Các nỗ lực trợ giúp công nhân Việt Nam ở Malaysia

Vấn đề lao động xuất khẩu bị công ty môi giới lừa gạt và chủ nhân bóc lột là chuyện chúng ta từng nghe. Gần đây tổ chức người Việt ở nước ngoài đang cứu giúp nhũng công nhân Việt Nam gặp cảnh ngộ ngặt nghèo ở Malaysia.

0:00 / 0:00
VnWorkerSoutKorea-250.jpg
Do cuộc sống khó khăn ở quê nhà, nhiều người Việt Nam tìm cách ra nước ngoài làm việc với hy vọng kiếm tiền giúp đỡ gia đình. AFP PHOTO. (AFP PHOTO)

Song song với hoạt động của nhiều tổ chức người Việt ở nước ngoài đang cứu giúp nhũng công nhân Việt Nam gặp cảnh ngộ ngặt nghèo ở Malaysia, một nhóm người Việt ở Australia cũng đang cùng công đoàn lao động Malaysia chuẩn bị hành động giúp người lao động xứ ta ở bên xứ Mã.

Việt-Long phỏng vấn ông Đoàn Việt Trung, nguyên chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam Liên Bang Úc Châu, để tường trình thêm chi tiết.

Tình cảnh công nhân xuất khẩu

Việt Long: Thưa ông Đoàn Việt Trung, xin ông vui lòng cho biết hoàn cảnh của những người lao động Việt Nam ở tại Malaysia hiện nay?

Ông Đoàn Việt Trung: Ở Mã Lai hiện thời có khoảng 130.000 công nhân Việt Nam. Họ làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau, có người làm trong xưởng may quần áo, có người làm trong ngành giày dép, có người trong kỹ nghệ điện tử, có người trong kỹ nghệ xây dựng, vân vân...

Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng có thể nói là họ có hai điểm: Tất cả đều bị công ty môi giới từ Việt Nam lừa gạt, và gần như tất cả mọi người đều bị chủ công ty giữ hộ chiếu của họ.

Ông Đoàn Việt Trung

Về hoàn cảnh của họ thì mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng có thể nói là họ có hai điểm, hai mẫu số chung: (1) Tất cả đều bị công ty môi giới từ Việt Nam lừa gạt, (2) Gần như tất cả mọi người đều bị chủ công ty giữ hộ chiếu của họ.

Việt Long: Thưa, chúng tôi xin phép được hỏi là dựa vào đâu để có thể nói là họ bị lừa gạt?

Ông Đoàn Việt Trung : Thưa vâng. Tất cả những người chúng tôi đã gặp thì đều nói với chúng tôi là khi họ còn ở Việt Nam thì các công ty môi giới nói với họ là hễ mà trả vào khoảng 25 triệu đồng Việt Nam thì hãy ký vào hợp đồng này qua Mã Lai; hợp đồng này sẽ cho lương rất là cao và sẽ được làm nhiều giờ phụ trội, sẽ được bảo hiểm sức khoẻ, vân vân và vân vân.

Thế nhưng khi đến Mã Lai thì lập tức tất cả mọi người đều bị chủ cho biết là họ chưa từng thấy cái hợp đồng này, có nghĩa là cái hợp đồng này là hợp đồng vô giá trị, hợp đồng giả do các công ty môi giới ở Việt Nam làm ra.

Và công ty môi giới này sau một thời gian thì họ dẹp tiệm và đổi tên qua một tên khác rồi xin giấy phép khác của nhà nước, và họ lại tiếp tục làm công việc đó.

Bị khống chế, hăm dọa

Việt Long: Thưa, đó là điểm thứ nhất về vấn đề hợp đồng giả mà ông cho là họ bị lừa gạt, thế còn điểm thứ hai là gì?

Ông Đoàn Việt Trung : Còn về chuyện hộ chiếu (passport) đó thì hầu như tất cả mọi người mà chúng tôi gặp thì hộ chiếu của họ đều bị công ty môi giới, khi vừa mới đến phi trường, công ty môi giới cầm đi để làm thủ tục nhập cảnh rồi sau đó trao lại hết cho chủ.

WorkerMalaysia-250.jpg
Công nhân nước ngoài trong giờ ăn trưa tại Malaysia. AFP PHOTO. (AFP PHOTO)

Việc trao passport cho chủ có ý nghĩa rất là trầm trọng: thứ nhất là khi bị giữ passport thì mình có bóc lột đến đâu chăng nữa cũng khó chạy đi chỗ khác được, tại vì không có passport thì phải trụ lại đó cho đến hết 3 năm theo hợp đồng.

Còn nếu qua công ty khác kiếm việc thì sẽ hoặc người ta không cho nhận việc hoặc nếu người ta nhận thì mình phải làm lậu tại vì không có giấy tờ. Muốn về Việt Nam thì cũng không được, đi ra ngoài đường mà nếu bị cảnh sát xét giấy tờ thì bị bắt như hàng chục người đã bị bắt như vậy.

Và theo tôi nghĩ thì những công ty môi giới khi họ tịch thu passport của công nhân rồi giao lại cho chủ thì không những họ giúp cho chủ nhân có cơ hội bóc lột công nhân mà cũng là để giúp cho chính họ nữa, bởi vì nếu công nhân bị giữ ở Mã Lai và không quay trở lại Việt Nam được ngay thì các công ty môi giới còn có cơ hội tiếp tục làm ăn, tiếp tục lừa gạt thêm nhiều người khác.

Chúng tôi khi mà biết đến tình trạng người Việt mình bị đưa qua bên Mã Lai theo cách lừa gạt như vậy đó thì thấy rất là đau lòng cho họ và cảm thấy là người Việt với nhau cần phải giúp đỡ bằng cách nào mà chúng tôi có thể làm được.

Ông Đoàn Việt Trung

Việt Long: Thưa ông, việc giao hộ chiếu cho chủ nhân như vậy thì có phù hợp với luật pháp của Malaysia không?

Ông Đoàn Việt Trung : Thưa, qua bên đó chúng tôi có nói chuyện với luật sư về lao động ở Mã Lai cũng như Tổng Công Đoàn Mã Lai thì cả hai bên, tất cả mọi người đều xác nhận với chúng tôi rằng luật không cho phép chủ có quyền giữ hộ chiếu của công nhân, họ chỉ có quyền giữ nếu chính công nhân yêu cầu giữ giùm và một khi công nhân đòi trả lại thì bắt buộc phải trả lại. Cố tình giữ passport, đi ngược lại ý muốn của công nhân, đó là một việc làm bất hợp pháp.

Ủy ban bảo bệ người lao động VN

Việt Long : Thưa ông Đoàn Việt Trung, ông có những hoạt động để bênh vực cho người công nhân Việt Nam ở tại Malaysia với tư cách gì?

Ông Đoàn Việt Trung : Tôi là một thành viên trong Uỷ Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam.

Việt Long: Và ông là một công dân Australia gốc Việt thì vì sao từ xứ Úc ông lại quan tâm và có những hoạt động để bảo vệ công nhân Việt Nam ở Malaysia?

Ông Đoàn Việt Trung : Thưa vâng. Chúng tôi khi mà biết đến tình trạng người Việt mình bị đưa qua bên Mã Lai theo cách lừa gạt như vậy đó thì thấy rất là đau lòng cho họ và cảm thấy là người Việt với nhau cần phải giúp đỡ bằng cách nào mà chúng tôi có thể làm được.

Chúng tôi chú trọng vào Mã Lai tại vì Mã Lai có con số công nhân khá đông. Và đối với tôi, tôi sống ở Úc, thì từ Úc qua Mã Lai tương đối cũng gần.

Việt Long: Trong thời gian tới ông dự định có những hoạt động như thế nào để thực hiện mục đích giúp đỡ người lao động Việt Nam tại Malaysia?

Ông Đoàn Việt Trung : Dạ thưa, việc làm thì có nhiều nhưng mà hiện thời chúng tôi đang chú tâm vào một việc là giải quyết vấn đề hộ chiếu, bởi vì nếu có thể giúp cho người lao động hiểu là họ có quyền đòi lại hộ chiếu và giúp cho họ có sức mạnh để lấy lại hộ chiếu của họ thì từ đó chủ khó mà có thể bóc lột được.

Khi bị bóc lột thì người lao động với hộ chiếu trong tay thì họ có thể dễ dàng đi qua công ty khác xin việc. Do đó việc này sẽ tạo một áp lực khiến cho chủ khó mà có thể bóc lột họ được.

Làm sao để giúp cho người lao động lấy lại được passport thì chúng tôi có bàn thảo với Tổng Công Đoàn Lao Động Mã Lai thì họ và chúng tôi có một dự án là sẽ cùng với nhau giúp cho một nhóm công nhân đòi chủ phải trả lại passport, mà nếu công ty chủ đó không trả lại hộ chiếu thì chúng tôi sẽ giúp nhóm công nhân này đưa ra toà án Mã Lai, và dùng việc này như một tiền lệ.

Chúng tôi tin chắc chắn một trăm phần trăm là ra toà thì sẽ thắng, bởi vì đã từng có tiền lệ về những công nhân thuộc các nước khác. Chúng tôi muốn tạo ra tiền lệ liên hệ đến công nhân Việt Nam để từ đó tạo nên lòng tự tin cho công nhân Việt Nam để họ biết là người Việt khác cũng được thì chính họ cũng có thể đòi lại passport của họ được.

Việt Long: Thưa ông, những công việc của Uỷ Ban Bảo Vệ Người Lao Động mà ông là một thành viên có được một tổ chức chính trị hay xã hội nào bảo trợ về mặt pháp lý hay là tài trợ về tài chính không?

Ông Đoàn Việt Trung : Dạ thưa không. Chúng tôi hoàn toàn không được tổ chức nào hay là cơ quan nào tài trợ cả. Quỹ hoạt động của chúng tôi là từ cộng đồng Việt Nam hải ngoại mà ra qua những chương trình gây quỹ trong vài năm qua của chúng tôi thì lấy tiền đó để hoạt động.

Ngoài ra chúng tôi đã đi khá nhiều chuyến qua Mã Lai và có thể nói tới chừng hơn phân nửa số chuyến bay đó là anh em chúng tôi tự bỏ tiền túi ra, chỉ có một số chuyến bay là lấy từ quỹ mà ra thôi.

Việt Long: Xin cảm ơn ông Đoàn Việt Trung thuộc Uỷ Ban Bảo Vệ Người Lao Động tại Australia.