Những người “có lý luận” bên ngoài chiếc xe cứu thương miễn phí của ông Đoàn Ngọc Hải
2020.09.04
Ông Đoàn Ngọc Hải có lẽ nên nhờ thầy xem lại tử vi của mình. Vì cớ gì mà một ông đàn ông không cao lớn, không có ngoại hình bắt mắt điện ảnh, không phải tài phiệt, cũng không là một chính khách lừng lẫy, lại cũng (nhàm chán thay, chẳng giống nhiều đồng nghiệp của ông tí nào!) không có cái phốt gái gủng hay tham nhũng nào, mà đột ngột nửa đời sau bỗng trở thành người của công chúng, nhất cử nhất động đều được truyền thông tường thuật kỹ càng, kéo theo hàng tấn mực bình luận khen chê kịch liệt?
Có những người chê ông Hải vốn là quan chức có ảnh hưởng trên truyền thông và nhân dân nên khi chọn làm từ thiện thì cũng chọn cái gì vĩ mô tí. Ví dụ lập cái quỹ, trao tiền cho người nghèo khi họ cần chữa bệnh (tiền ở đâu ra thì họ không nói). Hay dùng tiền cá nhân lập một đội xe cứu thương thu phí phù hợp nhưng miễn phí cho người nghèo. Thậm chí có những chị phụ nữ thắc mắc (rất cao siêu) là tại sao ông Hải dân Sài Gòn mà không chở bệnh nhân trong ấy, lại lao ra khắp miền Trung rồi miền Bắc làm gì? Chắc chắn là đánh bóng tên tuổi, làm màu làm mè rồi. Chắc là báo chí miền Nam không thèm để ý nên mới dạo ra miền Trung để các báo địa phương tung hô đấy mà.
Lại có người phân tích rất hàn lâm về sự tha hóa của việc từ thiện và gọi nó là sự sỉ nhục: “Người nhận từ thiện sẽ dựa dẫm ỷ lại, còn người đi làm từ thiện sẽ ngày càng sỉ nhục và khinh bỉ người được cho”. Các ý kiến này cũng không quên liên hệ với vấn nạn tham những lộng hành trong quan chức Việt Nam và trách móc tại sao người ta không hỏi tiền ông Hải lấy tiền đâu mua xe mua xăng chạy đường dài.
Có người đoán ông Hải vì tức tối và bất mãn với việc bị cấp trên “đì” trong hoạt động dẹp lòng lề đường khi ông còn đương nhiệm, nên có xung lực đặc biệt để cố chứng tỏ bản thân “ buông các anh ra tôi vẫn nổi tiếng, vẫn có tiền, được khen là người tử tế. Hơn đứt các anh!”.
Có những vị đang là quan chức thì nghi ngờ ông Hải có tư duy ngược đời (một cách nói giảm của sự xem thường) và hết mức tỏ lòng thương hại, đồng thời cho vài lời khuyên ông Hải nên giữ hình ảnh đường bệ, việc gì phải tự hành hạ bản thân làm (thằng) tài xế gió bụi, nom nó lều phều, tội nghiệp.
Thật chẳng biết đâu mà lần. Người thì bảo thế là đáng thương, người lại bảo thế là đánh bóng.
Thú vị là lần theo các bình luận thì hầu hết chủ nhân của các phân tích cao siêu kể trên hầu hết là những người “có lý luận”.
Nhưng, hệ thống lý luận của họ thật vụn vặt.
Dân bình dân miền Nam thực tiễn và biện chứng hơn các vị kể trên rất nhiều. Họ giản dị và tự nhiên chấp nhận cuộc “hết quan hoàn dân” của ông Hải, tự nhiên đón nhận việc có thêm một người làm việc tốt, như từ trước tới giờ có vô số những người làm việc tốt trên cái đất nước này. Họ không tốn quá nhiều thời gian tính toán chi li như nên mặc áo gì, quần gì, mang giày hay dép để cho đẹp hình ảnh khi đi làm những việc kể trên. Cũng không tính toán sẽ làm đến bao giờ, làm thế nào để vừa được lòng dân vừa được lòng quan. Không nghĩ đến việc đi giúp những người đang kiệt quệ lại là hành vi sỉ nhục họ. Giống như trước một người ngã sông hay trong đám cháy, người ta chỉ nghĩ cứu được người ấy thì xông vào cứu; họ không tính toán cứu xong sẽ phát biểu trước ống kính thế nào. Họ chỉ tâm niệm: “Không làm hôm nay, mai mốt biết đâu không còn sức khỏe và tiền bạc để làm”. Làm thật tận hết cái điều mình tha thiết muốn làm trong hôm nay, rồi ngày mai ngày mốt hết sức buông tay không có gì tiếc nuối. Và cũng chẳng ai trách đã làm việc thiện thì tại sao không làm đến tận cuối đời.
Đó mới chính là tinh thần nghĩa hiệp căn bản của người dân, không dính dấp sự bon chen mưu cầu danh lợi của những ai đó rất dồi dào lý luận nhưng hành động thì đo trong không khí.
Đó cũng là một nét tính cách rất thoải mái, phóng khoáng của người dân Nam Bộ.
Quay lại việc những vị “có lý luận” đang đạo mạo chỉ vẽ ông Hải nên làm gì với tiền, thời gian và sức khỏe của ông. Tôi xin phép biếu vitamin cho họ. Trí nhớ những người này thật ngắn hạn. Vì chỉ mới vài năm trước, họ đã cuồng lên với hình ảnh một người dân phải bó chiếu chở thi hài anh mình trên xe máy, băng qua các thành phố để về quê nhà Sơn La chôn cất.
Thời điểm đó, các nhà đạo đức và lý luận internet đã khóc hết nước mắt cho những người dân cùng khổ. Họ còn viết văn, làm thơ, vẽ tranh, sáng tác nhạc… để tỏ lòng phẫn nộ và thương xót.
Vậy thì hà cớ gì, khi có thêm một chiếc xe cứu thương miễn phí chở người dân trong những hoàn cảnh tương tự như vậy về quê nhà, thì họ lại quên bẵng mất trái tim, tấm lòng (mênh mông) của mình trước kia, để quay lại rỉa rói và dè bỉu một người đang biến cái cỗ… à quên, tấm lòng đó thành hiện thực?
Ngoài trí nhớ kém cỏi, các nhà đạo đức internet cũng chứng tỏ kiến văn nông cạn.
Trước ông Hải, đã có những người dân chẳng quan chẳng chức, tự bỏ tiền ra mua xe cứu thương và chở cấp cứu hay chở bệnh nhân nghèo miễn phí (bà Phan Thị Bính, 64 tuổi ở Linh Đàm, Hà Nội. Anh Lương Văn Hóa 41 tuổi, ấp Phú Nghị, xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát, Bình Dương. Anh Nguyễn Tấn Chinh, 46 tuổi và bà Nguyễn Thị Hoa, 70 tuổi, ở thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu. Anh Lê Anh Tuấn, phường Phú Thọ, TP Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương…)
Đã, đang có những người bỏ tiền ra xây nhà, nuôi những người già và trẻ con nghèo khó bệnh tật (anh Trần Quang Duy, 36 tuổi, ngụ tổ dân phố 4, thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum. Ông Hồ Đề 82 tuổi ở đường Trần Kế Xương, quận Phú Nhuận, TP HCM. Chị Oanh Nguyễn ở phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP. HCM…).
Kể làm sao cho hết.
Và sẽ tiếp tục có những người như thế. Họ làm những việc ấy chỉ bởi đơn giản là họ muốn làm, gom góp điều kiện để làm và thấy đời sống của mình hạnh phúc hơn khi làm nó.
Còn việc ái ngại một ông “quan” giờ lại trông lúi xùi như một anh tài xế đường dài, thì chỉ chứng tỏ tư duy quá tôn sùng trọng vọng một cái chức vụ trong chính quyền bất biết nó có ý nghĩa gì, người giữ nó một thời đã làm được việc gì cho dân, cho xã hội. Họ chỉ thờ phượng nó như một chứng chỉ danh giá sẽ tỏa hào quang cho cả cuộc đời mình. Tận đến khi chết, họ còn muốn dòng chữ “cựu” sẽ được ghi lên bảng cáo phó cơ. Đấy là thứ tâm lý tiêu chuẩn kép của rất nhiều người dân Việt Nam: ngoài mặt thì chửi rủa khinh khi một chức vụ trong chính quyền (khi mình không có nó), nhưng thẳm sâu và trong vô thức thì lại thèm muốn nó đến mức kính cẩn. Ngoài khía cạnh thực tế “một người làm quan cả họ được nhờ” ra, đó chính là sự bù đắp cho nỗi thiếu hụt về danh dự, phẩm cách của bản thân mà có thể họ không tự biết.
Tôi tin ông Hải đang sống những ngày giàu ý nghĩa của đời mình. Cho dù trên tay không còn chiếc đồng hồ tiền tỷ mà là xấp hồ sơ nặng trĩu mồ hôi nước mắt của những người bệnh nghèo. Cho dù chung quanh không còn là máy lạnh, sơ mi và những khúm núm tâng bốc của cấp dưới, mà là những phận người đói khổ kiệt quệ và bầu không khí đáng sợ của bệnh tật và cái chết. Cho dù nơi ông đến không phải là những khách sạn hào nhoáng xa hoa mà là những con đường mòn mù mịt bụi hoặc lầy bùn, những túp lều xơ xác. Nhưng đó mới là một phần cuộc sống thực của người dân đang diễn ra quanh đây, mà một người trí thức không thể mắt nhắm tai ngơ.
Ông Hải, sau một phần đời dài sống ở thành thị với những niềm tin ngây thơ vào một lý tưởng, sau một đoạn đời ngơ ngác bầm dập với những thủ đoạn của các “đồng chí”, giờ đang dùng sự gần gũi đời sống để thanh lọc tâm hồn, bồi đắp kiến văn và củng cố lại những giá trị sống của mình.
Lê Lý
Tham khảo:
https://tuoitre.vn/sam-xe-cuu-thuong-cho-nguoi-mien-phi-20190318085157181.htm
https://www.sggp.org.vn/xay-nha-tro-cho-nguoi-ngheo-o-mien-phi-660523.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do