Loay hoay tìm cách xử lý người trúng đấu giá bỏ cọc
2023.11.29
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, được đưa ra thảo luận tại Quốc hội vào ngày 28/11/2023.
Theo Dự án Luật sửa đổi này, người tham gia đấu giá phải nộp tiền cọc bằng 5-20% giá khởi điểm tài sản đấu giá. Đây là mức cọc bằng với quy định hiện hành trước khi sửa đổi. Với mức này nhiều vụ trúng đấu giá rồi bỏ cọc đã xảy ra.
Tại phiên thảo luận vào ngày 28/11, theo truyền thông nhà nước, một số Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng mức tiền cọc cao hơn 5-20%, nhưng Bộ Tư pháp lại cho rằng làm vậy sẽ ít người đủ điều kiện tham gia đấu giá.(!?)
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, hôm 28/11/2023 nhận định với RFA:
“Tôi đề nghị tăng mức tiền cọc, quy định tiền cọc theo giá trị tài sản. Riêng tài sản đặc thù có thể nâng tiền cọc lên 50% giá khởi điểm. Tôi thấy tăng lên như vậy để tránh trường hợp mua đất đai trục lợi, mà chỉ mua để phục vụ hoạt động của mình.”
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, ông đề xuất tăng tiền cọc vì gần đây nhiều người tham gia và trúng đấu giá các lô đất hoặc biển số xe ôtô đẹp, sau đó bỏ cọc. Như vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, đấu giá thuê đảo ở hồ Xuân Hương... Ngoài ra ông Hậu còn đề xuất thêm:
“Nên bổ sung chế tài để xử lý người trúng đấu giá bỏ cọc, như phạt tiền, bồi thường chi phí tổ chức đấu giá hoặc không cho tham gia đấu giá trong thời hạn nhất định, thậm chí xử lý hình sự, vì làm như vậy là có trục lợi.”
Tôi nghĩ việc các cơ quan chức năng đưa ra đấu giá, bao gồm việc đấu giá bảng số xe là một điều không hợp lý.
-Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
Tuy nhiên, Chuyên gia Kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu hôm 29/11 khi trao đổi với RFA từ Việt Nam cho rằng, việc nhiều thứ đem ra đấu giá ở Việt Nam ví dụ như đấu giá bản số xe là không hợp lý:
“Tôi nghĩ việc các cơ quan chức năng đưa ra đấu giá, bao gồm việc đấu giá bảng số xe là một điều không hợp lý. Tại vì như nhiều quốc gia khác, vấn đề nhận được số xe là do cơ quan quản lý cấp, còn bây giờ có những số xe Việt Nam xem là đẹp và phải mua số xe đó… Và được đem ra đấu giá, là một hình thức mà tôi nghĩ rằng các cơ quan chức năng dùng cách đó để có doanh thu cho cơ quan của mình. Đây là điều không hợp lý, tại vì tất cả những dịch vụ như thế là dịch vụ công và dĩ nhiên người dùng phải trả lệ phí, nhưng đó là lệ phí phổ thông, chứ không phải lệ phí thông qua đấu giá hoặc thông qua hình thức kinh doanh.”
Liên quan Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đang được Quốc hội xem xét, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết ý kiến của ông:
“Tôi nghĩ thông thường, nếu đấu giá thì đặt cọc bảo đảm cho những người đấu giá, trong trường hợp thành công rồi mà bỏ kết quả đấu giá đó thì họ mất cọc. Nhưng tôi nghĩ 5% là quá thấp, đặc biệt những nhóm đầu cơ đóng cọc để tạo ra giá ảo của một miếng đất, thì các cơ quan chức năng phải tỉnh táo để mà xem thực lực của những người đấu giá như thế nào? Không những yêu cầu họ phải đóng cọc, mà cũng cần phải xem xét những thành phần tham gia đấu giá có năng lực tài chính hay không?”
Vài năm gần đây, nhiều vụ trúng đấu giá với giá rất cao, nhưng sau đó lại bỏ cọc, đơn cử như vụ bốn lô đất rộng khoảng hơn 30 ngàn m2 ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm - TPHCM vào cuối tháng 12 năm 2021 đã được đấu giá với mức giá 37.350 tỷ đồng, cao gần gấp tám lần giá khởi điểm, sau đó các công ty trúng đấu giá đều bỏ cọc.
Một người có đầu tư bất động sản ở TPHCM, ông Nguyễn Đình Đệ, người bị chính quyền lấy đất Thủ Thiêm nhưng không được đền bù thỏa đáng, hôm 29/11 nói với RFA:
“Tôi nhận xét chẳng qua họ có thủ đoạn muốn bơm giá lên không đúng sự thật, để những người mua những miếng đất xung quanh thấy miếng này đắt tiền, thì tranh thủ mua những miếng của họ kế bên. Còn số xe thì tôi nghĩ do họ mua rồi mà bán không được, nên họ bỏ cọc. Theo luật thì về mặt hành chính không xử lý được gì, vì trước khi đấu giá đã đóng cọc, khi bỏ thì mất cọc thôi, chứ không xử lý được gì. Còn chuyện bơm giá là bình thường, đó là quy luật của những nhóm đầu tư, họ muốn những miếng đất họ có xung quanh được bơm lên để thao túng thị trường. Mua giá thực thì không sao, chứ bơm kiểu đó thì thị trường sẽ náo loạn. Nhà nước thì những trường hợp như thế không xử lý được, vì chỉ vi phạm hành chính.”
Tôi nhận xét chẳng qua họ có thủ đoạn muốn bơm giá lên không đúng sự thật, để những người mua những miếng đất xung quanh thấy miếng này đắt tiền, thì tranh thủ mua những miếng của họ kế bên.
-Ông Nguyễn Đình Đệ
Liệu nếu quy định mức cọc như cũ có tái diễn tình trạng đấu giá cao, bỏ cọc như vừa xảy ra? Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết, các nước hiện không quy định cụ thể về tiền cọc đấu giá. Thay vào đó, các công ty đấu giá tự đưa ra mức tiền cọc theo loại tài sản, hình thức đấu giá. Với dự thảo lần này đưa ra lấy ý kiến Quốc hội, ông Hậu cho rằng nên quy định người tham gia đấu giá không trả giá, cố tình trả giá không hợp lệ, tức dưới giá khởi điểm, ghi phiếu sai… thì sẽ bị mất tiền cọc.
Ngoài ra theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phải hoàn thiện pháp luật chuyên ngành về tham gia đấu giá, nhất là năng lực tài chính. Cùng với đó nghiên cứu làm sao, đối với người trúng đấu giá mà bỏ cọc sẽ bị cấm tham gia đấu giá, phạt hành chính hoặc phạt vi phạm hợp đồng… Ông Hậu cho rằng, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay, để tránh những trường hợp trục lợi như vừa qua.
Ngoài vụ 4 công ty bỏ cọc đấu giá đất ở Thủ Thiêm, mới đây còn có vụ người trúng đấu giá thuê đảo ở hồ Xuân Hương hơn 15 tỷ đồng một năm xin rút lui, bỏ 600 triệu đồng đặt cọc; Hay gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ bỏ cọc đấu giá xe, biển số xe VIP với giá rất cao… nhưng rồi cũng ‘bỏ của chạy lấy người’.
Ngày 29/11/2023, Quốc hội bước sang ngày thứ hai thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản… Tại buổi họp, Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung từ tỉnh Long An cho rằng nên tăng tiền đặt cọc lên 20% đến 30% và phải nộp ngay khi có kết quả trúng đấu giá, nếu không sẽ bị loại. Tuy nhiên theo truyền thông nhà nước, một số đại biểu khác cho rằng ‘bị loại’ không hiệu quả với người muốn ‘bỏ cọc’.
Cũng trong ngày 29/11/2023, khi thảo luận về ‘Chế tài để ngăn bỏ cọc’… nhiều ý kiến cho rằng ‘phải xử phạt, phạt tù, cấm tham gia đấu giá với người trúng đấu giá từ bỏ quyền mua tài sản’… Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh thuộc đoàn Bắc Giang lại cho rằng đây là quan hệ dân sự, nên sẽ khó xử lý hình sự như phạt tù…