Thủ tướng lại tuyên bố Việt Nam sẽ có tập đoàn khổng lồ vào năm 2045

RFA
2021.03.09
Thủ tướng lại tuyên bố Việt Nam sẽ có tập đoàn khổng lồ vào năm 2045 Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội tháng 12/2020.
AFP PHOTO

“Từ đây đến năm 2045, sẽ xuất hiện những tập đoàn khổng lồ mang tên Việt Nam trên trường quốc tế.”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu như vừa nêu khi tham dự buổi đối thoại Việt Nam 2045, tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 6/3. Ông Phúc còn cho rằng, nghe qua các ý kiến, ông thấy một khát khao cháy bỏng của cộng đồng doanh nghiệp, trí thức, chuyên gia… cho một Việt Nam cường thịnh vào năm 2045.

Từ Na Uy, hôm 9 tháng 3 năm 2021, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ nhận định với RFA về mục tiêu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc:

“Thực ra mà nói, 25 năm nữa là một khoảng thời gian dài với nhiều thay đổi. Không ai biết thế giới và Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào trong 25 năm tới. Ví dụ, 25 năm trước không ai hình dung được hôm nay chúng ta có điện thoại thông minh, dùng mạng xã hội để tương tác, sự xuất hiện của các xe tự lái, mạng 5G, đồng tiền mật mã…”

Phát biểu của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vì vậy, theo Tiến sĩ Vũ, cũng chỉ là một lời động viên xã giao trong buổi gặp mặt các doanh nghiệp, vì nhiều lắm là ông tiếp tục làm việc thêm 5 năm nữa, và không ai biết là các chính sách Việt Nam sẽ thế nào trong những năm tới với những lãnh đạo mới, chưa nói đến là các công nghệ của thế giới thay đổi vùn vụt mà không ai dự đoán được. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho biết thêm:

“Nhưng một điều có thể dự đoán được đó là vị trí của một quốc gia và các doanh nghiệp của nó trên trường quốc tế sẽ tỉ lệ thuận với trình độ khoa học công nghệ của quốc gia đó. Không một quốc gia kém cỏi nào về khoa học công nghệ lại có được những doanh nghiệp tầm cỡ trên thế giới. Cho nên, nếu Việt Nam cứ tiếp tục những bế tắc trong cải cách giáo dục và thất bại trong đầu tư vào khoa học công nghệ như những gì đã diễn ra trong khoảng mấy mươi năm nay, thì mong muốn có được những doanh nghiệp khổng lồ trên trường quốc tế chỉ là những mong ước mang tính cách động viên xã giao.”

Nếu Việt Nam cứ tiếp tục những bế tắc trong cải cách giáo dục và thất bại trong đầu tư vào khoa học công nghệ như những gì đã diễn ra trong khoảng mấy mươi năm nay, thì mong muốn có được những doanh nghiệp khổng lồ trên trường quốc tế chỉ là những mong ước mang tính cách động viên xã giao.
-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ

Cũng tại Hội nghị ‘Đối thoại 2045’, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tiếp tục thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Cam kết bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, minh bạch chính sách, hoàn thiện cơ chế và bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường...

Khi trả lời RFA tôm 9/3, anh Quang - một người dân ở miền Trung cho rằng, các doanh nghiệp ước mơ trong tương lai sẽ trở thành những doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn, vươn ra phần còn lại của thế giới là một ước mơ chính đáng. Song, ước mơ đó có trở thành hiện thực hay không thì không chỉ có doanh nghiệp nỗ lực mà còn phụ thuộc vào sự quản lý, điều hành cũng như sự tác động bởi những cơ chế, chính sách kinh tế của Chính phủ.

Còn về phía Chính phủ, theo anh Quang, tất nhiên là cũng kỳ vọng đến năm 2045 sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam sẽ đạt được điều đó. Tuy nhiên, kỳ vọng với một thời gian dài đến 1/4 thế kỷ như thế thì... xa quá, trong khi nhiều vấn đề tồn tại về chính sách kinh tế vẫn còn quá ngổn ngang như nợ công, phân bổ nguồn lực vốn đầu tư, tham nhũng, lãng phí trong kinh tế... vẫn chưa được giải quyết một cách căn bản! Anh Quang cho rằng, để các doanh nghiệp ‘vươn ra biển lớn’ như kỳ vọng của Thủ tướng thì còn tùy thuộc vào tầm nhìn chiến lược về công tác cán bộ. Anh Quang giải thích:

“Vì xét cho cùng, mọi thành bại công việc đều do con người, nếu ở tầm quốc gia thì đó là những cán bộ cao cấp như: Bộ trưởng, Bí thư trung ương, Bí thư - Chủ tịch tỉnh, các chuyên gia... là những người làm ra các chính sách, đồng thời cũng là những người quản lý! Tuy nhiên, trong thực tế thì cán bộ các cấp từ thấp đến cao lại do Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn rồi đưa ra cho dân bầu rất là hình thức, không phải do người dân lựa chọn thông qua cạnh tranh, tuyển chọn bằng năng lực thực tiễn, vì vậy thì làm sao có cán bộ giỏi?! Và đa phần những cán bộ cao cấp này đều có tư duy nhiệm kỳ.”

Chính vì thế, theo anh Quang, các chính sách về kinh tế-xã hội của đất nước cứ thay đổi liên tục, không đồng bộ, chắp vá... là những biểu hiện dễ thấy nhất trong thời gian qua, vì vậy mà có nhiều luật, nghị định, các văn bản dưới luật khác cứ sửa đổi, bổ sung...! Anh Quang nêu ví dụ:

“Hãy nhìn ông Nông Đức Mạnh thì biết, ông ta là Tổng Bí thư 2 nhiệm kỳ IX và X, vào năm 2006 ông ta đã phát biểu rằng, đến năm 2020 thì VN sẽ trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nhưng thực tế là mục tiêu này đã thất bại vì cái ‘duy ý chí’ đấy!

Tóm lại, kỳ vọng về một vấn đề gì phải dựa trên cơ sở thực tiễn, mà thực tiễn ở đây là ‘con người’, là ‘cán bộ’. Với chính sách ‘Đảng lãnh đạo toàn diện công tác cán bộ’ thì lấy đâu ra cán bộ giỏi để thực hiện kỳ vọng đó?!”

000_8WB4CF.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội tháng 12 năm 2020. AFP PHOTO.

Lâu nay, nhiều vị lãnh đạo của Đảng và Chính phủ thường hay phát biểu, đưa ra mục tiêu Việt Nam sẽ sớm trở thành cường quốc về một lãnh vực nào đó. Đơn cử như tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X hôm 28/3/2010, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khi phát biểu bế mạc hội nghị, từng nói mục tiêu năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp, hiện đại.

Hay nguyên Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khi còn tại chức cũng đã từng quyết xây dựng các tập đoàn Nhà nước lấy ý tưởng từ mô hình Chaebol của Nam Hàn để trang bị cho nền kinh tế những 'cú đấm thép'.

Noi gương Nhật Bản thời trước chiến tranh, Nam Hàn cũng đã cho thành lập các tổ hợp kinh doanh họ gọi là “Chaebols”, dịch từ chữ “tài phiệt”. Áp dụng chính sách chủ động công nghiệp hóa để phát triển nhanh, trong đó có vai trò của các tập đoàn cột trụ này. Dù là tư doanh chứ không là tập đoàn kinh tế nhà nước như tại Trung Quốc hay Việt Nam, nhưng các đại tập đoàn Hàn Quốc này vẫn nương theo chính sách kinh tế nhà nước và có sự yểm trợ của nhà nước. Kết quả thì Nam Hàn đã tạo ra phép lạ kinh tế để trở thành một nước công nghiệp hóa giàu mạnh trong vài chục năm.

Tuy nhiên ước mơ của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi quyết xây dựng những 'quả đấm thép' dạng Cheabol Hàn Quốc, đã để lại hậu quả là những Vinalines, Vinashin... với những món nợ khổng lồ lên đế hàng chục ngàn tỷ đồng.

Việc đặt ra các mục tiêu như vậy có thể là điều khích lệ, nhưng điều cơ bản là phải xây dựng những phương án cụ thể và những chính sách và biện pháp để bảo đảm mục tiêu đó được thực hiện.
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định:

“Việc đặt ra các mục tiêu như vậy có thể là điều khích lệ, nhưng điều cơ bản là phải xây dựng những phương án cụ thể và những chính sách và biện pháp để bảo đảm mục tiêu đó được thực hiện. Cho đến nay, chúng ta đặt ra mục tiêu nhưng chúng ta chậm và ít xây dựng các phương án, và thực thi các phương án đó, các chính sách cũng chưa đạt hiệu quả như chúng ta mong muốn.”

Tại Hội nghị ‘Chiến lược phát triển bền vững đất nước’ tổ chức hôm 1/7/2020, Chính phủ Việt Nam cũng chọn mốc 2045 để Việt Nam trở thành nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao...

Chuyên gia kinh tế PGS. TS. Ngô Trí Long, khi đó nhận định với Đài Á Châu Tự Do:

“Nói chung kỳ vọng thì bao giờ cũng đặt ra một mục tiêu, nhưng thực tế có đạt được hay không thì đòi hỏi phải nỗ lực rất là nhiều. Để thực hiện được hay không, thì đòi hỏi phải có sự thay đổi rất mạnh về thể chế, cơ chế hoạt động, cũng như phải có sự quyết tâm nỗ lực thật sự của đảng, của chính quyền cũng như toàn xã hội. Kỳ vọng quá cao mà không thực hiện được thì thứ nhất mất tính hiệu lực của nó, thứ hai người dân sẽ giảm lòng tin vào chính phủ.”

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trước đây, Chính phủ Việt Nam cũng đã đề ra ba khâu đột phá quan trọng. Một là nỗ lực vượt bậc thiết lập thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Thứ hai là xây dựng kết cấu hạ tầng và thứ ba là nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực. Cả ba khâu đột phá đó theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho đến nay mới làm được rất khiêm tốn. Trong khi đó, những việc chính yếu của Nhà nước như bảo đảm luật pháp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô thì Nhà nước lại làm kém hiệu quả.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
09/03/2021 19:00

Nghe TT Phúc nói đến "tập đoàn khổng lồ", lại nhớ đến tập đoàn Huawei, TQ, đã tưởng sắp được lũng đoạn thế giới, ngờ đâu thế giới lại KHÔNG CHẤP NHẬN, vì nó là con đẻ của Đảng CS, giúp đảng lừa bịp, đàn áp nhân quyền , áp đặt thể chế độc tài bất công để cho chúng lãnh đạo, thống trị. Tập đoàn bẩn thỉu!
Ở VN mà nói đến "tập đoàn khổng lồ" thì ai cũng thấy - không có tập đoàn nào lớn hơn cái "Tập đoàn CS - Độc tài thống trị VN".
Không biết đến năm 2045, nó có còn tồn tại hay không?

Anonymous
09/03/2021 19:46

Nghe tin này thấy hãi quá! Hãi vi người dân sẽ tiếp tục đóng thuế để nhà nước dùng tiền thuế của dân nuôi bộ máy, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược mắc bệnh "hoang tưởng" như thế này và đồng tiền sẽ chạy vào túi các tập đoàn nhà nước, họ cũng khổng lồ đó chứ, nhưng nợ cũng khủng và "tham nhũng" cũng khủng.