Tiến trình “Cổ phần hóa” ì ạch, vướng đủ đường

RFA
2019.09.25
f8c60200-bb29-42b9-8c89-444634af3b7b.jpeg Tập đoàn Vinashin làm thất thoát 86.000 tỷ đồng và đã bị xóa sổ năm 2013
Courtesy: tinmoi.vn

Cổ phần hóa trong 3 thập niên

Việt Nam bắt đầu thử nghiệm cổ phần hóa (CPH-từ gọi tắt của việc chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần) trong hai năm đầu của thập niên 90s và chính thức thực hiện kể từ năm 1992; đồng thời Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây (24/8/2019) yêu cầu 93 doanh nghiệp lớn trong cả nước phải hoàn thành CPH vào cuối năm 2020.

Đài RFA ghi nhận trong giai đoạn từ năm 1992 đến năm 2004 có 2.025 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, nhưng tổng số tiền thu được chỉ khoảng 800 triệu đô la Mỹ (USD). Hoặc, theo tài liệu trên Báo mạng Đầu tư Chứng khoán, 10 thương vụ cổ phần hóa lớn nhất giai đoạn 2005-2011 cũng chỉ đạt 1,4 tỷ USD và sau cổ phần hóa Nhà nước vẫn nắm phần vốn rất lớn của 9 doanh nghiệp quan trọng, số cổ phần bán ra cho tư nhân chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ dưới 10%.

Doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa, nhưng thực chất vẫn do Nhà nước lãnh đạo và nắm số lượng cổ phần hơn 51% thậm chí 80%-90%. Đơn cử trong quá trình đẩy mạnh CPH doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã bán một phần nhỏ của Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho các nhà đầu tư tư nhân vào năm 2016 và phần vốn nhà nước của ACV vẫn chiếm trên 95%. Tuy nhiên, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm mùng 4 tháng 9, Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ GTVT vừa có đề án nộp lên Thủ tướng Chính phủ đề xuất mua lại toàn bộ cổ phần tư nhân trong ACV, với lý do là để đảm bảo an ninh quốc phòng.

Sai từ khái niệm

Tại Hội thảo “Kiến nghị quan điểm, phương hướng cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đến năm 2030, kế hoạch 2021-2025”, do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Aus4Reform tổ chức vào ngày 23 tháng 9, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu rằng cổ phần hóa là một khái niệm hòan toàn mang định hướng xã hội chủ nghĩa, vì đó là “một khái niệm không có liên quan đến khái niệm thông thường của kinh tế học”.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên đưa ra dẫn giải rằng chỉ cần bán 1% cổ phần thì cũng gọi là “cổ phần hóa xong”. Tiến sĩ Trần Đình Thiên khẳng định “Khái niệm cổ phần hóa mà bán 1% thì không liên quan gì đến phân bổ nguồn lực và cũng không dính dáng đến cấu trúc sở hữu”. Tiến sĩ Trần Đình Thiên gọi “đó là một động tác giả” và nhấn mạnh Việt Nam sai lầm khi kéo dài việc sử dụng khái niệm CPH.

Theo ngôn từ xã hội chủ nghĩa dùng từ ‘tư nhân hóa’ là rất kỵ và họ dùng từ cổ phần hóa (Equitization), thay vì nằm trong tay chính phủ thì bán những cổ phần đó ra xã hội, cho những thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp được cổ phần hóa, được tái cơ cấu thì tỷ lệ cổ phần của chính phủ vẫn nắm phần lớn. Rất tiếc việc tái cơ cấu rất chậm, nó mang tính chất nhạy cảm nhưng thực tế là các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước không muốn thực hiện việc cổ phần hóa vì muốn giữ vị trí của họ, giữ nồi cơm của họ
-Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu

Chúng tôi xin được trích nguyên văn lời bình luận của Tiến sĩ Trần Đình Thiên tại hội thảo vừa nêu vào hôm 23 tháng 9:

“Khái niệm cổ phần hóa có vấn đề. Chúng ta dùng nó để biện minh cho quá trình thay đổi nguồn lực nhưng không làm thay đổi cấu trúc sở hữu. Cấu trúc sở hữu không đổi thì quản trị không đổi, vì thế không thể có thị trường bình thường được. Định hướng xã hội chủ nghĩa đấy!”

Tiến sĩ Kinh tế Ngô Trí Long cũng từng đưa ra nhận định với RFA liên quan khái niệm cổ phần hóa tại Việt Nam:

“Việt Nam khác với các nước, nếu mà nói tư nhân hóa thì dị ứng, có nghĩa là trái với xã hội chủ nghĩa. Cách tư duy như vậy cũng là lỗi thời không đúng.”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia kinh tế-tài chính thì quá trình cổ phần hóa tại Việt Nam bị vướng mắc ngay từ khái niệm:

Theo ngôn từ xã hội chủ nghĩa dùng từ ‘tư nhân hóa’ là rất kỵ và họ dùng từ cổ phần hóa (Equitization), thay vì nằm trong tay chính phủ thì bán những cổ phần đó ra xã hội, cho những thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp được cổ phần hóa, được tái cơ cấu thì tỷ lệ cổ phần của chính phủ vẫn nắm phần lớn. Rất tiếc việc tái cơ cấu rất chậm, nó mang tính chất nhạy cảm nhưng thực tế là các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước không muốn thực hiện việc cổ phần hóa vì muốn giữ vị trí của họ, giữ nồi cơm của họ.”

Trong khi đó, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cũng xác nhận trên truyền thông quốc nội rằng tiến độ CPH triển khai rất chậm, rất “nhỏ giọt” và ông cho biết nguyên nhân của tình trạng này là do sự thiếu quyết liệt của doanh nghiệp và địa phượng, bộ, ngành.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có nhiều sai phạm. Hai cựu quan chức của PVN Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh bị tuyên án tù.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có nhiều sai phạm. Hai cựu quan chức của PVN Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh bị tuyên án tù.
RFA
Không hiệu quả và hệ lụy

Báo cáo của CIEM cho biết Việt Nam đặt mục tiêu cổ phần hóa khoảng 750 doanh nghiệp nhà nước thành doanh nghiệp đa sở hữu trong giai đoạn 2011-2020. Thế nhưng theo đánh giá của CIEM thì Việt Nam vẫn khó đạt được mục tiêu thu hút đầu tư xã hội, do đó mục tiêu của tái cơ cấu là “doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý hơn” chưa đạt được.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu giải thích một trong những nguyên nhân chính gây trở ngại cho việc thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam:

Một doanh nghiệp đã hoạt động hàng chục năm nay rồi, có cả một hệ thống, một cơ chế, bộ máy các đơn vị vận hành, có chân rết có quan hệ mua bán liên quan đến các doanh nghiệp khác. Bây giờ cổ phần hóa có nghĩa cả bộ máy đó phải thay đổi, việc các lãnh đạo của các doanh nghiệp có vốn nhà nước phản ứng ngược lại với kế hoạch của chính phủ cũng là điều tất nhiên. Cuối cùng nó cũng nằm trong cái thể chế của Việt Nam là một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”

Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan còn nêu lên một yếu tố đặc biệt quan trọng khác ảnh hưởng đến tiến trình CPH, là do:

“Lợi ích nhóm chắc chắn có ở đây. Cả khu vực doanh nghiệp nhà nước cộng lại thì có thể nói cũng là một nhóm lợi ích lớn. Khi họ có lợi ích rất nhiều trong việc được quyền tiếp cận và sử dụng các nguồn lực của quốc gia. Và với cách làm ăn thua lỗ, nó có thể lỗ cho doanh nghiệp nhưng tiền có thể chảy về túi của một số ai đó có quyền lực. Rõ ràng những nhóm lợi ích này họ thích một cơ chế mù mờ như hiện nay hơn một cơ chế dứt khoát doanh nghiệp nhà nước phải đặt dưới sự giám sát của cả xã hội.”

Ngoài những phân tích của chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan và Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu về nguyên nhân khiến tiến độ CPH ở Việt Nam bị chậm trễ, thì ngay cả một số doanh nghiệp đang trong quá trình thực hiện thủ tục CPH cũng nêu những khó khăn, vướng mắc mà họ gặp phải. Trong đó, việc bất nhất về hướng dẫn định giá đất đai, đặc biệt công tác trình duyệt, phê duyệt các thủ tục thoái vốn nhà nước cũng gặp nhiều ách tắc khiến phần đông các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ CPH.

Lợi ích nhóm chắc chắn có ở đây. Cả khu vực doanh nghiệp nhà nước cộng lại thì có thể nói cũng là một nhóm lợi ích lớn. Khi họ có lợi ích rất nhiều trong việc được quyền tiếp cận và sử dụng các nguồn lực của quốc gia. Và với cách làm ăn thua lỗ, nó có thể lỗ cho doanh nghiệp nhưng tiền có thể chảy về túi của một số ai đó có quyền lực. Rõ ràng những nhóm lợi ích này họ thích một cơ chế mù mờ như hiện nay hơn một cơ chế dứt khoát Doanh nghiệp Nhà nước phải đặt dưới sự giám sát của cả xã hội
-Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan

Bên cạnh đó, một số các chuyên gia mà Đài RFA có dịp trao đổi xoay quanh chủ đề về CPH tại Việt Nam, đều có đồng quan điểm cho rằng yếu tố quan trọng nhất khiến cho tiến trình cổ phần hóa bị trì chậm và không đạt hiệu quả là bởi vì Chính phủ Việt Nam vẫn duy trì tư duy kinh tế nhà nước là chủ đạo.

Trong Hội thảo vào ngày 23 tháng 9, Tiến sĩ Trần Đình Thiên cũng đề cập đến khái niệm kinh tế nhà nước có 2 yếu tố: “Tài sản” và “cơ chế phân bổ”. Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng cần phải phân biệt rõ ràng “tài sản của kinh tế nhà nước” và “tài sản nhà nước để cho doanh nghiệp nhà nước kinh doanh”, cũng như cơ chế phân bổ nguồn lực quốc gia (là tài sản nhà nước) phải được rõ ràng. Tiến sĩ Trần Đình Thiên lập luận nếu như khái niệm đầu tiên không được rõ ràng thì rất dễ bị lạm dụng.

Các vị chuyên gia còn khẳng định Việt Nam không thể chậm trễ hơn nữa về đẩy nhanh CPH trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới để nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường; bằng ngược lại thì hậu quả mà nền kinh tế của Việt Nam có thể đối diện giống như lời tuyên bố của nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam-Tiến sĩ Trần Đình Thiên rằng “Đến lúc này mọi thứ đặt ra rõ ràng và có dám nhận diện rõ không thôi. Còn cứ nhắm mắt bảo không có gì rõ ràng thì đất nước này có vấn đề về trí tuệ, không đáng được phát triển.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.