Trong buổi đối thoại với nông dân tại thành phố Buôn Ma Thuột hôm 28 tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo Ủy ban Châu Âu (EC) có thể rút thẻ đỏ phạt Việt Nam nếu tàu cá trong nước tiếp tục xâm phạm vùng biển nước khác. Việt Nam bị EC chính thức phạt thẻ vàng đối với ngành khai thác hải sản Việt Nam vào ngày 23 tháng 10 năm 2017 vì khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý. Từ viết tắt tiếng Anh cho các hoạt động này là IUU.
Ông Trần Văn Lĩnh, Ủy viên Ban thường vụ Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng cho RFA biết nhận định của ông về cảnh báo mà thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đưa ra:
" Thủ tướng nói thì nói thôi. Nhưng tôi nghĩ nói như vậy cũng tốt cho cả phía Nhà nước lẫn phía ngư dân. Đó không phải là cảnh báo xuất phát từ Ủy ban châu Âu. Tức là Ủy ban châu Âu không có một cảnh báo nào gửi cho Việt Nam nói rằng sẽ áp dụng thẻ đỏ cả mà họ chỉ nói là Việt Nam đã thực hiện tốt tất cả những khuyến cáo của họ.
Tuy nhiên, chưa thật sự hoàn toàn tốt bởi vì vẫn còn bị các quốc gia lân cận nói là Việt Nam xâm phạm hải phận của họ. Họ có những bằng chứng là những biên bản ngư dân Việt Nam bị các nước khác bắt. Những bằng chứng đó đúng bao nhiêu phần trăm lại là vấn đề khác nữa. Khi mình còn bị khiếu nại bởi các quốc gia khác thì Ủy ban châu Âu họ chưa sẵn sàng để gỡ bỏ thẻ vàng cho mình.”
Theo thuật ngữ quốc tế, IUU (Illegal, Unreported and Unregulated Fishing) nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Quy định này bao gồm 3 tiêu chuẩn với những hải sản nhập khẩu vào Châu Âu.
Thứ nhất, hoạt động đánh bắt cá trái phép, nghĩa là các tàu cá đánh bắt thủy sản ở những vùng biển trái phép hoặc cấm đánh bắt. Tiếp đó, những hoạt động khai thác hải sản cần được báo cáo với các cơ quan chức năng nhằm tuân thủ những quy định của pháp luật trong nước lẫn quốc tế. Cuối cùng, các tàu đánh cá phải treo cờ của một quốc gia nào đó và không được khai thác quá mức, đánh bắt cá con hay tàn phá nguồn thủy sản của một khu vực.
Thủ tướng nói thì nói thôi. Nhưng tôi nghĩ nói như vậy cũng tốt cho cả phía Nhà nước lẫn phía ngư dân. Đó không phải là cảnh báo xuất phát từ Ủy ban châu Âu. - Ông Trần Văn Lĩnh
Kể từ ngày Việt Nam bị gắn thẻ vàng, hàng năm EC đều đến Việt Nam để kiểm tra, đánh giá và xem xét việc có gỡ thẻ vàng hay nâng cấp cảnh cáo với thủy sản Việt Nam.
Tại phiên chất vấn Quốc hội chiều ngày 6 tháng 11 năm 2019, một tuần trước khi EC đến Việt Nam kiểm tra định kỳ, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay vẫn còn một số tỉnh có tàu thuyền đánh bắt trái phép ở nước ngoài bị phát hiện. Ông Dũng cảnh báo rằng nếu EC không gỡ thẻ vàng mà nâng cấp cảnh cáo với thủy sản Việt Nam thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường xuất khẩu, uy tín và thương hiệu của ngành thuỷ sản Việt Nam. Ông nêu nhiệm vụ trước mắt là các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục tình trạng mà EC đã cảnh báo để sớm gỡ thẻ vàng.
Trong bài phỏng vấn do TTXVN thực hiện trước khi đoàn thanh tra của EC đến Việt Nam kiểm tra vào tháng 11 năm 2019, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, Việt Nam đã huy động các lực lượng vừa đảm bảo giải quyết tình thế cấp bách trước mắt về ngăn chặn tình trạng khai thác bất hợp pháp của tàu cá Việt Nam, vừa đáp ứng yêu cầu về phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, từng bước hội nhập sâu rộng với nghề cá khu vực và thế giới. Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp lý, các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Thủy sản năm 2017 và được phía EC đánh giá cao.

Ông Trần Văn Lĩnh nêu nhận định của ông với RFA:
“Thật ra cả nhà nước và ngư dân đều có nỗ lực rất lớn trong việc thực hiện Luật thủy sản Việt Nam. Luật này có bổ sung thêm những yêu cầu của Liên Âu. Về phía nhà nước, họ trang bị đầy đủ các cơ quan kiểm tra. Về phía ngư dân Việt Nam, về cơ bản, các tàu thuyền đi ra vùng biển 15 mét trở ra đều có gắn định vị và thực hiện nghiêm chỉnh việc bảo vệ khai thác bền vững trên cơ sở không ra vùng biển nước khác.
Nhưng phải nói rằng chừng ấy thôi thì nó chưa đủ bởi thứ nhất là Việt Nam có vùng chồng lấn với các quốc gia khác. Ví dụ vùng cửa vịnh Bắc Bộ cho đến giờ này vẫn chưa có ranh giới rõ rệt cho nên mình và Trung Quốc cũng hay đụng chạm nhau và đôi khi phía Trung Quốc bắt tàu mình. Thứ hai nữa là vùng Hoàng Sa. Việt Nam nói đây là vùng biển của Việt Nam cho nên không thể ngăn ngư dân Việt ra đó được. Trung Quốc nói đó vùng biển của Trung Quốc nên họ vẫn bắt bớ mình và Việt Nam coi như bị vi phạm. Bởi khi bị bắt thì họ ép ngư dân Việt ký một số biên bản.”
Sau đợt kiểm tra của EC đến Việt Nam vào tháng 11 năm 2019, EC đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và cảm ơn sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc triển khai các khuyến nghị của EC. Tuy vậy, EC khẳng định chừng nào Việt Nam chưa giải quyết được vấn đề tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài thì Ủy ban châu Âu sẽ không rút thẻ vàng.
Về phía Việt Nam, cơ quan chức năng cũng xử phạt nặng những tàu cá vi phạm. Đơn cử hôm 3 tháng 7 năm 2020, UBND tỉnh Bình Định ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản đối với hai chủ tàu cá vì khai thác thủy sản trái phép, vi phạm vùng biển nước ngoài. Mỗi chủ tàu bị phạt 900 triệu đồng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính từ đầu năm 2020 đến ngày 31 tháng 8 năm 2020, Việt Nam ghi nhận đã xảy ra 57 vụ với 92 tàu bị nước ngoài bắt giữ. Trong đó, các vụ việc được xác định do vi phạm: 34 vụ với 54 tàu; bị bắt giữ tại khu vực chồng lấn, tranh chấp, vùng nước lịch sử và chưa rõ tọa độ bắt giữ: 23 vụ với 38 tàu. Tập trung chủ yếu tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định,…
Khi mình còn bị khiếu nại bởi các quốc gia khác thì Ủy ban châu Âu họ chưa sẵn sàng để gỡ bỏ thẻ vàng cho mình. - Ông Trần Văn Lĩnh
Ông Trần Văn Lĩnh cho rằng, dù Việt Nam cố gắng rất nhiều để không bị rút thẻ đỏ, nhưng việc được gỡ thẻ vàng không đơn giản bởi một số giới hạn ở cả hai phía nhà nước và ngư dân:
“Về phần của ngư dân. Phải nói rằng do hải sản ở vùng biển Việt Nam ngày càng cạn kiệt bởi nạn đánh bắt trộm của Trung Quốc. Nhất là mùa sau khi cấm biển, Trung Quốc xua mấy chục ngàn tàu xuống vùng biển Đông, đó cũng là ngư trường truyền thống của Việt Nam. Thêm vào đó, khi ngư dân Việt đi đánh bắt xa có những đàn cá lớn mà máy tầm ngư phát hiện thì họ phải chạy theo đàn cá đó. Những trường hợp như vậy họ cũng có thể bị các cơ quan chức năng nước ngoài bắt.
Về phía Nhà nước, mặc dù cũng được trang bị những thiết bị theo dõi ngư dân như trong khuyến cáo của Liên Âu nhưng phía Nhà nước vẫn chưa phải là đã hoàn chỉnh phần của mình. Thí dụ như cho đến giờ này, để cho ngư dân họ có đầy đủ các phương tiện để họ có thể đi trình về báo thì cho đến giờ này cũng chỉ có vài bến cá được trang bị mà thôi. Trong khi ngư dân thì không phải lúc nào họ cũng đủ điều kiện đi vào những cái bến như vậy.”
Theo qui định của IUU, các quốc gia ngoài EU được xác định là có các biện pháp không phù hợp để phòng ngừa và ngăn chặn những hoạt động này có thể bị phạt thẻ vàng, tức cảnh cáo chính thức.
Nếu một quốc gia bị gắn thẻ vàng mà tình hình đánh bắt hải sản của nước đó được cải thiện theo quy định IUU, thẻ vàng sẽ được gỡ bỏ. Ngược lại, nếu không có gì cải thiện thì những lô hàng hải sản từ các quốc gia này sẽ bị phạt thẻ đỏ, nghĩa là bị cấm nhập khẩu vào thị trường EU, đồng thời bị đưa vào danh sách theo dõi.
Vậy nếu Việt Nam không gỡ được thẻ vàng sau một vài năm nữa thì EC có rút thẻ đỏ cho Việt Nam hay không? Ông Trần Văn Lĩnh cho biết, cơ quan này không nói nếu sau bao lâu mà không gỡ được thẻ vàng thì họ sẽ áp đặt thẻ đỏ. Nhưng hàng năm họ đều đến Việt Nam để kiểm tra việc thực hiện, và nếu họ ghi nhận Việt Nam có tiến bộ và khắc phục được những khuyến cáo của họ, tuy chưa hoàn toàn, thì họ cũng không phạt thêm. Trừ khi Việt Nam không thực hiện những khuyến cáo của họ và họ xét thấy Việt Nam đi thụt lùi thì lúc đó họ mới phạt thẻ đỏ.