Làn sóng COVID-19 thứ tư, y tế Việt Nam vẫn lúng túng rối rắm
2021.06.04
Sáng 03/6/2021, Bảo hiểm xã hội Tp HCM cho biết đã có sáu phòng khám đa khoa tư nhân gửi đơn đến xin tạm ngưng hoạt động trong thời gian dịch COVID-19 (đối với đối tượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế). Nguyên nhân được nêu là để hạn chế lây lan trên địa bàn.
Phân biệt y tế công-tư?
Cùng với số lượng các bệnh viện công và các phòng khám đa khoa tư nhân khác buộc phải tạm ngưng khám chữa bệnh ngoại trú trong ngắn hạn do có bệnh nhân COVID-19 đến khám nhưng chưa kịp cách ly ngay, đến nay tuy chưa có con số thống kê cụ thể trên báo chí, nhưng tính sơ phải có gần 20 bệnh viện, phòng khám tư nhân tạm ngưng dịch vụ.
Diễn biến này khiến người ta phải tìm đọc lại các status gần đây trên trang mạng cá nhân của bác sĩ Võ Xuân Sơn, chủ phòng khám Quốc tế EXSON (phòng khám tư nhân) ở Tp HCM. Phòng khám có quy mô một bệnh viện nhỏ, tọa lạc tại khu vực sầm uất của quận 10, có uy tín lớn trong chữa bệnh về xương khớp, cột sống.
Trong nhiều ngày kể từ khi dịch bùng phát, bác sĩ Võ Xuân Sơn liên tục lên tiếng lo lắng việc phòng khám của ông có thể bị đóng cửa bất cứ lúc nào chỉ vì có một bệnh nhân COVID-19 đến khám, do đó những người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân sẽ thành F1 và được lấy mẫu xét nghiệm. Trong thời gian chờ lấy mẫu và có kết quả xét nghiệm phải tự cách ly ở nhà.
Phòng khám tư nhân do tối ưu nhân lực và tài chính nên khó có khả năng phân luồng, sàng lọc và cách ly bệnh nhân dương tính ngay từ đầu.
Nếu bệnh nhân đến khám có nghi ngờ dương tính, theo quy định phòng dịch, phòng khám phải báo cho HCDC để nơi này đến nhận và thực hiện các bước tiếp theo như xét nghiệm, cách ly bệnh nhân, v.v. Nhưng HCDC cũng quá tải nên không thể được xét nghiệm hay có kết quả ngay mà có khi phải sau vài ngày. Thời gian đó phòng khám buộc phải giữ bệnh nhân sau đó cho nhân viên chăm sóc và tiếp xúc cách ly. Nhưng phòng khám tư nhân khó có thể trang bị cơ sở vật chất và nhân lực cho việc này.
Vào thời điểm đợt dịch này mới manh nha, đã có trường hợp bệnh nhân dương tính đến khám tại một phòng khám tư nhân, được hướng dẫn gọi điện cho CDC nhưng người này không làm mà đi đến một phòng khám/bệnh viện khác. Kết quả, phòng khám đầu tiên bị đóng cửa, cách ly trong 15 ngày.
Bác sĩ Võ Xuân Sơn cũng bức bối về việc nhân viên y tế trong các cơ sở y tế tư nhân không được ưu tiên tiêm vaccine như nhân viên y tế trong các cơ sở y tế công. Như vậy tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho phòng khám đa khoa tư nhân, mà hậu quả là chủ phòng khám phải gánh chịu toàn bộ, thậm chí có thể dẫn đến kiệt quệ và đóng cửa.
Lúng túng, bỏ mặc nhân viên y tế
Chỉ tính riêng trong vòng một tuần qua, khi dịch bùng phát trong khu công nghiệp và nhiều điểm dịch trong cùng địa bàn, chúng ta đã phải đặt câu hỏi về sự lúng túng của phía Nhà nước. Quận Gò Vấp TP HCM ra lệnh (gần như) phong tỏa được ba ngày thì liên tục hết đóng rồi mở, mở rồi đóng các chốt kiểm soát cửa ngõ, nên gọi là phong tỏa nhưng hầu như không có tác dụng vì người dân trong và ngoài quận vẫn đi lại nhốn nháo bình thường.
Các KCN cũng vậy! Mãi bốn năm ngày sau mới có quyết định (từ phía doanh nghiệp chủ động đề xuất chứ không phải từ Ban phòng chống dịch), sau khi xét nghiệm, tiêm vaccine thì công nhân ăn ngủ làm việc luôn trong công ty chứ không được về nơi lưu trú (về nơi lưu trú sẽ tăng diện tiếp xúc gần và khó quản lý truy vết).
Tình trạng nhiễm chéo cũng tăng mạnh trong các Khu cách ly tập trung và dần hút cạn nhân lực của ngành y tế. Cách đây ít ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu đề xuất thí điểm cho F1 tự cách ly ở nhà.
Ở mặt khác, nhân viên y tế đi xét nghiệm lấy mẫu dưới thời tiết nắng nóng ngoài trời đến 50 độ, nhiều người ngất xỉu, thì truyền thông của Bộ Y tế và của Nhà nước nói chung vẫn một chiều ca ngợi đến mây xanh, mặc nhiên xem là sự hy sinh đáng tôn vinh. Một nữ điều dưỡng có con mới 20 tháng tuổi cũng được điều phối vào vùng dịch. Em bé ba tuổi đi cách ly một mình đơn độc vì cha mẹ cũng cách ly nhưng ở nơi khác. Tất cả đều được ca ngợi là anh hùng, dũng cảm, hy sinh. Cả ngành y không ai nói đến giải pháp chống nóng, chống sốc nhiệt, mất nước, giữ gìn sức khỏe bền vững cho nhân viên y tế, hay sự cần thiết của một đứa bé ba tuổi phải có người thân bên cạnh để chăm sóc tinh thần.
Đây đã là làn sóng dịch thứ tư trong vòng một năm rưỡi. Tất cả những tình huống vừa kể trên không hề là ngoại lệ đặc biệt mà rất thường xuyên xảy ra, thế nhưng thực tế vẫn lúng túng đến mức luẩn quẩn rối rắm, thậm chí gây vỡ trận. Phải chăng Bộ Y tế đã không chuẩn bị cho bất cứ phương án nào tương tự?
Đến giải pháp vaccine cũng vậy
Vào cuối tháng hai năm nay, Ts.Takeshi Kasai, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương viết một bài dài với tựa đề “Vaccine phòng COVID-19 mang lại nhiều hy vọng nhưng không phải là “viên đạn bạc”.
(Cho những người chưa biết điển tích này: Viên đạn bạc chỉ giải pháp duy nhất triệt tiêu bất cứ trở ngại nào, xuất phát từ điển tích ma sói chỉ bị giết chết với viên đạn bằng bạc).
Vaccine chỉ là một giải pháp nằm trong tổng thể các biện pháp cả thế giới đã áp dụng suốt một năm rưỡi qua. Đó là giãn cách, rửa tay, đeo khẩu trang và nâng cao đề kháng, tạo miễn dịch cộng đồng và tiến tới sống chung với SARS-CoV-2.
Thế nhưng với sự tuyên truyền một chiều và căng thẳng (có chủ đích?) hiện tại người dân Việt Nam đang được ấn vào đầu thông điệp sùng vaccine, một mực chỉ có vaccine mới giúp thoát khỏi tình hình này.
Bộ Y tế là đơn vị được giao đầu mối nhập khẩu vaccine, ngoài ra còn 27 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu, kinh doanh vaccine. Trên lý thuyết, các doanh nghiệp này đều được quyền đàm phán mua, còn Bộ Y tế sẽ xem xét cấp phép loại nào được mua. Thế nhưng ròng rã nhiều tháng, nhiều doanh nghiệp lớn đều không thể mua được vaccine!
Cuối cùng, doanh nghiệp sốt ruột quá bèn góp tiền cho Chính phủ mua vaccine, nhưng số này phải được doanh nghiệp ưu tiên tiêm cho khách hàng của mình trước! Thế thì có khác gì đưa tiền nhờ mua, làm gì có ý nghĩa quyên góp hỗ trợ Chính phủ ở đây. Báo chí lập tức đả kích, khiến họ phải thanh minh không, em góp tiền cho Chính phủ đấy chứ, em không vụ lợi gì ở đây cả!
Có những nguồn tin chưa được kiểm chứng cho hay đó là do khó khăn trong việc cấp phép cho mua vaccine.
Cùng với tốc độ bùng phát của dịch, việc quyên góp tiền cho Chính phủ mua vaccine về tiêm được tuyên truyền cũng rất rầm rộ. Báo chí liên tục đưa tin các doanh nghiệp lớn góp hàng trăm tỷ đồng vào Quỹ vaccine. Tin nhắn gửi đến hàng triệu thuê bao điện thoại “đề nghị” người dân đóng góp vào Quỹ vaccine. Các KOL lề phải, giới showbiz không rõ do thực tâm hay được gợi ý (hay… cả tin?), cũng thi nhau post lên các ảnh chụp tài khoản chứng minh đã góp tiền cho Quỹ.
Cũng trong ngày 03/6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuân nói để mua được 150 liều vaccine thì cần 25.000 tỷ. Quỹ đã tiếp nhận đóng góp hơn 3.000 tỷ từ người dân và doanh nghiệp.
Đến lúc này, cùng lúc 36 doanh nghiệp được cho phép nhập khẩu và kinh doanh vaccine.
Nước đi này quá cao tay khi các doanh nghiệp đều đã góp rất nhiều tiền vào Quỹ vaccine, nhưng bây giờ muốn được tiêm nhanh thì cứ bỏ tiền ra mua ở khối tư nhân, vì Quỹ vaccine còn phải ưu tiên cho nhiều người!
Nhớ lại cũng tháng hai năm ngoái 2020, Bộ trưởng Bộ Y tế hiện nay ông Nguyễn Thanh Long lúc đó còn là Thứ trưởng, đồng thời là Phó ban Tuyên giáo Trung ương nói trong một cuộc họp báo: “Không cần phải đeo khẩu trang vì khẩu trang không có tác dụng trong chống coronavirus”.
Xâu chuỗi các sự việc, người ta khó có thể tin tưởng hoàn toàn vào năng lực chuyên môn trong chống dịch, sự minh bạch cũng như khả năng bao quát của lãnh đạo Bộ Y tế Việt Nam.
Tham khảo:
http://hoilhpn.org.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/thu-truong-bo-y-te-khong-nhat-thiet-phai-%C4%91eo-khau-trang-y-te-phong-virus-corona-32784-1801.html
https://www.who.int/vietnam/vi/news/commentaries/detail/covid-19-vaccin
https://www.vietnamplus.vn/cong-bo-danh-sach-36-don-vi-du-dieu-kien-nhap-khau-kinh-doanh-vaccine/717115.vnp
https://ncov.moh.gov.vn/web/guest/-/6847426-4312
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do