Dịch COVID-19 khiến hàng loạt trẻ trở nên mồ côi cha mẹ!

Diễm Thi, RFA
2021.09.15
Dịch COVID-19 khiến hàng loạt trẻ trở nên mồ côi cha mẹ! Xe cấp cứu đón người bệnh COVID-19. Ảnh chụp tại Hà Nội tháng 3 năm 2020.
AFP

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh mới đây đưa ra con số hơn 1.500 học sinh tại thành phố này bị mồ côi do cha mẹ chết vì COVID-19, trong đó có hơn 500 em là học sinh tiểu học.

Ngay khi đọc thông tin này trên báo chí Nhà nước vào sáng 15 tháng 9, Luật sư Đặng Trọng Dũng bày tỏ suy nghĩ của mình với RFA:

“Rõ ràng mất mát của các em đó là rất lớn trong mùa nhập học này. Với những trường hợp này có khi trẻ cũng phải bỏ học. Đây là những trường hợp rất đáng thương tâm. Tôi nghĩ Nhà nước nên có quỹ và có chính sách miễn học phí cho các em này không chỉ một năm, mà cho đến lúc các em học xong. Bởi nếu cha mẹ các em còn sống thì chắc chắn cũng lo cho con mình học hết cấp 2, cấp 3…

Nhà nước nên lo chuyện đó bởi con số 1.500 học sinh không là nhiều. Nên lấy ngân sách quốc gia ra lo cho các em thay vì phí phạm nhiều khoản khác. Đây là chính sách nhân đạo. Ngoài học phí, Nhà nước cũng nên vận động các mạnh thường quân tài trợ sách vở và phương tiện sống cho các em nữa. Không có ăn thì làm sao mà đi học được. Nhiều vấn đề cần đặt ra lắm. Nhà nước thì rất giỏi trong việc vận động các quỹ.”

Hiện Nhà nước đã có chính sách đối với trẻ mồ côi, áp dụng từ ngày 1 tháng 7 năm 2021, theo các quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP. Theo đó, tùy từng trường hợp, trẻ mồ côi có thể được hưởng các chính sách hỗ trợ xã hội; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; trợ giúp giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

Điều 5 của Nghị định này nêu rõ, trẻ mồ côi được hưởng các chính sách hỗ trợ xã hội thuộc một trong các trường hợp: Bị bỏ rơi; Mồ côi cả cha và mẹ; Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại bị tuyên bố mất tích; Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang sống nhờ trợ giúp xã hội; Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang ở tù. Như vậy, có thể thấy, dường như chỉ có trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ theo nhiều nghĩa mới đủ tiêu chuẩn được hỗ trợ. Điều này cũng được thể hiện trong giáo dục.

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa khẳng định, đây là điều bất hợp lý trong chính sách hỗ trợ trẻ mồ côi đến trường hiện nay:

“Theo tôi, ngành giáo dục lâu nay có một quy định rất là máy móc, đó là trẻ mồ côi phải mồ côi cả cha lẫn mẹ mới được miễn giảm học phí. Còn chỉ mồ côi cha hoặc mẹ thì không được miễn giảm đồng nào. Điều này là bất cập và bất thường. Với dịch COVID, hoàn cảnh kinh tế cực kỳ khó khăn nên theo tôi, nên miễn toàn bộ các khoản đóng góp cho các học sinh này. Địa phương cũng nên có các khoản giúp đỡ các cháu này.

Những gia đình được hưởng trợ cấp liệt sĩ thì chỉ cần có một liệt sĩ, có ai đòi hỏi phải có cả bố lẫn mẹ liệt sĩ thì con cái mới được hưởng trợ cấp đâu. Tại sao các trường hợp mồ côi thì phải mồ côi cả cha lẫn mẹ mới được? Nó bất hợp lý ghê gớm!”

Theo tôi, ngành giáo dục lâu nay có một quy định rất là máy móc, đó là trẻ mồ côi phải mồ côi cả cha lẫn mẹ mới được miễn giảm học phí. Những gia đình được hưởng trợ cấp liệt sĩ thì chỉ cần có một liệt sĩ, có ai đòi hỏi phải có cả bố lẫn mẹ liệt sĩ thì con cái mới được hưởng trợ cấp đâu. Tại sao các trường hợp mồ côi thì phải mồ côi cả cha lẫn mẹ mới được? Nó bất hợp lý ghê gớm! -Thầy giáo Đỗ Việt Khoa

Thầy Khoa nói thêm rằng, chính quyền cần thể hiện sự quan tâm đến trẻ mồ côi bằng tiền công quỹ. Nên tránh việc tổ chức quyên góp từ học sinh trong trường để giúp đỡ học sinh khác cùng trường vì nó không phù hợp, không nhân văn. Những khoản hỗ trợ nếu có cũng rất nhỏ nhoi cho các trẻ mồ côi, nhưng nó có tính chất động viên trẻ trong học tập rất nhiều.

Với tình hình đại dịch như hiện nay, rất nhiều trường hợp trẻ không đạt những tiêu chuẩn được hỗ trợ vì chỉ mất cha hoặc mẹ, dù thực tế cuộc sống của trẻ rất khó khăn. Theo dự đoán của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, đóng cửa… dẫn đến sẽ có thêm nhiều người lao động mất việc, không có thu nhập, cuộc sống gặp khó khăn.

Điều này từng được lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đề cập đến hồi tháng 8 vừa qua, khi Phó Chủ tịch UBND thành phố ký văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và xã hội về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người nghèo gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Ủy ban Nhân dân đưa ra con số lao động nghèo cần cứu trợ lên đến gần 4.800.000 người.

Nếu so sánh với dân số hiện tại của thành phố là hơn chín triệu người thì số người nghèo hiện chiếm hơn phân nửa.

Trả lời với báo Nhà nước về các biện pháp hỗ trợ trẻ mồ côi do COVID-19, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Minh Tấn nói rằng, căn cứ Luật trẻ em 2016, Nghị định 56/2017 của Chính phủ và Nghị định 20/2021 của Chính phủ, trẻ mồ côi cả cha và mẹ thì được đưa vào diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thay thế bởi ông, bà, cô, chú cậu, dì, người thân; cá nhân cộng đồng trong xóm, tổ dân phổ; nhận nuôi con nuôi; đưa vào các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có trên 40 cơ sở nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em ngoài công lập. Các cơ sở này tự chủ về nhân sự và kinh phí hoạt động. Nguồn lực chủ yếu để các cơ sở này hoạt động từ xã hội hóa, các chương trình, dự án, sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm...

Đối với trường hợp 1.500 trẻ không may trở nên mồ côi trong đợt dịch COVID-19 hiện nay, lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội nêu ra qui định mức trợ cấp hằng tháng cho trẻ mồ côi dưới bốn tuổi là 900 ngàn đồng một tháng; các cháu ngoài độ tuổi này là 540 ngàn đồng một tháng.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa qua cũng có quyết định hỗ trợ một triệu đồng với những em bé sinh từ 27 tháng 4 đến 31 tháng 12 năm nay, có mẹ mắc COVID-19. Mức hỗ trợ hai triệu đồng dành cho các em có cha, mẹ là F0 đã qua đời; các em hoàn cảnh khó khăn, mồ côi do đại dịch. Nguồn kinh phí từ Quỹ bảo trợ trẻ em.

Con số 1.500 học sinh mồ côi mới chỉ là con số thống kê tại thành phố Hồ Chí Minh. Chắc chắn con số này chưa dừng lại khi dịch COVID-19 đang lan rộng ra những nơi khác với số tử vong đã hơn 16.000 người, tính đến ngày 15 tháng 9, theo thống kê chính thức từ cơ quan chức năng Nhà nước.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Nguyễn Tuấn Anh
16/09/2021 08:24

Để cho tư duy "sống chung với giặc" được phát triển, báo đài tiếng Việt hổng nên đặt titre kinh hoàng như thế kia

"đó là trẻ mồ côi phải mồ côi cả cha lẫn mẹ mới được miễn giảm học phí. Những gia đình được hưởng trợ cấp liệt sĩ thì chỉ cần có một liệt sĩ"

Chả có bất hợp lý gì cả . Ở VN hiện nay, cái gì đụng tới Đảng, đụng tới cách mạng đều trở thành trên cả tuyệt vời hết . Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh được mọi người kính trọng đơn giản vì ổng giữ nhiều trọng trách trong Đảng, trong chính phủ, chứ trước giờ ổng có làm được cái gì cho đất nước đâu .