Khi báo cáo chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật hôm 23/10/2021, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam - Tô Lâm cho rằng, tình trạng các vụ việc chống người thi hành công vụ nhất là lực lượng công an giữa đại dịch COVID-19 đã gia tăng năm 2021.
Cụ thể theo báo cáo, các vụ việc chống lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 chiếm gần 23% số vụ chống người thi hành công vụ, số vụ chống lại lực lượng công an chiếm gần 70%, làm chín người chết, 204 người bị thương. Ông Tô Lâm cho rằng, điều này phản ánh sự coi thường pháp luật của một bộ phận người dân, nhất là trong thời điểm giãn cách xã hội.
Anh Thiệu, một người dân sinh sống tại Sài Gòn, nói với RFA hôm 26/10:
“Tình trạng người dân phản ứng lực lượng chống dịch khắp nơi, tại vì đôi khi lực lượng chống dịch làm một cách quá đáng, kiểu ép người một cách quá đáng. Người dân lâm vào cảnh khốn cùng thì họ phải phản ứng thôi.”
Anh Thiệu cho rằng việc Bộ trưởng Tô Lâm xem người dân chống đối công an trong phòng chống dịch là tội phạm là không hợp lý:
“Không hợp tình hợp lý chút nào, vì bản thân họ đâu muốn vậy, vì họ bức xúc, bộc phát ra, có thể là chửi bới, hay phản ứng mạnh... rồi bị xếp vào tội chống người thi hành công vụ, nhưng họ đâu có chuẩn bị đâu? Họ đang lưu thông đi làm bình thường, tự nhiên gặp những chốt chặn, ép họ quá thì họ phải bức xúc thôi. Cái đó không thể coi họ là tội phạm... họ bị ấm ức, dồn nén, trong một lúc nào đó không kiềm chế được, chứ nói họ là tội phạm cũng không phải.”
Cái đó không thể coi họ là tội phạm... họ bị ấm ức, dồn nén, trong một lúc nào đó không kiềm chế được, chứ nói họ là tội phạm cũng không phải.
-Anh Thiệu
Kể từ khi đợt dịch COVID-19 tái bùng phát vào tháng 4 năm 2021, chính phủ Việt Nam đặc biệt là ở TPHCM đã tiến hành các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo để chống dịch COVID-19 từ hồi tháng 5/2021 khiến nhiều người dân thất nghiệp rơi vào tình cảnh cùng cực... làm cho nhiều người dân khi bị ngăn cản, kiểm soát quá đáng đã có phản ứng tiêu cực. Nhưng liệu có công bằng khi lãnh đạo ngành công an đưa họ báo cáo tình hình tội phạm?
Nhà báo Võ Văn Tạo, nhận định với RFA hôm 26/10 từ Nha Trang:
“Nhận định của Bộ trưởng công an Tô Lâm nói về tình hình theo ổng đánh giá trong lúc dịch bệnh thì xu hướng người dân chống lại lực lượng công an... thì nếu xét về hình thức là đúng. Bởi vì trên mạng cũng có những clip người dân bỏ chạy khỏi Sài Gòn đến đoạn nào đó bị chặn đã bức xúc không tuân thủ, đạp đổ hàng rào, tấn công lực lượng công an đang ngăn cản người ta. Cái đó là có thật nhưng mình phải xét nguyên nhân vì sao người dân vốn được tiếng là ‘ngoan ngoãn’ chấp hành quy định của Chính phủ Việt Nam hồi giờ vẫn thế mà bây giờ phải nổi khùng lên như vậy... thì phải biết là họ bị dồn vào con đường cùng trong cuộc sống, lúc đó là cái sống cái chết cận kề rồi.”
Theo nhà báo Võ Văn Tạo, chính những biện pháp của Nhà nước khi đó đã được các quan chức sau này nhìn nhận là lúng túng, sai, phải sửa sai liên tục. Ngay cả chuyện người dân bỏ Sài Gòn về quê cũng thay đổi liên tục, lúc thì cấm, lúc không cấm được thì lại cho phép người ta về rồi yêu cầu địa phương đón tiếp... Ông Tạo nói tiếp:
“Do đó, rõ ràng lúc chính quyền cấm người dân là vô lý, rõ ràng tình hình dịch bệnh lúc đó rất căng thẳng, mà thêm phần căng thẳng nữa là chủ trương giãn cách quá đáng của chính quyền rất khắc nghiệt. Giãn cách, rồi phong tỏa mấy tháng trời, người dân không kiếm được gì ăn, lâm vào thế rất là cùng cực. Thế thì những trường hợp như thế thì người ta chống lại là đúng thôi. Chứ thật ra tôi nghĩ mức độ chống lại của người dân không có gì là ghê gớm cả, rất bình thường, như vậy cũng còn rất là hiền. Còn cái ý của ông Tô Lâm nói thì tôi cho rằng có cái gì đó không công bằng đối với người dân trong chuyện này.”

Trước đó, chính quyền đã mạnh tay xử phạt, bắt giam, thậm chí khởi tố nhiều người dân bị cho là chống đối lực lượng phòng chống dịch. Đơn cử như vào ngày 15/10/2021, Công an tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh đã khởi tố tổng cộng sáu người bị cho là chống lực lượng phòng, chống dịch COVID-19. Theo cáo trạng, những người này bị cơ quan điều tra cho là đã hô hào, vu khống công an đánh dân, gây rối trật tự công cộng khi nhiều người tập trung và căng băng rôn ngang đường ở ấp 5, xã Tân Lập 1, Tiền Giang để yêu cầu giải quyết về tiền hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Hay vụ Công an TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận vào tháng 10/2021 đã quyết định khởi tố và bắt tạm giam hai thanh niên vì có hành vi bị cho là chống người thi hành công vụ khi thông chốt kiểm soát phòng, chống dịch ở Ninh Thuận. Trong cùng thời điểm, tại Khánh Hoà, cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an TP. Nha Trang đã tiến hành khởi tố và bắt tạm giam hai tháng đối với ông Lê Dương Bá Tánh về tội ‘Chống người thi hành công vụ’... với cáo buộc ông này đã cầm cây rựa tấn công đội truy vết F0 và bị không chế buộc đi cách ly tập trung.
Trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 26/10, ông Trần Bang - một người bất đồng chính kiến, nhận định:
“Ông Tô Lâm cho rằng người dân chống lực lượng chống dịch COVID-19, hay phản ứng các phương án chống dịch thái quá của Chính phủ... là gia tăng tội phạm... thì theo tôi rõ ràng là vi hiến. Bởi vì phải viện dẫn được luật gì thì mới ra được lệnh, chẳng hạn như phong tỏa, ngăn cản, chốt chặn, ngăn cấm người dân đi lại... mà chỉ chỉ dựa vào mỗi chỉ thị của Chính phủ, hoặc sự phân công ra lệnh của một ông Thủ tướng, Bộ trưởng hay Chủ tịch tỉnh... thì cái đấy không đúng. Bởi vì Bộ công an là một Bộ phải thực hiện theo luật, theo hiến pháp, thì anh phải căn cứ vào luật, vào hiến pháp... chứ không thể căn cứ vào mệnh lênh hay chỉ thị của một cơ quan hành pháp nào. Cái này theo tôi có những cái là đúng, nhưng gom tất cả vào là sai.”
Tôi nghĩ mức độ chống lại của người dân không có gì là ghê gớm cả, rất bình thường, như vậy cũng còn rất là hiền. Còn cái ý của ông Tô Lâm nói thì tôi cho rằng có cái gì đó không công bằng đối với người dân trong chuyện này.
-Nhà báo Võ Văn Tạo
Cũng trong báo cáo mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam - Tô Lâm cho biết, hầu hết các loại tội phạm đều giảm do việc thực hiện giãn cách xã hội đã làm hạn chế điều kiện hoạt động của tội phạm. Tuy nhiên, ngoài tội chống người thi hành công vụ gia tăng... thì một số loại tội phạm khác cũng có xu hướng gia tăng như tội phạm qua mạng internet...
Chính phủ Việt Nam hôm 14/10/2021 đã yêu cầu Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông phải xử lý nghiêm những người đưa tin lên mạng xã hội bị cho là xuyên tạc, tin giả, tin xấu, chống phá công tác phòng chống dịch, gây nghi ngờ, mất đoàn kết, ảnh hưởng đến tâm lý của các lực lượng tham gia phòng, chống dịch...
Từ khi đợt dịch COVID-19 tái bùng phát vào tháng tư năm 2021, chính quyền Việt Nam tăng cường xử lý, thậm chí truy tố những người bị cho là đưa thông tin phòng chống dịch không đúng lên mạng xã hội... Đơn cử là vào đầu tháng tám, có 12 chủ tài khoản Facebook đã bị chính quyền Việt Nam xử phạt với cáo buộc cung cấp, chia sẻ và đăng tải thông tin sai, gây hoang mang trong nhân dân về công tác phòng chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Vinh tỉnh Nghệ An. 12 người vừa nêu bị cho là vi phạm Nghị định 15, tuy nhiên Nghị định này lại bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích vì cho rằng là công cụ đàn áp tiếng nói của người dân, đe doạ tự do bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội.
Hay vụ ba người dùng mạng xã hội tại thị trấn Liên Nghĩa huyện Đức Trọng, Lâm Đồng vào ngày 2/7 đã bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh này phạt hành chính 30 triệu đồng với nguyên nhân được nói do tung tin sai sự thật về dịch COVID-19 trên mạng xã hội. Báo Nhà nước khi đưa tin về những vụ xử phạt lan truyền thông tin sai sự thật phần lớn cũng không cho biết nội dung đã vi phạm quy định chống dịch mà người dùng mạng xã hội đã đăng tải là gì.
Theo nhà báo Võ Văn Tạo, khái niệm phải xử lý thông tin không tốt rất là mông lung, không rõ ràng. Bởi vì đối với người này có thể cho là tốt, nhưng đối với người khác lại quan niệm là không tốt. Do đó, chỉ thị này theo ông Tạo là không phù hợp với nguyên tắt soạn thảo các văn bản pháp luật.