Những nạn nhân trong vụ án oan 40 năm ở Tây Ninh dù đã được minh oan, thế nhưng công tác bồi thường cho họ vẫn chưa được cơ quan chức năng thực thi dù đã quá hạn theo luật định.
Cả nhà bị oan, mới xin lỗi một người
Vụ việc xảy ra vào thời điểm gần cuối tháng 7 năm 1979: Tám người trong một gia đình ở Tây Ninh bị bắt vì nghi ngờ liên quan đến “vụ cướp năm chỉ vàng” tại nhà máy xay xát ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh.
Tám người bị bắt gồm vợ chồng ông Nguyễn Thành Nghị, bà Võ Thị Thương cùng con trai Nguyễn Văn Dũng ‘nhỏ’ (sinh năm 1961); vợ chồng ông Hồ Long Chánh, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan với bào thai 5 tháng tuổi; vợ chồng ông Nguyễn Văn Chiến, bà Nguyễn Thị Lan; ông Nguyễn Văn Dũng ‘lớn’ (sinh năm 1958) là em bà Nguyễn Thị Ngọc Lan.
Sau hơn 3 năm 9 tháng, ngày 11 tháng 5 năm 1983, cả gia đình được thả nhưng chỉ duy nhất một người có quyết định đình chỉ điều tra là ông Nguyễn Văn Dũng ‘lớn’. Sở dĩ một mình ông có giấy vì ông đòi một tờ giấy chứng minh việc mất tích để trình cho nơi làm việc khi trở về.
Vì là người duy nhất có bằng chứng oan sai nên chỉ mình ông Nguyễn Văn Dũng ‘lớn’ nộp đơn đòi bồi thường, và tháng 11 năm 2018, tòa án đã ra phán quyết sau cùng là xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại 615 triệu đồng cho ông. Ông Dũng ‘lớn’ được xin lỗi công khai hôm 8 tháng 5 năm 2019, còn số tiền thì vẫn chưa nhận được nhưng ông vẫn hy vọng:
"Chắc sắp có rồi vì trên VKS ND Tây Ninh có báo cho anh biết là Bộ Tài Chánh đã duyệt rồi chờ ngày chuyển về đây thôi. Anh cũng yên tâm vậy thôi vì chuyện đã xong rồi, trả lại danh dự cho anh rồi. Vụ kiện cáo của anh đã qua hai cấp tòa xét xử rồi, bản án có hiệu lực rồi nên giờ không khiếu nại gì nữa hết.
Thủ tục ở tỉnh Tây Ninh thì nó nhanh, bây giờ qua Cục bồi thường nhà nước, rồi Bộ tài chánh…qua nhiều vụ thì mình thấy rồi nên chấp nhận thôi, dân mà!”
Đối với 7 người còn lại, vào sáng ngày 4 tháng 4 năm 2019, VKSND Tây Ninh trao quyết định đình chỉ điều tra cho tất cả sau 40 năm chịu oan sai. Tuy nhiên một người đã qua đời là ông Nguyễn Thành Nghị.
Sự im lặng từ VKSND Tây Ninh
Sau khi nhận những quyết định đình chỉ, họ bắt đầu nhờ các luật sư nộp đơn đòi bồi thường những mất mát, đau đớn, tủi nhục mà họ phải chịu trong suốt 40 năm qua. Luật sư Phạm Công Út, một người trong nhóm luật sư đại diện, cho RFA biết:

"Có hai đợt nộp đơn. Đợt thứ nhất là ngày 10 tháng 4 năm 2019 nộp đơn cho 3 nạn nhân. Ngày 23 tháng 4 năm 2019 họ mời lên bổ sung giấy tờ, tức là 10 ngày sau trong khi luật quy định chỉ có 5 ngày làm việc thôi. Lúc lên bổ sung giấy tờ thì những người đại diện tiếp tục nộp hồ sơ của 3 người nữa. Đến nay là 30 ngày không thấy phản hồi gì .
Ngày hôm qua, 22 tháng 5 năm 2019, các nạn nhân gọi điện thoại hỏi VKSND tỉnh Tây Ninh để hỏi xem hồ sơ đã thụ lý chưa mà họ không nhận được thông báo nào thì ng ười đại diện là ông Thân Văn Danh trả lời rằng còn phải chờ xin ý kiến của lãnh đạo VKSND tối cao " .
Luật sư Phạm Công Út nhấn mạnh Viện kiểm sát là cơ quan kiểm tra, giám sát và thực thi pháp luật của toàn xã hội, trong đó cũng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chính họ. Kiểm sát cấp trên giám sát việc thực thi pháp luật cấp dưới, nhưng VKSND tỉnh Tây Ninh thực thi pháp luật mà phải chờ đợi sự cầm tay chỉ việc của VKSND tối cao ở đây là trái pháp luật.
Là một nạn nhân, ông Hồ Long Chánh than thở không biết chờ đợi đến bao giờ vì quyền thì của Nhà nước, ông chỉ là dân:
“Chưa có gì hết trơn, phải chờ đợi nhưng trong thời gian chờ đợi thì một số anh em trước đây bị tra tấn, dùng nhục hình nặng nề quá bây giờ bệnh hậu lan tràn, ai cũng đủ thứ bệnh, có người đi bệnh viện nằm mà không có tiền như ông Nguyễn Văn Chiến hiện nay.
Hôm bữa có công khai xin lỗi cho người em là ông Dũng ở Gò Dầu, còn tụi tui thì chưa gì hết. Chờ đợi mỏi mòn chẳng biết đến bao giờ vì chuyện đó của nhà nước, mình là dân mà.
Nguyện vọng của tui là mong muốn sao Nhà nước phải có trách nhiệm với những người dân bị oan sai.”
Còn ông Nguyễn Văn Dũng ‘nhỏ’ thì cho biết sau bao nhiêu năm tuyệt vọng ông cũng hy vọng mình được giải oan qua sự giúp đỡ của các luật sư - mà ông gọi là ân nhân của mình. Bây giờ thấy mọi việc lại chìm vào im lặng:
“Chưa nhận mà cũng chưa nghe giải quyết gì hết. Đơn từ mình nộp đủ hết rồi mà bên Viện kiểm sát im re không nói gì hết. Gọi điện thoại hỏi thì mấy ổng nói đang xin ý kiến của VKSND tối cao. Trong vụ án này có mấy người lớn tuổi quá rồi, sức lực tàn như anh Chiến vô bệnh viện Phạm Ngọc Thạch sáng nay rồi.
T u i cần mọi việc rõ ràng ra ánh sáng. Trước hết phải về ngay cái xã mà hồi đó tôi bị bắt oan để công khai xin lỗi tôi trước nhân dân, bà con dòng họ tôi ở đó."
Luật sư Phạm Công Út cho biết trong ngày xin lỗi ông Dũng ‘lớn’ thì đại diện VKSND tỉnh Tây Ninh hứa sẽ xúc tiến giải quyết sớm và thỏa đáng đối với những nạn nhân còn lại, nhưng lời hứa đó đến nay vẫn là một lời hứa suông:
“Trước đây khi nghe những lời xin lỗi thì chúng tôi đề cao tính phục thiện của họ khi cơ quan của họ làm oan, sai đối với các công dân. Nhưng đến nay sự việc vẫn bị kéo dài với câu trả lời ‘chờ quyết định của VKS Nhân dân tối cao’ thì tôi thấy lời nói của họ không đi đôi với việc làm.”
Bước tiếp theo là gì?

Theo quy định thì tối đa là 5 ngày kể từ thời điểm nhận đơn yêu cầu bồi thường, VKSND tỉnh Tây Ninh phải cho biết có quyết định thụ lý đơn hay không. Nếu đồng ý có thêm 2 ngày để thông báo thụ lý đơn cho nạn nhân.
VKSND tỉnh Tây Ninh cũng có thêm 15 ngày để xác minh thiệt hại trong đơn yêu cầu. Đối với trường hợp phức tạp thì thời gian xác minh không được quá 30 ngày.
Những lá đơn của 3 nạn nhân đầu tiên được gửi ngày 10 tháng 4 năm 2019, tính tới nay đã 43 ngày nhưng mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ. Trong đơn yêu cầu, các nạn nhân đề nghị VKSND tỉnh Tây Ninh ứng trước tiền bồi thường (mỗi người 2 tỉ đồng).
Thông tin từ luật sư và gia đình ông Nguyễn Văn Chiến cho hay hiện ông đang nằm cấp cứu với chẩn đoán bệnh lao phổi. Ông Dũng ‘nhỏ’ bức xúc:
"Trong luật đâu có quy định nào mà nhận đơn cả tháng mà cứ treo hoài. Điện thoại thì hồi bắt máy hồi không. Tụi tui tính là lo cho anh Chiến xong thì tụi tui cùng với các luật sư qua bên VKSND tỉnh T ây Ninh để hỏi xem bây giờ có giải quyết hay không?"
Luật sư Phạm Công Út cho biết hiện nay các luật sư vẫn đang hy vọng vào Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ban Dân nguyện Quốc hội, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Các luật sư cũng đồng thời thường xuyên điện thoại cho VKSND tỉnh Tây Ninh đốc thúc họ phải có trách nhiệm bồi thường 615 triệu đồng cho ông Nguyễn Văn Dũng ‘lớn’ và phải xác minh thiệt hại cho những nạn nhân còn lại.
Ông cho biết thêm rằng trước mắt phía luật sư phải quan tâm tới số mạng ông Nguyễn Văn Chiến hiện đang nằm cấp cứu trong bệnh viện và đã chuẩn bị một khoản tiền hỗ trợ cho ông Chiến.
Luật sư Út cũng chia sẻ với RFA lý do vì sao VKSND tỉnh Tây Ninh làm sai pháp luật nhưng các luật sư vẫn kiên nhẫn chờ đợi:
“Nếu mà nóng vội thì các nạn nhân sẽ khởi kiện ra tòa luôn mà kiện ra tòa thì các nạn nhân phải kèm chứng cứ để xác minh thiệt hại của mình. Chúng tôi không để mình bị rơi vô cái bẫy của bên cơ quan làm oan.”
Ông giải thích thêm rằng, nếu khởi kiện bây giờ thì quyền lợi của các nạn nhân rất hạn chế. Tốt nhất là để VKSND Tây Ninh xác minh thiệt hại trước. Đó là trách nhiệm của họ và cũng là chứng cứ cho các nạn nhân. Nếu không thỏa thuận được thì ra tòa, lúc đó các nạn nhân có chứng cứ xác minh các thiệt hại của mình.