Nguồn cung điện khi nào đáp ứng được nhu cầu?

0:00 / 0:00

“EVN cam kết không cắt, tiết giảm điện ở miền Nam trừ khi có sự cố đột xuất, đặc biệt”… Ông Cao Quang Quỳnh, thuộc Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định khi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về cung ứng và giải pháp tiết kiệm điện hôm 24/5/2023.

Anh Minh, một người dân ở thành phố Biên Hòa, thuộc tỉnh Đồng Nai hôm 30/5 nói với RFA:

“Nóng… nóng dữ lắm, cứ vậy riết, ở khu vực tôi cúp điện mà nóng không mưa oi bức chịu không nổi luôn, có bữa buổi sáng mà mồ hôi chảy ròng ròng… Bên tôi hôm hổm cũng có mất điện một ngày, trời nóng quá mà cúp điện người ta chọn cách đi shopping, vô đó mát đi cho đã, không mua sắm gì, rồi về thôi… Chứ ở nhà thì nóng chịu không nổi.”

Cũng tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai hôm 24/5/2023, ông Cao Quang Quỳnh cho biết từ nay đến hết tháng 6/2023, vận hành điện sẽ còn khó khăn do nước về các hồ thủy điện thấp, trong đó có hồ thủy điện Trị An, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cung cấp điện.

Trước đó, hôm 17/5, do lo ngại thiếu điện, cơ quan chức năng TPHCM đã đề nghị người dân hạn chế mặc áo vest, đồ trang trọng để tiết kiệm điện.

Ngay chỗ tôi ở thì cũng có cúp điện từ khoảng chiều cho đến tối mới có. Trong giai đoạn nóng như vậy mà cúp điện rất là ảnh hưởng, rất mất tiện nghi. Tôi cũng có nghe một số bạn bè than phiền bị cúp điện.
-Anh T.

Một người dân ở Sài Gòn, Anh T. cho RFA biết ý kiến của mình hôm 30/5:

“Ngay chỗ tôi ở thì cũng có cúp điện từ khoảng chiều cho đến tối mới có. Trong giai đoạn nóng như vậy mà cúp điện rất là ảnh hưởng, rất mất tiện nghi. Tôi cũng có nghe một số bạn bè than phiền bị cúp điện. Nói chung là có những cái rất nghịch lý, chẳng hạn như điện gió điện mặt trời… Vừa rồi tôi đi Tây Nguyên thấy điện gió chạy dài cả tỉnh Đắk Lắk, nhưng theo báo chí Nhà nước hiện giờ bị trắc trở không hòa lưới điện được do các thủ tục hành chính chưa đủ, trong khi điện gió đang dư điện rất nhiều. Cuối cùng vừa rồi mua điện bên Trung Quốc, hiện Móng Cái và Quảng Ninh toàn bộ sử dụng điện mua của Trung Quốc. Tôi thấy có một cái gì đó nghịch lý.”

Theo báo chí do Nhà nước quản lý hôm 24/5/2023, Việt Nam phải nhập khẩu nguồn điện từ Lào, Trung Quốc vì thiếu điện. Trong khi việc đàm phán mua điện gió, điện mặt trời trong nước vẫn bế tắc.

Cụ thể, từ 0h ngày 24/5/2023, phía Trung Quốc đã chính thức đóng điện xuất khẩu sang Việt Nam qua đường dây 110KV Thâm Câu - Móng Cái với tổng công suất tối đa 70 MW và 30 triệu kWh/tháng, trong các tháng năm, sáu, bảy… EVN cũng cho báo chi biết đang đẩy mạnh nhập khẩu điện từ Lào qua cụm nhà máy thủy điện Nậm Kông và nhà máy thủy điện Nậm San.

452b10b0-018d-4c1a-b75e-6e9b0f1e8605.jpeg
Ảnh minh họa: Các nhà máy nhiệt điện đang đứng trước nguy cơ thiếu than cho sản xuất. Courtesy EVN .

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, hôm 30/5 nhận định:

“Thật ra mua điện nước ngoài là thường xuyên, năm nào cũng mua chứ không phải do thiếu điện. Trong các tổng sơ đồ hàng năm đều có nhận điện của nước ngoài, của Trung Quốc, hay những nước sát biên giới. Năm nay có khả năng thiếu điện hơn nên mua thêm thôi. Đây là một phương án dự phòng, nếu đủ thì không mua thêm nữa, chỉ có VN với Lào thì có ký kết giữa hai chính phủ, sử dụng thủy điện của Lào cho rẻ hơn là VN xây dựng.”

Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN mới đây cho báo chí Nhà nước biết có nguy cơ thiếu gần 5.000 MW điện và kiến nghị các Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo tiết kiệm điện. Theo ghi nhận của nhiều tờ báo trong nước những ngày cuối tháng 5, các thành phố lớn đã bắt đầu xảy ra tình trạng cúp điện luân phiên một số địa bàn.

Phải có nguồn dự phòng, muốn có nguồn dự phòng thì phải có chiến lược phát triển, đặc biệt là chiến lược phát triển năng lượng tái tạo gió và một trời phải có căn bản, phải có Bộ Luật về năng lượng tái tạo, Luật về cung cấp truyền tải điện…
-Tiến sĩ Ngô Đức Lâm

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm giải thích về nguyên nhân thiếu điện:

“Có hai nguyên nhân dẫn đến thiếu điện. Thứ nhất hồ thủy điện không có nước mưa, cạn kiệt nước không đủ để phát điện… cho nên những vùng phụ tải cần phải cắt bớt điện. Còn nguyên nhân thứ hai là TPHCM vừa qua cắt điện nhiều lần xem chừng là không phải do thiếu điện. Mà do các đường dây, các nhà máy điện bảo trì không tốt, nên bây giờ mang ra sửa chữa. Cái đó là không hợp lý, vấn đề là bố trí sửa chữa đường dây, nhà máy thường phải tránh mùa nắng. Cái này ngành điện cần phải rút kinh nghiệm.”

Về lâu dài, theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, cơ bản nhất là phải có phối hợp giữa quản lý nhà nước với các doanh nghiệp. Ngoài các đơn vị sản xuất điện, còn có các doanh nghiệp cung cấp dầu, khí, than… tức những công ty dịch vụ cung cấp nguyên liệu cho sản xuất điện… cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau. Ông Lâm nói tiếp:

“Năm nay xảy ra tình trạng các nhà máy nhiệt điện than bị thiếu than, mặc dù than trong nước có, nhưng do nước đến chân mới nhảy, thiếu điện mới bàn, làm người ta phải làm ngày làm đêm để cung cấp than. Đúng ra phải có kế hoạch một hai tháng trước, phải phán đoán có khả năng nước không về để tích trữ.

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cho rằng, về lâu dài phải có một kế hoạch rất đúng đắn, thì mới có khả năng không bị thiếu điện. Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cho biết thêm:

“Thứ hai là phải có nguồn dự phòng, muốn có nguồn dự phòng thì phải có chiến lược phát triển, đặc biệt là chiến lược phát triển năng lượng tái tạo gió và một trời phải có căn bản, phải có Bộ Luật về năng lượng tái tạo, Luật về cung cấp truyền tải điện…”

Những luật này theo ông Lâm phải minh bạch, công khai, đặc biệt là vấn đề giá, Nhà nước phải chỉ đạo sớm, cần phải đi trước một bước để lúc cần là có ngay. Ông Lâm cho rằng phải có chiến lược, giải pháp căn bản, kể cả vấn đề thị trường điện lực cũng phải không để độc quyền… Theo Tiến sĩ Lâm, đó là những cái lâu dài cần phải làm.