Cá tra Việt vào Mỹ lại gặp khó

RFA
2018.03.20
1_107852.jpg Cá basa được chế biến trước khi xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Việt Nam.
AFP

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vào ngày17/3/2018 đã ra quyết định cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra đông lạnh do Việt Nam xuất khẩu giao động từ 2,39 USD/kg tới 7,74 USD/kg. Đây được xem là mức thuế cao nhất từ trước đến nay.

Doanh nghiệp nuôi cá basa và giới chuyên gia phản ứng thế nào trước quyết định đó?

Tình cảnh doanh nghiệp Việt khó khăn

Với mức thuế được thông báo như vừa nêu, các doanh nghiệp chế biến sản phẩm cá tra xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ cho biết họ đang lâm vào tình cảnh rất khó khăn.

Theo quyết định mới thì có hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam bị áp mức thuế cao nhất lên tới 7,74 USD/kg là công ty Cadovimex II Seafoods và Hoang Long Seafoods. Mức thuế này cao gấp 3,2 lần mức thuế sơ bộ và gấp 9,7 lần mức thuế kỳ POR 12 trước đây mà các doanh nghiệp này phải chịu khi xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ.

Ông Phạm Phúc Toại, Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Hoàng Long chia sẻ với chúng tôi.

“Đối với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vô thị trường Mỹ như của anh hiện nay thì cứ lỗ hoài. Bây giờ chắc cũng đến bờ vực cho phá sản luôn chứ làm ăn không có hiệu quả gì hết. Đặc biệt đối với thị trường Mỹ, bán thì có lời nhưng vô thế như vậy thì cũng lỗ luôn, cũng chết luôn.

Trong khi giá xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ ở thời điểm hiện tại khoảng 4 – 5 USD/kg thì mức thuế gần 8 USD/kg xem như mức thuế gấp đôi giá xuất khẩu.

Bây giờ chắc cũng đến bờ vực cho phá sản luôn chứ làm ăn không có hiệu quả gì hết.
- Ông Phạm Phúc Toại

Ông Phạm Phúc Toại nói với chúng tôi rằng tuy thị trường Mỹ tiềm năng và ổn định, nhưng lại phụ thuộc vào chính sách của nước này để tăng mức thuế cho cá tra Việt Nam.

“Ở vấn đề này, tôi không có quyền nói lên những điều công bằng nên rất khó (cho doanh nghiệp), còn phía DOC thì tự áp thôi. Giá trị một kg sản phẩm chỉ có 2 USD mấy mà thuế 3 USD mấy thì đường nào mà sống.”

Ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhận định việc áp thuế chống bán phá giá từ phía Mỹ đối với các công ty xuất khẩu cá tra Việt Nam làm cho thị trường thiên lệch. Đồng nghĩa việc làm cho giá cá tra ở Mỹ cao hơn Châu Âu và Trung Quốc. Bên cạnh đó là tình trạng cạnh tranh giữa các công ty trong nước vì một số công ty thuế suất thấp xuất sang Mỹ thì có lợi còn công ty thuế suất cao không xuất khẩu được, trở nên thoái hóa. Mặt khác, vụ việc này còn ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân. Ông Võ Hùng Dũng trình bày:

“Năm nào cũng xảy ra tình trạng như vậy. Tôi cũng chưa biết chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam như thế nào trong khi thương mại hai nước tiến triển rất tốt. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến khu vực nông dân. Giá như vậy ảnh hưởng tới sức mua cho người nông dân.”

DOC hành xử không công bằng?

Sau khi có phán quyết cuối cùng của DOC trong kỳ POR 13, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định kết quả này của DOC thể hiện sự không công bằng, trái với các quy định về luật chống bán phá giá thông thường; đồng thời mang tính áp đặt và vô lý đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo VASEP, trong POR 13, DOC chọn Công ty Cồ phần Gò Đàng để xem xét hồ sơ và quyết định áp dụng mức thuế 3,87 USD/kg cho công ty này. Và mức thuế này cũng được áp dụng cho hầu hết các doanh nghiệp còn lại.

Ông Võ Hùng Dũng nhận định về quan điểm trên của DOC:

“Hoàn toàn là không công bằng. Đây là sự áp đặt của DOC thôi. Cho dù ảnh có dựa trước đây vào giá của Bangledesh, Philippines hay thay đổi cơ cấu nhưng tôi nghĩ dựa trên ý kiến chủ quan. Quan điểm xuyên suốt của chúng tôi là DOC áp đặt quan điểm chủ quan đến ngành cá của chúng tôi.”

Chúng tôi hỏi về giải pháp và những hướng đi của Hiệp hội Cá tra Việt Nam trước những quyết định của DOC như trên, và được ông Dũng trả lời.

“Chúng tôi thực sự bất lực với chuyện này lâu rồi. Thậm chí chính phủ VN cũng đã từng lên tiếng, bộ công thương lên tiếng nhưng DOC vẫn áp đặt thái độ. Đằng sau những quyết định, những con số điều tra rất chi tiết, công thức, kỹ lưỡng công phu nhưng đã hàm ý chủ quan áp đặt nên những con số đó cũng chỉ là phương tiện thôi.”

Ông Võ Hùng Dũng cũng nói rằng hiệp hội của ông cũng không biết cách tính toán của DOC là như thế nào. Ông nói các doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin thôi chứ cách tính như thế nào là hoàn toàn không biết. Ông cũng bày tỏ mong muốn các nhân sĩ, trí thức tại Hoa Kỳ nếu có hiểu biết về cách tính toán của DOC thì hãy giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội áp dụng.

Còn đối với chủ doanh nghiệp Hoang Long Seafoods, ông Phạm Phúc Toại cũng tỏ ra bất bình trước những phán quyết của DOC.

“Luật chống phá giá của Mỹ áp đặt ra kiểm tra hồ sơ chứng từ. Có những chuyện có thể là do vấn đề giải trình nhưng cũng có thể do DOC áp đặt vì tự họ có quyền áp đặt thôi. Do đó tôi thấy rất thiếu công bằng.”

Bên cạnh đó, ông Phạm Phúc Toại cũng trăn trở cho biết hiện có hai doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này vào Mỹ nhưng được ưu ái đánh thuế bằng 0 và 0,19 USD, vì như ông nói chính phủ Mỹ đồng ý cho hai doanh nghiệp này được quyền thương lượng với hiệp hội nghề cá tại đó bằng các khoản phí hàng năm.

Chuyển Thị Trường?

Trong khi các thị trường lớn trước kia như Mỹ và EU bỗng suy giảm, thì thị trường của Trung Quốc gần đây bỗng nổi lên như một hiện tượng. Theo báo cáo của Hiệp hội cá tra Việt Nam, vào năm 2014, thị trường Trung Quốc chỉ chiếm 6,4% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam thì đến năm 2017, thị trường Trung Quốc đã vượt qua Mỹ với con số 23%. Ông Dũng cho biết.

“Những năm trước chúng tôi cũng đã cho rằng thị trường Mỹ và EU đang có thiên lệch đối với thị trường chúng tôi nên chúng tôi phải tìm giải pháp khác. Đó là bán sang thị trường Trung Quốc và gần đây đang tiếp cận thị trường Nhật. Trong cơ cấu thị trường thì hiện nay suy giảm của EU đã được thay thế bằng Trung Quốc và một phần của ASEAN. Đó là bài toán trong ngành của chúng tôi.”

Ông Dũng nói việc có thêm thị trường mới nằm trong chiến lược đa dạng hóa của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nhưng nhấn mạnh đây không phải là vấn đề cứu cánh mà chỉ là một bài toán giải quyết rủi ro khi thị trường Mỹ và EU sụt giảm.

Trong cơ cấu thị trường thì hiện nay suy giảm của EU đã được thay thế bằng Trung Quốc và một phần của ASEAN.
- Ông Võ Hùng Dũng

Còn ông Tổng Giám Đốc Hoang Long Seafoods thì xác nhận về sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường Trung Quốc tại Việt Nam hiện nay. Nhưng mặt khác, ông lại băn khoăn về sự bền vững của nó.

“Thị trường Trung Quốc hiện nay biểu hiện tăng trưởng rất mạnh nhưng sự bền vững thế nào thì còn nhiều khía cạnh do tác động chủ quan khách quan nữa. Các doanh nghiệp VN đảm bảo tốt chất lượng thì là điều kiện đảm bảo ổn định phát triển ở thị trường Trung Quốc. Nếu giá cả tốt thì đảm bảo điều kiện thứ hai.”

Ông Dũng bày tỏ sự lo ngại trước những thay đổi thất thường từ các lái buôn Trung Quốc, và đánh giá thị trường Trung Quốc là thị trường ‘bấp bênh’.

“Chúng tôi giữ quan tâm vì thị trường Trung Quốc bấp bênh. Đôi khi nhu cầu tăng thì giá tăng, nhưng khi thay đổi thì giá rớt xuống. Tất cả các mặt hàng hiện nay xuất sang thị trường Trung Quốc lâu nay đều bị hiện tượng đó nên chúng tôi rất lo ngại.”

Tuy vậy, ông Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam nói vẫn rất mong muốn thị trường Mỹ và EU được phục hồi trở lại vì cả ông và ông Phạm Phúc Toại đều cho rằng Mỹ là một thị trường đòi hỏi những tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt; và đây là một thuận lợi giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao quản lý và chất lượng sản phẩm của mình.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.