Quốc Hội có cần nhóm họp tại Hà Nội lúc dịch bệnh căng thẳng?
2021.07.20
Chỉ thị, công điện không phải văn bản quy phạm pháp luật
Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân (UBND) Hà Nội ra công điện yêu cầu người dân từ 0 giờ ngày 19/7 ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hoá thiết yếu được phép hoạt động, mua lương thực, thuốc men và các trường hợp khẩn cấp như y tế, thiên tai, thảm hoạ. Giới chức thành phố yêu cầu người dân thực hiện nghiêm 5k, giữ khoảng cách hai mét khi giao tiếp, không tụ tập quá năm người ở nơi công cộng.
Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu phải kiên quyết xử lý các hành vi phạm công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quản lý.
Như vậy, Quốc hội tổ chức kỳ họp thứ nhất, quy tụ gần 500 đại biểu, chưa kể cả báo chí và người làm công tác hậu cần, có là phạm luật hay không. Luật gia Bùi Quang Thắng ở Hà Nội trả lời RFA qua tin nhắn rằng:
“Trước tiên, cần phải khẳng định rằng “Công điện” không phải là một văn bản quy phạm pháp luật. Và nếu ai đó không làm theo Công điện thì cũng không bị coi là vi phạm pháp luật, trừ những cán bộ, công chức, viên chức nhà nước sẽ bị coi là vi phạm kỷ luật:
Theo quan điểm của tôi thì lẽ ra chính quyền phải ra một Quyết định về việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch thì sẽ có tính pháp lý, áp dụng với cả người dân.
Việc Quốc Hội họp trong thời gian Hà Nội giãn cách xã hội không vi phạm pháp luật, cũng như về hành chính. Bởi trong các Chỉ thị, Công điện đã loại trừ (không cấm) các hoạt động tập trung đông người vì lý do công vụ”.
Đồng quan điểm, một luật sư yêu cầu được giấu danh tính vì lý do an toàn nói với RFA rằng nếu xét về mặt pháp luật thì người dân không tuân theo Chỉ thị hay Công điện đều không vi phạm gì cả. Nhưng đối với công chức, viên chức Nhà nước thì họ phải tuân theo những văn bản này.
Không nhất thiết phải họp tập trung
Luật gia Bùi Quang Thắng cho biết “Theo quy định của pháp luật thì kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới sẽ phải bầu, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo Nhà nước. Vì vậy, đây không những là việc làm cần thiết mà còn là nhiệm vụ bắt buộc của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV:
“Một số chức danh đã được quyết định từ tháng 4/2021 là kiện toàn của Quốc hội khóa XIV, dù mới được hơn ba tháng nhưng họ sẽ mãn nhiệm khi kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV được khai mạc.
Việc tổ chức kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV không chỉ cần thiết mà là việc phải làm theo quy định của pháp luật. Theo Luật Tổ chức Quốc hội thì kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới phải được triệu tập chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày bầu cử đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, để hợp lý trong điều kiện dịch bệnh thì Quốc hội có thể họp trực tuyến nếu xét thấy không cần thiết phải họp tập trung tại hội trường.”
Theo vị luật sư giấu tên, có rất nhiều lý do mà Quốc hội không nên tổ chức kỳ họp trong lúc này. Thứ nhất là tình hình dịch bệnh ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước đều đang diễn biến phức tạp, căng thẳng, do đó rất cần người lãnh đạo ở địa phương để chỉ đạo chống dịch. Hoặc có nhiều đại biểu là bác sỹ hay người làm việc trong ngành y tế thì việc vắng mặt cả chục ngày để đi họp sẽ không có người điều hành, điều trị cho người bệnh.
Ngoài ra, người dân ở tất cả tầng lớp xã hội đều đang rất khó khăn, từ người buôn gánh bán bưng, lao động chân tay cho tới nhân viên văn phòng hay chủ doanh nghiệp đều cần được hỗ trợ về nhiều mặt:
“Theo tôi, trong lúc người dân đang rất khó khăn, thấy nhiều người trên mạng xã hội đã kiệt quệ rồi. Họ đang rất cần những khoản tiền trợ cấp của Nhà nước.
Nếu không tổ chức cuộc họp đại biểu Quốc hội này thì không phải đài thọ tiền vé máy bay, tiền khách sạn từ ngân sách. Đây là một việc lãng phí cực kỳ nghiêm trọng và tệ hại.
Không cần thiết phải kiện toàn lại một bộ máy Nhà nước. Tổ chức họp để bầu lại thì vẫn là ông Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ và Nguyễn Xuân Phúc nắm quyền thôi, đâu có thay đổi gì. Vậy thì kiện toàn làm gì trong thời điểm này. Nó rất lãng phí, mất thời gian và bầu lại những người mà ai cũng biết trước sẽ nắm các chức vụ đó rồi.”
Mạng báo Người Lao Động dẫn lời ông Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông tin kỳ họp Quốc hội bắt buộc phải được tổ chức trực tiếp, dù đang trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, là do nội dung quan trọng của kỳ họp này là kiện toàn nhân sự, mà công tác nhân sự phải bỏ phiếu kín, do đó phải tổ chức kỳ họp tập trung.
Các đại biểu sẽ được bố trí các chuyến bay riêng đón từ TPHCM và các tỉnh phía Nam ra Hà Nội dự họp. Nhằm đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, các đại biểu đến từ địa phương có dịch sẽ được đưa đón riêng, ở nhà khách riêng…
Ưu tiên vắc-xin cho ĐBQH có hợp lý?
Ngoài ra, ông Cường cho hay, các đại biểu dự kỳ họp lần này đều được tiêm vắc-xin COVID-19, chỉ trừ một số người tuổi cao hoặc có bệnh nền khuyến cáo của cơ quan y tế.
Ngày 11/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký ban hành chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19, sẽ được thực hiện từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022. Theo đó, vắc-xin COVID-19 sẽ được ưu tiên cho bốn nhóm tỉnh, thành phố có dịch và 16 nhóm đối tượng cụ thể.
Dù trong 16 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc-xin không có nhóm “đại biểu Quốc hội”. Tuy nhiên, luật gia Bùi Quang Thắng lý giải rằng việc các đại biểu Quốc hội đã được tiêm vắc-xin là cần thiết và phù hợp với quy định hiện hành. Bởi đại đa số Đại biểu Quốc hội là công chức, viên chức Nhà nước. Số ít còn lại tuy không phải là công chức, viên chức nhưng họ được hưởng một số quyền ưu tiên đặc biệt.
Luật sư giấu tên cho rằng các nhóm được ưu tiên tiêm vắc-xin có phạm vi khá rộng, điều này có nghĩa là ai cũng có thể được xem là đối tượng được ưu tiên:
“Đúng là trong những câu chữ không hề nói đến việc đại biểu Quốc hội thuộc đối tượng được ưu tiên. Nhưng mà ở đây có thể giải thích như thế này, những đại biểu này làm trong ngành y tế thì đó là đối tượng được ưu tiên tiêm, hay xuất thân thường từ ngành công an, và người trên 65 tuổi…
Các nhóm ưu tiên ở Việt Nam được quy định khá chung chung, cho nên ai cũng có thể được xem là nằm trong nhóm ưu tiên, kể cả đại biểu Quốc hội. Mặc dù trong 16 nhóm ưu tiên không nói thẳng ra là đại biểu Quốc hội thì được ưu tiên.”
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam vẫn đang kêu gọi người dân góp tiền cho Quỹ vắc-xin COVID-19. Tính đến chiều ngày 20/7, tổng cộng số tiền đã chuyển vào quỹ này là 8.185 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc sử dụng và báo cáo minh bạch nguồn tiền này chưa được báo cáo cụ thể.
Thậm chí, vài ngày qua còn xảy ra vụ lùm xùm một Facebooker khoe trên mạng xã hội rằng mình đã được ưu tiên tiêm vắc-xin Pfizer vì là con gái của bác sỹ quân y. Vụ việc này nhanh chóng lan truyền và gây phẫn nộ trong dư luận.