Ninh Thuận có nên quy hoạch du lịch trên đất dự án điện hạt nhân?

RFA
2019.10.03
ninh-thuan-1-960 Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế - IAEA khảo sát đánh giá mặt bằng hai dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 trước đây.
Courtesy IAEA / Conleth Brady

Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận vào ngày 2 tháng 10 năm 2019 đã tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành địa phương về đề án quy hoạch chuyển đổi mặt bằng hai dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 thành quy hoạch phát triển du lịch.

Phí phạm tiền đầu tư

Dự án xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân với tổng công suất 4.000MW tại Ninh Thuận được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 11 năm 2009 với tổng vốn đầu tư dự trù khi đó là 200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, báo cáo từ các cơ quan chức năng liên hệ tính đến năm 2016 tổng mức đầu tư đã lên gần 400.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên sau đó, giới khoa học đã bày tỏ nhiều quan ngại về vấn đề an toàn hạt nhân, thảm họa hạt nhân, cũng như lo ngại của người dân địa phương về vấn đề ô nhiễm môi trường.

Vào ngày 22/11/2016, Quốc hội Việt Nam đã chính thức biểu quyết và thông qua việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo Nghị quyết do Chính phủ đệ trình. Khi đó báo chí dòng chính mô tả việc dừng điện hạt nhân Ninh Thuận là quyết định dũng cảm, trong bối cảnh dự án đã tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng cho việc lập dự án tiền khả thi, giải phóng mặt bằng và đưa hàng trăm người đi đào tạo ở nước ngoài.

Từ Hà Nội, Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam, hiện là Phó chủ tịch Hội điện lực Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2022, hôm 3/10/2019 cho Đài Á Châu Tự Do biết thông tin liên quan vấn đề này:

“Nên hay không nên thì chuyện đã rồi, nhà nước đã quyết định thôi không xây nữa, trong tương lai gần sẽ tìm giải pháp gì đó thay thế, ví dụ người ta phát triển nhiều năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió… trước mắt trong một số năm nữa vẫn phát triển nhiệt điện than… để thay thế vào nguồn điện bị thiếu hụt. Tất nhiên là lãng phí, nhưng nhà nước đã cân nhắc giữa chuyện làm tiếp hay không làm tiếp thì chắc là có cơ sở của nó. Trong giải thích của chính phủ, là đầu tư quá lớn trong tình hình hiện nay là chưa thích hợp, ngoài ra có thể do những yếu tố khác nữa.”

Đây không phải lần đầu tiên chính quyền tỉnh Ninh Thuận muốn chuyển đổi sử dụng mặt bằng hai nhà máy điện hạt nhân. Vào tháng 6 năm 2019, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đưa ra kiến nghị tương tự. Tuy nhiên khi đó, các chuyên gia của Tạp chí Năng lượng Việt Nam thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - VEA đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu cần cân nhắc thận trọng và sớm tái khởi động dự án này.

Lý do được Tạp chí Năng lượng Việt Nam đưa ra là việc lựa chọn địa điểm đã được tiến hành hết sức nghiêm túc, chặt chẽ trong hơn 10 năm (1996-2007) với sự hỗ trợ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế - IAEA cùng các chuyên gia Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Canada…

Giáo sư, Tiến sĩ Vương Hữu Tấn, nguyên Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam nhận định:

“Lúc trước khi dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, thì các cơ quan đều có kiến nghị nên giữ lại địa điểm ấy vì trước sau gì Việt Nam cũng sẽ làm điện hạt nhân. Hồi tôi còn làm cũng có kiến nghị là trong lúc tạm dừng thì nên giữ lại địa điểm ấy vì mình cũng đã mất rất nhiều tiền để đánh giá và khảo sát ở mức độ tiền khả thi, nên cũng đã làm khá nhiều và chi nhiều tiền vô đấy rồi, nên giữ lại cho kế hoạch dài hạn. Còn hiện nay thì như thế nào tôi cũng không rõ lắm, cũng có thể vì lý do phát triển kinh tế của địa phương nên tỉnh người ta yêu cầu.”

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Vương Hữu Tấn, điện hạt nhân phụ thuộc rất nhiều vào người hoạch định chính sách của quốc gia, khi Chính phủ cảm thấy chưa yên dân, vẫn còn băn khoăn thì Chính phủ không làm. Cũng theo tiến sĩ Tấn, trên thế giới có nhiều nước làm điện hạt nhân chứ đâu phải chỉ riêng Việt Nam, do đó ông nhận định rằng, Chính phủ chưa cho phép làm có thể do còn nhiều nguyên nhân khác.

Còn phải bàn tính kỹ

Về đề án của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận chuyển khu vực xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sang du lịch, Giáo sư, Tiến sĩ Vương Hữu Tấn nhận định:

Mặt bằng hai dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Mặt bằng hai dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Courtesy PV Power

“Tôi không phải là người hiểu biết nhiều về du lịch, nhưng tôi thấy vùng đó là vùng rất khô cằn. Không biết bây giờ sau mấy năm nhà nước thay đổi không làm điện hạt nhân mà để phát triển du lịch thì không biết sẽ như thế nào?”

Để tìm hiểu thêm, Đài Á Châu Tự Do hôm 3/10 liên lạc Ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Công Ty Du Lịch Lửa Việt, và được ông cho biết như sau:

“Trước hết đây là một tin rất vui cho Ninh Thuận, vì hai việc này không thể song hành, nếu làm điện hạt nhân thì không thể làm du lịch, đó là điều chắc chắn. Đây là một tin vui trước hết cho Ninh Thuận và sau là cho du lịch VN. Gần đây Ninh Thuận có sự trỗi dậy về du lịch, vài năm nay, khách du lịch đến rất nhiều. Thứ nhất là do khách đi Phan Thiết nhiều rồi, giờ chỉ thêm một chút nữa thôi, thứ hai là biển, rồi ẩm thực văn hóa… vì Ninh Thuận được xem là thủ phủ của người Chăm mà nên có nhiều nét độc đáo. Hiện có một số nhà đầu tư theo tôi họ đã đoán trước và có một số dự án khá tốt tại Ninh Thuận. Chắc chắn sau sự kiện này, các nhà đầu tư sẽ ra Ninh Thuận nhiều hơn vì chỗ này so với Bình Thuận và Nha Trang thì chưa phải là điểm nóng về du lịch.”

Riêng với lo ngại của Giáo sư, Tiến sĩ Vương Hữu Tấn về khí hậu nóng bức của vùng đất khô cằn, nơi dự định xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, ông Nguyễn Văn Mỹ cho rằng, vấn đề khô cằn cũng không đến nỗi, điện hạt nhân còn làm được thì du lịch làm được. Ninh Thuận khô cằn thì cũng không bằng Dubai được, không bằng các nước Trung Đông được, Ninh Thuận khô cằn thì so với VN mình thôi, vẫn có nguồn nước từ sông nên không phải quá lo.

Từ Sài Gòn, Anh Thuận Phương, một hướng dẫn viên du lịch có nhiều năm kinh nghiệm đưa ra ý kiến của mình:

“Dọc theo Ninh Thuận là bờ biển nên phát triển du lịch được, bởi vì tiềm năng du lịch của Ninh Thuận chưa phát triển nhiều, vẫn còn ít, bên cạch đó tiềm năng du lịch biển rất mạnh, cái thiếu là đầu tư cơ sở hạ tầng thôi.”

Mặc dù việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và chuyển đổi thành quy hoạch du lịch được người dân và các chuyên gia du lịch cho là  một quyết định sáng suốt, tuy nhiên theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, việc giữ lại 2 địa điểm này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì các nước có chương trình phát triển điện hạt nhân đều có những văn bản quy phạm pháp luật, quy định cho phép chủ đầu tư giữ các địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong thời hạn là 20 năm, vượt quá thời hạn trên, địa điểm mới được xem xét để chuyển đổi mục đích sử dụng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.