từng là Bí thư Thành ủy TP.HCM, bị ra khỏi Bộ Chính trị, được điều động ra Hà Nội làm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương và rồi bị đưa ra xét xử trong hai vụ án với tổng mức án tù lên đến 31 năm.

000_VZ142.jpg
Ông Đinh La Thăng ra tòa năm 2018. AFP

Ngoài ra, còn trường hợp ông Trương Minh Tuấn. Ông Tuấn bị ngưng chức Bộ trưởng Thông Tin - Truyền Thông, được điều chuyển về Ban Tuyên giáo Trung ương, nơi được mệnh danh là nhóm ‘quyền lực thứ tư’ trong xã hội.

Tại lễ bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu rằng, kỷ luật cán bộ đảng viên là rất đau xót nhưng vì sự lớn mạnh của Đảng nên phải làm.

Tránh “phạt nặng” đồng chí?

Một số người quan tâm tình hình chính trị, xã hội tại Việt Nam cho rằng, để tránh việc kỷ luật quá nhiều đảng viên là “đồng chí, đồng đội” của mình nên ông Trọng ban hành Nghị quyết số 28, kêu gọi cán bộ có khuyết điểm từ chức sớm và cán bộ bị kỷ luật sẽ bị thay thế mặc dù chưa hết nhiệm kỳ.

Góp ý trong quan điểm này, nhà quan sát chính trị Hà Hoàng Hợp nói với RFA:

“Đây là những điều không căn bản, nghĩa là hiểu thế nào cũng được. Trước đây nếu bị kỷ luật thì mức kỷ luật tùy thuộc vào mức độ vi phạm. Sẽ có thay đổi về mặt hành chính, chức vụ. Người ta quy định rất rõ. Bây giờ, trong tình cảnh có quá nhiều người bị kỷ luật cho nên nếu áp dụng như cũ, tức chuyển chỗ này rồi lại chuyển chỗ kia thì nó không ổn. Vì vậy cho nên người ta bảo là thôi thì từ chức đi. Ý của cái nghị quyết mới này như thế. Thật ra nó không có giá trị pháp lý mà chỉ là khuyến khích, cho nên nếu người ta vi phạm, thay vì kỷ luật thì từ chức trước có khi không bị truy cứu về hình sự nữa chẳng hạn.”

Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho rằng, đây có thể là một tín hiệu cho cán bộ vi phạm nhưng “chưa bị lộ” tự rút lui:

“Theo tôi nghĩ, họ ra cái nghị quyết này vì họ thấy số cán bộ ở Việt Nam bị xử lý nhiều quá có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng. Thay vì phải điều tra những vụ việc liên quan như vậy thì người ta sẽ loại đi bằng cách kêu gọi từ chức và thay thế bằng những lãnh đạo mới.

Đó là điều tôi thấy nó mới. Đúng nguyên văn là ‘khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm’. Mình có thể hiểu là từ chức trước thì sẽ không bị điều tra những vụ việc họ gây ra nữa. Chỉ chính người vi phạm mới biết mình vi phạm gì khi mọi việc chưa bị phanh phui, vụ án chưa bị khởi tố.”

Cũng theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, chuyện từ chức sớm không có nghĩa sẽ ‘hạ cánh an toàn’ nếu vụ án bị khởi tố và cán bộ đã từ chức có liên quan.

Đã từng có ý kiến cho rằng, những ông quan to hạ cánh an toàn sau khi nghỉ hưu. Nhưng vài năm qua, một số quan chức, lãnh đạo đã nghỉ hưu vẫn bị bắt. Điều này được cho là nhằm để xoa dịu lòng dân với những vụ án mà số tiền vi phạm quá lớn, hoặc mức độ ảnh hưởng đến người dân quá nặng nề, như vụ Thủ Thiêm với Tất Thành Cang.

Một số ý kiến khác mà RFA đã từng ghi nhận thì cho rằng, Đảng cộng sản chỉ lo giữ uy tín của mình, không muốn bị giảm sút thêm nữa, nhất là đang trong cuộc chiến chống tham nhũng, chứ chẳng phải vì dân.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

HỒ TẬP CHƯƠNG
30/11/2022 19:57

ĐI NGÕ SAU (CỬA SAU RỘNG MỞ) ! CÁC BÀ ( HIỀN THÊ CỦA XẾP)SẼ AN BÀI RẤT ÊM ĐẸP .

Duy Hữu, USA
01/12/2022 11:06

Toàn đảng đi trước... từ chức, từ chức... toàn dân theo sau... vỗ tay, vỗ tay.

Rằng xưa... có gã từ quan... lên non, tìm động hoa vàng... ngủ say.
Rằng nay... cả đám Cộng quan... cả ngày, tìm động... ôm vàng, ôm tiên... ngủ mê,
ngu mê vì tiền, vì tiên " chân dài ", vì " cụ Hồ " vĩ đại... mất cả tổ tiên vĩ đại, vì dại... vì tiền, vì tiên " chân dài ", vì " cụ Hồ "... vĩ đại !

Duy Hữu, USA
01/12/2022 11:34

Đảng viên đi trước, làng nước theo sau.
Đảng viên đi trước... từ chức, từ chức... làng nước theo sau... vỗ tay, vỗ tay.

Toàn đảng đi trước... từ chức, từ chức... toàn dân theo sau... vỗ tay, vỗ tay.
Toàn quân đi trước... bỏ súng, bỏ súng... toàn dân theo sau... hoan hô, hoan hô !
Toàn đảng Búa Liềm đi trước... bỏ Búa, bỏ Liềm... toàn dân theo sau... hân hoan, hân hoan !

Rằng xưa... có gã từ quan... lên non, tìm động hoa vàng... ngủ say.
Rằng nay... cả đám Cộng quan... cả ngày, tìm động... ôm vàng, ôm tiên... ngủ mê,
ngu mê vì tiền, vì tiên " chân dài ", vì " cụ Hồ " vĩ đại... mất cả tổ tiên vĩ đại, vì dại... vì tiền, vì tiên " chân dài ", vì " cụ Hồ "... vĩ đại !