Liên kết "6 nhà" có là giải pháp cho nông nghiệp Việt Nam?

RFA
2019.12.04
lien-ket-6-nha-nong-nghiep Ảnh minh họa.
RFA

Bất nhất về liên kết các ‘nhà’!

Lâu nay kế hoạch liên kết 4 nhà "Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp" từng được nói đến rất nhiều tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế đến nay sự phối hợp giữa "4 nhà" vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Nay ‘hai nhà’ nữa được thêm vào làm dấy lên nghi ngại liệu có đạt được mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững như mong muốn hay trái lại khiến tình hình phức tạp thêm.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn thuộc Đại học Cần Thơ trao đổi với RFA trình bày thực tế liên kết trong nông nghiệp hiện nay ở Việt Nam:

“Hiện nay liên kết đó không được như mình mong muốn vì sự chặt chẽ trong liên kết không được rõ ràng. Ví dụ người Nông dân hay DN có cam kết về nông sản, nông dân trồng ra doanh nghiệp cam kết họ sẽ mua nhưng đôi khí giá thị trường và thực tế nó không giống nhau nên cam kết đó lỏng lẻo không chặt chẽ ràng buộc nên đôi khi bị bể trong mấy chuyện đó. Hay những yêu cầu của nông dân mà các nhà khoa học không đáp ứng hoặc chính quyền không hỗ trợ, chính quyền với doanh nghiệp hay doanh nghiệp với nhà khoa học không gặp nhau được thì nó bị trở ngại nên giờ mới nghĩ đến chuyện một cơ chế tài chính để bảo đảm cho chuyện đó thì trung gian là nhà băng, mà nhà băng cũng khó vì họ kinh doanh trên tiền mà phải có gì bảo đảm để họ bỏ tiền cho nông dân sản xuất, nhà khoa học nghiên cứu, doanh nghiệp để họ đầu tư thì đều này không được chắc chắn vì họ bỏ tiền phải có thế chấp cho an toàn đồng tiền của họ nếu không sẽ gặp nhiều rủi ro nên điều này rất là khó.”

Tiến sĩ Tuấn cho biết vì những lý do đó ông sẽ tham dự buổi gặp Thủ tướng vì muốn lắng nghe cách tháo gỡ những vướng mắc mà ông vừa nêu được bàn như thế nào.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp và từng làm hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, cũng có nhận định về liên kết trong nông nghiệp lâu nay tại Việt Nam:

“Thật sự trong xã hội mình chỉ có 3 nhà mà thôi, đại bộ phận dân chúng là người lao động sản xuất ra hàng hóa thì phải sinh ra doanh nghiệp để đi bán nên muốn 2 nhà liên kết nhịp nhàng thì phải có nhà thứ 3 là nhà nước phải có chính sách khuyến khích để 2 nhà kia làm tốt. Rồi sau đó không được mới thêm nhà khoa học vô mới ra được nhà thứ 4, thấy cũng tạm đủ rồi lại thêm nhà băng nên thành ra càng kéo vô càng lủng củng nhưng mình khuyến khích dù mấy nhà đi nữa thì làm theo chuỗi giá trị chứ giờ mạnh ai nấy làm sao được.”

Còn Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển- Nông thôn thì cho rằng việc liên kết là điều thật sự cần thiết cho sản xuất nông nghiệp Việt nam.

“Trước kia chúng ta liên kết Nông dân và Doanh nghiệp sau đó tăng lên 4 nhà và thông thường các liên kết này là ngắn hạn một chiều theo hình thức hợp đồng như DN mua nông sản của nông dân rồi cung cấp lại vật tư có thể ứng trước hay vay vốn. Thì những liên kết này cũng thành công vì không thì VN không thể phát triển sản xuất như trong thời gian vừa qua, xuất khẩu hàng hóa lên tới hơn 40 tỷ USD như hiện nay được. Tuy nhiên mức phát triển ấy so với nhu cầu hiện nay thì chưa đủ. Rõ ràng nếu vẫn liên kết kiểu ngắn hạn chỉ dựa vào mưa đứt bán đoạn như thế thì dù có tăng số lượng liên kết lên cũng không đủ.”

Vấn nạn của nông nghiệp Việt Nam

Tin ghi nhận được cho thấy trước hội nghị diễn ra vào ngày 10 tháng 12 tới đây, hàng ngàn câu hỏi của bà con nông dân cả nước cùng nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các nhà khoa học…được gửi đến cơ quan chức năng. Hầu hết tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn như tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp giá trị cao, phát triển bền vững; vấn đề đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; vấn đề về vốn, đảm bảo an sinh xã hội cho nông dân.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn chia sẻ thêm những khó khăn của nông dân:

“Hiện nay người nông dân họ không biết họ sẽ trồng gì, nuôi gì để có hiệu quả, dựa vào thị trường bất ổn nếu người nông dân nghe bên TQ họ đang cần gì thu mua gì thì họ trồng….họ khuyến khích nông dân trồng đi họ mua hết nhưng đến khi thu hoạch TQ trở mặt không mua hay đưa ra điều kiện ngặt nghèo khác thì người thu mua lỗ rồi nông dân lỗ theo, không mua nông dân nữa hay ép giá người nông dân, khi đó các nhà khoa học cũng khong thể giúp nông dân trong chuyện này vì nó phụ thuộc vào thị trường mà.”

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cũng chỉ ra những khó khăn mà người nông dân phải đối mặt.

“Đầu tiên sợ nhất là vấn đề thị trường, họ không biết về thông tin thị trường, không biết chính sách bối cảnh tương lai của thị trường, không biết nhu cầu của khách hàng và lại càng không biết những chính sách tại các nước mà thu mua nông sản VN họ đối xử như thế nào với hàng hóa đó là khó khăn nhất. Thứ hai là họ thiếu vốn nên họ dựa vào các thương lái để mua vật tư nông sản rồi lại vay vốn hay ứng trước của thương lái với lãi suất rất cao. Thứ ba mảnh đất của họ quả nhỏ nên việc sản xuất không lớn nên khó mà hợp lại với nhau thành hàng hóa độc nhất về tiêu chuẩn chất lượng.”

Ngoài ra còn khó môt chuyện nữa là công nghệ tương đối lạc hậu, nhất là về giống, các hoạt động nghiên cứu phát triển của VN chưa đủ mạnh đáp ứng yêu cầu của người nông dân và cuối cùng là cơ sở hạ tầng, khó khăn về kho hàng bến bãi, đường xá vận chuyển… nên nhìn chung người nông dân VN khó khăn khá nhiều phương diện.

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, ngành Nông nghiệp Việt Nam chưa nhận được nguồn đầu tư đầy đủ:

“Doanh nghiệp VN là đội ngũ năng động tuy nhiên chỉ có 8% doanh nhân VN đầu tư vào các lãnh vực nông nghiệp kể cả chế biến và kinh doanh mà tính về các DN tham gia sản xuất thì chỉ được 1% nên hầu như các DNVN không tham gia vào sản xuất nông nghiệp vì lý do lợi nhuận trong nông nghiệp rất là thấp và rủi ro cao nên những DN tham vào lĩnh vực sản xuất là những người anh hùng. Khó khăn của họ là về đất đai vì rất khó có thể tập trung diện tích đủ lớn để sản xuất quy mô lớn và những khu vực nông nghiệp thì cơ sở hạ tầng giao thông rất là khó khăn.”

Đề xuất tháo gỡ vướng mắc

Theo các chuyên gia nông nghiệp vấn đề liên kết nhiều “nhà” lại thành hệ thống chuỗi giá trị là điều không hề đơn giản với cơ chế thị trường hiện nay tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi chỉ ra được những khó khăn họ có một số đề xuất như trỉnh bày của Tiến sĩ Đặng Kim Sơn

“Dù chúng ta liên kết 2 nhà hay 4, 6 hay nhiều hơn nữa thì muốn đạt được hiệu quả phải làm được 2 chuyện, thứ nhất tổ chức lại thể chế, liên kết các nhà lại với nhau và bản thân trong từng nhà cũng phải liên kết được rồi giữa các nhà liên kết với nhau trong chuỗi giá trị. Thứ hai là toàn bộ liên kết ấy phải hoạt động trên cơ chế thị trường, trước đây chúng ta đã làm nhiều liên kết khác nhau rồi mà hiệu quả đem lại thì có cái được và cái không được nên trong tương lai mà chúng ta muốn liên kết quy mô lớn hơn, hiệu quả cao thì cần chấn chỉnh lại cả về tổ chức thể chế và cơ chế thị trường, cơ chế kết nối các nhà lại với nhau.”

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn đề nghị cần mạnh dạn xóa bỏ những rào cản do qui định, đặc biệt là Luật Đất đai:

“Tại các quốc gia khác người nông dân có thể mua những mảnh đất lớn hơn nên họ vừa sản xuất vừa là doanh nghiệp, tự bán tự tìm kiếm thị trường và có số vốn nhất định để mạo hiểm đầu tư trong những chuyện đó thì cơ may nó sẽ tốt hơn, nếu có vấn đề họ sẽ thuê hẳn kỹ sư hay nhà khoa học giúp vận hành điều đó tốt hơn, đó là cơ chế chung”.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.