Người Việt bị kẹt ở nước ngoài do COVID-19 kêu cứu

Cao Nguyên
2020.07.06
ttt Hình minh hoạ. Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch bệnh COVID-19 trên một chuyến bay của Bamboo Airways từ Đà Nẵng đi Hà Nội hôm 7/3/2020
Reuters

Từ ngày 22/3/2020 cho đến nay, Chính phủ Việt Nam ra lệnh tạm ngừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài và người gốc Việt được miễn visa vào Việt Nam, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Đối với người mang quốc tịch Việt Nam ở nước ngoài, Chính phủ vận động, khuyến cáo nên hạn chế tối đa về nước và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch ở nước sở tại, theo thông tin từ trang web xuất nhập cảnh của Chính phủ.

Tuy nhiên, thực tế là kể từ thời điểm đó, Chính phủ đã ngưng hoàn toàn các chuyến bay quốc tế thương mại nhập cảnh vào Việt Nam. Chỉ có một vài chuyến bay mỗi tháng tại các nước do Đại sứ quán tổ chức đưa người Việt về, mà báo chí nhà nước gọi là “các chuyến bay giải cứu”, mới được nhập cảnh.

Hàng chục ngàn người Việt “mắc kẹt” ở nước ngoài

Điều này tạo nên tình trạng hàng ngàn người Việt, bao gồm lao động, du học sinh, khách du lịch ở các nước như Nhật Bản, Dubai, Hong Kong… hết hạn hợp đồng, bị mất việc hoặc hết hạn visa, không thể hồi hương.

Chị Trương Thị Hà, một lao động ở Dubai nói với Đài Á châu Tự do rằng bởi vì Chính phủ Dubai ra lệnh phong toả từ cuối tháng Ba, nên những người Việt Nam làm việc trong lĩnh vực dịch vụ cũng bị thất nghiệp. Hiện nay, có một nhóm khoảng 300 người lao động Việt Nam đã gởi thư kêu cứu đến Đại sứ quán Việt Nam ở Dubai, Văn phòng Chính phủ… từ 3 tháng trước nhưng không có kết quả:

“Chúng tôi tổng hợp được hơn 300 người cũng đã gửi đơn từ đi rất là nhiều rồi, đã gọi điện cho Đại sứ quán rất nhiều lần nhưng mà không biết là họ có quan tâm hay không mà không có thông tin gì về các chuyến bay về, gọi điện lên Đại sứ quán thì lại không liên lạc được.

Bọn tôi vẫn luôn hy vọng và cầu cứu Chính phủ Việt Nam và đại sứ quán Việt Nam ở bên này tạo điều kiện để có chuyến bay hồi hương nhưng mà chờ, chờ hoài lại không thấy.”

Hình minh hoạ. Bác sĩ quân y kiểm tra thân nhiên những người Việt Nam từ Trung Quốc về tại một cơ sở cách ly ở tỉnh Lạng Sơn hôm 20/2/2020
Hình minh hoạ. Bác sĩ quân y kiểm tra thân nhiên những người Việt Nam từ Trung Quốc về tại một cơ sở cách ly ở tỉnh Lạng Sơn hôm 20/2/2020
Reuters

Tại Nhật Bản, Lê Dương, là một du học sinh cho biết mình đã tốt nghiệp và hết hạn visa hồi tháng Tư, nhưng tới giờ chưa về Việt Nam được. Hiện có khoảng 10.000 người Việt tại Nhật Bản đã đăng ký với Đại sứ quán để được về nước. Thậm chí, nhiều người đến tận Sứ quán Việt Nam ở Nhật biểu tình nhưng cũng không được giải quyết:

Không phải mình em mà tất cả mọi người đã làm từ cách đây 2, 3 tháng rồi, liên tục gởi email đăng ký, liên tục gọi điện thoại. Thậm chí có người lên tận nơi nhưng vẫn không về được. Họ không giải quyết cho về.

Riêng em thì chưa thấy sự phản hồi nào hết. Mà theo em nắm bắt được thông tin chung thì những người càng đăng ký nhiều, càng gọi nhiều thì thường là sẽ không được hỗ trợ.

Hoàn cảnh sống khó khăn, mỏi mòn chờ ngày về

Theo chị Hà, Chính phủ Dubai đang hỗ trợ gia hạn visa cho những lao động hợp pháp. Còn đối với những trường hợp bất hợp pháp thì trong vòng 3 tháng, từ ngày 18/5 đến 18/8/2020, được phép trở về nước mà không bị bắt giam, hay nộp phạt gì cả. Tuy vậy, họ vẫn không về Việt Nam được do không có chuyến bay:

Sau ngày 15/8 mà những người bất hợp pháp chưa về thì có thể họ sẽ bị bắt phạt. Bởi vậy, tôi vẫn hy vọng là mình sẽ được về sớm trong thời hạn.

Sở dĩ mọi người mong muốn được về sớm vì trong số họ có những bà bầu, những người bị bệnh phải điều trị định kỳ mà chi phí bên Dubai quá mắc, lại không có việc làm, họ không đủ khả năng chi trả:

“Hiện giờ, chúng tôi không có đi làm, tập trung với nhau thuê phòng ở chung. Nói chung cũng rất là khó khăn. Cũng chỉ mong Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho về thôi. Tại vì cũng có rất nhiều bạn đang có bầu mà không có điều kiện để sinh con bên này.”

Chị Sen, cũng là một lao động bị mất việc ở Dubai, nói hiện nay phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của những đồng hương có điều kiện và tiền người nhà ở quê gởi sang:

“Bây giờ, chỉ có người mình gom tiền lại hoặc có người giúp từ thiện, người nào có điều kiện thì sẽ giúp người kia, không thì người nhà ở Việt Nam phải gửi tiền sang. nhưng mà mà ở UAE này mày chi phí rất cao.

Sang đây lao động chỉ mong có tiền để gửi về cải thiện cuộc sống gia đình, thế mà giờ lại phải gửi tiền sang, chờ ăn, chờ uống, chờ để về, nhất là những bà bầu và những người bị bệnh.

Lê Dương cho biết chuyện hết hạn visa không phải là vấn đề lớn vì Chính phủ Nhật có chính sách gia hạn visa trong thời điểm dịch bệnh. Điều khó khăn nhất là mọi người không có việc làm và chỗ ăn ở:

“Thất nghiệp từ hồi đầu tháng Tư, không đi làm đồng nghĩa với việc là không có thu nhập. Tôi khá may mắn là có nhà của người thân ở bên này nên được ở nhờ, còn vấn đề tiền nong chi tiêu thì phải đi vay.

Hiện tại chúng tôi là những người du học sinh. Ngoài ra, còn có những người tu nghiệp sinh tất cả những người bị hết hạn đều chung một số phận. Bây giờ giờ không có việc làm, không có nhà ở, không có bất kỳ một sự hỗ trợ nào từ Chính phủ.”

Hiện giờ, mong muốn duy nhất của những người này là Sứ quán và Chính phủ Việt Nam tổ chức thêm nhiều chuyến nay hơn nữa để được về nước. Chị Hà và Lê Dương khẳng định mình cũng như những người đăng ký về nước sẽ tự chịu mọi chi phí bay và cách ly tập trung. Thế nhưng, đã 3 tháng nay, họ đã gởi đơn, chờ đợi rồi kêu cứu nhưng vẫn chưa có kết quả.

“Hạn chế công dân Việt Nam về nước là không hợp lý”

Theo quy định, công dân Việt Nam được phép nhập cảnh. Tuy nhiên, Chính phủ đã ngưng toàn bộ các chuyến bay thương mại quốc tế nhập cảnh, chỉ tổ chức một số rất ít các “chuyến bay giải cứu”, mỗi tháng chỉ có vài trăm người được về nước.

Chị Ngọc, là nhân viên hãng hàng không Emirates, nói với RFA từ Dubai rằng hiện nay nhiều nước trên thế giới dù chưa kiểm soát được dịch bệnh vẫn “mở cửa” cho công dân về nước bằng các chuyến bay thương mại, nhưng Việt Nam thì không:

Mình làm việc cho hãng hàng không thì mình biết có rất nhiều chuyến bay của các nước khác miễn phí, ở những nước dịch bùng nổ luôn mà người ta vẫn cho bay về. Còn Việt Nam mình thì đã kiểm soát được dịch rồi. Tại sao không mở cửa, vì dịch như vậy thì ai cũng muốn về hết, chỉ có các chuyến bay từ Việt Nam đi ra thì có.

Lê Dương nói mình có thể hiểu được lý do Việt Nam không muốn cho nhập cảnh quá nhiều người trong lúc dịch bệnh. Tuy nhiên hiện giờ, Việt Nam đã làm khá tốt trong việc chống dịch, thì việc không mở cửa đường bay thương mại cho công dân về nước là không hợp lý:

Tôi thấy Việt Nam là nước đã thực hiện cách ly rất tốt, nhưng tôi không hiểu tại sao họ vẫn không cho đón công dân Việt Nam về, trong khi mọi người đồng ý tự chi trả các khoảng chi phí cách ly. Đó là một điều rất bất hợp lý. Không cần một tuần 5, 7 chuyến, chỉ cần mỗi tuần một chuyến thôi cũng được. Mọi người sẽ chấp hành nghiêm chỉnh, miễn là về được Việt Nam.”

Theo báo chí trong nước đưa tin, cục Hàng không Việt Nam đề xuất mô hình “di chuyển nội khối” và kiến nghị các quy định khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam vào cuối tháng Bảy.

“Di chuyển nội khối” là các quốc gia đã kiềm chế được dịch COVID-19 tạo ra một khối. Những người trong khối có thể đi lại mà tránh được yêu cầu kiểm dịch bắt buộc.

Ngày 2/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý ưu tiên đưa thêm 14.000 người Việt từ nước ngoài trở về và phải cách ly tập trung. Các trường hợp được ưu tiên về nước gồm lao động hết hạn hợp đồng, hết hạn visa...

Tuy nhiên, tất cả những người mà Đài Á châu Tự do phỏng vấn cho biết họ vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin gì mới về lịch trình hay các chuyến bay về Việt Nam.

Mới nhất vào ngày 5 tháng 7, BBC loan tin một nhóm mấy trăm lao động Việt Nam đang làm việc tại Guinea Xích Đạo ở Châu Phi lên tiếng kêu cứu và cần được đưa về nước do có người bị nhiễm COVID-19, số khác phải lao động nặng nhọc trong điều kiện thiếu thốn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.