Khi Thủ tướng phải kêu gọi thượng tôn pháp luật!
2022.11.08
Thủ tướng Việt Nam kêu gọi người dân chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, để xây dựng xã hội văn minh, lịch sự. Lời kêu gọi này có được coi như thừa nhận một xã hội không tôn trọng luật pháp hay không?
Mới đây, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính kêu gọi mỗi người bằng những hành động cụ thể, thiết thực, chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức và hành động của mỗi người dân, doanh nghiệp, của cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội. Ông Thủ tướng Việt Nam cũng đề nghị mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về pháp luật và tuân thủ nghiêm pháp luật vì quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân và cộng đồng.
Ông Phạm Minh Chính nhìn nhận chất lượng xây dựng luật pháp chưa cao; chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; nguồn lực còn hạn chế; công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát hiệu quả chưa cao.
Với tư cách là một luật sư, tiếp xúc với các tình huống áp dụng pháp luật từng ngày, chúng tôi ý thức rất rõ việc cần thiết về một Nhà nước pháp quyền. Một mặt, nó giúp mang lại công lý mà người dân đang khao khát. Mặt khác, nó khôi phục lòng tin của người dân vào hệ thống luật pháp. - Luật sư Đặng Đình Mạnh
Trao đổi với RFA sáng 8 tháng 11, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, việc kêu gọi thượng tôn pháp luật của thủ tướng thực chất là một cách nói khác về một Nhà nước pháp quyền mà theo đó, tất cả các mối quan hệ và hành xử giữa nhà nước và công dân đều đặt trong phạm vi pháp luật là điều rất tích cực, đáng ghi nhận trong thời điểm hiện nay. Ông phân tích:
“Với tư cách là một luật sư, tiếp xúc với các tình huống áp dụng pháp luật từng ngày, chúng tôi ý thức rất rõ việc cần thiết về một Nhà nước pháp quyền. Một mặt, nó giúp mang lại công lý mà người dân đang khao khát. Mặt khác, nó khôi phục lòng tin của người dân vào hệ thống luật pháp.
Song song đó, tôi đồng tình với đánh giá của thủ tướng về chất lượng xây dựng luật pháp chưa cao; chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; nguồn lực còn hạn chế; công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát hiệu quả chưa cao. Tức là luật pháp chưa hoàn hảo. Tuy nhiên, nếu luật pháp hiện có được thực thi một cách đầy đủ, công tâm, thì luật pháp vẫn có thể xem như là hoàn hảo.
Nhưng trong thực tế, việc thực thi luật pháp còn khá nhiều vấn đề cần được khắc phục. Trong đó, yếu tố người thực thi luật pháp là then chốt, thậm chí, mang giá trị quyết định sự thành bại của việc xây dựng nhà nước pháp quyền.
Vì lẽ, nếu hệ thống luật pháp hoàn chỉnh, mà người thực thi “bóp méo” các quy định, thì luật pháp ấy cũng trở nên vô ích. Nhà nước pháp quyền cũng không thể tồn tại.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh kết luận:
“Chỉ khi nào, cơ quan tư pháp loại bỏ tuyệt đối quan điểm “Có sai sót về tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”, thì khi đó, cơ may xây dựng nhà nước pháp quyền mới có khả năng thành tựu được.”
Chuyện kêu gọi thượng tôn pháp luật của lãnh đạo không phải bây giờ mới có. Nhiều năm trước, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2014, Chủ tịch nước lúc đó là ông Trương Tấn Sang đã lưu ý Ngành kiểm sát phải đảm bảo thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Kiên quyết thực hiện bằng được mục tiêu “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Một luật sư không muốn nêu tên bình luận việc này với RFA sáng ngày 8 tháng 11:
“Lời kêu gọi của ông Thủ tướng rất đúng về mặt thể chế, tuy nhiên để xảy ra tình trạng xã hội như hiện nay là trách nhiệm của Đảng Cộng Sản và Chính Phủ của ông Phạm Minh Chính vì: Thứ nhất, Đảng và Nhà nước Việt Nam không tôn trọng pháp luật, họ sẵn sàng bỏ qua các quy tắc, chuẩn mực pháp luật khi làm việc. Thứ hai, chất lượng, đạo đức cán bộ chưa cao thể hiện ở chỗ họ sẵn sàng bỏ qua luật pháp không tuân thủ đúng trình tự pháp lý. Thứ ba, chính trị, tức những người bên Đảng chi phối quá sâu vào luật pháp. Thứ tư, người dân và quan chức dễ dàng thoả thuận bằng tiền để bẻ cong pháp luật.”
Một điển hình về vấn đề thượng tôn pháp luật tại Việt Nam có thể được nêu ra. Đó là vào sáng 23 tháng 6 năm 2017, Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lúc đó nói tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM rằng: “Hiện nay đã có một chủ trương của Bộ Quốc phòng là quân đội sẽ không làm kinh tế nữa, mà tập trung cho xây dựng quân đội chính quy hiện đại, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ Nhân dân. Tất cả doanh nghiệp quân đội sẽ cổ phần hóa, thoái vốn chuyển ra bên ngoài”.
Khi người ta thiếu cái gì thì người ta phải kêu gọi, phải nói nhiều về cái đấy. Ví dụ tôi đến một cơ quan, đơn vị nào đó mà tôi thấy mọi người trong đó nói nhiều về đoàn kết có nghĩa ở đấy đang rất mất đoàn kết. Chuyện thủ tướng hay những ai đó kêu gọi thượng tôn pháp luật chỉ chứng tỏ một điều rằng hiện nay pháp luật đang bị xem nhẹ, bị chà đạp, không được thực hiện một cách nghiêm chỉnh. - Cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí
Dư luận xã hội lúc bấy giờ đồng tình với phát biểu của Thượng tướng Lê Chiêm bởi quân đội cần tập trung nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu, việc kết hợp kinh tế quốc phòng. Không nên đi vào hướng làm kinh tế thuần tuý, vì lợi nhuận; không nên kinh doanh những ngành nghề không phục vụ cho hoạt động quốc phòng.
Cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí nói với RFA sáng 8 tháng 11 năm 2022:
“Thứ trưởng Lê Chiêm vừa phát biểu được vài bữa thì các báo, đặc biệt là báo Quân đội Nhân dân cho rằng lời nói của ông Lê Chiêm là tào lao và đính chính là quân đội vẫn tiếp tục làm kinh tế. Thậm chí tờ báo này còn mở hẳn một chuyên mục cả chục kỳ, có bài đăng cả trang báo dù tờ báo chỉ có bốn trang, rồi tổ chức cả hội thảo mời các chuyên gia như cựu Phó thủ tướng Vũ Khoan đến dự để cổ súy cho việc quân đội làm kinh tế.
Việc quân đội làm kinh tế đã là không thượng tôn pháp luật vì không pháp luật nào cho quân đội làm kinh tế.
Khi người ta thiếu cái gì thì người ta phải kêu gọi, phải nói nhiều về cái đấy. Ví dụ tôi đến một cơ quan, đơn vị nào đó mà tôi thấy mọi người trong đó nói nhiều về đoàn kết có nghĩa ở đấy đang rất mất đoàn kết. Chuyện thủ tướng hay những ai đó kêu gọi thượng tôn pháp luật chỉ chứng tỏ một điều rằng hiện nay pháp luật đang bị xem nhẹ, bị chà đạp, không được thực hiện một cách nghiêm chỉnh.”
Vài tuần sau phát biểu của tướng Lê Chiêm vài tuần, đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lúc bấy giờ lại khẳng định trên truyền thông Nhà nước rằng, việc kết hợp nhiệm vụ quốc phòng với nhiệm vụ kinh tế của các doanh nghiệp quân đội là chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng và được quán triệt xuyên suốt trong thời gian qua. Vị đại tướng này lưu ý: “Là doanh nghiệp quân đội, các đồng chí phải thượng tôn, chấp hành nghiêm pháp luật của nhà nước, quy định và kỷ luật của quân đội, tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền và người dân ở địa bàn”.