Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số

Diễm Thi, RFA
2018.11.30
000_U67BT Giao thông ở thành phố Đà Nẵng hôm 11/11/2017.
AFP

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc vào ngày 29/11/2018 thì dân số Việt Nam đạt đến con số 96.880.388 người, đưa Việt Nam thành nước đông dân thứ 14 trên toàn cầu. Trước đây vào năm 2012, ước tính đưa ra thì dân số Việt Nam vào năm 2018 là khoảng 91.500.000 người.

Trang danso.org thống kê chỉ sau 48 năm, độ tuổi trung bình của người dân Việt Nam tăng đáng kể, từ 18 tuổi vào năm 1970 lên 31 tuổi vào năm 2018 với tuổi thọ trung bình hiện nay là 76,6 tuổi.

Điều đó cho thấy dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng và dĩ nhiên việc chăm sóc phúc lợi cho người già là một vấn đề khó khăn khi mà Việt Nam vẫn còn trong nhóm những nước đang phát triển.

Dân số già nhanh

Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ người già tăng vọt như vậy là do tuổi thọ trung bình của người Việt đã tăng từ 60 tuổi năm 1970 lên 76,6 tuổi hiện nay. Bên cạnh đó là tỷ lệ sinh giảm do chính sách hai con được thực hiện tại Việt Nam lần đầu năm 1960 ở miền Bắc là lần hai vào năm 1990 trên cả nước.

Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình nhận định Việt Nam không tận dụng được kỷ nguyên dân số vàng vì chuyển rất nhanh từ dân số trẻ sang dân số già, và người già Việt Nam hiện vẫn tự bươn chải kiếm sống:

“Người ta thường nói người già là kho trí thức của nhân loại, trí khôn của xã hội, nhưng thực tế hiện nay thì cũng chả tận dụng được mấy đâu. Người già ở Việt Nam, những người có trí thức, có kỹ năng lao động thì hầu hết họ tự bươn chải. Lương chính thức của xã hội Việt Nam thấp nên người già đến tuổi nghỉ hưu họ vẫn làm."

Theo ông thì không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây hệ thống truyền thông cũng như chủ trương chính sách tầm vĩ mô đang nói rất nhiều đến chuyện nới rộng độ tuổi lao động cũng như tìm cách sử dụng sức lao động của người già.

“Ở đây người ta đang nhắm đến một bài toán giải được rất nhiều việc: Nhà nước bớt được gánh nặng trong khi người già thì đằng nào họ cũng tổ chức sản xuất, lao động với kinh nghiệm của họ. Thứ ba nữa là tính chung trong nỗ lực giảm thiểu lực lượng nằm trong biên chế cứng của nhà nước thì đây là quyết sách hay để trên thực tế đóng góp một phần quan trọng trong an sinh xã hội nói chung.”

Trợ cấp cho người già

Hôm 8/11/2018, tuần báo The Economist có bài viết dịch ra tiếng Việt là  “Việt Nam đang già trước khi giàu.” Bài viết nhận định xu hướng phát triển dân số của một số các quốc gia châu Á cũng diễn ra tương tự, chỉ khác là Việt Nam không phải là quốc gia có thu nhập bình quân cao tương tự.

Một người già ở miền Bắc Việt Nam.
Một người già ở miền Bắc Việt Nam.
AP

Bài báo nêu ví dụ khi tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tăng lên mức cao nhất ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc thì GDP bình quân đầu người của các quốc gia này lần lượt là 32.585 USD, 31.718 USD và 9.526 USD. Còn Việt Nam khi đạt tới đỉnh tương tự vào năm 2013 thì GDP chỉ có 5.024 USD. Vậy chính quyền có thể lo liệu cho hàng triệu người già hay không, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình nhận xét:

“Thực ra ở Việt Nam chưa có mô hình Nhà nước phúc lợi mà cái này vẫn nằm chung với an sinh xã hội có tính chất truyền thống lịch sử, tức là cộng đồng cùng lo.

Nội lực của Việt Nam thì cũng chẳng dồi dào nên việc trợ cấp, trợ giúp của nhà nước đối với người già không phải không có nhưng rất khiêm tốn, ít ỏi như đến 80 tuổi thì hàng tháng được một khoản tiền hai, ba trăm nghìn.

Có nghĩa là những khoản trợ giúp có nhưng không đáng kể và không mấy ý nghĩa. Trên thực tế ở Việt Nam sử dụng hình thức kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng nhiều hơn là với tính chất chính thống của chế độ.”

Điều này cũng từng được Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định với RFA rằng mạng lưới an sinh xã hội của Việt Nam với khả năng tài chính hiện nay thì không có cách nào có thể bù đắp được.

“Nếu nhìn thực trạng chung thì vấn đề an sinh xã hội của Việt Nam hiện nay là một gánh nặng hay một món nợ lớn mà cả nhà nước và nền kinh tế đang phải gánh chịu.”

“Trên thực tế, nhu cầu của xã hội đối với vấn đề an sinh xã hội luôn lớn hơn khả năng thực tế mà nhà nước có thể đáp ứng. Nhưng nhà nước cũng đã chấp nhận cung cấp bảo hiểm cho các người nghèo để đảm bảo cho họ khi đau ốm thì cũng có thể đến bệnh viện để chữa trị.”

Hiện nay, chỉ có những người rất nghèo và người từ 80 tuổi được nhà nước trợ cấp một khoản tiền nhỏ mỗi tháng. Bên cạnh đó họ cũng có một khoản bảo hiểm y tế. Cô Tuyết hiện ở Sài Gòn có bà mẹ già trên 80 tuổi cho chúng tôi biết mẹ cô không có một khoản tiết kiệm nào, con cái lo mọi chi phí, tiền nhà nước cấp hàng tháng không đủ để ăn sáng:

“Em không mua bảo hiểm gì cho má hết mà được nhà nước cấp cho những người lớn tuổi từ 80 tuổi trở lên mỗi tháng được 270 ngàn. 270 ngàn thì không thể đủ sống vì mỗi sáng ăn tiết kiệm lắm cũng hết 15 ngàn, tức một tháng hết 450 ngàn rồi, chưa tính ba bữa cơm trong ngày. Tết thì họ “lì xì” thêm một tháng. Và khi có bịnh hoạn hay nằm bệnh viện thì nhà nước chi trả 80%, mình chịu 20%.”

Tương lai sẽ ra sao?

Theo The Economist thì ở Việt Nam hiện nay, lớp người trên 60 tuổi đang chiếm tỷ lệ khoảng 12% dân số, và tỷ lệ này được dự báo sẽ tăng lên mức 21% vào năm 2040, một trong những tỷ lệ tăng nhanh nhất trên thế giới.

Một người già chạy xe ôm kiếm sống. Ảnh chụp tại Hà Nội hôm 16/5/2018.
Một người già chạy xe ôm kiếm sống. Ảnh chụp tại Hà Nội hôm 16/5/2018.
AFP

Với cái nhìn có phần lạc quan, bà Thúy Quỳnh, Giám đốc bộ phận chăm sóc khách hàng của công ty Bảo hiểm nhân thọ Generali Việt Nam cho rằng giới trẻ Việt Nam lâu nay đã biết tích lũy bằng cách mua các sản phẩm bảo hiểm đóng phí từ lúc còn trẻ, đến khi về hưu lấy ra sử dụng, và số khách đó hiện nay rất nhiều.

"Hiện tại ở Việt Nam có 18 công ty bảo hiểm, đa số những người còn trẻ và làm ăn tốt đều mua bảo hiểm để tích lũy để về già họ có khoản tiền đó họ chi tiêu.

Bây giờ nếu mình làm nhà nước hay nước ngoài thì đều có bảo hiểm xã hội. Đó là tiền hưu trí, của nhà nước. Nếu họ muốn lãnh số tiền cao hơn thì họ mua bảo hiểm. Bây giờ người dân họ ý thức được chuyện đó nên số người mua bảo hiểm khá cao."

Bà nói thêm rằng với những người già ở độ tuổi 70, 80 hiện nay thì họ chỉ có những khoản tích lũy riêng chứ không có tiền hưu và bảo hiểm xã hội nếu trước đây họ không làm cho nhà nước, vì mấy chục năm trước đây họ không tích lũy bằng bảo hiểm nhân thọ như sau này. Còn sau này thì người già sẽ có cuộc sống khác bây giờ. Bà nói thêm:

"Còn từ thế hệ 7x trở về sau thì đã tốt hơn vì họ có tiền bảo hiểm xã hội, có hợp đồng bảo hiểm nên em nghĩ không đến 20 năm nữa đâu mà chỉ chừng 5, 10 năm nữa thì tiền khi họ về hưu đảm bảo cho cuộc sống của họ tốt hơn bây giờ nhiều."

Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cho rằng hiện nay rất khó để biết người già có hài lòng với cuộc sống hay không vì thực tế nhà nước cũng không có một số liệu hay nghiên cứu nào gần đây để chỉ ra chỉ số hạnh phúc của người già, nhưng ông nhận định rằng người Việt Nam là một dân tộc lạc quan nên nếu có những nghiên cứu đó mà hời hợt thì chỉ số lạc quan hạnh phúc cũng không hề thấp.

Ông nói rằng nếu mà nhìn thẳng vào bức tranh xã hội Việt Nam thì xã hội vẫn đang trong sự chuyển đổi và đối diện rất nhiều thách thức cho người già Việt Nam. Nếu tính thu nhập bình quân thì nói chung bức tranh không sáng sủa, lạc quan nhưng cũng không đến nỗi khó khăn lắm.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.