Về hay ở?

Cát Linh, phóng viên RFA
2015.12.14
000_Hkg10120669 Một buổi lễ tốt nghiệp đại học được tổ chức tại Văn Miếu, Hà Nội vào ngày 18 tháng 11 năm 2014.
AFP photo

Du học là một ước mơ lớn của tất cả những học sinh Việt Nam từ xưa đến nay. Có rất nhiều người đã đỗ đạt thành danh và quay trở về. Nhưng hình như, thời gian đã chứng minh đó là những người của “muôn năm cũ’. Còn những học sinh thời nay, khi có cơ hội nhận được nền nền giáo dục nước ngoài, thì đa số họ chọn con đường ở lại. Điều này gần đây trở thành một vấn đề được đưa ra tranh luận rất nhiều, và có nhiều phản ứng khác nhau về việc “về hay ở”.

Tư duy quản lý cũ kỹ

Trong tuần vừa qua, dư luận trong nước và cả cộng đồng mạng có rất nhiều tranh luận liên quan đến việc Tiến sĩ Doãn Minh Đăng, giảng viên trường ĐH Kỹ thuật-Công nghệ Cần Thơ, người mà truyền thông trong nước cho là đang bị gây khó dễ do nói xấu nhà trường trên facebook cá nhân.

Vấn đề đáng chú ý đó là Doãn Minh Đăng cũng chính là cựu thí sinh của cuộc thi nổi tiếng Đường lên đỉnh Olympia, tốt nghiệp một trường đại học danh giá ở Hà Lan bằng ngân sách của thành phố. Sau đó anh đồng ý về VN công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy.

Sau khi sự việc của Doãn Minh Đăng được nói đến trên truyền thông, rất nhiều những người từng là thủ quân, á quân của Đường lên đỉnh Olympia, lên tiếng về sự lựa chọn ở lại quốc gia mà họ đã tiếp nhận nền giáo dục. Quan điểm của họ nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng Việt Nam. Ví dụ như Nguyễn Thành Vinh, á quân của mùa Olympia đầu tiên, sang Úc du học sau khi giành được học bổng của chính phủ Úc. Hiện nay, Nguyễn Thành Vinh đang có cuộc sống và công việc ổn định ở thành phố Perth, miền Tây nước Úc. Trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông trong nước về sự việc của Tiến sĩ Doãn Minh Đăng, anh nói rằng: “Câu chuyện của Doãn Minh Đăng là một trong những lý do để một số du học sinh như chúng tôi cảm thấy mình cần có những lựa chọn khác mà không nhất thiết phải về nước làm việc.”

Trong rất nhiều những lý do Nguyễn Thành Vinh cho là không nên quay về sau khi học xong, thì câu nhận định “về nước là lãng phí cho cả hai bên’ của cựu thí sinh này gây chú ý nhiều nhất cho dư luận.

Một người nữa, đó là Đỗ Thị Hồng Nhung, á quân mùa thứ hai của Đường lên đỉnh Olympia, hiện tại đang hoàn tất khoá học thạc sĩ ở Phần Lan, việc trở về nước cũng đang được cô suy tính.

Rất nhiều lý do được chính người trong cuộc và dư luận đưa ra. Trong đó, lý do lớn nhất mà theo cuộc khảo sát của viện John Von Newmann thuộc trường Đại học quốc gia VN đưa ra đó là môi trường làm việc ở VN không thích hợp cho việc nghiên cứu và làm việc của họ.

Câu chuyện của Doãn Minh Đăng nói riêng và những du học sinh khác nói riêng, được giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, người từng là một trong ba sinh viên xuất sắc của Việt Nam nhận học bổng du học tại vương quốc Bỉ, và sau nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy ở châu Âu, ông quay về nước và làm cố vấn cho trường Đại học Việt Đức, cho biết nhận định của ông.

“Ở Việt Nam hiện nay, tuy có một số trường tương đối là có một chút tiến bộ. Nhưng đại bộ phận các trường Việt Nam thì tư duy quản lý của họ cũng rất là cũ kỹ, và họ vẫn chưa tôn trọng cái tự do học thuật, tự do chọn lựa của nhà khoa học đã thành danh, tiến sĩ của các nước tiên tiến về nước làm việc. Do đó có những mâu thuẫn xảy ra. Các nhà khoa học trẻ khi làm việc thì gặp rất nhiều những khó khăn, đừng nói là những khó khăn về tài chánh, ngay cả môi trường làm việc cũng gặp những khó khăn rất nan giải.”

“Rừng nào cũng như rừng Amazon thì đâu cần người trồng cây nữa”

Bên cạnh những người ủng hộ quan điểm của người ở lại, như Nguyễn Thành Vinh, thì cũng có những người nhìn sự việc về hay ở bằng một cái nhìn khác. anh Nguyễn Quang Thạch, người đã bỏ ra gần 20 năm để xây dựng chương trình Sách hoá nông thôn nhìn sự đóng góp của từng cá nhân ở một góc độ khác. Anh cho biết:

“Theo tôi thì để xã hội Việt Nam để tốt đẹp như những quốc gia mà các bạn đang sống ấy, thì tôi nghĩ hiện tình xã hội Việt Nam là một mảnh đất màu mỡ cho mọi người cống hiến và sáng tạo. tôi nghĩ rằng đang còn sa mạc thì cần người trồng cây, còn rừng nào cũng như rừng Amazon thì đâu cần người trồng cây nữa. Nghĩa là mỗi cá thể hãy đối diện với mình thật rõ ràng để xem mình có năng lực gì để cống hiến cho xã hội cho đất nước, đừng sợ rằng mình không được sử dụng, không được xã hội thừa nhận. Cứ hãy có sản phẩm đi đã. Chừng nào sản phẩm của ông ở mức nào thì xã hội thừa nhận mức đó.

Tôi vẫn luôn luôn cổ vũ cho việc các bạn trẻ Việt Nam khi học đã thành tài, đỗ đạt, qua thời gian tập sự thì tôi luôn cỗ vũ là quay về Việt Nam để giúp cho việc phát triển nền đại học của Việt Nam.
- Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng

Chẳng hạn như khi tôi mới đặt mục tiêu vận động cấp trường làm tủ sách phụ huynh thì cấp trường thừa nhận và áp dụng. Đến khi tốt rồi thì phòng giáo dục áp dụng và thừa nhận. Đến khi cấp sở áp dụng và có văn bản nhân rộng ra khắp tỉnh. Cái nỗ lực của tôi và người khác đã được thừa nhận và áp dụng. Bây giờ cấp Bộ đã mời chúng tôi, đối thoại với chúng tôi để tạo ra những chiến lược chủ trương hoá bằng văn bản.”

Có lẽ dư luận có sự quan tâm đến câu chuyện của Doãn Minh Đăng nhiều hơn vì cũng mới vào đầu tháng 11 vừa qua, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Hoà, TP Hồ Chí Minh đã đưa ra câu hỏi về việc vì sao đa số sinh viên VN đi du học và chọn con đường ở lại. Ông dẫn chứng chính trường hợp của 13 học sinh nhận học bổng sang Úc du học của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” và 12 người trong số họ không quay về nước sau khi kết thúc chương trình học.

Như đã trình bày ở trên, tuy rằng Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng có đưa ra những nhận định của ông về thực trạng của môi trường giáo dục và điều kiện phát triển chuyên môn ở Việt Nam, nhưng ông vẫn có những thông cảm cho quyết định của người không quay về.

“Tôi vẫn luôn luôn cổ vũ cho việc các bạn trẻ Việt Nam khi học đã thành tài, đỗ đạt, qua thời gian tập sự thì tôi luôn cỗ vũ là quay về Việt Nam để giúp cho việc phát triển nền đại học của Việt Nam. Tôi là người luôn cổ vũ cho việc này. Tuy là tôi thông cảm cho những sự lựa chọn khác. Tôi nghĩ là có nhiều người có những chân đứng, có vị trí mà nó phù hợp để họ phát triển, cống hiến cái tài của họ mà họ ở lại. Và cũng có thể vì những lý do gia đình. Thú thật là tôi cũng thông cảm. Tôi thông cảm vì cái điều kiện ở Việt Nam có nhiều vấn đề đặt ra cho những người giáo viên trẻ này không có cái dũng khí, kiên nhẫn để mà thắng được những thách thức thì sẽ có rất nhiều khó khăn.”

Qua nhiều nhận định khác nhau của nhiều người thì có lẽ câu hỏi của ông đại biểu quốc hội Nguyễn Ngọc Hoà vẫn còn là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.