Bài học xương máu về thủy điện
2016.10.14
Sự cố vỡ đường ống dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 hồi tháng Chín khiến người dân hoang mang trong lúc Bộ Công Thương cho tiến hành điều tra còn lãnh đạo Quảng Nam thì nhìn nhận đây là bài học xương máu.
Tại buổi họp hôm 10 tháng Mười vừa qua, liên quan đến việc vận hành liên hồ chứa nước trong mùa lũ của các nhà máy thủy điện trên lưu vực Vu Gia-Thu Bồn, phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam là ông Lê Trí Thanh nói rằng sự cố sông Bung 2 là một bài học xương máu.
Phó giáo sư tiến sĩ Cao Đình Triều, viện trưởng Viện Địa Vật Lý Ứng Dụng thuộc Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam, nhận định:
Bài học xương máu về cái gì ? Thực ra mà nói đường ống đấy bị vỡ là vấn đề khi xả lũ là anh làm chưa đúng qui trình. Khi ngăn đập thì thường người ta xây dựng các công trình đường ống xả lũ và đường ống dẫn dòng phải hoàn thành tốt trước mùa mưa. Ở miền Trung mình phải tích nước vào mùa mưa vì các mùa khác không có nước. Cho nên phải xây dựng đường ống thật hoàn chỉnh rồi phải đảm bảo kiểm tra tất tật về mặt công trình rồi thì khi ấy mới có quyền tích nước.
Tôi nghĩ phát biểu của ông đấy chắc chỉ liên quan đến vấn đề là đập thủy điện đó tích nước không đúng. Khi đắp đập bao giờ cũng phải có những kênh thoát nước nhưng mà cuối cùng, khi mùa mưa rồi, thì công trình của anh chưa hoàn chỉnh, anh phải vội vã, cái đấy mình cho là cái sai lầm nhất.
Bài học quan trọng thứ hai, vẫn lời phó giáo sư tiến sĩ Cao Đình Triều, là nghiên cứu điều tích nước trong vấn đề xả lũ và tháo nước:
Trong hệ thống bậc thang thì tháo lũ phải có qui trình, bậc trên tháo lũ như thế nào để thả xuống bậc dưới và bậc dưới nữa. Vấn đề giám sát đấy là phải chú trọng thường xuyên luôn. Phải có nghiên cứu và điều tiết để không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, không ảnh hưởng đến ngập, lụt. Một qui trình chặc chẽ thì bao giờ cũng đảm bảo tốt và không có vấn đề gì.
Sự có thủy điện hay gặp là không dự báo tốt được mức độ mưa rơi xuống hay mức độ nước ở thượng nguồn về. Cho nên cứ khi nào mà nước quá nhiều, gặp nguy hiểm thì anh xả bừa. Nếu có khoa học là anh phải biết dự báo được nước lũ sẽ về như thế nào để không gây nguy hại mà cũng không thể ép mình xả lũ một cách đột ngột. Đấy là bài toán tương đối khó trong khoa học nhưng mà phải làm được.
Nhưng trong miền Trung thì toàn thủy điện nhỏ, dung tích chứa nước lại ít cho nên khi lũ về thường người ta phải xả gấp, đấy là nhược điểm.
- Ông Vũ Trọng Hồng
Tại buổi họp ngày 10 tháng Mười, phó chủ tịch Quảng Nam Lê Thí Tranh cũng yêu cầu các đơn vị là, từ sự cố Sông Bung 2, phải lưu ý kiểm tra các cửa van, vận hành thử máy móc cũng như các trang thiết bị như hệ thống loa, còi cảnh báo. Bên cạnh đó, phải tiến hành kiểm tra mốc cảnh báo lũ, nghiên cứu tăng dày các cột mốc và bổ sung trạm đo mưa, phối hợp lập bản đồ ngập lụt vùng hạ du vân vân...
Lưu vực Vu Gia-Thu Bồn của Quảng Nam có 42 dự án thủy điện đã phê duyệt với tổng công suất trên 1.600 MW, có 10 dự án thủy điện bậc thang mà 7 công trình đã đi vào hoạt động và 3 công trình đang được xây dựng. Ngoài ra còn có 32 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trong đó 10 công trình đã phát điện.
Giáo sư tiến sĩ Vũ Trọng Hồng, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy Lợi, từng giám sát việc thi công dự án thủy điện Trị An, giải thích thủy điện bậc thang ở Quảng Nam chủ yếu dùng để phát điện chứ không có nguồn nước để tưới cho hạ lưu, vì thế nó ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn nước ở hạ lưu. Ông nói có thể vì thế mà lãnh đạo tỉnh Quảng Nam mới phát biểu rằng đây là bài học xương máu vì chính họ đồng ý với dự án thủy điện này.
Vừa qua chuyện Sông Bung 2 không phải do thủy điện xả lũ xuống mà do lũ ở thượng nguồn đang đổ về, công trình đang giai đoạn sửa chữa cho nên cánh cửa đóng cái ống thoát nước nó bật ra, nước trôi xuống hạ lưu ngập các xóm. Cái này chính là do thi công, cửa đó là cửa nhân tạo, ống lại thi công chưa tốt cho nên nó bị vỡ.
Qui định của nhà nước là anh phải có qui trình xả lũ được duyệt và muốn xả lũ thì phải thông báo cho hạ du. Cũng có những trường hợp lũ đến gấp quá, để bảo vệ đập thì họ cứ thế họ xả không kịp báo, chứng tỏ khi làm thủy điện bậc thang thì phải quan tâm tại vì lũ ở bậc trên xả xuống đập dưới thường người ta phải rất cẩn trọng, cách nhau bao nhiêu cây số thì mới có bậc thang, để khi lũ trên kia xả và báo thì phía dưới này đỡ được.
Nhược điểm ở Quảng Nam
Vấn đề ở Quảng Nam là các bậc thang thủy điện gần nhau quá, độ dốc của sông quá cao, lũ lại mạnh nên không thể báo kịp:
Đấy là cái họ rút ra bài học, việc họ đồng ý phê duyệt mà không biết rằng khi lũ xả như vậy có thể gây nguy hiểm cho hạ du. Đấy là cái ý mà Quảng Nam muốn nói thôi chứ thật ra cũng chưa có trường hợp xả lũ lớn nào mà chết người.
Tại buổi họp, phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du của đập thủy điện bậc thang đối với 12 hồ chứa, mà Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn đã kiểm tra, thẩm định trước khi chuyển qua Ủy Ban Nhân Dân tỉnh, được cho là bảo đảm an toàn.
Ngoài ra, việc vận hành giữa các hồ chứa, việc phối hợp giữa các đơn vị quản lý công trình thủy điện, hệ thống camera theo dõi mực nước xả tràn cũng được đánh giá là tốt.
Việt Nam có hai hệ thống thủy điện bậc thang qui mô, miền Bắc là Sơn La-Hòa Bình, miền Trung là Quảng Nam. Nguyên thứ trưởng Bộ Thủy Lợi Vũ Trọng Hồng:
Việt Nam là nước thu nhập thấp, giờ mới bắt đầu thu nhập trung bình, nguồn tiền để có thể làm những loại năng lượng điện khác như nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió là chưa đủ. Nguồn thủy điện rẻ nhất đồng thời là nguồn thủy điện sạch cho nên Việt Nam buộc phải phát triển.
Vì muốn có nguồn năng lượng nhanh và rẻ cho nên gần như đồng loạt các dòng sông đều xây dựng thủy điện, chính điều này mới gặp phải những chuyện chẳng hạn như Sông Bung 2. Có thể nói với những thủy điện lớn ở miền Bắc như Hòa Bình-Sơn La thì qui trình rất chặt, xa nhau hàng mấy chục cây số, có hẳn qui trình điều tiết liên hồ chưa để báo cho nhau.
Nói thật không có cái gì mà tăng được nguồn năng lượng dễ và nhanh như thủy điện, cho nên thủy điện vẫn là cứu cánh của người Việt mình bây giờ.
- PGSTS Cao Đình Triều
Nhưng trong miền Trung thì toàn thủy điện nhỏ, dung tích chứa nước lại ít cho nên khi lũ về thường người ta phải xả gấp, đấy là nhược điểm. Đúng ra miền Trung phát triển vội như vậy thì lại vấp cái lũ về nó lớn. Thứ hai là đến mùa khô, vì thủy điện phải tích nước nên vấp phải cái là muốn chống hạn lại không có nước. Cái này hiện nay nhà nước đang rút kinh nghiệm và đang phê duyệt mốt số dự án nhỏ không cho phát triển nữa ở miền Trung.
Đối với phó giáo sư tiến sĩ Cao Đình Triều, viện trưởng Viện Địa Vật Lý Ứng Dụng, Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam, thủy điện là cứu cánh của Việt Nam:
Chúng ta cần có năng lượng để phát triển và chỉ có duy nhất thủy điện là cái Việt Nam phải tận dụng. Nói thật không có cái gì mà tăng được nguồn năng lượng dễ và nhanh như thủy điện, cho nên thủy điện vẫn là cứu cánh của người Việt mình bây giờ.
Được biết quốc hội Việt Nam từng loại bỏ khoảng 400 dự án thủy điện trên toàn quốc và hiện tại cũng đang xem xét để loại thêm nhiều dự án thủy điện nhỏ ở miền Trung.