‘Nhóm lợi ích’ và những mạng người ở Việt Nam
2019.10.04
Vụ việc nhà báo Kiều Đình Liệu bị một nhóm côn đồ hành hung vào hôm 26/9 cho đến nay vẫn chưa có một thông tin nào được cập nhật, mặc dù Công an thành phố Pleiku đã vào cuộc.
Đài RFA ghi nhận ý kiến của những người quan tâm vụ việc này, cũng như tìm hiểu thế lực nào đứng phía sau các vụ việc hành hung, thậm chí dẫn đến cái chết với giới phóng viên tại Việt Nam?
Có khuất tất trong điều tra?
Sau một tuần xảy ra vụ việc nhà báo Kiều Đình Liệu, làm việc cho Tạp chí Luật Sư bị nhóm côn đồ hành hung ở Gia Lai phải nhập viện do bị chấn thương nặng, nhà báo độc lập Ngọc Tuyên Đàm nói với RFA thông tin liên quan mà ông vừa nhận được:
“Thông tin mà tôi nhận được nói chung là sức khỏe không được ổn lắm. Bác sĩ bảo là vẫn chưa có tiến triển gì tốt hơn mà vẫn lơ mơ trong trạng thái chưa nói chuyện được. Và, có rất nhiều người lạ mặt vẫn cứ cố gắng tiếp cận những người thân quen của anh Liệu.”
Truyền thông trong nước vào ngày 26 tháng 9, dẫn nguồn từ Công an phường Trà Bá, thành phố Pleiku cho biết cơ quan này đang tiến hành điều tra vụ nhà báo Kiều Định Liệu bị nhóm 3 thanh niên đi xe bán tải xông vào đánh tới tấp vào chiều cùng ngày, tại quán cà phê HD, trên đường Trường Chinh, phường Trà Bá.
...Rõ ràng câu chuyện đằng sau đó có một sự khuất tất mà đặc biệt trong vấn đề phá rừng ở các tỉnh Tây Nguyên, như ở Gia Lai có diện tích rừng mấy chục ngàn héc-ta bị mất hết chỉ trong vòng mấy năm gần đây. Chắc chắn đằng sau đó là cả một nhóm lợi ích
-Nhà báo Ngọc Tuyên Đàm
Theo tin tức truyền thông quốc nội loan đi, nhà báo Kiều Đình Liệu trước khi bị đánh, đang điều tra, xác minh thông tin một vụ tranh chấp đất đai ở huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Trên đường tác nghiệp về, ông phát hiện hai xe ô tô chở gỗ hộp lớn đi ngược chiều và đã gọi điện cho Hạt trưởng cùng Hạt phó Hạt kiểm lâm Đức Cơ để thông báo sự vụ, sau đó không lâu thì vụ hành hung xảy ra.
Nhà báo độc lập Ngọc Tuyên Đàm vào tối ngày 3 tháng 10 chia sẻ với RFA rằng ông rất lấy làm buồn vì vụ việc đã trôi qua một tuần nhưng báo giới không tiếp tục cập nhật thêm bất cứ thông tin nào về tiến trình điều tra, cũng như Hội Nhà báo Việt Nam không hề lên tiếng thúc giục cơ quan chức năng cần nhanh chóng làm sáng tỏ vụ việc nhà báo Kiều Đình Liệu bị hành hung dã man; đồng thời yêu cầu Công an Pleiku điều tra nguyên nhân vụ hành hung nhà báo Kiều Đình Liệu. Nhà báo Ngọc Tuyên Đàm bày tỏ bức xúc:
“Vụ việc xảy ra đã một tuần lễ rồi mà với nghiệp vụ bên công an để điều tra thì tôi nghĩ rằng việc này không khó khăn. Vì anh ấy uống cà phê trên một con đường trong thành phố lớn thì chắc chắn con đường đó sẽ có nhiều gia đình có gắn camera và trích xuất các camera đó thì sẽ ra ngày thôi. Vì đã có thông tin rất rõ là (những người hành hung) đi trên một chiếc xe bán tải màu bạc và 3 người trên xe đó xuống chỉ nhắm vào anh Kiều Đình Liệu. Như thế thì rõ ràng câu chuyện đằng sau đó có một sự khuất tất mà đặc biệt trong vấn đề phá rừng ở các tỉnh Tây Nguyên, như ở Gia Lai có diện tích rừng mấy chục ngàn héc-ta bị mất hết chỉ trong vòng mấy năm gần đây. Chắc chắn đằng sau đó là cả một nhóm lợi ích.”
‘Nhóm lợi ích’ khống chế truyền thông?
Trong khi dư luận đang trông đợi kết quả điều tra vụ nhà báo Kiều Đình Liệu, Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận trong tháng 8 vừa qua, một nhà báo của Tạp chí Dạy và học Ngày nay là nhà báo Nguyễn Vũ Tôn Phúc (bút danh Tôn Phúc), bị phát hiện chết, khi thi thể của ông được phát hiện trôi dạt gần khu vực bến phà Cát Lái, ở quận 2, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).
Với cái chết của nhà báo Tôn Phúc, báo giới dẫn lời của lực lượng chức năng cho biết kết quả ban đầu chưa phát hiện dấu vết của tác động ngoại lực trên thỉ thể và Công an Quận 2 đang tiếp tục điều tra. Hơn một tháng trôi qua, thông tin kết quả điều tra nguyên nhân cái chết của nhà báo Nguyễn Vũ Tôn Phúc vẫn chưa được công bố.
Không những vậy, còn một trường hợp mà không ít người trong giới báo chí lẫn dư luận đặc biệt quan tâm là vụ việc nhà báo Đặng Thị Tuyền (bút danh Hải Đường), công tác tại Báo Pháo luật TP.HCM tử vong và xác được tìm thấy trên sông Hồng, ở Hà Nội hồi trung tuần tháng 6 năm 2018.
Sự ra đi của nữ nhà báo Hải Đường khi mới 35 tuổi, để lại đứa con thơ 6 tuổi đã gây phẫn nộ trong công luận qua một số thông tin từ gia đình và đồng nghiệp. Nhà báo Cẩm Tú, được báo giới dẫn lời cho biết trước khi chết, nhà báo Hải Đường đã chia sẻ rằng cô đang nắm giữ nhiều bằng chứng tiêu cực tại một số công ty lớn ở phía Bắc và đã đăng một phần nhỏ trên báo, nhưng cô rất lo lắng loạt bài phóng sự của mình sẽ không được đăng. Trong khi đó, gia đình của nhà báo Hải Đường nói với truyền thông rằng sau 10 ngày cơ quan pháp y khám nghiệm tử thi, gia đình vẫn không nhận được kết quả gì, riêng phía công an thì lại trả lời là bên pháp y chưa gửi kết quả sang.
Nhà báo độc lập Đỗ Cao Cường, là một nhà báo từng bị dọa giết do đưa tin không qua kiểm duyệt về các vấn đề ô nhiễm môi trường, cho biết tình trạng nhà báo bị hành hung, bị đe dọa, bị giết hại ở Việt Nam là một tình trạng có thể nói nôm na là “một mình chống mafia”. Nhà báo Đỗ Cao Cường lý giải:
“Mình đang đấu tranh với sự thật thì mình có thể chống lại với tất cả, bao gồm cả nơi làm việc, cả doanh nghiệp, cả đồng nghiệp cho tới tất cả các mối quan hệ nữa. Để đi đến sự thật và bảo vệ những người yếu thế thì đôi khi mình chống lại tất cả đấy.
Đơn cử trường hợp con bé phóng viên bị chết ở Sông Hồng. Chính doanh nghiệp và công quyền làm việc đấy. Doanh nghiệp đút tiền cho chính quyền, và chính quyền sẽ làm lơ đi. Thông tin từ những lời truyền bằng miệng chứ không phải từ trên báo. Chúng nó làm rất chặt chẽ. Không lệch đi đâu một tí nào cả
-Thanh niên ẩn danh
Ông Cường cho rằng có rất nhiều điều phức tạp tại mỗi tòa soạn. Nhiều khi tòa soạn nói rằng sẽ bảo vệ phóng viên đến cùng nhưng khi phóng viên càng đi sâu vào tác nghiệp, càng phát hiện ra nhiều chuyện liên quan đến lợi ích, quyền lợi thì tòa soạn lại bỏ mặt và từ người bảo vệ trở thành kẻ thù của mình. Thậm chí người làm báo tử tế nhiều lúc bắt buộc phải chống lại nơi làm việc của họ.
Nhà báo Đỗ Cao Cường cũng nhấn mạnh các phóng viên tại Việt Nam hành nghề một cách chân chính, rất dễ bị trở thành nạn nhân của một “ê-kíp” kết hợp chặt chẽ từ cơ quan báo chí cho đến doanh nghiệp và chính quyền. Nhà báo Đỗ Cao Cường còn nhấn mạnh rằng để mô tả về một nhà báo làm việc với một đạo đức nghề nghiệp ở Việt Nam thì:
“Như tôi nói một câu là ‘Khi một người Hongkong đứng lên thì họ được cả triệu người che chắn. Nhưng khi một người Việt Nam đứng lên thì đôi khi một mình họ chống lại cả thế giới này’.”
Không được luật pháp bảo vệ?
Trả lời câu hỏi của chúng tôi liên quan đến khía cạnh luật pháp theo các quy định trong Luật Báo chí về nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp, thì liệu rằng có những trường hợp rủi ro xảy ra do lỗi của cánh nhà báo hay không. Chẳng hạn như khi tác nghiệp không đeo logo của cơ quan như trường hợp 3 nhà báo của Đài Phát thanh-Truyền hình Long An bị hành hung hồi tháng 12 năm 2017 khi đang làm phóng sự tại khu vực Nhà máy xử lý rác thải Tâm Sinh Nghĩa ở Thanh Hóa đã không bị khởi tố vụ án, và Đài RFA được một số nhà báo ở trong nước trả lời rằng trên thực tế thì các sự việc diễn ra rất đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều. Nhà báo Đỗ Cao Cường còn chỉ ra một số vụ việc nhà báo bị hành hung dù được đưa ra khởi tố và xét xử, thì cũng chỉ là:
“Đối tượng bị khởi tố chỉ là đối tượng tay sai, những đối tượng cấp thấp. Còn như đi đến cùng những kẻ đứng đầu trong một hệ thống mà ở tầm những nhóm lợi ích lớn thì chưa thấy, chưa phát hiện ra kẻ nào đứng đằng sau cả.”
Chúng tôi còn được một thanh niên trong giới xã hội đã hoàn lương khẳng định rằng ‘nhóm lợi ích’ kết hợp với giới xã hội trong các vụ nhà báo bị hành hung và sát hại thậm chí ngày càng gia tăng. Người thanh niên ẩn danh đưa ra dẫn chứng mà bản thân anh biết được tin:
“Đơn cử với quý đài trường hợp con bé phóng viên bị chết ở Sông Hồng. Chính doanh nghiệp và công quyền làm việc đấy. Doanh nghiệp đút tiền cho chính quyền, và chính quyền sẽ làm lơ đi. Thông tin từ những lời truyền bằng miệng chứ không phải từ trên báo. Chúng nó làm rất chặt chẽ. Không lệch đi đâu một tí nào cả. Chỉ trong cái giới ‘ngoài lề’ (giới xã hội) thì người ta biết. Chứ trong lề thì người ta chỉ nghe các bản tin báo đài của VTV thôi, rằng cho đến khi điều tra ra cái xác chết nổi trên sông Hồng của người phụ nữ được xác định chết là do ngạt nước, chứ không bị chết do bởi cái gì tác động vào cả. Đấy là xác định của cơ quan công quyền và bọn kia thoát án giết người; không cần phải điều tra.”
Người thanh niên này quả quyết với RFA rằng xu hướng ‘nhóm lợi ích’ bắt tay với chính quyền thuê mướn giới xã hội để làm những điều “trong bóng tối” không chỉ đối với phóng viên mà cả người dân càng tăng lên, đặc biệt liên quan lãnh vực đất đai vì dân chúng càng bức xúc và càng phản kháng, chống đối một cách quyết liệt thì phía chính quyền cũng sẽ đối phó bằng mọi cách mà người thanh niên này nhấn mạnh là “nguy hiểm và khốn nạn hơn”.
Xã hội này đã là như vậy rồi. Phải chấp nhận thôi. Nếu muốn làm người tốt trong xã hội này thì ta hay nói câu là ‘ở hiền gặp lành’, nhưng thực ra trong xã hội này không phải. Trong xã hội này mà càng tử tế, càng hiền lành thì càng dễ chết, thậm chí là bi kịch như bị tai nạn, bị giết, bị trả thù, gia đình người thân bị đe dọa…
Nhà báo Đỗ Cao Cường
Người thanh niên trong giới xã hội đã hoàn lương còn kể lại trường hợp của một người bạn là cư dân ở Hải Phòng, đã bị doanh nghiệp và chính quyền thuê mướn giới xã hội đến lấy mảnh đất:
“Nhưng anh ấy chơi với xã hội nhiều thì chúng không dùng xã hội được. Xã hội đến thì anh ấy chỉ thẳng tay vào mặt và đuổi đi và bọn đó phải đi. Thế là công an bắt đầu ép. Cuối cùng muốn chiếm miếng đất của anh ấy nên công an đã khép anh ấy vào tội ‘gây rối chính quyền’, dùng pháp luật để đưa anh ấy vào khung tội vô tù. Và miếng đất đấy thì bọn bên ngoài trưng dụng, làm đủ mọi cách để hợp thức hóa giấy tờ về tay chúng nó để bán. Chị nhà báo RFA hiểu chưa?”
Trở lại vụ việc nhà báo Kiều Đình Liệu bị hành hung đến xuất huyết não hôm 26 tháng 9, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 2 tháng 10 ra thông cáo báo chí thúc giục giới chức Việt Nam phải tìm và trừng phạt những kẻ đã hành hung nhà báo Kiều Đình Liệu. Ông Daniel Bastard, đại diện khu vực Châu Á Thái Bình Dương của RSF còn lên tiếng rằng “Việc điều tra tham nhũng và chuyện chở gỗ lậu của nhà báo Kiều Đình Liệu đã hành động vì lợi ích của cộng đồng và việc ông bị đánh đập gây ngạc nhiên nhiều hơn nữa, bởi vì các nhà báo Việt Nam phải thường xuyên tuân thủ các yêu cầu về tuyên truyền của nhà nước”.
Còn đối với giới làm báo ở Việt Nam, không ít nhà báo lại cho rằng “Đấy là chuyện cũng rất bình thường”, như nhà báo Đỗ Cao Cường chia sẻ:
“Xã hội này đã là như vậy rồi. Phải chấp nhận thôi. Nếu muốn làm người tốt trong xã hội này thì ta hay nói câu là ‘ở hiền gặp lành’, nhưng thực ra trong xã hội này không phải. Trong xã hội này mà càng tử tế, càng hiền lành thì càng dễ chết, thậm chí là bi kịch như bị tai nạn, bị giết, bị trả thù, gia đình người thân bị đe dọa…”