Hợp tác trong dè dặt
Cách đây hơn 100 năm, Tổng thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt đã từng tiên đoán rằng lịch sử của nước Mỹ trong tương lai sẽ được quyết định bởi vị thế của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương đối đầu với Trung Quốc hơn là vị thế của Hoa Kỳ tại Đại Tây Dương trực diện với Âu Châu. Tạp chí The Economist số ra gần đây trích dẫn lời tuyên bố này trong bài viết có nhan đề “Quan hệ Mỹ Trung: Hợp tác trong dè dặt”.
Lời tiên đoán trên dần dần trở thành sự thật trên bàn cờ chính trị thế giới hiện nay, khi mà Trung Quốc đang trổi dậy như một đối trọng đáng kể đối với Hoa Kỳ. Các nhà lãnh đạo Mỹ trong những nhiệm kỳ gần đây đều phải nhìn nhận khu vực Thái Bình Dương là trọng điểm chiến lược quyết định tương lai của nước Mỹ cũng như cả thế giới.
Đối với Hoa Kỳ, hiện nay Trung Quốc là một thế lực có khả năng chia sẻ gánh nặng, giải quyết các vấn nạn thế giới. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn luôn dè dặt trước "bản năng đen tối" của Hoa Lục,
Tờ New York Times, hôm thứ Hai, trong bài bình luận về chuyến viếng thăm Hoa Lục lần đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, nhận định mục tiêu của chuyến cống du này tập trung vào việc kêu gọi Bắc Kinh hợp tác với Hoa Kỳ hơn nữa để giải quyết các vấn đề chung của thế giới như: khủng hoảng tài chính, biến đổi khí hậu do khí thải công nghiệp, diệt trừ nạn khủng bố, và vấn đề võ khí nguyên tử của Bắc Hàn và Iran.
Đối với Hoa Kỳ, hiện nay Trung Quốc là một thế lực có khả năng chia sẻ gánh nặng, giải quyết các vấn nạn thế giới. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn luôn dè dặt trước “bản năng đen tối” của Hoa Lục, luôn chờ cơ hội bành trướng thế lực ra thế giới, như những hành động đe dọa, lấn lướt các xứ láng giềng của họ xảy ra gần đây. Trung Quốc rất hiểu vị thế của họ và đã chứng tỏ cho thế giới thấy điều đó trong cuộc biễu dương sức mạnh tại buổi lễ kỷ niệm 60 năm ngày Quốc Khánh Trung Quốc vừa qua. Mối quan hệ “Đồng Sàng Dị Mộng” này là một thử thách đối với Hành Pháp của Tổng Thống Barack Obama hiện nay.
Cùng trao đổi về vấn đề này, Giáo Sư Tạ văn Tài, cựu giảng viên trường Đại học Harvard, Hoa Kỳ, đưa ra nhận xét như sau:
Giáo Sư Tạ văn Tài: Nước Mỹ dĩ nhiên lo ngại về việc Trung Quốc bành trướng thế lực quân sự tại vùng Thái Bình Dương , vào khi Bắc Kinh bành trướng về ngân sách quốc phòng, về hải quân, về không lực. Và Mỹ than phiền rằng Trung Quốc mập mờ, không nói rõ ngân sách quốc phòng như thế nào khi trao đổi về con số quốc phòng giữa hai nước. Tuy hai nước ra sức giao hảo, nhưng hai bên vẫn nghi ngờ nhau về vấn đề chiến lược, an ninh, quốc phòng. Và đôi khi mối nghi ngại đó lộ ra. Hai bên luôn căng thẳng, nghi ngờ nhau, nhất là về mặt quân sự.
Vị chủ nợ Trung Quốc
Hồi mùa Thu này, ông James Steinberg, Thứ trưởng Ngọai giao Mỹ lên tiếng trong một bài diễn văn, đã kêu gọi Trung Quốc phải cam kết với thế giới là sự phát triển và vai trò ngày càng gia tăng trên thế giới của họ sẽ không gây bất lợi về an ninh cùng tình trạng tốt đẹp của những nước khác.
<i>Không giống như những lãnh tụ tiền nhiệm vốn công khai thúc giục Trung Quốc đi theo mô hình phương Tây và cởi mở về kinh tế, chính trị, ông Obama lần này sẽ dành ít thời gian để khuyên nhủ, nhưng nhiều thời gian để trấn an Bắc Kinh.</i>
News York Times
Tờ New York Times số ra trung tuần tháng này qua bài viết mang tựa đề "Vai trò chủ nợ của Trung Quốc làm thay đổi chuyến viếng thăm của ông Obama" có đoạn mở đầu như sau: "Khi Tổng thống Obama hôm chủ nhật đến thăm Trung Quốc lần đầu tiên, thì trong nhiều trường hợp, ông đóng vai một kẻ mượn tiền tiêu xài vung vít đến bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với chủ nợ." và "thực trạng này đã làm thay đổi nền tảng trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và quốc gia duy nhất có cơ may thách thức vị thế siêu cường số một trên thế giới của Mỹ." "Hậu quả là, không giống như những lãnh tụ tiền nhiệm vốn công khai thúc giục Trung Quốc đi theo mô hình phương Tây và cởi mở về kinh tế, chính trị, ông Obama lần này sẽ dành ít thời gian để khuyên nhủ, nhưng nhiều thời gian để trấn an Bắc Kinh."
Cũng theo bài báo “Quan Hệ Mỹ Trung: Hợp tác trong dè dặt” của tạp chí The Economist, hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đã làm cho dự báo của Hoa Kỳ về nguy cơ đến từ Trung Quốc dần dần hiện rõ. Trung Quốc đang là một thực lực kinh tế đang lớn mạnh, và là chủ nợ sở hữu đa số trái phiếu do Hoa Kỳ phát hành. Về mặt lý thuyết, đây là điều kiện đủ để Bắc Kinh nhấn chìm nền kinh tế Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, Giáo Sư Yan Xuetong thuộc Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, lại đưa ra nhận định rằng ngày nay lý thuyết kinh tế mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đang áp dụng có nhiều điểm tương đồng hơn trước. Sự hợp tác giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoàng tài chính sẽ đưa Washington và Bắc Kinh tiến gần nhau hơn về mặt chiến lược.
Việt Nam phải hiểu rằng khi họ thỏa hiệp với nhau vì quyền lợi của họ, thì rất có thể họ hy sinh quyền lợi của nước Việt Nam, nhất là liên quan vấn đề lãnh thổ, lãnh hải.
Giáo Sư Tạ văn Tài
Khi được hỏi ý kiến về vấn đề này, Giáo Sư Tạ văn Tài nhận xét như sau:
Giáo Sư Tạ văn Tài: "Vấn đề liên hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, mặc dù có những xích mích, nhưng vẫn có nhiều sự liên hệ chặt chẽ. Thí dụ như về kinh tế, đồng đô-la Mỹ dựa rất nhiều vào việc Trung Quốc mua công khố phiếu để giữ giá và để tài trợ cho tình trạng thiếu hụt ngân sách của Mỹ. Người Mỹ mua hàng rẻ của Trung Quốc mới có thể có được một nền kinh tế dựa vào nguồn hàng rẻ như vậy. Mặt khác Trung Quốc ngại đô-la giảm giá thì tất cả món nợ mà Mỹ thiếu của Trung Quốc cũng bị giảm giá.
Và vấn đề bán hàng sang nước Mỹ bị giảm đi thì thiệt hại lớn cho nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc. Ngoài ra, về mặt chiến lược như là ứng phó với mối đe dọa nguyên tử của Bắc Hàn thì Hoa Kỳ cũng phải nhờ Trung Quốc để mặc cả, áp lực Bắc Hàn. Sự cộng tác giữa các nước về an ninh, quân sự ở biển Đông cũng phải dựa vào sự đồng ý của Trung Quốc.
Tất cả những sự liên hệ đó khiến hai nước luôn tìm cách giao hảo. Điều này có ảnh hưởng đến Việt Nam, có nghĩa là quyền lợi chung của các nước lớn đó, Việt Nam phải để ý. Việt Nam phải hiểu rằng khi họ thỏa hiệp với nhau vì quyền lợi của họ, thì rất có thể họ hy sinh quyền lợi của nước Việt Nam, nhất là liên quan vấn đề lãnh thổ, lãnh hải.”