Diễn tiến tại Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam

RFA
2017.07.28
lethithuhang Bà Lê Thị Thu Hằng - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao
Courtesy of infonet

 

Hôm 24 tháng 5, BBC trích nguồn từ ngành dầu khí Việt Nam cho biết Hà Nội đã cho ngừng việc thăm dò dầu khí ở lô 136/3 ngoài khơi Việt Nam trước sức ép của Trung Quốc.

Mặc dù chính phủ Việt Nam chưa chính thức lên tiếng về động thái đó nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây nói rằng Trung Quốc yêu cầu bên thứ ba phải ngừng các hoạt động đơn phương tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Những diễn tiến mới đây tại Biển Đông đã cho thấy điều gì về tình hình an ninh khu vực và liệu chính sách ngoại giao mà Việt Nam vẫn áp dụng từ trước đến nay có còn hiệu quả?

Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn GS Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về quan hệ quốc tế Đại học George Mason.

Hòa Ái: Thưa ông, hồi tháng 6 vừa qua có tin cho biết Việt Nam đã cho phép Công ty Repsol tiến hành khoan thăm dò dầu khí ở lô 136/3 ngoài khơi Việt Nam bất chấp việc Trung Quốc phản đối.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc phản đối việc Việt Nam cho công ty nước ngoài khai thác dầu khí và từng phải nhượng bộ trước kia. Theo ông, tại sao Việt Nam lại có quyết định như thế trong thời điểm này?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Điều hiển nhiên mà người ta thấy rõ là Việt Nam muốn xác định chủ quyền của mình ở vùng mà họ (Việt Nam) nói là của họ, mà Trung Quốc nói là vùng tranh chấp cũng của Trung Quốc luôn. Đó là điều đầu tiên mà mình thấy.

Điều thứ hai mình thấy mà mình phải đặt trong khung cảnh là Việt Nam trong thời gian gần đây làm một loạt những hành động để lôi kéo các công ty dầu ngoại quốc vào khai thác dầu tại Việt Nam, ví dụ như Công ty Exxon Mobil của Mỹ, công ty của Ấn và công ty Repsol của Tây Ban Nha. Qua các công ty đó (Việt Nam) cũng hy vọng được sự ủng hộ của các nước kia đối với chủ quyền của mình tại vùng biển tranh chấp.

Thứ ba, riêng trong việc tại Bãi Tư Chính này là vùng tranh chấp giữa hai nước từ lâu rồi. Việt Nam nhất định bảo là của mình, còn Trung Quốc bảo của Trung Quốc mà lại còn nằm trong đường lưỡi bò nữa. Việt Nam ký khế ước cho Công ty Repsol khai thác, Trung Quốc cũng ký cho một công ty khác khai thác. Trong trường hợp này, Việt Nam ra tay trước; đặt Trung Quốc vào sự đã rồi, trước khi công ty phía Trung Quốc có thể hành động được.

"Qua các công ty đó (Việt Nam) cũng hy vọng được sự ủng hộ của các nước kia đối với chủ quyền của mình tại vùng biển tranh chấp."
- Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng

Và tiếp nữa trong khung cảnh gần đây là tại các hội nghị quốc tế về Biển Đông, nhiều chuyên gia nhất là chuyên gia Trung Quốc cứ nhấn mạnh đến thái độ tương đối hợp lý của Trung Quốc. Tức họ nói ‘Đường lưỡi bò’ còn mù mờ lắm (ambiguity), chưa rõ rệt, chưa rõ nội hàm; ngay trong nội bộ Trung Quốc cũng còn tranh cãi về vấn đề đó.

Rồi Trung Quốc là quốc gia đang chuyển tiếp. Rồi vụ Scaborough, theo phán quyết ( của Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế- PCA) thì phải để cho các quốc gia đánh cá trong ngư trường truyền thống của họ. Trong trường hợp này, Trung Quốc đã làm với ngư dân của Philippines và ngư dân Việt Nam. Như thế theo những vị chuyên gia thì Trung Quốc phần nào tìm cách tuân thủ phần nào phán quyết của tòa án đó.

Đó là về phía Trung Quốc, còn về phía ngoài, chúng ta thấy áp lực của các nước khác; nhất là trong trường hợp của Indonesia. Indonesia đổi tên luôn vùng có chủ quyền tại đảo Natuna.

Trong khung cảnh, Việt Nam muốn thử xem Trung Quốc phản ứng như thế nào.

Hòa Ái: BBC hồi đầu tuần cho biết Việt Nam ngưng hoạt động thăm dò vì sức ép từ phía Trung Quốc; nhưng chính phủ Hà Nội không đưa ra bình luận gì. Trong khi đó Reuters mới đây lại đưa tin là tàu của Repsol vẫn ở khu vực đó và có tin Việt Nam sẽ nối lại các hoạt động thăm dò vào tháng 11 tới đây.

Ông có nhận định gì về những thông tin đó? Liệu có khả năng Việt Nam sẽ tiến hành các hoạt động đó nữa hay không khi mà Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Thông tin rõ rệt nhất là thông tin trong nội bộ Hãng Repsol, họ nói chính phủ Việt Nam bảo họ ngưng khai thác. Chuyện đó có. Và thứ hai chúng ta thấy việc khai thác đã ngưng rồi. Hai chuyện đó có.

Bây giờ so sánh lực lượng giữa Việt Nam và Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính; tại đây Việt Nam ra tay trước và dù ngưng nhưng Việt Nam vẫn nói khu vực đó thuộc chủ quyền của họ. Tương tự vụ BP lần trước, Việt Nam ngưng nhưng vẫn nói đó là khu vực thuộc chủ quyền của họ nên dần dần họ cũng tìm cách để khai thác.

Hòa Ái: Nếu Việt Nam sắp tới đây vẫn cho tiến hành hoạt động thăm dò, khai thác, ông đánh giá thế nào về khả năng xảy ra xung đột giữa hai bên trên Biển Đông?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Theo tôi nghĩ, trước hết Việt Nam không từ bỏ chủ quyền của họ nhưng họ tạm không khai thác để tình hình tạm lắng dịu.

Còn cô đặt câu hỏi nếu Việt Nam khai thác, tôi thấy triển vọng đó tương đối cũng thấp.

Trong trường hợp Việt Nam khai thác và Trung Quốc dọa, vì Trung Quốc từng dọa tổng thống Duterte của Philippines ‘nếu cứ tiếp tục khai thác ở Recto, thì Trung Quốc sẽ tấn công’.

Trung Quốc cũng nói với đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc là nếu cứ khai thác là Trung Quốc sẽ tấn công các nơi khác của Việt Nam tại Trường Sa.

Đó chỉ là những lời dọa thôi. Thành ra dù rằng Trung Quốc không có những hành động đưa đến mức độ chiến tranh, nhưng có thể làm những việc để cản trở Việt Nam lắm. Giáo sư Carlyle Thayer liệt kê một số việc mà Trung Quốc có thể làm như cắt cáp mà họ từng làm trước đây hoặc đưa những tàu Trung Quốc đến với sự hỗ trợ của Hải Giám, Hải Quân nhằm ngăn chặn, hoặc bắn súng dọa nạt…

Đó là những việc mà Trung Quốc có thể làm để khiến Việt Nam không thể tiếp tục công việc được.

Giàn khoan HD 981 trên biển Đông.
Giàn khoan HD 981 trên biển Đông.
AFP

Hòa Ái: Giáo sư vừa nhắc đến ông Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc; mới đây giáo sư Carlyle Thayer có nhận định về việc Việt Nam cho ngưng thăm dò dầu khí tại lô 136/3 là phép thử cho chính sách ngoại giao đối tác, đối tượng của Việt Nam; ông có nhận định gì về đánh giá đó của giáo sư Carlyle Thayer?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Nếu muốn hiểu rõ về ‘đối tác, đối tượng’ thì phải hiểu rõ quan niệm đó và trong hoàn cảnh nào. Ý niệm ‘đối tác, đối tượng’ được đưa ra vào khoảng tháng 7 năm 2003 sau cuộc họp kỳ 8 của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Họ phân chia đối tác gồm những nước nào tôn trọng chủ quyền, độc lập của Việt Nam và phát triển quan hệ thân hữu với Việt Nam. Còn ‘đối tượng’ là những kẻ nào chống lại việc Việt Nam xây dựng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của họ. Nhưng họ nhấn mạnh trong đối tác có đối tượng, trong đối tượng có đối tác; nghĩa là trong những thân hữu đối tác cũng có những chỗ phải tranh chấp. Trong khi giữa những nước là mục tiêu đấu tranh cũng có thể tìm được những lĩnh vực hợp tác.

Một trong những mục đích của việc này là để biện minh cho việc đi lại gần với Mỹ dù là ‘thù địch’ với Việt Nam. Vì tại Việt Nam vẫn còn có một số người còn nghi ngại ‘âm mưu diễn biến hòa bình’ của Mỹ.

Nhìn trong khung cảnh đó thì có lẽ giáo sư Carlyle Thayer muốn cho thấy rằng chính sách Việt Nam đi với Mỹ cho đến nay không có hiệu quả trước sức ép của Trung Quốc. Đó là dự đoán của tôi thôi. Chứ còn muốn biết ông Carlyle Thayer muốn nói gì thì phải hỏi thẳng ông ấy.

Hòa Ái: Xin trở lại trường hợp nếu Việt Nam tiếp tục cho khoan thăm dò và xảy ra xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc, thì theo giáo sư có khả năng Hoa Kỳ và các nước khác can thiệp hay không?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Khả năng can thiệp và phản ứng quân sự thì không có nhưng có khả năng phản đối bằng miệng và sẽ có những cố gắng làm cho tình hình căng thẳng dịu xuống.

"Việt Nam muốn thử xem Trung Quốc phản ứng như thế nào".
- Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng

Hòa Ái: Mới đây Philippines nói rằng sẵn sàng khai thác chung với Trung Quốc ở Biển Đông bất chấp thực tế là Philippines từng phải bỏ một thỏa thuận hợp tác nghiên cứu với Việt Nam và Trung Quốc hồi năm 2007 ở Biển Đông, giáo sư đánh giá tình hình hiện tại về một khả năng hợp tác tương tự như thế ra sao?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Về lý thuyết, hợp tác khai thác tại các vùng tranh chấp là có thể được; nhưng trong thực tế việc thực hiện rất khó khăn.

Trước hết nói khai thác là tại những vùng có tranh chấp, nhưng hiện nay nước nào; nhất là Việt Nam và Trung Quốc đều đòi hỏi tối đa chủ quyền của mình, làm sao kiếm được vùng tranh chấp mà người ta ngưng tranh chấp để khai thác. Ví dụ nếu làm được rồi thì lại nảy sinh ra những vấn đề khác.

Vấn đề hiện nay là phải làm sao chia xẻ đồng đều, hay là một cách công bằng lợi ích sự khai thác. Rồi nghĩa vụ phải đóng bao nhiêu. Theo tôi đó là những điều rất khó khăn.

Ngoài ra trở ngại chính nữa là Trung Quốc luôn luôn tuyên bố bằng lòng khai thác nhưng chủ quyền của Trung Quốc là không thể tranh cãi được. Điều này có nghĩa là theo giải pháp cùng khai thác thì đó là một ân huệ mà Trung Quốc ban; mà Trung Quốc cho được thì lấy lại được.

Hòa Ái: Cũng mới đây ASEAN và Trung Quốc đồng ý cho bộ khung bản thảo về Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC) để cho thế giới thấy họ có thiện chí. Mặt khác đại hội đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 sẽ diễn ra vào cuối năm 2017 này, có nhận định cho rằng ông Tập Cận Bình không muốn vấn đề Biển Đông trở thành vấn đề quan trọng trong đại hội sắp tới. Những yếu tố này liệu có ảnh hưởng đến những diễn tiến trong thời gian qua cũng như trong thời gian sắp tới ở khu vực Biển Đông?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Câu trả lời ngắn là có. Còn nhìn vào những sự kiện thì chúng ta thấy tại những cuộc họp về Biển Đông gần đây, nhất là hội nghị vừa qua ở CSIS- Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế vào ngày 18 tháng 7 vừa qua, một số chuyên viên, nhất là chuyên viên của Trung Quốc, nhấn mạnh đến sự kiện mà họ cho là không gây xáo trộn; tức có tính cách hòa dịu hơn.

Trước hết họ nói về đường lưỡi bò là mù mờ (ambiguity), nội hàm chưa định rõ. Chính tại Trung Quốc đang thảo luận về điều đó; tức trong tương lai Trung Quốc có thể chuyển; tức họ sẽ đưa phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế rằng đường lưỡi bò không có căn cứ lịch sử và pháp lý. Thế rồi đối với vụ Bãi cạn Scaborough, phán quyết nói Trung Quốc đã vi phạm quyền đánh cá truyền thống tại ngư trường đó. Trung Quốc vẫn canh giữ nhưng đã để cho ngư dân Philippines và Việt Nam vào đánh cá tại ngư trường truyền thống đó. Điều đó chứng tỏ Trung Quốc cũng đã đấu dịu phần nào.

Còn việc đưa ra khung bản thảo Bộ Quy tắc Ứng xử là tránh chuyện đụng độ ở Biển Đông.

Ngoài ra đối với Trung Quốc, đại hội 19 là chuyện quan trọng, mà họ còn xây dựng ‘Nhất Đái, Nhất Lộ’ (Một Vành đai, Một con đường) nhằm mục đích phát triển và tăng cường uy tín của Trung Quốc; nếu không nói là khả năng lãnh đạo, vai trò lãnh đạo của Trung Quốc ở vùng đó.

Tất cả những điều đó đòi hỏi Trung Quốc phải có khung cảnh hòa bình không bị chống đối nhiều để mà thực hiện; hai điều đó cộng lại cho người ta thấy có yếu tố giảm căng thẳng ở Biển Đông lại.

Đó là điều mà người ta nêu ra, như Trung Quốc xây xong 7 đảo thì có xây dựng nữa đâu. Họ đưa ra những yếu tố đó để chứng minh rằng Trung Quốc có những động tác xuống thang, không có tình hình để trở thành tranh chấp. Đó là nhận xét của họ.

Hòa Ái: Cám ơn giáo sư.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.