Truyền Thông tiếng Việt trong và ngoài nước. Nhà báo Trần Phong Vũ

Kính Hòa, phóng viên RFA
2015.10.14
Báo chí (ảnh minh họa) Báo chí (ảnh minh họa)
File photo

Nhà báo Trần Phong Vũ từng phụ trách mục bình luận của đài phát thanh Sài Gòn trước năm 1975 ở miền nam Việt nam. Nhân dịp ông có mặt tại thủ đô Washington, Kính hòa có trao đổi với ông về truyền thông tiếng Việt trong và ngoài nước hiện nay.

Kính Hòa: Thưa ông, với tư cách là người đã hoạt động trong ngành truyền thông trước năm 1975, ông có nhận xét gì về sự phát triển của truyền thông Việt nam trong nước trong những năm qua?

Ông Trần Phong Vũ: Cái này chắc mọi người đều đồng ý là sau khi đất nước chúng ta thống nhất dưới chế độ cộng sản thì chỉ có duy nhất một Tổng biên tập, từ trung ương cho đến tất cả các tờ báo, rồi phát thanh phát hình. Con số tờ báo nghe nói lên đến cả ngàn, rồi phát thanh truyền hình, nhưng tất cả đều đặt dưới một Tổng biên tập là cái loa của chế độ mà thôi. Thì đấy là một thực trạng đau buồn cho chúng ta.

Kính Hòa: Thưa ông là trong những năm gần đây có những sự kiện mà báo chí trong nước bị ách lại, rồi thậm chí nhiều nhà báo bị bỏ tù. Vậy theo ông thì có hay không một khuynh hướng của anh em báo chí trong nước muốn nói đến sự thật, và khuynh hướng này ngày càng phát triển?

Ông Trần Phong Vũ: Nếu đó là chỉ dấu là nhà nước cộng sản bối rồi thì nó làm cho những người đấu tranh cho tự do và chúng ta lấy làm vui. Sự nổi loạn của giới báo chí nhà nước không phải bây giờ mới có, mà từ xưa đã có. Chẳng hạn như tờ báo nổi tiếng là tờ Tuổi trẻ, đã có thời kỳ mà Tổng biên tập bị bứng đi vì đi chệch hướng, vì có những tư tưởng khác. Nhưng trong vài năm gần đây, ngay lúc này thì chúng ta có quyền chờ đợi khuynh hướng báo chí có nhiều thay đổi. Có cả một Hội nhà báo độc lập do anh Phạm Chí Dũng đứng đầu. Tuy họ chưa làm được nhiều nhưng mà cũng làm cho chế độ phải nể.

Cái này chắc mọi người đều đồng ý là sau khi đất nước chúng ta thống nhất dưới chế độ cộng sản thì chỉ có duy nhất một Tổng biên tập, từ trung ương cho đến tất cả các tờ báo, rồi phát thanh phát hình. Con số tờ báo nghe nói lên đến cả ngàn, rồi phát thanh truyền hình, nhưng tất cả đều đặt dưới một Tổng biên tập là cái loa của chế độ mà thôi. Thì đấy là một thực trạng đau buồn cho chúng ta

Ông Trần Phong Vũ

Rồi chúng ta  cũng phải nói tới văn học, đã manh nha có một hội nhà văn độc lập. Những việc đó chưa cụ thể, nhưng với cái đà phát triển của các xã hội dân sự ngày càng nhiều, càng mạnh mẽ thì truyền thông cũng thế mà thôi. Dĩ nhiên là hiện nó chưa đạt được đến cái mà chúng ta mong mỏi. Nếu ngày nào mà chưa được cởi trói nhưng báo chí biết tự cởi trói để có tiếng nói thông thoáng thì đó là ngày vui của đất nước chúng ta.

Kính Hòa: Ông có thấy là cách ứng xử của nhà cầm quyền có dễ dãi hơn trong một số lĩnh vực hay không? Vì so với trước kia tất cả đều giống nhau, nay lại có những khuynh hướng khác nhau?

Ông Trần Phong Vũ: Cái đó là xu thế của thời cuộc khi mà người ta đã mở cửa đi ra bên ngoài, rồi có những áp lực bên trong bên ngoài. Áp lực quần chúng thì dĩ nhiên rồi, nhưng mà nếu chỉ có thế thì với một chế độ coi dân như cỏ rác, coi tất cả các cơ quan truyền thông là bồi bút của họ, thì họ chẳng coi là gì cả.

Nhưng khi mà họ chơi trò chơi quốc tế, ngửa mặt lên nói chuyện với bên ngoài, thì không có cách nào mà không thích nghi để ít nhất người ta coi cho được. Cho nên nó ngày càng thông thoáng hơn mặt dù không như chúng ta chờ đợi, hy vọng là sắp tới sẽ hơn chăng!

Kính Hòa: Thưa ông với tư cách chủ bút một tờ báo ở hải ngoại, ông thấy sự thúc đẩy của truyền thông ở hải ngoại như thế nào đối với truyền thông trong nước?

Ông Trần Phong Vũ: Trước khi trả lời câu hỏi này thì cho tôi minh xác là 3 năm nay tôi không còn là chủ bút, thành ra nói với tư cách chủ bút thì không chính xác, nhưng chúng tôi vẫn gắn bó với tờ báo đó, nên xin thưa là đối với báo chí ở hải ngoại thì tôi thấy ngày càng tốt, khi chúng ta đã biết lợi dụng tất cả những tiến bộ về mặt tin học, để mà nối kết với nhau, chưa kể sự nối kết trong ngoài nữa, bằng hình thức này hay hình thức khác.

Tôi muốn nói đến ở đây trường hợp anh Điếu Cày hay chị Tạ Phong Tần, hai người từng thành lập Câu lạc bộ nhà báo tự do trong nước rồi bị trục xuất ra ngoài này. Anh Điếu Cày có nói là anh ấy sẽ cố gắng tạo một cái thế nào đó cho những người đấu tranh ở hải ngoại này, để nối kết với trong nước. Trong điều kiện là nhà nước Việt nam bị bắt buộc phải thay đổi nhiều để vào TPP, thì đấy là thêm một cái điều kiện khác nữa để chúng ta có thể tin là báo chí của người Việt ở hải ngoại này, cộng với phương thức trao đổi bằng các trang mạng, nối kết trong và ngoài thì nó có thể làm cho chúng ta có điều kiện dễ dàng đưa thông tin đến 90 triệu đồng bào của chúng ta.

Kính Hòa: Xin cảm ơn ông.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.