Quân đội không biết quản lý kinh tế và những hệ lụy

RFA
2020.05.20
000_Hkg457013 Tập đoàn Viễn thông Viettel, thuộc Quân đội Việt Nam quản lý, được nói là bị chỉ trích đứng phía sau vụ Đồng Tâm.
AFP

Lời biện bạch của một vị tướng quân đội

Trong phiên tòa hôm 19/5, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng-Đô đốc Nguyễn Văn Hiến phủ nhận cáo buộc rằng ông đã không kiểm tra việc đưa hơn 7300 m2 đất của Quân chủng Hải quân vào liên doanh làm kinh tế không đúng quy định.

Ông Nguyễn Văn Hiến nói trước tòa rằng ông chỉ được học về chỉ huy quân sự, không được đào tạo về quản lý kinh tế, đất đai. Do đó, ông Hiến chỉ thừa nhận làm chưa đủ sát sao, quyết liệt và đã nhận khuyết điểm về trách nhiệm này.

Đài RFA ghi nhận phiên tòa xét xử nguyên đô đốc Nguyễn Văn Hiến cùng 7 bị cáo khác về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’ và tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đang rất thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi vì tính đến thời điểm hiện tại, bị cáo Nguyễn Văn Hiến là quan chức cấp tướng bị hầu tòa, liên quan các dự án kinh tế của quân đội.

Nhà báo Võ Văn Tạo, người theo dõi sát sao vụ án vừa nêu, lên tiếng với RFA rằng cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng biện bạch như thế với kỳ vọng có thể là một tình tiết mà tòa xem xét giảm nhẹ.

Tại phiên tòa diễn ra vào ngày 20/5, Viện Kiểm sát Quân sự Quân chủng Hải quân đề nghị mức án 3-4 năm tù giam đối với nguyên Đô đốc Nguyễn Văn Hiến. Cơ quan này lý giải ông Hiến phạm tội do lỗi vô ý vì “qúa tự tin”. Bên cạnh đó, ông Hiến có nhân thân tốt, có nhiều cống hiến trong công tác; không có kinh nghiệm, chuyên môn sâu về kinh tế; không có động cơ, vụ lợi; sức khỏe yếu, mắc nhiều bệnh; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

Từ Nha Trang, Nhà báo Võ Văn Tạo nêu lên nhận xét của ông với RFA về diễn tiến của phiên tòa trong hai ngày vừa qua:

“Cái lý do đó thì không chỉ có mỗi ông Hiến mà hầu hết quan chức nhà nước đều nại ra lý do như thế, nào là tôi dốt, tôi kém nhưng Đảng phân công thì tôi phải làm chứ tôi không có chuyên môn…Ra tòa thì họ nói thế, nhưng lúc giao nhiệm vụ thì họ đâu có báo cáo rằng họ dốt, họ kém trong lĩnh vực đó và không dám nhận nhiệm vụ đâu. Tôi cho rằng câu nói của ông Hiến là câu ngụy biện, không đúng sự thật. Đây là câu ông Hiến thanh minh thanh nga không có lý, rất là vô duyên. Và, trong việc xét xử mà đề nghị có 3-4 năm tù thì tôi cũng cho rằng đây là hình thức ‘giơ cao giáng khẽ’ đối với ông này vì hành vi gây thiệt hại, sơ bộ người ta tính ra cũng gần 10 ngàn tỷ nên không phù hợp với mức án 3-4 năm tù.”

Có lẽ không có ông  Thượng tướng Hiến này thì sẽ có ông Thượng tướng Hiến khác. Bởi vì đó là xuất phát từ đường lối sai lầm của Đảng CSVN để cho quân đội làm kinh tế…Thực sự nó làm xói mòn lòng tin của người dân vào quân đội, mà điều đấy rất là nguy hiểm. Bởi vì quân đội là một lực lượng phải rèn luyện để bảo vệ đất nước. Thay vào đó, họ lại lao vào chuyện làm kinh tế. Đây là chuyện mà chúng tôi  ít ra cả chục năm nay đã cực lực phản đối
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Nhà báo Võ Văn Tạo nói tiếp một số người cũng trong vụ án này là cấp dưới lại bị đề nghị mức án nặng hơn, gấp 3 lần ông Hiến. Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng về mặt nguyên tắc, những người có trách nhiệm càng cao, càng được đào tạo nhiều thì càng phải trung thành và liêm chính…Còn như lợi dụng chức quyền, tham nhũng mà làm suy yếu sức mạnh của quân đội thì người ta sẽ mất niềm tin vào cấp chỉ huy.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, vào tối hôm 20/5 cũng nói với RFA rằng sẽ còn nhiều giới chức lãnh đạo cấp cao khác giống như trường hợp của nguyên Đô đốc Nguyễn Văn Hiến:

“Có lẽ không có ông Thượng tướng Hiến này thì sẽ có ông Thượng tướng Hiến khác. Bởi vì đó là xuất phát từ đường lối sai lầm của Đảng CSVN để cho quân đội làm kinh tế.”

Truyền thông trong nước, cách nay tròn 2 năm, cho biết Bộ Quốc phòng Việt Nam quản lý 109 doanh nghiệp trong các lĩnh vực bao gồm ngân hàng, viễn thông, dệt may, bất động sản, dược phẩm…Trong đó phần lớn các doanh nghiệp là 100% vốn nhà nước.

Trong khi lợi ích kinh tế mà các doanh nghiệp thuộc quân đội quản lý mang lại bao nhiêu chưa có thống kê và công bố chính thức, thì dân chúng tại Việt Nam đón nhận những thông tin về các vụ đại án liên quan những công ty, tập đoàn, trực thuộc Bộ Quốc phòng gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho quốc gia.

Điển hình, hồi tháng 5/2018, 3 giới chức cấp tá bao gồm Thượng tá Đinh Ngọc Hệ (có biệt danh ‘Út trọc’), Đại tá Phùng Danh Thắm và Đại tá Bùi Văn Tiệp bị truy tố liên quan những sai phạm tại Tổng Công ty Thái Sơn, dưới tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Vụ án này hai năm sau tiếp tục được đưa ra xét xử và mở rộng đối tượng bị truy tố liên đới đến cựu Thứ trưởng-Đô đốc Nguyễn Văn Hiến.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển-IDS đã giải thể, nhấn mạnh rằng những hậu quả về kinh tế có thể tính được bằng những con số cụ thể, chẳng hạn như qua vụ án được trưng dẫn này. Thế nhưng, những hệ lụy mà do quân đội làm kinh tế gây ra thì khôn lường.

“Thực sự nó làm xói mòn lòng tin của người dân vào quân đội, mà điều đấy rất là nguy hiểm. Bởi vì quân đội là một lực lượng phải rèn luyện để bảo vệ đất nước. Thay vào đó, họ lại lao vào chuyện làm kinh tế. Đây là chuyện mà chúng tôi ít ra cả chục năm nay đã cực lực phản đối.”

Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng-Đô đốc Nguyễn Văn Hiến (ở giữa) tại phiên toà xét xử hôm 18/5/2020.
Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng-Đô đốc Nguyễn Văn Hiến (ở giữa) tại phiên toà xét xử hôm 18/5/2020.
Courtesy: suckhoedoisong.vn
Quân đội làm kinh tế: Sai phạm và Hệ lụy

Nhà quan sát tình hình Việt Nam, Luật sư Vũ Đức Khanh, từ Canada ghi nhận Chính phủ Hà Nội vẫn duy trì chính sách quân đội làm kinh tế giống một số quốc gia trong khu vực, chẳng hạn như Trung Quốc, Myanmar, Pakistan. Và, các nước này đều phải đối diện với hậu quả bởi quân đội làm kinh tế gây ra, bao gồm:

“Trước nhất, quân đội là rường cột của quốc gia và nhiệm vụ chính của họ là bảo vệ quốc gia. Nhưng họ vừa làm công tác bảo vệ quốc gia và làm về kinh tế thì việc chính của họ bị xao lãng, không còn tính cách chuyên nghiệp hóa nữa. Những quân nhân cảm thấy rằng họ bị bốc lột sức lao động trong việc làm kinh tế chỉ có lợi cho quân đội, mà thực chất là lợi cho một số tướng lãnh cao cấp của quân đội là những người bảo vệ chế độ. Cho nên có sự bất công trong vấn đề đó.

Thứ hai do quân đội nắm rất nhiều nguồn lực từ chính phủ, của quốc gia rồi lại đầu tư trong các lĩnh vực đó thì nó sẽ sinh ra đặc quyền đặc lợi, như là hình thức của một chính quyền ở bên trong một chính quyền nữa thì sẽ tạo ra vấn đề về mầm móng biến loạn sau này. Ngoài ra còn có các vấn đề về tham nhũng…”

Bộ Quốc phòng Việt Nam vào cuối năm 2017 đã đưa ra Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020. Đồng thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thời điểm đó cũng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động các doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, đặc biệt là phải tăng cường quản lý đất đai.

Từ thập niên của 2010 trở về sau có một xu hướng rất rõ nét là càng ngày càng giảm thiểu sự đầu tư vào quân đội, cho quân đội làm kinh tế. Nhưng ở thời điểm chúng ta đang nói thì tôi nghĩ rằng Đảng CSVN vẫn sẽ tiếp tục đưa những món béo bở ra để cho hai lực lượng quan trọng của Đảng là công an và quân đội tiếp tục làm kinh tế để tạo thành những thế lực bảo vệ cho Đảng, chứ chưa thật sự đặt quyền lợi của quốc gia dân tộc lên trên hết
-Luật sư Vũ Đức Khanh

Mặc dù vậy, cả Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Nhà báo Võ Văn Tạo và Luật sư Vũ Đức Khanh đều cho rằng các công ty thuộc quân đội ở Việt Nam chủ yếu lấy đất của dân và nhân danh là đất quốc phòng rồi biến thành những cơ sở thương mại để kiếm lợi. Một vụ việc nổi trội và mới nhất vẫn đang gây bất bình lớn và chỉ trích nặng nề từ dư luận là Tập đoàn Viettel đứng phía sau trong sự kiện Đồng Tâm hôm mùng 9/1 năm 2020, dẫn đến án mạng của cụ Lê Đình Kình.

Nhà báo Võ Văn Tạo nói thêm về vụ Đồng Tâm:

“Người ta biết rằng là Viettel có thể làm những chuyện kinh thiên động địa như thế đấy, đã sai khiến cả Công an Hà Nội và của Bộ Công an để làm những việc thất nhân tâm. Tôi cho rằng những thiệt hại trong vụ Đồng Tâm về góc độ tiền bạc không bao nhiêu, mà là về uy tín cho chính chế độ này và Đảng CSVN này. Rất nhiều đảng viên kể cả những người đang đương chức lẫn nghỉ hưu đều bất mãn về chuyện này. Họ không đồng tình một chút nào do việc làm đó rất quan liêu và rất tàn bạo đối với một cụ già đảng viên gần 60 năm tuổi đảng.”

Luật sư Vũ Đức Khanh còn khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục để cho quân đội làm kinh tế, bỏ mặc những kêu gọi của giới chuyên gia kinh tế ở trong nước hãy loại bỏ “sự chuyên quyền của giới mặc áo bộ đội làm kinh tế”. Bởi vì:

“Từ thập niên của 2010 trở về sau có một xu hướng rất rõ nét là càng ngày càng giảm thiểu sự đầu tư vào quân đội, cho quân đội làm kinh tế. Nhưng ở thời điểm chúng ta đang nói thì tôi nghĩ rằng Đảng CSVN vẫn sẽ tiếp tục đưa những món béo bở ra để cho hai lực lượng quan trọng của Đảng là công an và quân đội tiếp tục làm kinh tế để tạo thành những thế lực bảo vệ cho Đảng, chứ chưa thật sự đặt quyền lợi của quốc gia dân tộc lên trên hết.”

Trong khi đó, Nhà báo Võ Văn Tạo lưu ý Quân đội Việt Nam còn tiếp tục làm kinh tế thì tình trạng “mua quan bán chức” trong giới tướng lãnh còn diễn ra sôi động:

“Thực tế tôi có rất nhiều bạn là đại tá, thiếu tướng, trung tướng. Nhiều lắm! Họ cũng rất tâm tư và nói thật rằng những đơn vị làm kinh tế mà khá giả thì sếp lên lon vù vù. Bởi vì họ có tiền để lo lót, mua thêm lon."

Tại Việt Nam, quân đội và công an được cho là hai lực lượng chính bảo vệ Đảng và Nhà nước. Quân đội được nhiều quyền ưu tiên và điều này bị lạm dụng để làm giàu cho cấp tướng lãnh lâu nay.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.