COC - “Kiếp nào có yêu nhau” hay “Xin một lần yêu nhau”?

Bài bình luận của Nguyễn Trường
2021.11.24
COC - “Kiếp nào có yêu nhau” hay “Xin một lần yêu nhau”? Hình minh hoạ: các tàu nạo vét của Trung Quốc ở đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa hôm 21/5/2015
Reuters

Ngày 22/11/2021, các nguyên thủ quốc gia của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã tham dự một hội nghị cấp cao trực tuyến để kỷ niệm 30 năm hợp tác và “kiến tạo hòa bình” cho khu vực Đông Nam Á.

Phát biểu của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc đưa ra vào khi đang có những căng thẳng ở khu vực Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng có tranh chấp về chủ quyền ở vùng nước này.

Truyền thông Nhà nước Trung Quốc trích lời ông Tập Cận Bình nói rằng: “Trung Quốc đã, đang, và sẽ luôn là láng giềng tốt, người bạn tốt và là đối tác tốt của ASEAN”.

Theo các nhà quan sát về an ninh khu vực Đông Nam Á và Châu Á-TBD, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc dường như đang có những nỗ lực mới để đẩy nhanh các cuộc đàm phán với ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) nhằm giảm nguy cơ xung đột ở Biển Đông trước hoàn cảnh mới khi có sự xuất hiện của Quad và AUKUS.

Bao giờ?

Đồng chủ tịch Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc ngày 10/6/2021 cam kết thúc đẩy các kế hoạch hợp tác tương lai, bao gồm cả Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) và đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trung Quốc đồng ý nối lại đàm phán với các đối tác Đông Nam Á về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào lúc khởi động đợt tập trận quy mô ở Hoàng Sa. Đây là đòn "vừa đấm vừa xoa" của Trung Quốc, một cử chỉ hòa hoãn của Bắc Kinh nhắm vào các đối tác ASEAN, hay ngược lại là dấu hiệu chính quyền Trung Quốc đang rất tự tin vào khả năng áp đặt luật chơi với với các nước ASEAN.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu trong cuộc họp với ngoại trưởng các nước ASEAN ngày 7/6/2021 là vòng đàm phán COC vẫn chưa có lối ra.

Trước đó, nhóm công tác chung về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (JWG-DOC) phụ trách soạn thảo COC ngày 27/5/2021 đã tổ chức cuộc họp trực tuyến đặc biệt lần thứ ba kể từ đầu năm 2021. Việc gia tăng tần suất các cuộc họp JWG-DOC cho thấy các quốc gia liên quan đang tăng cường nỗ lực trong vấn đề Biển Đông.

AP21326409552855.jpg
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tại Thượng đỉnh Đặc biệt ASEAN Trung Quốc hôm 22/11/2021. AP

Các vấn đề tranh luận

Sau khi các bên thống nhất về khuôn khổ COC vào tháng 5/2017, tiến trình tham vấn COC đã bắt đầu đàm phán về các vấn đề thực chất được cho là sẽ nhạy cảm và khó khăn.

Bản dự thảo COC được thông qua vào tháng 8/2018 cần phải trải qua ba lần đọc. Hiện tại các cuộc đàm phán về lần đọc thứ hai mới đang được tiến hành”.

Văn bản dự thảo đàm phán duy nhất (SDNT) dài 19 trang khổ A4. Tuy nhiên, cho đến nay hai bên mới đạt được một thỏa thuận tạm thời về Lời mở đầu dài một trang và 9 dòng văn bản”.

“Các cuộc đàm phán hiện tập trung vào phần Mục tiêu trong Điều khoản chung. Phần Mở đầu và Mục tiêu là những phần dễ đạt được sự đồng thuận nhất vì không gây tranh cãi nhưng phần tiếp theo, phần ‘Những cam kết cơ bản’, sẽ rất phức tạp”, Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Đại học New South Wales ở Canberra (Úc) đã nhận xét với RFA.

Cho đến khi hoàn tất rà soát lần thứ nhất văn bản đàm phán COC vào tháng 5/2019, các vấn đề chính của cuộc tranh luận bao gồm phạm vi địa lý và tình trạng của COC, nghĩa vụ hợp tác, giải quyết tranh chấp và vai trò của các bên thứ ba. Là một “tài liệu sống” và “một tiến trình đang diễn ra”, có thể các vấn đề mới sẽ xuất hiện trong các cuộc đàm phán sắp tới.

Năm 2020 là năm mà Phán quyết biển Đông năm 2016 của Toà Trọng tài đã được viện dẫn rất nhiều thông qua “cuộc chiến công hàm” do nhiều quốc gia trình lên LHQ, sau khi Malaysia đệ trình lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa về ranh giới ngoài của thềm lục địa ở Biển Đông. Trung Quốc thì luôn thể hiện quan điểm không tham gia vụ kiện và không chấp nhận phán quyết, trong khi Philippines thì không từ bỏ. Các bên liên quan tuy không tham gia vụ kiện, gồm Việt Nam, Malaysia và Indonesia, nhưng đã viện dẫn Phán quyết một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Chính vì vậy, tranh luận xảy ra tiếp theo là COC sẽ bao hàm các nội dung của Phán quyết 2016 hay không?

Hai vấn đề đáng lo ngại

Hai vấn đề chính đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến quá trình tham vấn COC: đại dịch COVID-19 và thái độ hung hăng không ngừng của Trung Quốc.

Do đại dịch COVID-19, thông tin liên quan đến tham vấn COC khá hạn chế. Vào năm 2020, JWG-DOC chỉ có thể tổ chức một cuộc họp trực tuyến đặc biệt vào tháng 9. Cho đến nay, hội nghị trực tuyến là phương pháp duy nhất mà cơ chế này sử dụng để thảo luận về chương trình nghị sự, gồm cả quy trình COC.

Giai đoạn hiện tại liên quan đến các vấn đề nhạy cảm và đòi hỏi “ngoại giao toàn diện”. Nếu không có sự tương tác cá nhân thì khó có thể đạt được tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, các cuộc họp trực tuyến đều nhấn mạnh tầm quan trọng của COC đối với việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và sự đồng thuận luôn đề cao để duy trì động lực tham vấn COC và nối lại các cuộc thảo luận trực tiếp khi đại dịch được kiểm soát.

Bắc Kinh thể hiện “bộ mặt hợp tác” trong khi vẫn có các động thái gây căng thẳng trên thực địa. Họ đang lợi dụng tình hình dịch bệnh để gia tăng hoạt động ở Biển Đông nhằm đạt được mục tiêu chiến lược, điều này làm ảnh hưởng tới quá trình đàm phán COC. 

Thời gian vừa qua, Trung Quốc vẫn không ngừng các hành động hung hăng hiếu chiến của họ trên biển Đông.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 tới nay, Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh, trong đó cho phép lực lượng Hải cảnh Trung Quốc tăng cường việc “thực thi pháp luật” trên cả những vùng biển thuộc EEZ của các quốc gia khác, trong đó có việc sử dụng vũ khí nếu thấy cần thiết.

Mặt khác, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh sự đe doạ của mình trên biển Đông, cụ thể là Trung Quốc đã sử dụng 220 tàu cá để uy hiếp Philippines tại khu vực Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi đầu tháng 3 năm 2021 và hiện nay tăng lên 300 chiếc.

Cuối tháng 5, 16 máy bay Trung Quốc đã xâm phạm không phận của Malaysia, khiến Malaysia không thể giữ “chính sách ngoại giao im lặng” được nữa mà phải lên tiếng tố cáo hành động vi phạm chủ quyền và đe doạ an toàn hàng không này của Trung Quốc.

Ngoài ra, chính quyền Đài Loan cho biết trong 106 ngày, từ ngày 1/1-16/4, có tới 75 ngày (tương đương 70% thời gian) các máy bay quân sự của Trung Quốc xâm phạm vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo này.

Trong sự lo lắng trước các hành động đe doạ từ Trung Quốc, Mỹ đã phải tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực này, đồng thời, Mỹ cũng nỗ lực gắn kết các đồng minh và đối tác để thúc đẩy họ tham gia các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông. Gần đây, Biển Đông đã chứng kiến sự hiện diện của các tàu chiến từ Nhật Bản, Australia, Anh và Pháp. Số lượng các cuộc tập trận quân sự cũng tăng lên. Điều này cũng dẫn tới nguy cơ xung đột quân sự tại khu vực biển Đông ngày càng tăng lên.

Tuy nhiên một số nhà quan sát cho rằng vi-rút COVID-19 chỉ là cái cớ để Trung Quốc áp dụng kế hoãn binh, tranh thủ thời gian thế giới bị chia trí vì COVID-19 để tiếp tục lấn chiếm biển đảo, qua đó đặt thế giới trước chuyện đã rồi.

Các vấn đề này đã tạo thêm động lực cho các quốc gia trong khu vực xem xét các chính sách và hành động đối với các vấn đề ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, bao gồm cả tiến trình tham vấn COC.

Những rào cản của việc tiến tới COC

Trung Quốc có ba yêu cầu cơ bản về COC, bao gồm việc không phụ thuộc vào Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS), các cuộc tập trận chung với các nước bên ngoài khu vực phải có sự đồng ý trước của tất cả các bên ký kết thỏa thuận, và không thăm dò, khai thác tài nguyên với các nước bên ngoài.

Đối diện trước sự căng thẳng Mỹ - Trung, các nước ASEAN đang lâm vào thế kẹt giữa hai cường quốc. Một bên là Trung Quốc mạnh mẽ, hung hăng nhưng ở sát bên. Còn một bên là Mỹ tuy ủng hộ lập trường Biển Đông của các nước Đông Nam Á nhưng chính sách lại hay thay đổi.

Về mặt kỹ thuật thì hiện đã có “Văn bản dự thảo đàm phán chung”, nhưng các bên vẫn không thể nhất trí với nhau về cùng những vấn đề trước đây. Chẳng hạn, không có dấu hiệu nào cho thấy các bên đồng quan điểm về phạm vi áp dụng COC.

Các cuộc thảo luận chính thức thậm chí còn chưa bắt đầu đi vào chi tiết như việc quản lý nghề cá, khai thác chung dầu khí, bảo vệ môi trường, hay thực thi pháp luật ở các vùng biển bị tranh chấp. 

Các nước sẽ giải quyết ra sao trước tuyên bố đòi quyền lịch sử của Trung Quốc bằng luật pháp trong nước và vai trò của luật pháp quốc tế sẽ ra sao trong trường hợp này? Và những bất đồng về cách diễn giải COC sẽ được giải quyết như thế nào? 

Liệu COC có mang tính “ràng buộc pháp lý” như mong muốn của một vài nước ASEAN hay không? Và “ràng buộc pháp lý” thực sự có nghĩa là gì?

Một khó khăn nữa cho ASEAN chính là việc Trung Quốc luôn muốn loại Mỹ và các quốc gia khác ra khỏi tiến trình đàm phán COC, và đây chính là thách thức đòi hỏi ASEAN phải tìm cách tháo gỡ trong thời gian tới nếu muốn văn bản này thực sự có ý nghĩa. 

Một thách thức khác cho việc đàm phán COC là việc viện dẫn và tuân thủ Phán quyết Trọng tài năm 2016. Theo phán quyết này, cái gọi là “đường 9 đoạn” không hề có căn cứ pháp lý và cũng không có bất kỳ thực thể nào ở quần đảo Trường Sa được xem là đảo, đủ để thiết lập quanh đó các EEZ và thềm lục địa, vì vậy phạm vi các khu vực tranh chấp và có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại Biển Đông đã được thu hẹp đáng kể. 

Việc tuân thủ phán quyết sẽ củng cố cam kết của các bên đối với UNCLOS, một văn bản luật quốc tế từng nhiều lần được nhấn mạnh trong tiến trình đàm phán COC.

Hơn thế nữa, phán quyết này chắc chắn sẽ khiến COC trở nên đáng tin cậy hơn, đối với cả các bên liên quan và cộng đồng quốc tế. 

Chính vì lẽ đó, yêu cầu COC bao gồm nội dung tuân thủ UNCLOS và luật pháp quốc tế; vận dụng quy định từ phán quyết của Toà Trọng tài; có sự ràng buộc pháp lý và mang tính thực chất sẽ luôn luôn được đặt ra.

Xem xét các tín hiệu từ Trung Quốc có thể dự đoán, họ sẽ không chấp nhận các nội dung này. Vì vậy, tiến trình đàm phán COC khó có thể hoàn thành vào năm 2022.

Năm 2020, Việt Nam, với chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN, đã cố gắng thúc đẩy quá trình đàm phán về COC, nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến cố gắng của Việt Nam bị gián đoạn.

Năm 2021, Brunei giữ chức Chủ tịch ASEAN, với vai trò của Brunei, có lẽ tiến trình đàm phán COC vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, cho dù lần rà soát thứ hai văn bản đàm phán COC đã bị tạm dừng vì đại dịch, nhưng cả Trung Quốc và ASEAN vẫn thể hiện cam kết trong việc tiếp tục đàm phán.

Vào tháng 1/2021, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Myanmar, Indonesia, Brunei và Philippines. Từ ngày 31/3 đến ngày 2/4, ngoại trưởng các nước Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines đã đến Trung Quốc. Trung Quốc đã tích cực sử dụng các chiêu bài nhằm có thể tạo ra sức ép cho quá trình tham vấn COC theo cách mà Trung Quốc mong muốn.

Việt Nam thì luôn kiên quyết giữ lập trường là cần phải xây dựng một COC hiệu quả và thực chất. Tức là Việt Nam muốn nếu COC bị vi phạm, các bên có thể mang vi phạm đó ra trước toà án quốc tế. Thêm nữa, COC phải thực sự có thể là phương tiện ngăn chặn được sự leo thang các hành động hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông, nếu không, COC sẽ không khác gì DOC trước kia, chỉ đơn giản là một “tuyên bố chính trị” mà thôi.

Năm 2022, Campuchia sẽ thay thế Brunei để giữ chức Chủ tịch ASEAN. Với quan hệ gần gũi giữa Phnom Penh với Bắc Kinh, cùng với những gì Campuchia đã làm năm 2012 (không ra được Thông cáo chung của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN), thì khả năng việc đàm phán COC sẽ khó có tiến triển, mặc dù “quá trình hoàn tất việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông đang tiến triển tốt. Dường như hiện nay quá trình đàm phán ít có vấn đề hơn” – ông Sovinda Po, một nhà nghiên cứu tại Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia đã nhận định với RFA.

Sau cuộc chính biến ở Myanmar đầu năm 2021 cho đến nay, Myanmar vẫn là một quốc gia mất ổn định và ngày càng lệ thuộc vào Nga và Trung Quốc. Tiếng nói của Myanmar (nếu được tham gia đàm phán) có khả năng sẽ nghiên về Trung Quốc và là một nhân tố dẫn đến COC dậm chân tại chỗ.

Phán quyết của tòa trọng tài về Biển Đông năm 2016 vẫn là một yếu tố gây những ý kiến khác biệt cho các thành viên của ASEAN, tuy nhiên, ngày càng nhiều tiếng nói yêu cầu đưa một số nội dung quan trọng của Phán quyết vào trong Dự thảo COC.

Với tư cách là một tổ chức khu vực, ASEAN có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thúc đẩy sớm kết thúc quá trình đàm phán COC. Tuy nhiên, việc chia rẽ lợi ích giữa các thành viên, cùng với tham vọng của Trung Quốc đã khiến quá trình đàm phán COC có khả năng rơi vào bế tắc.

Mặc dù đề xuất nối lại đàm phán về COC, Trung Quốc vẫn tiếp tục khuấy động Biển Đông và vẫn thiên về đối thoại giữa Bắc Kinh với các nước “có tranh chấp với Trung Quốc” và kiên quyết loại bỏ yếu tố Hoa Kỳ.

“Xin một lần yêu nhau”? Khó quá!

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Duy Hữu, USA
25/11/2021 08:04

Chẳng có kiếp nào... thằng giặc Tàu nó ... thương dân ta.
Chẳng có kiếp nào... dân ta Việt ta tin được ... thằng giặc Tàu.
Kiếp nào nào... thằng giặc Tàu nó vẫn muốn muốn... cướp đất nước ta.

Annymous
25/11/2021 18:50

Bản chất của Trung Cộng và Việt Cộng chẳng có gì khác nhau là láo, lừa, tham, ác, gian, hèn, cướp.
Cộng sản đi đến đâu là nhà tan cửa nát, làm khổ dân đến đó.