VN cần làm gì để giữ chủ quyền trước những tuyên bố mới của TQ?

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2015.09.25
000_Was8963948-622.jpg Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại công ty Microsoft ở Redmond, Washingtonđang, Hoa Kỳ hôm 23/9/2015.
AFP PHOTO / POOL / TED S. WARREN

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang công du chính thức Hoa Kỳ. Trong dịp này ông có những phát biểu liên quan hoạt động xây đảo nhân tạo mà Bắc Kinh gấp rút tiến hành gần đây và bị cộng đồng quốc tế lên án. Trước những tuyên bố mới của cấp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc như thế, phía Việt Nam có những động thái ra sao và cần phải tiếp tục đấu tranh thế nào để giữ vững chủ quyền biển đảo của đất nước.

Những tuyên bố mới

Tờ The Wall Street Journal vào ngày 22 tháng 9 vừa qua cho đăng bài phỏng vấn chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong đó khi đề cập đến vấn đề Biển Đông, người đứng đầu đảng cộng sản và chính phủ Trung Quốc nói rằng nước ông có chủ quyền tại khu vực Biển Đông, theo cách gọi của họ là Nam Hải, kể từ thời cổ đại.

Lập luận này từng được Bắc Kinh sử dụng lâu nay. Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải của hải quân Trung Quốc, phó đô đốc Viên Dự Bách hồi ngày 14 tháng 9 ở London cũng lên tiếng tại một hội nghị về quốc phòng rằng Biển Đông là thuộc Trung Quốc vì trong tên tiếng Anh gọi là South China Sea.

Tuy nhiên theo giới chuyên gia quốc tế thì những lập luận của Trung Quốc không có cơ sở, mà có thể gọi đó chỉ là lối ngụy biện của một nước lớn.

Tư liệu kể cả của Việt Nam cũng như của Pháp, hoặc tư liệu xưa kia của các nhà truyền giáo vào thế kỷ trước cách đây mấy trăm nay họ đều nhìn nhận vùng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Thậm chí còn đươc ghi nhận trên bản đồ thế kỷ thứ 16,17… Tôi nghĩ rằng tất cả những điều đó chính xác hơn sự ngụy biện của TQ.
-Nhà văn Nguyễn Viện

Nhà văn Nguyễn Viện từ thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến về những tuyên bố gần đây của giới lãnh đạo Trung Quốc đối với chủ quyền tại Biển Đông:

“Thực ra người Trung Quốc xưa nay họ vẫn lập luận theo cách như là ‘ngụy biện’. Tôi nghĩ Việt Nam về chứng cử chủ quyền ở Biển Đông có đầy đủ tư liệu, rất đầy đủ. Tư liệu kể cả của Việt Nam cũng như của Pháp, hoặc tư liệu xưa kia của các nhà truyền giáo vào thế kỷ trước cách đây mấy trăm nay họ đều nhìn nhận vùng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Thậm chí còn đươc ghi nhận trên bản đồ thế kỷ thứ 16,17… Tôi nghĩ rằng tất cả những điều đó chính xác hơn sự ngụy biện của Trung Quốc hiện nay mà theo tôi nghĩ là phát xuất từ tham vọng về đường lưỡi bò.”

Động thái của truyền thông Việt Nam

Vào hai tối 22 và 23 tháng 9 vừa qua, Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, HTV, phát chương trình nói đến việc Trung Quốc cho cải tạo, bồi đắp xây dựng những đảo nhân tạo tại Trường Sa.

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nói về chương trình đó như sau:

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc tại hội thảo biển và hải đảo Việt Nam năm 2009
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc tại hội thảo biển và hải đảo Việt Nam năm 2009
RFA files

“Trước lời tuyên bố về chủ quyền một cách trắng trợn, mà cụ thể là tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - Tập Cận Bình phát biểu trên báo chí Mỹ vào ngày 22 tháng 9 vừa qua, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh trong hai đêm liên tiếp 22 và 23 tháng 9 phát hai bộ phim tài liệu nhằm tố cáo Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp và tôn tạo 7 đảo trên trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo tôi đây là những bộ phim tài liệu rất có giá trị vì đã phỏng vấn và được các học giả nghiên cứu về Biển Đông trên khắp thế giới trả lời, chỉ rõ rat ham vọng lãnh thổ của Trung Quốc từ xưa cho đến nay, đặc biệt trong 20 năm gần đây.

Tôi nghĩ rằng việc HTV phát hai bộ phim tài liệu để giới thiệu cho công chúng thấy được tham vọng của nhà cầm quyền Bắc Kinh, đó là một điều hết sức đáng hoan nghênh, một điều hết sức nhạy bén trước phát biểu của chủ tịch Tập Cận Bình tại Mỹ.”

Nhà văn Nguyễn Viện có đánh giá về chương trình nói về hoạt động tôn tạo, xây dựng đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành tại Biển Đông được HTV trình chiếu vào hai đêm 22 và 23 tháng 9 như sau:

“Tôi thấy HTV đã  làm một hành động mà tôi cho là dũng cảm khi mà lên một chương trình khẳng định về tính bá quyền của Bắc Kinh, gọi đích danh những kẻ mang tham vọng đó. Tôi nghĩ đây là cách thể hiện gần như mạnh bạo hơn cách mà họ đã làm trước đây. Thái độ dứt khoát hơn, mãnh liệt hơn.”

Chứng cứ và lập trường của Việt Nam

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban biên giới Chính phủ, cho rằng lập trường của Việt Nam về Biển Đông từ trước đến nay không có gì thay đổi cả. Theo ông tùy thực tế tình hình mà Hà Nội có những bước đi linh hoạt khác nhau. Ông phát biểu:

“Lập trường của chúng tôi, của người Việt Nam từ trước đến nay không có gì thay đổi, luôn khẳng định rằng nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền tại hai quần đảo này từ thế kỷ thứ 17 khi còn là đất vô chủ. Chúng tôi quyết tâm bảo vệ chủ quyền đó, mặc dù trong thực tế hiện nay Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và dùng vũ lực đánh chiếm một số điểm trên quần đảo Trường Sa. Hiện nay họ đang bồi lấp, cải tạo thành căn cứ quân sự.

Việc Trung Quốc vẫn có lập trường cứng rắn thì người Việt Nam hiểu rất rõ, chứ không phải chúng tôi bị bất ngờ hay có gì khác cả. Việt Nam sẽ cùng các nước trong khu vực và quốc tế phải tìm mọi cách để đấu tranh, ngăn chặn tất cả những bước đi nguy hiểm của họ.
-Tiến sĩ Trần Công Trục

Chúng tôi luôn có những tuyên bố về mặt nguyên tắc chúng tôi phản đối những hành động đó.

Đương nhiên (như các bạn thấy) cũng tùy theo tình hình mà chúng tôi nghĩ rằng để có thể thu hút, lôi kéo tất cả các bên và Trung Quốc ngồi lại để bàn bạc, giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp, xây dựng COC- qui tắc ứng xử làm thế nào kiềm chế, khống chế cho được những mầm mống những tranh chấp có thể xảy ra làm nguy hại đến hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới. Chúng tôi phải có những bước đi rất mềm mỏng, luôn kiên nhẫn, cố gắng hết sức mình để tranh thủ sự giải quyết hòa bình các tranh chấp đó. Chứ không phải chúng tôi có thay đổi thái độ. Lần này, việc Trung Quốc vẫn có lập trường cứng rắn thì người Việt Nam hiểu rất rõ, chứ không phải chúng tôi bị bất ngờ hay có gì khác cả. Việt Nam sẽ cùng các nước trong khu vực và quốc tế phải tìm mọi cách để đấu tranh, ngăn chặn tất cả những bước đi nguy hiểm của họ.”

Trong khi đó thì nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nêu ra một số việc mà chính quyền Hà Nội cần phải làm trong tình thế hiện nay:

“ Nếu như từ trước đến nay vấn đề tranh chấp lãnh thổ, thì việc khẳng định chủ quyền từ ngàn xưa đối với hai quần đảo mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa chỉ là phát biểu của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, của các tướng lĩnh Trung Quốc hoặc cấp chính phủ; ta thấy đây là lần đầu tiên người giữ chức vụ cao nhất của đảng cộng sản và nhà nước Trung Quốc đã chính thức phát biểu như thế. Tôi thấy rằng đối với lãnh đạo Việt Nam: tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng phải đáp lại để lật ra tất cả những chứng cứ mà Việt Nam đã từng tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam để phản bác lại những lời phát biểu vu vơ, vô căn cứ làm cho thế giới không hiểu rõ bản chất của việc tranh chấp hiện nay trên Biển Đông.

Vấn đề thứ hai nữa theo tôi thấy Tập Cận Bình đã phát biểu công khai trên báo chí Mỹ về cái gọi là Tây Sa và Nam Sa là lãnh thổ lâu đời của Trung Quốc, thì đây là dịp may để cho các vị lãnh đạo của Việt Nam thách thức Trung Quốc ra tòa án quốc tế để phân xử chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc ai. Tôi thấy đây là một cơ hội ‘ngàn năm có một’ mà các nhà lãnh đạo Việt Nam phải tận dụng cơ hội này để đấu trí với Trung Quốc.

Tôi cho rằng hiện nay trong tất cả các giải pháp thì giải pháp dùng đến pháp lý quốc tế, đó là giải pháp ưu tiên nhất mà Việt Nam phải tiến hành.”

Khi Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 vào hoạt động trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhiều người cũng cho rằng đó là cơ hội tốt để Hà Nội tỏ rõ thái độ với Bắc Kinh và đưa vụ việc ra tòa án quốc tế để phân xử. Tuy nhiên đến nay biện pháp đó vẫn chưa được tiến hành như mong mỏi của nhiều người.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.