Giáo viên hợp đồng tắt lửa nghề vì “biên chế”...

RFA
2019.09.13
000_Hkg421326.jpg Học sinh trong tiết học tại một trường tiểu học ở Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây.
AFP PHOTO

Hôm 13 tháng 9 năm 2019, truyền thông trong nước đồng loạt đăng tải thông báo mới nhất của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội về Nghị định 161 của chính phủ, theo đó, không có ai trong số gần 3.000 giáo viên hợp đồng lâu năm tại Hà Nội có đủ điều kiện để xét đặc cách vào biên chế.

Chính sách “ép” giáo viên

Điều này đi trái lại lời hứa của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi trong phiên chất vấn của Hội đồng Nhân dân Hà Nội, ông Chung cho biết sẽ xét đặc cách cho tất cả giáo viên hợp đồng nếu đạt ba điều kiện là giáo viên có hợp đồng và có đóng bảo hiểm ít nhất 5 năm trở lại đây; có kiểm tra đảm bảo sức khỏe, có năng lực, trình độ phù hợp với vị trí việc làm.

Trong khi đó, kết luận không xét đặc cách các giáo viên hợp đồng được cho là chiếu theo Khoản 7 Điều 2 Nghị định 161/2018, rằng “Người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập”.

Với kết luận này, nhiều giáo viên từng có thời gian giảng dạy từ 5 năm đến 20 năm, vẫn sẽ phải trải qua kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục bằng hai hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển mà không có bất kỳ ưu tiên gì.

Muốn vô biên chế phải có tiền mới vào được, không thì mãi thế thôi. Khi có cơ hội sẽ bị họ đào thải, như em đây bảo tinh giảm thế là cho nghỉ việc luôn, mặc dù đã là hợp đồng của huyện, nghỉ mà còn không có 1 công văn nghỉ việc nào cả.
-Cô Vân Đỗ

Một giáo viên hợp đồng tại Hà Nội không muốn nêu tên cho biết, cô rất lo lắng vì sau khi đã dạy học mấy chục năm, gần đến tuổi hưu mà bây giờ phải đi thi công chức:

“Tuổi tôi bây giờ là độ tuổi sắp đến tuổi về hưu rồi… bây giờ mà thi công chức… mà không đỗ… chúng tôi có thể bị rút hợp đồng.”

Không chỉ Hà Nội, trước đây, giáo viên hợp đồng tại nhiều địa phương khác cũng phải chịu nhiều bất công, như vụ 376 giáo viên tại Thanh Hóa bất ngờ bị chấm dứt hợp đồng; 200 giáo viên ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh phải làm đơn kêu cứu vì cơ quan chức năng địa phương đe dọa chấm dứt hợp đồng, hay vụ 550 giáo viên ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk bị Ủy Ban Nhân Dân huyện Krông Pắk ra quyết định chấm dứt hợp đồng.

Hay như vụ việc xảy ra vào cuối năm 2018 tại tỉnh Hải Dương khi có đến 4.000 giáo viên hợp đồng có nguy cơ mất việc do chủ trương của tỉnh về tinh giảm biên chế. Mặc dù sau đó, hơn 1.200 giáo viên có việc làm trở lại, tuy nhiên cũng có nhiều giáo viên từng đạt các danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh bị mất việc.

Cô Vân Đỗ, một giáo viên hợp đồng ở Hải Dương, khi trao đổi với RFA hôm 13/9 qua tin nhắn cho biết về trường hợp bị cho nghỉ việc một cách vô cớ của mình sau khi đã dạy học được 8 năm:

“Em vào nghề từ năm 2011, Em nghĩ đặc cách cho giáo viên là đúng, vì giáo viên hợp đồng rất vất vả. Như bọn em cống hiến rất nhiều và tâm huyết, nhưng đổi lại nhiều chế độ không được hưởng, không được tăng lương và nâng bậc, như trường em còn không được xét chiến sĩ thi đua dù có thành tích cao, hè không được hưởng lương. Muốn vô biên chế phải có tiền mới vào được, không thì mãi thế thôi. Khi có cơ hội sẽ bị họ đào thải, như em đây bảo tinh giảm thế là cho nghỉ việc luôn, mặc dù đã là hợp đồng của huyện, nghỉ mà còn không có 1 công văn nghỉ việc nào cả.

Thậm chí Cô Vân Đỗ còn cho biết, Hiệu trưởng trường Cô còn đánh sẵn 1 văn bản là đơn xin nghỉ việc và yêu cầu cô ký. Nếu không ký thì cô sẽ không có giấy tờ gì đi làm bảo hiểm thất nghiệp. Cô nói tiếp:

“Nghĩ lại rất chán, em đã cống hiến 8 năm trời. Giáo viên hợp đồng có thể thi vô biên chế nếu có đợt, nhưng chỉ là hình thức, nếu có tiền nhiều sẽ vô được. Không tiền, nộp hồ sơ vẫn thi bình thường, nhưng không đỗ, vì họ mua giám khảo hết rồi.”

Tắt lửa nghề

Một lớp học tại một trường tiểu học ở TPHCM, ảnh minh họa.
Một lớp học tại một trường tiểu học ở TPHCM, ảnh minh họa.
RFA

Theo Thầy Đỗ Việt Khoa, hiện đang giảng dạy cấp Trung học Phổ thông tại Hà Nội, đây là một bất cập rất lớn, chính phủ đã không chuẩn bị các phương án cho các giáo viên hợp đồng, bây giờ không có một ưu tiên gì là rất thiệt thòi cho giáo viên hợp đồng. Thầy Khoa cho biết, thực tế không riêng Hà Nội mà trên cả nước, có rất nhiều thầy cô giáo đã có hợp đồng 10 năm, 20 năm, thậm chí 24 năm như ở Thanh Oai, Hà Nội, vẫn không vào được biên chế.

Nhiều năm qua, các quan chức ngành giáo dục đã lợi dụng việc phân bổ giáo viên không hợp lý, thừa thiếu cục bộ ở các địa phương, đã phóng đại tình trạng thiếu giáo viên để tuyển ào ạt các giáo viên hợp đồng do đó mới ra cớ sự như hôm nay. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa đặt dấu hỏi không biết các cấp lãnh đạo giáo dục thực sự muốn nhắm tới điều gì khi làm như vậy?

Để tìm hiểu thêm, hôm 13/9, RFA trao đổi với Cô Huỳnh Thị Xuân Mai, một giáo viên trung học có nhiều năm kinh nghiệm, bị ép nghỉ việc vì lên tiếng cho sự thật, cho biết:

“Giáo viên sau này ra trường toàn dạy hợp đồng, không có được vô biên chế, các em nói với Chị là muốn vô hợp đồng là phải nộp 50 triệu, cái này mình chỉ nghe các nạn nhân nói lại chứ không có bằng chứng. Chị nghĩ, chuyện giáo viên hợp đồng là nạn nhân của tiêu cực, chắc chắn là có, tại vì hồi mình đi dạy, giáo viên trong biên chế đàng hoàng mà hiệu trưởng còn tiêu cực, nói chi giáo viên hợp đồng.”

Chị nghĩ, chuyện giáo viên hợp đồng là nạn nhân của tiêu cực, chắc chắn là có, tại vì hồi mình đi dạy, giáo viên trong biên chế đàng hoàng mà hiệu trưởng còn tiêu cực, nói chi giáo viên hợp đồng.
-Cô Huỳnh Thị Xuân Mai

Theo Cô giáo Huỳnh Thị Xuân Mai, giáo viên hợp đồng như cá nằm trên thớt, hiệu trưởng muốn giết lúc nào cũng được.

Cô Dung, một giáo viên hợp đồng dạy cấp Mầm Non cho RFA biết hôm 13/9, về những khó khăn của giáo viên hợp đồng

“Nói chung, giáo viên hợp đồng có niềm lo vì mỗi năm nếu có giáo viên biên chế về thì hợp đồng của mình có thể bị cắt. Ở trường em đa số cô nào cũng hợp đồng. Dạy một thời gian mới nộp đơn vô, chứ ít ai mới ra trường mà được vô lắm. Ở trường, giáo viên hợp đồng thì lúc nào cũng phải sau giáo viên biên chế rồi như trong các thi đua hay sự kiện gì của trường. Cô Hiệu trưởng có nói nếu Phòng giáo dục mà đưa về đủ giáo viên thi bắt buộc phải cắt giáo viên hợp đồng.”

Thầy Đỗ Việt Khoa cho biết, việc thi vào biên chế chỉ xuất hiện khoảng hơn mười năm nay, trước đây chỉ có xét vào biên chế. Theo Thầy Khoa việc bắt thi vào biên chế là hết sức bất cập, nó không thể hiện được năng lực người giáo viên, nó cũng chẳng chọn được người tài. Thầy nói tiếp:

“Nhưng nó có một tác dụng rất lớn là nó vẽ ra được một kỳ thi và giáo viên phải chạy tiền. Có nhiều người tôi biết muốn vào biên chế phải chạy từ 200 đến 300 triệu đồng.”

Nhà giáo, tuy được xã hội trọng vọng vì là người truyền cho chữ cho thế hệ mai sau nhưng khi đứng trước khó khăn, họ không có đủ sức mạnh tập thể để nói lên tiếng nói của mình, đặc biệt trong hoàn cảnh này, ngay cả muốn lên tiếng để bênh vực cho hàng ngàn giáo viên đứng trước nguy cơ mất việc do chính sách của nhà nước về biên chế, xem chừng cũng khó khăn... Vậy thì làm sao họ dám nghĩ đến việc khác, hệ trọng hơn đó là góp ý kiến giúp Chính phủ thay đổi chính sách giáo dục quốc gia, chấn hưng nền giáo dục nước nhà!

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.