Thiếu Hụt Lao Động Tại Đồng Bằng Sông Cửu Long
2019.02.13
Bản tin của Việt Nam Thông Tấn Xã cho thấy Đồng bằng Sông Cửu Long vốn là vùng trọng điểm của lúa gạo, nông sản, thủy sản trên cả nước, nay tình trạng thiếu hụt lao động đang là vấn đề khó khăn mà nhà nông, doanh nghiệp chế biến thủy sản và các công ty sản xuất nông phẩm tại các nơi như Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu… phải đương đầu bao năm qua.
Báo Tiền Phong thì dẫn lời một nông dân ở Sóc Trăng rằng làng quê của ông bây giờ gần như toàn người già và trẻ con thôi, còn thanh niên trai tráng đều bỏ lên Bình Dương để làm công nhân trong các hãng xưởng trên đó.
Khi giá chênh lệch giữa lao động đô thị cao hơn so với nông thôn thì lao động thường chuyển về các vùng công nghiệp đô thị. Có lẽ ở Việt Nam vùng chịu tác động rõ rệt nhất chính là Đồng Bằng Sông Cửu Long.
-TS. Đặng Kim Sơn
Thiếu hụt lao động là một trong những thực tế chung khi một nước nông nghiệp chuyển sang giai đoạn công nghiệp, và Đồng Bằng Sông Cửu Long là khu vực bị tác động nhiều nhất bởi tiến trình công nghiệp hóa này, là nhận định của tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Nông Nghiệp, hiện tại là viện trưởng Viện Nghiên Cứu Thể Chế Và Thị Trường Nông Thôn:
Trong sản xuất nông nghiệp khi phát triển lên thì máy móc cũng tăng lên nên nó đẩy bớt lao động ra, và khi giá chênh lệch giữa lao động đô thị cao hơn so với nông thôn thì lao động thường chuyển về các vùng công nghiệp đô thị. Có lẽ ở Việt Nam vùng chịu tác động rõ rệt nhất chính là Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Đại Học Nam Cần Thơ, cũng đồng ý rằng tình trạng thiếu hụt lao động ở các tỉnh thuộc Đồng Bằng Sông Cửu Long, viếc máy móc thay thế sức người càng ngày càng phổ biến và trở thành một vấn đề cho khu vực:
Đúng là lao động ở Đồng Bằng Sông Cửu Long càng ngày càng yếu đi vì các vùng công nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh, của Bình Dương, của Long An ngày càng thu hút thêm nhiều lao động. Có thể nói sản xuất nông nghiệp của Đồng Bằng Sông Cửu Long tuy vẫn phát triển nhưng cơ giới hóa là phần lớn, hơn 90% công việc làm trên đồng ruộng đều cơ giới hóa, người nông dân không tham gia bao nhiêu trong việc sản xuất lúa. Còn các công việc khác, thí dụ trồng mía người ta cũng trồng bằng máy, chỉ còn một số ít trồng bằng tay thôi. Tới lúc thu hoạch cũng bằng máy, nếu thu hoạch bằng tay thì rất đắt tiền. Ngay cây lúa cũng vậy nữa, người nông dân không thể nào có đủ tiền để trả cho công nhân. Đây là sự thật đang xảy ra ở Đồng Bằng Sông Cửu Long của mình.
Như vậy sau Đồng Bằng Bắc Bộ, đến lượt Đồng Bằng Sông Cửu Long tiếp tục đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng nhiều. Tiến sĩ sĩ Đặng Kim Sơn phân tích:
Trong tất cả các vùng sinh thái ở Việt Nam thì chỉ có Đồng Bằng Sông Cửu Long là tăng trưởng âm về mặt lao động, tức là số người chuyển ra khỏi vùng nhiều hơn số người đẻ ra hoặc đi đến. Cái này vừa đúng theo qui luật nhưng mà mặt khác thì nó cũng thể hiện một điều là ở Đồng Bằng Sông Cửu Long thì cơ hội về sản xuất phi nông nghiệp, về công nghiệp… là không có nhiều, cho nên sức hút về giá lao động đã kéo người lao động trẻ ra khỏi vùng. Đó là lý do khiến lao động nông nghiệp rất khó khăn để có đủ người lao động. Ngay cả những đô thị như Cần Thơ chẳng hạn cũng là tình trạng phổ biến.
Chuyện bỏ quê lên tỉnh kiếm sống khiến là nhiều cặp vợ chồng phải gởi con trẻ lại cho cha mẹ để đi làm ăn xa, các cháu thiếu thốn tình thương và sự chăm sóc của bố mẹ trong lúc tuổi còn quá nhỏ. Mặt khác, mức lương cao trên thành phố có sức hấp dẫn đặc biệt đối với những người trẻ không kiếm được việc làm ở nông thôn. Giáo sư Võ Tòng Xuân:
Các doanh nghiệp thủy sản, đóng giày, may mặc, thường thu hút một lượng lớn lao động tương đối lớn, nhưng mà sau khi nghĩ Tết rồi thì số người trở lại không đủ, nhiều doanh nghiệp bị thiếu lao động bởi vì người ta có thể tìm được việc làm khác có thu nhập cao hơn. Sau đợt Tết này nhiều công ty đã có trường hợp phải tăng mức lương cho công nhân lên để người lao động có thể trụ lại làm việc với họ. Tôi nghĩ khuynh hướng này cũng giống như bên Thái Lan, Singapore hoặc Trung Quốc. Bây giờ mấy chỗ đó đâu phải là chỗ lao động rẻ nữa đâu.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn của Viện Nghiên Cứu Thể Chế Và Thị Trường Nông Thôn, đề nghị cách khắc phục tình trạng mất cân bằng trong phân bổ lao động ở nông thôn và thành thị:
Năm nay, ngày mùng Năm mùng Sáu Tết, lúc các doanh nghiệp quay lại làm việc thì đường từ Cần Thơ lên Sài Gòn tắc nghẽn hàng chục tiếng đồng hồ, cho thấy mức độ di chuyển của lao động lên là khủng khiếp.
Để ngăn chặn tình trạng này thì có một cách làm mà một số nước một số nền kinh tế đã làm và đã khá thành công như trường hợp Đài Loan, và gần đây ở giai đoạn cuối của công nghiệp hóa thì Nhật Bản và Hàn Quốc cũng áp dụng, tức là đưa cơ sở hạ tầng về nông thôn, nhất là đường xá rồi là điện và đặc biệt là đào tạo nghề. Làm được như thế thì điều kiện đầu tư ở nông thôn trở nên thuận lợi không kém gì ở đô thị, các nhà máy sẽ chuyển về nông thôn, các khu công nghiệp sẽ đưa về nông thôn, nhất là những vùng đồng bằng có nhiều lao động.
Tiếp đấy, các đô thị lớn cũng giảm bớt các chức năng không cần thiết, ví dụ các trường đại học, các bệnh viện lớn. thậm chí các khu đô thị vệ tình được giãn về nông thôn. Nhờ thế cho nên điều kiện sống ở nông thôn và cơ hội việc làm ở nông thôn xuất hiện nhiều. Trong trường hợp đấy người dân nông thôn có thể không làm nông nghiệp nữa nhưng cũng không phải di chuyển lên thành phố. Đây là một trong những mô hình mà gần đây người ta gọi là ‘tăng trưởng bao trùm” .
Đúng là lao động ở Đồng Bằng Sông Cửu Long càng ngày càng yếu đi vì các vùng công nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh, của Bình Dương, của Long An ngày càng thu hút thêm nhiều lao động.
-GS. Võ Tòng Xuân
Cách làm như thế rất tốt và có lẽ là cách duy nhất, tiến sĩ Đặng Kim Sơn khẳng định, để vừa giảm tải cho các thành phố lớn vừa không rút rỗng nông thôn đi, không để lại nông thôn chỉ toàn người già và trẻ em như hiện nay ở Việt Nam và đắc biệt ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Với câu hỏi Việt Nam đã nỗ lực đến mức nào để tiếp cận và tiến hành mô hình khắc phục mà tiến sĩ Đặng Kim Sơn gọi là mô hình tăng trưởng bao trùm, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Thể Chế Và Thị Trường Nông Thôn trả lời:
Ở Việt Nam các nhà hoạch định chính sách cũng như người dân đã nhìn thấy. Tuy nhiên cách của chúng ta trong thời gian qua nhiều khi vẫn còn tiếp cận theo cách cũ, tức là thu hẹp khoảng cách đô thị và nông thôn bằng thuế thu ngân sách khá mạnh ở những vùng tăng trưởng cao, sau đó phân bổ trở lại cho những vùng nông thôn tăng trưởng thấp, để một mặt là xóa đói giảm nghèo, mặt khác là giản bớt chênh lêch thu nhập giữa đô thị với nông thôn nhằm giữ chân người lao động ở lại với nông thôn.
Thế nhưng cách làm này đã không mang lại hiệu quả như mong muốn bởi cách làm vừa qua tập trung quá nhiều vào đầu tư công để phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ của đô thị:
Chiến lược đó vô hình chung đã tạo sức hút về mặt thị trường, tạo điều kiện rất thuận lợi cho đầu tư tư nhân. Đặc biệt đầu tư nước ngoài tập trung vào hai trục tăng trưởng lớn của đất nước là chung quanh thành phố Hà Nội và chung quanh thành phố Hồ Chí Minh.
Chính mô hình tăng trưởng như vậy đã tạo điều kiện để hút tài nguyên ra khỏi hai vùng đồng bằng lớn là Đồng Bằng Sông Hồng và Đồng Bằng Sông Cửu Long. Nhưng Đồng Bằng Sông Hồng trong chừng mực nào đấy là còn gần các khu công nghiệp, gần với các khu đô thị, trong khi đó Đồng Bằng Sông Cửu Long hoàn toàn là bị rút rỗng để chuyển về Đông Nam Bộ và quanh thành phố Hồ Chí Minh.
Khắc phục không hiệu quả khiến Đồng Bằng Sông Cửu Long bị rút rỗng lao động dần đi như hiện nay:
Nếu thực sự muốn giải quyết tận gốc rễ vấn đề chênh lêch về bố trí dân cư, chênh lệch về phân bổ lao động, ông Đặng Kim Sơn nhấn mạnh, thì cách tốt nhất để khắc phục là phải phát triển cơ sở hạ tầng ở hai vùng đồng bằng.
Đồng Bằng Sông Cửu Long mà cả Tây Nguyên vốn có lợi thế rất mạnh về và Tây Nguyên là hai nơi có lợi thế rất mạnh về phát triển nông nghiệp thì phải đưa về đây các ngành công nghiệp và dịch vụ hậu cần phục vụ cho nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản.
Đây là giải pháp căn cơ nhất để có việc làm và thu nhập cho cư dân nông thôn ngay tại chỗ. Nói một cách khác, đây chính là mô hình tăng trưởng vừa vững bền vừa bao trùm mà trong thời gian tới Việt Nam chắc chắn phải tính đến như kết luận mà Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nêu ra.