Hạm trưởng bất đắc dĩ trong ngày di tản
2015.03.18
Trong số khoảng ba mươi mấy ngàn người Việt di tản trong những ngày cuối tháng 4 năm 1975, cựu Đại tá Hải quân Bùi Cửu Viên và gia đình lên tàu trong chiều tối 29/4. Tại tư gia của ông Bùi Cửu Viên ở thành phố Gaithersburg, bang Maryland, Hoa Kỳ, Hòa Ái có cuộc trao đổi với ông về câu chuyện 40 năm trước ông buộc phải trở thành một hạm trưởng bất đắc dĩ.
Hòa Ái: Xin chào cựu Đại tá Hải quân Bùi Cửu Viên. Trong ngày di tản đó, theo Hòa Ái biết là ông cùng với gia đình chỉ đi di tản thôi chứ không phải làm công vụ gì trong ngày hôm đó, nhưng vì sao ông lại trở thành một hạm trưởng bất đắc dĩ?
Ông Bùi Cửu Viên: Tôi rất vui mừng khi hôm nay có dịp được nói chuyện với phóng viên của đài RFA về ngày di tản của gia đình tôi trong ngày 29/4. Chiều ngày 29/4, tất cả gia đình tôi đã xuống một chiếc chiến hạm trong Hải quân Công xưởng mà chiến hạm đó đang trong tình trạng sửa chữa. Do đó, nó chỉ có một máy có thể chạy được thôi. Chúng tôi bắt đầu khởi hành lúc khoảng 8:30 tối và khi tàu ra tới Nhà Bè thì các cơ khí viên của chiến hạm đã sửa tiếp được cái máy số 2. Do đó, từ lúc đó chúng tôi đã có 2 máy để chạy ra biển.
Khi chiếc tàu của chúng tôi đang đi tới ngã 4 sông Lòng Tảo (Lòng Tàu) và Soài Rạp thì chiếc Soái hạm Trần Hưng Đạo 01 bị nạn. Nó đánh đèn và gọi vô tuyến điện kêu cứu. Lúc bấy giờ, tôi đang mơ màng vì mệt quá rồi, ngồi trên sân cờ cùng các sĩ quan nữa, thì tôi thấy ông Hạm trưởng, anh Thiếu tá Nguyễn Phú Bá ở trên đài chỉ huy chạy xuống hỏi tôi “’Commandant’, mình có cứu nó được không?” Tôi bảo “Nếu anh muốn thì quay lại, tôi có thể cứu nó được. Thế bây giờ tàu mình đang ở đâu?” Anh nói với tôi là “Mình đã đi quá nó 1 hải lý rưỡi rồi”.
Trong đầu tôi nghĩ bây giờ mình không có quyền hành gì cả, chỉ là sĩ quan thâm niên quá giang nhưng có lẽ ông đến hỏi mình vì ông nghĩ rằng mình đã lãnh loại tàu giống như tàu mình đang đi ở bên Mỹ rồi và mình sẽ có nhiều kinh nghiệm, may ra mình có thể cứu được nó. Và đúng như vậy, tôi đã lãnh một chiếc tàu HQ 501 cũng cùng một loại như chiếc tàu tôi đang đi, tức chiếc HQ 801 và tôi đã chỉ huy chiếc đó 2 năm ở Việt Nam sau khi tôi lãnh ở bên Mỹ về.
Có một vài người lên tiếng nói với tôi là “Bây giờ đã 12:30 sáng rồi. Nếu quay lại cứu thì buổi sáng mình ra tới Vũng Tàu thì có thể bị địch ở trên núi bắn xuống, rất là nguy hiểm cho mấy ngàn người trên tàu”. Thế tôi mới trả lời là “Bây giờ việc cứu chiến hạm mới quan trọng. Người ta gặp nạn là mình phải cứu”. Do đó, anh Hạm trưởng đồng ý quay tàu lại và anh giao tay lái lại cho tôi và bảo “Thôi, Đại tá lái đi!”
Khi đến đấy tôi thấy mũi tàu cắm ngay vào bờ. Bây giờ làm sao để có thể kéo chiếc tàu này ra được? Nếu bây giờ mình mon men đến gần đó, nước quận, tàu mình có thể bị dạt sang tàu kia thì sẽ làm tàu kia chìm mà nguy hiểm tính mạng mấy ngàn người. Do đó, tôi quyết định ủi bãi. Khi tôi đưa con tàu ra phía sau của chiếc Trần Hưng Đạo 01 đó và tôi đã ủi bãi song song với chiếc Trần Hưng Đạo. Khi đã ủi bãi xong rồi, tôi ra lệnh cho nhân viên ném dây sang bên đó; ném dây mũi, dây lái và các dây giữa vào khoảng độ 7-8 sợi dây.
Tôi nghĩ rằng nếu hôm đó tôi mà không quyết định, tôi không dám làm chuyện đó thì có lẽ tôi sẽ ân hận suốt đời là vì cái chuyện mình có thể làm được mà mình không dám làm.
- Ông Bùi Cửu Viên
Sau khi hai bên đã cột chắc rồi thì tôi kéo chiếc tàu ấy ra giữa sông. Khi vừa mới kéo ra được một quãng thì có bao nhiêu người trên chiếc tàu Soái hạm HQ 01 đã nhảy sang bên tàu của tôi. Tôi thấy rất là nguy hiểm, đã có vài trăm người nhảy sang trong vòng 5 phút đồng hồ. Do đó, tôi ra lệnh cho các thủy thủ bắn súng chỉ thiên để cấm nhảy nữa vì khi tàu ra tới giữa sông thì thế nào hai tàu cũng dang ra và người ta sẽ rớt xuống sông.
Khi kéo được chiếc tàu ra rồi, tôi sờ tay lên trán thì thấy mồ hôi đầy trên trán tại vì quá sức gay cấn, vì tôi nghĩ nếu trường hợp đó không thành công và nếu hai tàu va đụng vào nhau trong đêm tối như vậy thì sẽ nguy hiểm tính mạng của bao nhiêu người. Khi tàu Trần Hưng Đạo ra được khoảng giữa sông thì họ bắt đầu chạy theo tàu của tôi cho đến khi ra tới biển và cũng không gặp trở ngại gì, không có bị địch trên núi bắn xuống tuy lúc bấy giờ trời đã sáng.
Khi ra gần tới Phan Thiết, chiếc chiến hạm tôi đang đi nhận được lệnh của ông Tư lệnh Hải quân, ông ra lệnh cho tất cả các chiến hạm phải tập trung tại Côn Sơn để chuẩn bị đi Subic Bay. Khi Hạm trưởng Nguyễn Phú Bá của chiếc 801 tức là chiếc tàu tôi đang đi quá giang nghe tin như vậy thì gia đình ông hạm trưởng không muốn đi và đòi ông hạm trưởng phải lái tàu trở về Sài Gòn. Tôi có nói với ông Hạm trưởng là “Bây giờ nếu như muốn về Sài Gòn thì có mấy ngàn người ở trên tàu này sẽ mắc kẹt và để tôi can thiệp với ông Tư lệnh Hải quân”.
Sau đó, tôi nói chuyện vô tuyến với vị Tư lệnh Hải quân thì ông nói là đang cho chiếc tàu dầu đến đón những người muốn trở về Sài Gòn vì có gia đình kẹt lại ở đó. Sau đó, ông nói với tôi là “Thôi, ‘Toi’ lái chiếc tàu đó đi, ‘Toi’ làm Hạm trưởng đi!”. Thế là tự nhiên lúc đó tôi bất đắc dĩ lại biến thành một hạm trưởng mà thật sự ra tôi đã rời chiến hạm, loại tàu giống như vậy từ năm 1964, tức là đã 11 năm tôi không làm hạm trưởng dù tôi vẫn giữ chức vụ chỉ huy ở trên bờ. Và bây giờ sau khi trở lại làm hạm trưởng thì tôi nghĩ đúng là cái duyên của mình đối với Hải quân, cho đến phút chót cũng phải sống với con tàu.
Hòa Ái: Dạ thưa, từ khi nhận được lệnh trở thành hạm trưởng bất đắc dĩ như vậy cho đến khi ông cùng cả gia đình đặt chân đến đảo Guam an toàn thì trong cuộc hải trình đó, kỷ niệm nào mà ông nhớ nhất?
Ông Bùi Cửu Viên: Trong thời gian tôi làm hạm trưởng bất đắc dĩ trong 5 ngày từ lúc đi ở Côn Sơn sang đến Subic Bay thì tôi lan man nghĩ tới tại sao cuộc đời quân ngũ của mình chỉ có đến đây đã chấm dứt mà lúc bấy giờ tôi cũng hiểu là thời thế đã đem đến bất hạnh cho không biết bao nhiêu người. Tôi rất buồn, buồn là vì từ nay trở đi mình không còn là người sĩ quan Hải quân nữa và mình không có cơ hội phục vụ đất nước nữa.
Khi tàu đến bến ở Subic Bay thì chúng tôi được lệnh tất cả phải cởi bỏ hết quân phục và chuẩn bị để trao tàu lại cho Hải quân Mỹ. Trong lúc đó chúng tôi làm lễ chào cờ thì tôi hạ cờ VNCH và người Mỹ họ kéo cờ Mỹ của họ lên. Lúc đó có rất nhiều người cảm động muốn khóc. Lúc bấy giờ trong lòng tôi rất xúc động. Tôi không biết kể từ nay cuộc đời mình sẽ trôi nổi ra làm sao…Và khi tôi bỏ chiếc nón với cặp lon xuống dưới sàn tàu thì tôi nghĩ là từ nay mình có cuộc đời khác hẳn. Các sĩ quan cũng như các thủy thủ đến bên cạnh tôi, các anh em ôm lấy nhau cũng chỉ muốn khóc.
Hòa Ái: Dạ thưa ông, 40 năm qua rồi, cuộc sống của ông cũng như của gia đình theo Hòa Ái biết thì mọi sự cũng được viên mãn. Đôi khi thỉnh thoảng nhớ về cuộc đời quân ngũ thì có câu chuyện hay cảm xúc nào làm ông nhớ đến hay không?
Ông Bùi Cửu Viên: Tôi có rất nhiều kỷ niệm trong cuộc đời quân ngũ của tôi trong 21 năm trường ở Hải Quân nhưng mà nói tới những kỷ niệm mới nhất gần đây thì tôi có thể nói một cái câu chuyện rất là lạ:
Thế là tự nhiên lúc đó tôi bất đắc dĩ lại biến thành một hạm trưởng mà thật sự ra tôi đã rời chiến hạm, loại tàu giống như vậy từ năm 1964, tức là đã 11 năm tôi không làm hạm trưởng dù tôi vẫn giữ chức vụ chỉ huy ở trên bờ.
- Ông Bùi Cửu Viên
Tôi có một người bạn mới đây về chơi ở VN thì anh có quen một người làm ở trên chiếc tàu tôi đã lãnh ở bên Mỹ về, đó là chiếc HQ 501. Và vì anh quen người đó cũng hoạt động trên chiếc chiến hạm đó cho nên anh yêu cầu người đó cho xuống coi tàu. Khi anh xuống coi tàu thì anh thấy trong phòng hạm trưởng khắc tên của các hạm trưởng từ thời đầu cho đến bây giờ vẫn còn nguyên và anh thấy tên tôi vẫn ở trên cùng vì tôi là người lãnh chiếc tàu đó đầu tiên ở bên Mỹ năm 1962, lúc bấy giờ tôi chỉ là đại úy, và tự nhiên bao nhiêu kỷ niệm hiện về với tôi từ những lúc mà tôi lãnh tàu, trên đường tôi đi, bao nhiêu chặng đường tôi qua. Nếu nói về những kỷ niệm mới nhất thì đấy là kỷ niệm bây giờ chứ không phải của 40 năm về trước nữa.
Hòa Ái: Dạ thưa ông, Hòa Ái được biết ông bây giờ đã ngoài 80 tuổi rồi, trong khoảng thời gian ông phục vụ cho Quân lực VNCH thì việc gì hay điều gì ông cho rằng hài lòng trong thời gian đó?
Ông Bùi Cửu Viên: Trong thời gian phục vụ ở Hải quân VNCH thì tôi nhớ nhất lại là ngày chót mà tôi sẽ rời Hải quân. Đó là ngày tôi di tản trên chiếc HQ 801 và đã kéo được chiếc Soái hạm HQ 01 Trần Hưng Đạo ra khỏi mắc cạn và tôi có cảm tưởng tôi giúp được cho bao nhiêu người không bị kẹt lại và có thể gặp rất nhiều trở ngại, có thể bị tù tội. Tại vì đối với tư cách người sĩ quan Hải quân, chúng tôi vẫn nhớ là khi còn được huấn luyện ở trong quân trường, các vị sĩ quan huấn luyện người Pháp luôn luôn nhắc nhở chúng tôi là “Nếu người sĩ quan Hải quân gặp người bị lâm nạn trên biển cả mà không cứu thì các anh không xứng đáng là người sĩ quan Hải quân”. Tôi nghĩ đó là việc mà tôi rất hài lòng, vui sướng vì đã làm được việc như vậy. Thêm vào đó, tôi nghĩ rằng nếu hôm đó tôi mà không quyết định, tôi không dám làm chuyện đó thì có lẽ tôi sẽ ân hận suốt đời là vì cái chuyện mình có thể làm được mà mình không dám làm.
Hòa Ái: Vừa rồi là câu chuyện kể của cựu Đại tá Hải quân Bùi Cửu Viên về cái duyên ông trở thành hạm trưởng bất đắc dĩ trong ngày ông đi di tản 29/4/1975. Và điều lý thú mà Hòa Ái phát hiện sau khi nghe câu chuyện kể này, là khi chiếc Dương vận hạm HQ 801 và chiếc Soái hạm Trần Hưng Đạo HQ 01 cập sát với nhau chỉ trong vòng 5 phút đồng hồ thì trong số khoảng 200 người nhảy qua, có ông Nguyễn Văn Khanh. Và nếu như cách đây 40 năm, ông Bùi Cửu Viên không có quyết định quay trở lại để cứu con tàu thì có lẽ bây giờ không có Giám đốc ban Việt ngữ Nguyễn Văn Khanh của đài Á Châu tự do. Hòa Ái xin cám ơn ông Bùi Cửu Viên đã dành thời gian chia sẻ câu chuyện kể của ông và Hòa Ái cũng xin cám ơn thời gian của quý vị theo dõi câu chuyện kể này.