Bao giờ dân oan Dak Ngo có câu trả lời?
2011.05.24
Màn trời, chiếu đất
Những người trong cuộc tiếp tục kêu oan đến các cơ quan chức năng, nhưng ý kiến của những cơ quan đó dường như không thể lay chuyển?
Công tác cưỡng chế những hộ dân tại địa phương vừa nêu được tiến hành hồi ngày 20 tháng tư năm nay. Sau đó người dân đã phải đưa mọi thông tin liên quan lên mạng Internet. Những người bị cưỡng chế giao đất cho Công ty tư nhân Hoàng Thiên cho biết phải cử đại diện ra đến tận các cơ quan giải quyết khiếu nại của trung ương Đảng và chính phủ tại Hà Nội để trình bày vụ việc; một số khác tiếp tục đến tại trụ sở của ủy ban nhân dân xã trong tình trạng mà họ cho biết là ‘ăn chực nằm chờ’ để giải quyết vụ việc mà họ cho là bất công đối với họ.
Một phụ nữ thuộc xã Dak Ngo cho biết tình cảnh của những người bị cưỡng chế hơn một tháng nay như sau:
Vấn đề đó chúng tôi không thể nói qua điện thoại với ông được. Chúng tôi làm về pháp luật để bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên thôi. Còn họ sai, thì chúng tôi xử lý.
Ô. Lê Diễn
"Chúng tôi đang trong cảnh bức xúc ‘màn trời, chiếu đất’, không có nơi ăn chốn ở, hết sức bất bình. Sự việc mà chúng tôi muốn nói ra đây: chúng tôi đã sống ở đây 10 năm trời từ thời ông cố chủ tịch Đặng Đức Yến. Ông cho chúng tôi ở đây để ‘phát triển nông thôn’.
Vào ngày 20 tháng tư, khoảng 500 người phối hợp có công an xã, tỉnh… ngày đầu tiên họ đốt hết nhà dân, mặc dù có lời kêu cứu của những người mới sinh con một ngày. Họ buộc phải ký giấy giao đất mới cho ở. Sang ngày thứ hai họ chặt hết những cây cao su, cây điều mà chúng tôi đã canh phá trên 10 năm qua. Trong thời gian đó, chúng tôi cũng có gọi đến các báo Pháp luật, nhưng không ai lên tiếng. Ngày thứ ba vào họ muốn đốt hết những hạt điều mà chúng tôi gom được. Vì xót của, phẫn nộ nên dân cản phá lại. Lúc đó họ cho rằng như thế là ‘phản loạn, bạo loạn’, nên bắt một số người đến nay chưa được thả ra. Trong số này có người như ông Lộ Văn Phải, từng chiến đấu và có ba đứa con ‘bị chất độc màu da cam’, nay bị biệt giam. Có cả những người phụ nữ bị bắt vẫn chưa được thả về. Khu đất chúng tôi ở là thuộc Tiểu khu 1538,1537,1525 trước đây Nhà Nước cho lập nông thôn. Cảnh nay thật đau khổ.”
Chính quyền không trả lời
Chúng tôi gọi điện thoại đến ông chủ tịch tỉnh Dak Nong, Lê Diễn, để tìm hiểu cách giải quyết vụ việc mà dân chúng cho là không thỏa đáng, không hợp tình hợp lý đối với họ, thì ông chủ tịch tỉnh trả lời:
“Vấn đề đó chúng tôi không thể nói qua điện thoại với ông được. Chúng tôi làm về pháp luật để bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên thôi. Còn họ sai, thì chúng tôi xử lý vi phạm theo nguyên tắc; vậy thôi.
Dân bức xúc nhưng phải xử lý theo qui định của pháp luật, đất nước nào cũng thế thôi. Những người đó là những người từ nơi khác đến phá rừng, nên chúng tôi phải bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên theo qui định của Liên Hiệp Quốc.
Tôi phải bảo vệ những người dân chính đáng. Tôi chỉ có thế nói với ông đến đó thôi.”
Phía những người dân bị cưỡng chế nêu ra những điểm vô lý trong việc cưỡng chế, ủi sập nhà cửa, cày phá hoa màu của họ từ hôm ngày 20 tháng tư và những ngày gần đây như sau:
“Nếu không cho thì ngay từ đầu cách đây mười mấy năm họ không cho đi. Để nay công sức bỏ ra bị ‘đổ đi’; những cây đang thu hoạch được lại chặt bỏ đi. Giờ chúng tôi vẫn có những bản, công văn chấp nhận cho chúng tôi ở để thành lập nông thôn. Nay cây cao su đã ‘mở miệng’, đào đã ‘có trái’ lại chặt bỏ đi; dân chúng tôi biết đi về đâu!
Giờ xe đang vào ủi, nhổ cây mì của chúng tôi đi, rồi phía ngoài trồng bạch đàn, phía trong lại trồng mì.”
Công ty Hoàng Thiên là đơn vị được giao đất, đồng thời có cáo buộc của người dân Xã Dak Ngo nói rằng nhiều lần đơn vị này thuê những đối tượng mà họ cho là ‘bất hảo’ đến phá hoại, hù dọa cũng như tấn công người dân, để họ phải bỏ đi nơi khác, thì được ông Hoàng Đình Trung, giám đốc công ty trả lời:
“Đó là dân phá chứ ai vào mà phá; tôi làm lên cái gì là dân phá cái đó. Thậm chí đền bù giá cao dân vẫn không chịu nhận. Đền bù đến mười mấy triệu đồng Việt Nam một hécta mà dân vẫn không chịu nhận, khăng khăng đòi giữ đất mà không chịu nhận tiền hỗ trợ.
Nếu không cho thì ngay từ đầu cách đây mười mấy năm họ không cho đi. Để nay công sức bỏ ra bị ‘đổ đi’; những cây đang thu hoạch được lại chặt bỏ đi.
Người dân Dak Ngo
Công nhân của tôi bị chém nhiều lần; mỗi lần bị chém như vậy thương tật từ 47 đến 50%, có người bị thương tật vĩnh viễn luôn. Dân ‘oan’ mà, cứ thưa kiện lung tung.
Công ty chúng tôi từ khi nhận đất đến giờ vẫn chưa làm được gì. Vừa qua, khi giải tỏa xong mới thuê mấy chục công nhân địa phương vào trồng tràm thôi; ồ trồng cây rừng thôi, chứ chưa làm được gì; mới hai ba bữa thôi…”
Trước tình trạng chính quyền địa phương khăng khăng cho rằng dân chúng sai, những người trong cuộc bày tỏ mong muốn cơ quan điều tra đến tận nơi để có thể chứng kiến, hiểu rõ hơn ngọn ngành của sự việc:
“Đừng nghe báo cáo; có nhiều người chỉ muốn nghe báo cáo thôi. Chúng tôi thực sự muốn họ đến đó xác minh xem những điều mà chúng tôi nói có đúng sự thật không. Nếu những điều chúng tôi nói không đúng sự thật, chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật Nhà Nước.
Chúng tôi muốn những người có thẩm quyền phải đến nơi xem có đúng chúng tôi đã sống tại đó lâu nay, mà hiện thời cây cao su, cà phê bị móc gốc lên, có đúng như vậy hay không?”
Vụ việc của những hộ dân tại xã Dak Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Dak Nong không phải là trường hợp cá biệt dân chúng kêu oan vì bị cưỡng chế, thu hồi đất một cách bất công. Đây cũng không phải là trường hợp duy nhất có cáo buộc phía công ty mượn tay những đối tượng bất hảo để ‘xử’ người dân mà chính quyền làm ngơ.
Trong một xã hội pháp trị hẳn những thông tin mà người dân tại xã Dak Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Dak Nong đưa ra, cũng như nhiều vụ việc oan khuất khác ở Việt Nam hẳn sẽ không có đất để tồn tại.