Ngân hàng nhà nước: Động cơ nào sau công cụ lãi suất?

Trong buổi họp báo thông báo kết quả của phiên họp thường kỳ chính phủ tháng 11/2011, bộ trưởng Văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam đã cho báo giới hay rằng chính phủ đã quyết định sẽ giảm lãi suất, nhưng còn giảm thế nào và vào thời điểm nào là do Ngân hàng nhà nước quyết định.

Quyết định của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về trao quyền “tự chủ” cho Ngân hàng nhà nước đối với một vấn đề như mức giảm lãi suất, vốn có tác động rất lớn đến hoạt động của nền kinh tế và đời sống dân sinh, là đáng ngạc nhiên.

Trên bình diện công luận, đây là lần đầu tiên từ khi được bổ nhiệm vào chức vụ thống đốc Ngân hàng nhà nước vào đầu tháng 8/2011, ông Nguyễn Văn Bình được thủ tướng ưu ái đến thế.

Điều này xét ra cũng gần như chưa có tiền lệ. Người tiền nhiệm của ông Bình là Nguyễn Văn Giàu, sau hàng loạt công tác tham mưu và điều hành không mấy kết quả liên quan đến các vấn đề bảo đảm trần lãi suất huy động, quản lý thị trường vàng và ngoại tệ, đã chưa từng được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin cậy đến mức trao cho quyền quyết định số phận mức giảm lãi suất như đối với ông Bình. Vào tháng 8/2011, ông Giàu đã được chuyển công tác sang Quốc hội, tại một vị trí mà bản thân ông đã tự an ủi là “bất cứ vai trò nào cũng là trọng trách”.

Vị trí thống đốc ngành ngân hàng của ông Bình càng có ý nghĩa hơn khi gần đây nhất, vai trò của người cùng được bổ nhiệm cùng thời điểm với ông – bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ - tuy vẫn được nhiều người dân ủng hộ thông qua việc hành xử khá cương quyết với những nhóm lợi ích như Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, nhưng đã dường như bị lu mờ phần nào trong con mắt của thủ tướng.

Thậm chí, vai trò của ông Bình còn vượt hơn cả một số bộ trưởng có thâm niên chức vụ từ trước ông. Điều đó cho thấy hiện nay ông Bình là một trong những trợ thủ đắc lực nhất của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Vì sao chỉ sau một thời gian ngắn, ông Bình lại có thể vươn tới vị trí của một “bí thư thứ nhất” như thế?

Chiến dịch lãi suất

Đối với báo giới Việt Nam, Nguyễn Văn Bình được xem là một trong những lãnh đạo kiệm lời, kín kẽ về hành vi, có khả năng chuyên môn nhưng cũng đủ tính khôn ngoan của một chính trị gia hiểu biết trên dưới và biết tận dụng thời thế.

Không có những câu tuyên bố gây tranh cãi và dễ bị hiểu lầm như “cần được trao toàn quyền quyết định như một tư lệnh” của bộ trưởng giao thông vận tải Đinh La Thăng, khi nhậm chức vào đầu tháng 8/2011, ông Bình chỉ phát biểu ngắn gọn là sang tháng 9 Ngân hàng nhà nước sẽ giảm lãi suất và sẽ có gói giải pháp kinh tế.

Cần lưu ý là thông tin về “gói giải pháp kinh tế” mà những trưởng ngành như ông Bình và ông Huệ đưa ra công luận còn diễn ra trước cả khi chính thủ tướng nói về điều đó.

Nền kinh tế Việt Nam, sau hơn nửa đầu năm 2011 đã trải qua hàng loạt cơn sóng dữ của nạn lạm phát đến 15%, lãi suất cho vay cũng “lạm phát” theo với tỷ lệ đến 25-27%/năm, 1/10 số doanh nghiệp lâm vào tình cảnh phá sản, tỷ lệ thất nghiệp thực tế tăng vọt, tốc độ tăng trưởng GDP giảm từ mức “quyết tâm” 8,5-9% xuống chỉ còn khoảng 6%, đời sống dân sinh trở về thời thắt lưng buộc bụng… Do vậy, người dân và công luận trở nên kỳ vọng vào bất cứ một sự đổi thay nào có thể mang lại chút ánh sáng le lói cho nền kinh tế.

Vào đầu tháng 9/2011, trong một động thái rất chủ động, Ngân hàng nhà nước đã ban hành chỉ thị tái thiết lập trần lãi suất huy động 14%/năm đối với tất cả các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trước đó, mặt bằng lãi suất huy động theo cách “thỏa thuận” giữa ngân hàng và khách hàng đã lên đến 19-21%/năm.

Bất chấp không khí hoài nghi của toàn thể xã hội khi xét đến những tiền lệ hoàn toàn không nghiêm khi quy định về trần lãi suất huy động đã được đặt ra từ tháng 3/2011 dưới thời thống đốc Nguyễn Văn Giàu, tháng 9/2011 lại là thời gian mà Ngân hàng nhà nước tiến hành hàng loạt biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với những tổ chức tín dụng vi phạm. Một số lãnh đạo chi nhánh bị buộc nghỉ việc, còn tổ chức tín dụng cũng không được mở thêm chi nhánh ở Việt Nam trong vòng một năm…

Từ trạng thái tự tung tự tác và xé rào tự do, cho đến nay hầu hết các ngân hàng đều tỏ ra tuân thủ triệt để quy định về trần lãi suất huy động - một thành công hiếm hoi trong công tác quản lý nhà nước ở Việt Nam từ nhiều năm qua.
Bước ghi điểm đầu tiên của thống đốc Nguyễn Văn Bình trước thủ tướng chính là chiến dịch lập lại kỷ cương về lãi suất huy động.

Chiến dịch vàng

Sau bước tạm thời ổn định về lãi suất huy động, vào đầu tháng 10/2011, Ngân hàng nhà nước đã ban hành và dự thảo hàng loạt văn bản liên quan đến hoạt động quản lý kinh doanh vàng.

Vào thời gian này, giá vàng Việt Nam vừa trải qua một đợt tăng giá chóng mặt, từ 37 triệu đồng/lượng tăng vọt lên 49 triệu đồng/lượng. Đà tăng này được giải thích từ yếu tố khách quan là xu thế tăng của giá vàng thế giới. Tuy nhiên trong khi giá vàng thế giới chỉ tăng 18% (từ 1.600 USD/oz lên 1.900 USD/oz) thì giá vàng Việt Nam đã tăng đến 32%.

000_Hkg4619862-250.jpg
Một cửa hàng kinh doanh vàng ở Hà Nội. AFP photo (Một cửa hàng kinh doanh vàng ở Hà Nội. AFP photo)

Hiện tượng giá vàng Việt Nam tăng mạnh hơn giá vàng thế giới đã diễn ra ít nhất 3 lần trong năm 2011, còn trước đó lại là một câu chuyện luôn có tiền lệ. Hiện tượng này được lý giải bởi nguyên do muôn thuở ở Việt Nam là nạn đầu cơ. Cùng với các yếu tố tăng giá xăng dầu và giá điện, nạn đầu cơ giá vàng đã thúc đẩy rất đắc lực cho đà tăng của chỉ số lạm phát.

Tuy vậy qua nhiều thời thống đốc mà Ngân hàng nhà nước đã chưa một lần khắc chế được nạn đầu cơ này.

Vào hai tháng 8-9/2011, giá vàng trong nước có thời điểm chênh cao hơn giá vàng thế giới đến gần 5 triệu đồng/lượng. Mức chênh cao bình quân trong hai tháng này là từ 2-3 triệu đồng/lượng.

Trong suốt thời gian đó, hành động duy nhất mang tính can thiệp của Ngân hàng nhà nước chỉ là một lần phát lời cảnh báo về sự cẩn trọng cần thiết của khách hàng đối với hiện tượng đầu cơ giá vàng. Tuy nhiên, đã không có một cuộc kiểm tra đúng nghĩa nào để thực thi yêu cầu “dẹp loạn giá vàng” mà người dân trông mong.

So với tuyên bố “chỉ cần giá vàng trong nước vượt hơn giá vàng thế giới 400.000 đồng/lượng là có dấu hiệu đầu cơ; khi đó Ngân hàng nhà nước sẽ có biện pháp can thiệp kịp thời” của Nguyễn Văn Bình vào đầu tháng 8/2011, khoảng cách giữa việc làm và lời nói của ông đã tương đương với khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.

Từ tháng 9/2011, dư luận trong người dân và trên nhiều tờ báo ở Việt Nam đã bắt đầu đề cập ngày càng nhiều và càng bức xúc về hiện tượng có một nhóm lợi ích nào đó trong việc giữ giá vàng treo cao để “xả hàng”. Một trong những doanh nghiệp được nói đến và bị nghi ngờ nhiều nhất là công ty vàng bạc SJC. Công ty này về danh nghĩa thuộc Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, nhưng lại chịu sự chỉ đạo và điều hành rất chặt chẽ từ phía Ngân hàng nhà nước. Chiếm 90% thị phần vàng ở Việt Nam, SJC được ưu đãi trong sản xuất, nhập khẩu và niêm yết giá.

Vào cuối tháng 11/2011, trong buổi trả lời chất vấn trước Quốc hội, thống đốc Nguyễn Văn Bình lần đầu tiên tiết lộ ý định sẽ đưa SJC trực thuộc sự quản lý của Ngân hàng nhà nước và tập trung sự độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng miếng vào công ty này.

Những nghi ngờ về mối quan hệ thân thiết giữa ông Nguyễn Văn Bình và “tập đoàn độc quyền”’ SJC đã càng trở nên rõ rệt hơn theo thời gian. Không ít lần báo chí Việt Nam đã đề cập đến việc SJC có được những khoản lợi nhuận khổng lồ từ cơ chế ưu ái mà Ngân hàng nhà nước đã dành cho công ty này.

Không giảm lãi suất cho vay?

Sau 3 tháng từ khi khởi động chính sách đầu tiên về lãi suất, cho đến nay người ta đã có thể nhận ra một sự khác biệt rất căn bản: nếu như vấn đề trần lãi suất huy động được Ngân hàng nhà nước siết chặt bao nhiêu, thậm chí huy động cả Tổng cục cảnh sát của Bộ Công an vào cuộc, thì những hoạt động kinh doanh vàng liên quan đến các công ty nhà nước lại bị thả lỏng bấy nhiêu.

Mặc dù tháng 10/2011 có thể được xem là “tháng của chiến dịch vàng”, nhưng những nội dung chính của chiến dịch này chỉ tập trung vào đề án thu gom vàng từ dân và hạn chế thanh khoản của đại đa số tổ chức tín dụng cùng 12.000 cơ sở kinh doanh vàng – những nơi chiếm thị phần hầu như không đáng kể trong thị trường vàng.

Nghịch lý trên càng trở nên sâu sắc hơn nếu mổ xẻ chi tiết về chiến dịch lãi suất: tại sao duy trì được trần lãi suất huy động nhưng không giảm được lãi suất cho vay?

Vào cuối tháng 8/2011, trong một phát ngôn hiếm hoi, thống đốc Nguyễn Văn Bình đã nêu nhiệm vụ phải kéo giảm lãi suất cho vay về vùng 17-19%/năm để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, phục hồi sản xuất.

Hơn ai hết, khoảng 2/3 số doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nguy cơ thiếu vốn trầm trọng – một trong những tiền đề có thể dẫn tới phá sản và gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Tuy nhiên vào thời gian trước tháng 9/2011, lãi suất cho vay đã bị các ngân hàng đẩy lên quá cao, trung bình 25-27%/năm, khiến cho doanh nghiệp sản xuất điêu đứng.

Ngay cả nếu mặt bằng lãi suất cho vay có được kéo về đúng 17-19%/năm, cũng chỉ có một ít doanh nghiệp dám gồng mình ký hợp đồng vay vốn ngân hàng.
Thế nhưng trong thời gian từ đầu tháng 9/2011 đến nay, tình trạng phổ biến là phần lớn doanh nghiệp đã không thể tiếp cận được mức lãi suất cho vay 17-19%/năm. Trong thực tế, cái gọi là "nguồn vốn giá rẻ" vẫn được các ngân hàng duy trì ở mức 21-23%/năm.

Điều hiển nhiên là với khoảng cách giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động lên đến 6-7%/năm, khối ngân hàng đã trở thành ốc đảo xanh tươi giữa sa mạc kinh tế cháy bỏng. 9 tháng đầu năm 2011, chỉ riêng con số lẻ trong lợi nhuận của hầu hết các ngân hàng đã trở thành mơ ước của nhiều doanh nghiệp sản xuất.

Và cũng vào lúc các ngân hàng đua nhau công bố lợi nhuận, người ta lại phải đặt ra câu hỏi là liệu có một nhóm lợi ích của riêng ngân hàng, với sự bảo bọc của Ngân hàng nhà nước.

Hiển nhiên, các ngân hàng sẽ không thể ung dung thu lời trong khi phần lớn doanh nghiệp khác vẫn thu không đủ chi, nếu như Ngân hàng nhà nước thực thi chính sách áp trần lãi suất cho vay, dù chỉ tại vùng 19%/năm chứ chưa thấp hơn, ngay vào thời điểm đầu tháng 9/2011 như đã áp trần lãi suất huy động 14%/năm. Nhưng tại sao Ngân hàng nhà nước đã hoàn toàn không tỏ ra nhiệt tình với động thái kéo giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp sắp chết khát giữa sa mạc kinh tế cũng khô hạn không kém?

Phải chăng lãi suất cho vay luôn được thả lỏng, cũng như giá vàng luôn được treo cao, đã bắt nguồn từ tín hiệu "bật đèn xanh" của chính Ngân hàng nhà nước?
Và phía sau hai nhóm lợi ích vàng và ngân hàng, liệu Ngân hàng nhà nước còn liên đới với nhóm lợi ích nào khác?

Chiến dịch nào khác?

Những nghi vấn trên có lẽ sẽ được “giải mật” phần nào trong thời gian tới, khi bản nghị định về quản lý vàng được thông qua và có hiệu lực, cũng như công cụ lãi suất lại được đem ra sử dụng vào bất cứ khi nào quyền lợi của nhóm lợi ích cần được hỗ trợ.

Gần đây nhất, sau hai tháng thực hiện chiến dịch lãi suất và vàng, tháng 11/2011 có thể ghi nhận động thái hỗ trợ đầu tiên của Ngân hàng nhà nước cho các ngân hàng liên quan đến vấn đề dư nợ cho vay phi sản xuất, mà thực chất là dư nợ cho vay bất động sản.

Cũng vào tháng 11/2011, lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức thống đốc, Nguyễn Văn Bình đã công khai nói về việc “có biện pháp khơi dậy thị trường bất động sản” – một chủ trương đã được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại kỳ họp Quốc hội trong cùng thời gian.

Theo dòng thời sự: