Những người lính 30/4

Nguyễn Tường Thụy, viết từ Hà Nội
2017.05.03
000_ARP4090008.jpg Những người lính Bắc Việt trong đồng phục quân đội mới diễu hành mừng chiến thắng ở Sài Gòn ngày 15 tháng 5 năm 1975.
AFP photo

Bạn 30/4

Vào thời điểm kết thúc chiến tranh Việt Nam, lực lượng quân đội rất lớn. Nếu tính quân số thì đông vào hàng thứ tư trên thế giới sau Trung Quốc, Liên Xô và Hoa Kỳ.

Những người lính đi biền biệt 10 năm lần lượt được giải ngũ trở về địa phương. Sự kiện 30/4 với họ chỉ đơn thuần là chiến tranh kết thúc, đã thoát chết và sẽ được về với gia đình.

Những ngày đầu trở về, công việc đầu tiên của họ là nghỉ ngơi, thăm nhau, thăm họ mạc, thăm gia đình những đồng đội nằm lại chiến trường. Năm ba tháng sau thì lấy một cô gái làng để ổn định gia đình và bắt đầu vật lộn với công cuộc mưu sinh.

Họ đa số là những thanh niên nông thôn, khi nhập ngũ, văn hóa phổ biến lớp 6, lớp 7, không có nghề nghiệp gì ngoài làm ruộng.

Làm ruộng ở đây là làm hợp tác xã, ngày công chỉ có 0,2 kg thóc nên phải xoay xỏa sang nuôi lợn, gà, vịt, thả cá, trồng rau… sao cho có thể tồn tại được.

Nhưng không phải ai cũng biết làm nông nghiệp và có ruộng đất để làm.

Lượng, một người bạn thân của tôi về chiếm mảnh đất ở đầu làng mở quán nước, bán mấy chén rượu, vài gói kẹo dồi, thuốc lào, thuốc lá… Dần dà, anh kiêm sang nghề ghi số đề.

Ghi số đề thì phải nuôi công an, luật đó anh thạo lắm. Nghề này kiếm được, cũng yên ổn nhiều năm.

Nhưng chẳng hiểu sao có lần anh vẫn bị bắt, phải chạy 200 triệu đồng mới thoát án tù. Có lẽ mục đích của công an là 200 triệu chứ không phải là bắt anh bỏ tù.

Mỗi lần tôi về thăm anh, anh mừng rỡ lắm. Câu đầu tiên anh bảo “tao tưởng mày đi tù rồi”.

Thì ra anh vẫn theo dõi công việc của tôi.

Trước khi đi bộ đội, Thanh là giáo viên. Không hiểu sao khi giải ngũ anh không được trở lại nghề, có lẽ không còn chỗ. Anh mang vợ con ra ra bãi ngoài đê làm nhà và làm bất cứ việc gì để mưu sinh.

Tôi về quê nghe Lương kể có lần anh gặp Thanh vác te (một dụng cụ để xúc tôm cá) trong tốp người đầu trần, chân đất đi kiếm ăn. Lương ái ngại nói với tôi, tại sao một thầy giáo đi bộ đội về mà phải làm những việc như vậy, thấy nó bôi bác tủi nhục thế nào ấy.

So với những đồng đội khác thì Lương có vẻ khá hơn cả. Anh được kết nạp đảng trong bộ đội, về thì tham gia công tác ở địa phương, lúc làm bí thư, lúc chủ tịch vì nhà anh có nghề lãnh đạo.

Tết vừa rồi tôi về quê, nghe mấy người khen anh giàu lắm, tiền của của anh có thể làm được việc này việc nọ. Chẳng biết thực hư thế nào nhưng tự nhiên tôi bỏ ý định đến thăm anh lần ấy.

Thế thì có tầm nhìn có vẻ xa hơn đám chúng tôi. Sau 30/4, anh vào Nam, ra Bắc nhiều lần và phát hiện ra mảnh đất phía Nam mới là miền đất có thể giúp anh thoát đói nghèo. Anh mang gia đình vào làm ăn, buôn bán vặt ở Vũng Tàu.

Năm kia, anh ra Hà Nội, gọi cho tôi hỏi nhà mày ở đâu để tao đến chơi. Tôi hỏi lại thì ra anh đang ở chỗ cách nhà tôi chỉ có 1 km. Thế là tôi vội đến gặp anh.

Bốn mươi năm, anh em gặp nhau mừng lắm. Anh hẹn mai tao đến nhà mày, tất nhiên là như thế rồi. Tôi báo cho vợ để chuẩn bị tiếp anh, thấp thỏm mất một ngày.

Thế nhưng hôm sau, anh gọi điện xin lỗi, bảo tao vội lắm, phải đi ngay.

Lúc ấy, tôi chợt nhớ ra khi gặp anh, tôi có kể về những hoạt động xã hội của tôi, rồi kể nhà tôi bị theo dõi như thế nào. Chắc vì thế nên anh ngại, biết đâu an ninh nó theo dõi luôn cả anh.

Sau đó, tôi vào Vũng Tàu chơi, gặp anh em dân chủ ở đấy, định gọi cho anh nhưng nghĩ chắc anh sẽ không đến vì nhạy cảm, nên thôi.

Một bức ảnh chụp ngày 30 tháng 4 năm 1975 cho thấy lính Việt Nam Cộng Hòa bị hộ tống bởi bộ đội Bắc Việt.
Một bức ảnh chụp ngày 30 tháng 4 năm 1975 cho thấy lính Việt Nam Cộng Hòa bị hộ tống bởi bộ đội Bắc Việt.
AFP photo

Giáp Tết vừa rồi, tôi có đến thăm Trương Minh Tam. Thăm gia đình Tam xong thì trời xẩm tối. Tôi gọi cho một bạn cũng đồng đội cũ là Thanh.

Thanh cùng xã Nguyên Lý huyện Lý Nhân với Trần Thị Nga.

Đường khó đi, khó hỏi, Tam phải đưa chúng tôi gần đến nơi, chắc chắn không lạc rồi mới quay về.

Cũng như với Thế, kể từ lần đến nhà anh chơi khi anh vừa giải ngũ, chúng tôi mới lại gặp nhau. Thanh cũng được kết nạp đảng trong bộ đội. Anh khoe khi về phục viên, anh còn làm phó chủ nhiệm HTX nhiều năm nữa.

Bây giờ anh vẫn trung thành với mô hình vườn-ao-chuồng. Anh bảo mùa vải mày về đây chơi, tha hồ ăn.

Nói chuyện thêm một lúc, hóa ra chuyện của tôi như thế nào anh biết cả. Anh biết cả chuyện Trần Thị Nga vừa bị bắt cách đây mấy ngày, bảo con bé này chửi láo lắm.

Tôi tưởng anh xem facebook nhưng không phải mà là anh xem chương trình an ninh ti vi. Mà chỉ xem thông tin một chiều của nhà nước thì những người như tôi, như Nga tồi tệ, xấu xa lắm.

Có lẽ anh sợ tôi mặc cảm nên an ủi, việc của mày với đảng và nhà nước là việc khác, còn chúng mình vẫn là tình đồng đội xưa.

Khi tạm biệt, vợ chồng anh bắt chúng tôi mang về bằng được ít su hào, bắp cải đã sắp trong sọt hàng để hôm sau mang đi chợ.

Và cựu chiến binh 30/4

Sau chiến tranh, chúng tôi mỗi đứa lăn lộn mưu sinh một kiểu. Nhìn chung đứa nào cũng vất vả. Đứa lận đận về kinh tế, đứa thì con ốm yếu bệnh tật. Người lính trở về thường lâm vào hoàn cảnh mà người ta tổng kết gọn lại là 3d: nhà dột, vợ già, con dốt.

Kể cả những đứa cố tỏ ra hài lòng về cuộc sống của mình nhưng tôi vẫn biết chúng nó đang cố giấu đi một cái gì đó, có thể không muốn bạn bè phiền lòng, cũng có thể cố lừa dối mình. Nhiều khi chỉ cần nhìn gương măt vợ con bạn cũng hiểu.

Tôi chợt nhớ đến bài vè nói về cuộc mưu sinh vất vả của những người lính miền Bắc sau chiến tranh được truyền miệng vào những năm cuối thập niên 70 sang thập niên 80 của thế kỷ trước:

Đầu đường đại tá vá xe
Cu
ối đường trung tá bán chè đỗ đen
N
ội thành thiếu tá bán kem
Ngo
ại thành đại úy thổi kèn đám ma

Thượng úy thì đi buôn gà
Trung úy
ở nhà theo đít con trâu
H
ỏi rằng thiếu úy đi đâu?
Ba lô l
ộn ngược xuôi tàu Bắc Nam.

Cựu chiến binh Việt Nam có đến hàng triệu. Số phận có thể có người được coi là thành đạt như lên tướng, thành quan chức, doanh nhân nhưng đa phần còn lại vất vả.

Với họ được sống trở về là điều may mắn lắm so với hàng triệu đồng đội nằm lại các chiến trường. Họ ít quan tâm đến thời cuộc.

Tuy nhiên, không phải không quan tâm thì sẽ được yên. Tai họa từ những thủ đoạn lưu manh, khốn nạn sẵn sàng ập lên đầu họ bất cứ lúc nào.

Trong đoàn 4 người đại diện cho nông dân phường Việt Hòa Thành phố Hải Dương tháng trước đến gặp tôi trình bày việc họ bị cướp đất thì đã có đến 3 cựu chiến binh, có cả thương binh mất chân phải đi bằng nạng.

Trở về đời sống thường nhật, cựu chiến binh có nhiều bức xúc về nỗi bất công của xã hội. Sự phẫn nộ của họ là sự phẫn nộ đối với tầng lớp quan chức lãnh đạo đè đầu cưỡi cổ họ nhưng họ không hiểu căn nguyên từ đâu ra, mà chỉ cho là lũ quan tham suy thoái, biến chất.

Mỗi khi cùng nhân dân đi chống cướp đất, họ thường mang cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm và hình ông Hồ Chí Minh. Có thể họ thể hiện điều họ tôn thờ, có thể chỉ để dọa quân cướp đất.

Nhưng rồi cả các loại cờ máu, cả ảnh lãnh tụ của họ cũng bị đám công an cho nghiền nát dưới bánh xích xe ủi, máy xúc - biểu tượng sức mạnh của sự càn quét. Họ có thể ngỡ ngàng giây lát nhưng rồi vẫn chỉ cho đó là bọn suy thoái biến chất.

Trong chiến tranh, họ không sợ hy sinh hoặc sợ cũng chẳng được. Nhưng bây giờ, rất nhiều cựu chiến binh sống một cuộc sống cam chịu, thậm chí một sự phản kháng đối với công an hay cán bộ địa phương cũng là hiếm. Nếu dám phản kháng, họ ắt bị nhiều hệ lụy khác hoặc bị cô lập. Điều họ sợ nhất là động đến đảng, đến “bác” Hồ.

Chợt nhớ có một nhận xét về ông Võ Nguyên Giáp: “Kẻ thù nào bác cũng đánh, nhưng đồng chí của bác đánh thì bác đầu hàng”. Tư lệnh tối cao của họ còn thế, huống chi…

Điều này giải thích vì sao, mặc dù có hàng triệu nhưng trong những cuộc xuống đường phản đối Trung Quốc, trong phong trào đấu tranh đòi quyền sống, quanh đi quanh lại, cựu chiến binh chỉ có một vài gương mặt.

30/4/2017

Nguyễn Tường Thụy

*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.