Vì sao thẻ nhà báo bị làm giả?

Diễm Thi, RFA
2020.08.26
antd_vn-the_nha_bao.jpg Thẻ nhà báo
Photo: baophapluat.vn

Một đường dây làm giấy tờ, bằng cấp giả được cho là siêu tinh vi vừa bị công an phát hiện hôm 25 tháng 8 năm 2020. Ngoài các giấy tờ thông dụng thường bị làm giả như giấy tờ nhà đất, bằng lái xe và các loại bằng cấp, đường dây này còn làm giả cả thẻ nhà báo.

Nếu việc làm giả các loại bằng cấp xuất hiện từ hàng chục năm trước và gần đây được quảng cáo, rao bán công khai trên mạng, thì chuyện làm thẻ nhà báo giả chỉ xuất hiện mấy năm trở lại đây.

Nhà báo, tù nhân nhân quyền Nguyễn Ngọc Già, người từng bị giam chung với tội phạm làm bằng cấp giả ở Chí Hòa năm 2016, hiểu khá rõ chuyện này và kể với RFA:

“Họ làm bằng giả chuyên nghiệp. Nhưng theo họ cho biết thì không có chuyện làm thẻ nhà báo giả mà chỉ làm giả tất cả các loại bằng cấp. Đặc biệt, bằng cấp chuyên về kinh tế là nhiều nhất.”

Một vài vụ làm giả thẻ công an, thẻ nhà báo bị phát hiện được báo chí nhà nước đăng tải mấy năm gần đây cho thấy, sở dĩ việc làm giấy tờ giả vẫn còn đất sống vì công an không thể bắt được nhân vật chủ chốt trong các đường dây này. Nếu công an có theo dõi, bắt tại trận thì cũng chỉ bắt được “anh xe ôm”.

Cuối tháng 6 năm 2020, Công an quận Long Biên, Hà Nội bắt giữ người giao thẻ nhà báo và thẻ công an giả. Điểm nhận giao hàng là một ngõ cụt ở Hà Nội.

Quan chức, công an giao thông và nhiều người có thế lực trong xã hội cũng như nhiều doanh nghiệp rất sợ nhà báo. Họ sợ nhà báo vì họ sợ sự thật, bởi sự thật đôi khi làm ảnh hưởng hoặc kết thúc sự nghiệp của họ. - Nhà báo Đỗ Cao Cường

Nhà báo Đỗ Cao Cường từng làm việc tại báo Pháp Luật, VTC,... cho biết, anh từng nhận nhiều lời đề nghị ‘hợp tác’ từ các doanh nghiệp nhưng anh từ chối. Đó cũng là lý do anh bỏ nghề báo. Anh nêu lý do vì sao thẻ nhà báo bị làm giả:

“Quan chức, công an giao thông và nhiều người có thế lực trong xã hội cũng như nhiều doanh nghiệp rất sợ nhà báo. Họ sợ nhà báo vì họ sợ sự thật, bởi sự thật đôi khi làm ảnh hưởng hoặc kết thúc sự nghiệp của họ.

Ở Việt Nam thì thật ra bản chất làm báo nó cũng như cái công cụ tuyên truyền, đánh đấm. Trong xã hội thì có những người làm báo luôn luôn đi dọa người ta. Ví dụ nếu bị CSGT phạt thì họ nói đang đi làm báo thì CSGT lại sợ. Thậm chí CSGT còn mang tiền tới cho nhà báo vì sợ nhà báo đưa phóng sự lên sẽ ảnh hưởng sự nghiệp, có thể tù tội.”

Nhiều vụ quan lớn mất chức hay bị phanh phui những sai phạm nhờ báo chí và mạng xã hội. Như vụ ông Nguyễn Nhân Chinh, con trai ruột của ông Nguyễn Nhân Chiến, đương kim ủy viên trung ương đảng, bí thư tỉnh uỷ Bắc Ninh, được bổ nhiệm làm bí thư thành ủy Bắc Ninh hồi tháng 7 vừa qua. Chỉ sau 15 ngày được chỉ định, ông Nguyễn Nhân Chinh đã phải rời vị trí, chuyển qua làm Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh này.

Hay chuyện ông Phạm Phú Quốc, Đại biểu Quốc hội Việt Nam, đại diện cho cử tri đoàn thành phố Hồ Chí Minh, mua hộ chiếu Cyprus với giá ít nhất 2,5 triệu USD, bị bản tin phóng sự điều tra của Al Jareeza nêu tên hôm 24 tháng 8 vừa qua.

Nhà báo Minh Hải, báo Quảng Nam cho biết, chuyện dùng thẻ nhà báo giả để đi lừa, tống tiền doanh nghiệp hay lợi dụng để qua mắt Cảnh sát giao thông không là chuyện lạ. Ông nói thêm:

“Đương nhiên là trong giới nhà báo có rất nhiều người đường hoàng nhưng cũng có những người không đường hoàng. Vì thế có những người lợi dụng việc này để làm giả thẻ nhà báo. Làm thẻ nhà báo giả để đi tống tiền, hù dọa doanh nghiệp kể kiếm tiền sống.

Cảnh sát giao thông và doanh nghiệp không thể biết thẻ giả hay thật. Nhưng đa số các doanh nghiệp họ quen biết với một số nhà báo. Khi cần họ sẽ mới nhà báo đến. Chỉ những doanh nghiệp làm ăn bất minh mới sợ nhà báo và dễ bị lừa.”

Theo nhà báo Minh Hải, việc các nhà báo tống tiền doanh nghiệp không thiếu nhưng ông nhấn mạnh, chỉ những nhà báo không tôn trọng đạo đức nghề báo mới hành xử như vậy.

Tại một cuộc hội thảo về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang nêu ra một trong những khó khăn mà doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp phải hiện nay, đó là sự nhũng nhiễu của các nhà báo. Theo vị đại diện này, doanh nghiệp hiện nay rất sợ báo chí vì nhiều lý do.

Ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng, nếu doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ không bao giờ ngại cơ quan báo chí.

Nếu tất cả các doanh nghiệp đều làm ăn chân chính thì sẽ ngăn chặn được nạn nhà báo đe dọa, tống tiền doanh nghiệp. Từ đó ngăn chặn nạn làm thẻ nhà báo giả.

Ở Việt Nam nhà báo có một đặc điểm là liều mạng. Chỉ với tấm thẻ và cây bút mà có thể đánh một daonh nghiệp lớn hoặc một quan chức giàu có thân bại danh liệt. - Nhà báo Võ Văn Tạo

Hôm 25 tháng 7 năm 2020, Công an tỉnh Bắc Giang bắt ông Trần Trọng Lâm, phó trưởng ban xã hội - bạn đọc báo Sức Khỏe và Đời Sống về hành vi nghi cưỡng đoạt 210 triệu đồng của một doanh nghiệp

Nhà báo Võ Văn Tạo từng làm việc cho Báo Nông thôn Ngày nay (báo điện tử Dân Việt), nêu quan điểm của ông về việc thẻ nhà báo bị làm giả:

“Nó làm giả thẻ nhà báo là nó ‘khôn’, bởi cái thẻ này còn giá trị hơn những cái khác. Dùng thẻ nhà báo để đi dọa tất cả từ quan chức đến doanh nghiệp, tống tiền các vị đó. Ở Việt Nam hầu như không có quan chức và doanh nghiệp nào mà không có ‘phốt’ hết. Họ phải gian lận và lươn lẹo thì mới tồn tại được.

Nếu bọn xấu nắm được một số cái sai quấy của quan chức và doanh nghiệp và đến làm việc với tư cách một nhà báo thì họ rất sợ và tìm cách làm cho êm chuyện.

Ở Việt Nam nhà báo có một đặc điểm là liều mạng. Chỉ với tấm thẻ và cây bút mà có thể đánh một doanh nghiệp lớn hoặc một quan chức giàu có thân bại danh liệt.”

Từ xưa đến nay, báo chí có quyền lực nhất định trong việc hình thành và phát triển dư luận xã hội. Một thông tin xấu, sai lệch có thể gây thiệt hại không lường cho nhân vật, sự kiện hoặc doanh nghiệp. Ở Việt Nam, chuyện báo chí có lúc kết tội trước khi tòa tuyên án hay đưa thông tin một chiều theo chỉ đạo của ban tuyên giáo khiến người dân, doanh nghiệp có tâm lý “sợ” nhà báo.

Hơn nữa trong môi trường xã hội hiện nay, có nhiều người lợi dụng kẽ hở pháp luật để làm ăn phi pháp, một số quan chức lợi dụng chức quyền để tham nhũng. Những người này rất ngại bị người bên ngoài soi mói, đặc biệt là nhà báo. Đó cũng là lý do vì sao tấm thẻ nhà báo có một “uy lực” riêng và nhiều người muốn sở hữu bằng cách đặt làm giả.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.