Các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp đang diễn ra tại Hà Nội lại mang vấn đề về các quy hoạch treo, dự án kéo dài qua hàng chục năm mà chưa được xoá bỏ ra chất vấn. Các quy hoạch và dự án treo thời gian qua đã gây bức xúc và bất công cho người dân, ngoài ra đất bị bỏ hoang còn gây lãng phí tài nguyên quốc gia.
Tuy nhiên, chuyên gia luật cho rằng các dự án quy hoạch treo chính là một kênh “ăn chia” của các nhóm lợi ích.
Dân “chết đứng” với quy hoạch treo
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TPHCM phát biểu hôm 30/5 rằng những dự án treo, quy hoạch treo tồn tại lâu năm khiến đời sống người dân trong vùng quy hoạch gặp nhiều khó khăn, gây bức xúc trong dư luận.
Một ông tên H, nhà ở Dĩ An, Bình Dương, cho biết gia đình ông sống ổn định ở khu vực này trên 20 năm không được cấp sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Lý do là vì nhà ông nằm trong một dự án đã được quy hoạch từ năm 2003:
“Chúng tôi tiếp xúc đại biểu rất nhiều, nhưng chỉ toàn hứa hẹn, ông bà này lên hứa hẹn rồi tới ông bà khác lên, rồi cũng về hưu hết trơn.
Bên này đá qua bên kia đã lại. Họ nói là sẽ sắp xếp cấp sổ cho bà con nhưng mà hết đời lãnh đạo này tới đời lãnh đạo khác cứ toàn cứ hẹn hoài mà không ai làm gì hết.
Bây giờ ở trong khu dân cư lại không cho xây nhà. Trong khi người ta mua từ lúc còn trẻ mà bây giờ người ta lấy vợ, con lớn rồi mà cũng không thể làm nhà được luôn. bà con khổ lắm!
Nguyện vọng của tôi là được cấp sổ. Còn đối với bà con ở đây thì được xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống…”
Chị T, ở quận Tân Phú, TPHCM từ năm 2005 nói với RFA rằng khu vực chị sinh sống được quy hoạch thành khu thương mại, dự án được công bố từ năm 2013:
“Từ đó cho đến nay, tôi không xây dựng hay thậm chí là sửa sang lại nhà cửa đã bị hư.
Mà thậm chí là tôi không thể bán nhà để đi tìm nơi khác ở, khu quy hoạch thì ai mà dám mua.”

Hệ luỵ
Phát biểu trước nghị trường hôm 30/5, đại biểu Nguyễn Hữu Thông nói rằng tình trạng dự án treo vừa gây lãng phí nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực đất đai và các nguồn lực khác, đồng thời cũng làm giảm niềm tin của người dân với chính quyền.
Theo Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, đến năm 2022, Thủ đô có tới hơn 400 dự án treo “bền vững”. Quyết tâm xoá bỏ các dự án treo lâu năm được báo chí dẫn lời các lãnh đạo Việt Nam từ những năm 2010, cho đến này, vấn đề này lại tiếp tục được nêu ra tại Quốc hội.
Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, người từng có nhiều năm kinh nghiệm trong các vụ khiếu kiện đất đai ở Việt Nam, cho biết các vấn nạn này không chỉ gây lãng phí mà nó còn làm “bần cùng hoá”, giảm chất lượng sống của người dân, nhất là dân nghèo. Các dự án treo kéo dài qua nhiều thập niên như hiện nay sẽ gây ra nhiều tác hại cho cả người dân và ảnh hưởng đến lợi ích nhà nước.
“Hệ lụy của các dự án treo quy hoạch treo có thể nói là rất nhiều nhưng trước hết là bần cùng hóa người dân.
Đất đai là một tài nguyên, là công cụ hay là tư liệu để sản xuất. Vậy đất đai trong thời gian dài không được sử dụng thì đất chỉ là đất, mà nó không có có giá trị gia tăng, cho nên gây lãng phí về tài nguyên đất.”
Về mặt quốc gia, đất cũng là một tài nguyên để thu hút đầu tư nước ngoài. Quy hoạch treo, để hoang đất sẽ thu hẹp đất dành cho nước ngoài đầu tư sản xuất, cũng như phá vỡ quy hoạch vĩ mô của Việt Nam, tiến sỹ Vũ phân tích:
“Đầu tư ở nước ngoài ngày càng nhiều ở Việt Nam, phải sản xuất cho nên đất đai lại trở thành một nguồn vốn không chỉ cho người dân ở Việt Nam, mà đây cũng là một nguồn tài nguyên để cho người nước ngoài có thể đầu tư phát triển đầu tư một cách chính danh, chính đáng, không gây thiệt hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.”
Lợi ích nhóm
Theo tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, cụm từ “dự án treo, quy hoạch treo” không phải là một khái niệm hành chính, pháp lý có trong hệ thông luật pháp của Việt Nam. Nó chỉ những dự án mà Nhà nước Việt Nam chấp thuận và những dự án đã không được triển khai theo đúng lộ trình, hay nói cách khác là không được thực hiện theo đúng thời gian đã được chỉ rõ trong dự án.
Ông khẳng định rằng các dự án treo chính là một trong các hình thức mà chính quyền bắt tay với doanh nghiệp để cướp đất của dân. Cụ thể, chính quyền dùng quy hoạch treo để những người dân trong vùng quy hoạch không xây dựng nhà cửa hay các công trình sản xuất kinh doanh.
Tức là chính quyền cố tình giữ để đất không tăng giá trị. Khi các công ty tư nhân có dự án, chính quyền sẽ bán lại khu đất mà không có giá trị gia tăng đó với giá rẻ. Sau khi đất đã vào tay các công ty tư nhân thì giá đất được đôn lên hàng trăm lần. Từ đó, chính quyền và doanh nghiệp sẽ ăn chia nhau số tiền chênh lệch:
“Tôi khẳng định ngay nguyên nhân các dự án treo, quy hoạch treo không phải từ các doanh nghiệp, các doanh nghiệp không có đủ năng lực thực hiện, mà nguyên nhân chính ở chỗ chính quyền.
Rõ ràng việc chính quyền giữ các dự án treo đó là có lợi ích nhóm rồi, tức là ăn chia chênh lệch giá vô cùng lớn giữa giá đất mà họ găm lại với cái giá đất khi vào tay tư nhân.
Họ ăn chia như vậy thì khẳng định cốt lõi của các dự án treo là tham nhũng của chính quyền. Nếu chính quyền không tham nhũng thì sẽ không có các dự án treo.”
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An từng phát biểu hồi năm 2019 rằng có “cử tri cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch là để phục vụ lợi ích nhóm của chủ đầu tư và những người có liên quan mà không quan tâm đến lợi ích của người dân. Điều đáng lo ngại là dân cứ phản ảnh, báo chí lên tiếng, cơ quan chức năng vẫn vào kiểm tra, nhưng việc điều chỉnh thì vẫn cứ diễn ra”
Có xoá bỏ được quy hoạch treo?
Khoản 8 Điều 49 Luật Đất đai 2013 quy định, đất nằm trong quy hoạch đất hàng năm đã công bố phải thu hồi hoặc chuyển mục đích sử dụng mà hết ba năm không có quyết định thu hồi, hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phải điều chỉnh, hủy bỏ quy hoạch.
Theo tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, chỉ có một cách để giải quyết vấn nạn quy hoạch treo dài hạn, đó là phải điều chỉnh luật, quy định một cách rõ ràng rằng tất cả các dự án đã được công bố quy hoạch nhưng sau ba năm vẫn chưa tiến hành dự án đúng tiến độ sẽ bị xoá bỏ. Bên cạnh đó, phải xử phạt các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án để bồi thường thiệt hại cho người dân sống trong khu bị quy hoạch:
“Tôi đề nghị phải có quy định bổ sung là sau ba năm kể từ khi quy hoạch được công bố mà chủ đầu tư không thực hiện được thì dự án phải bị hủy bỏ.
Đồng thời chủ đầu tư phải bị phạt một khoản tiền, ví dụ 10% tổng giá trị dự án, để thứ nhất là răn đe các chủ đầu tư găm dự án. Thứ hai là người dân sẽ có một phần tiền hợp lý trong số tiền phạt đó để bù lại cho những ảnh hưởng bởi quy hoạch treo. Bởi vì trong một thời gian dài họ không cải thiện được cuộc sống
Và cái thứ ba là bản thân nhà nước cũng bị thiệt hại. Thành ra là phải có một khoản tiền phạt đủ nặng để đạt được ba mục đích trên.”
Tuy đưa ra giải pháp như vậy nhưng vị tiến sỹ này cũng lưu ý rằng ông không kỳ vọng vào tính khả thi của giải pháp đó, bởi đây là một kiểu tham nhũng có hệ thống. Muốn xoá bỏ thì cần phải có các cơ quan giám sát độc lập. Mà muốn có được điều đó thì cần phải có một chính thể đa đảng kiểm soát và cân bằng lẫn nhau:
“Tôi muốn tổng kết lại rằng, với một ước vọng theo đúng pháp luật thì chính quyền Nhà nước Việt Nam phải xóa bỏ quy hoạch treo và đồng thời phạt thật nặng các chủ đầu tư.
Nhưng đó cũng chỉ là về lý thuyết, còn trên thực tế thì tôi không tin rằng quy hoạch treo có thể bị xóa bỏ bởi nó gắn liền với một chính quyền tham nhũng, mà chính quyền tham nhũng chỉ có thể xóa bỏ một cách căn bản khi nền chính trị ở Việt Nam được cạnh tranh bởi nhiều đảng phái, tức là có sự kiểm soát và cân bằng lẫn nhau.”