Ứng phó của Hà Nội: KIT xét nghiệm nhanh nhưng thực sự chậm!

TS. Nguyễn Hồng Vũ
2020.03.31
   Thử máu xét nghiệm COVID-19 ở một trung tâm xét nghiệm gần bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội hôm 31/3/2020
AFP

Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Hà Nội trong mấy ngày qua tăng nhanh đột biến và trở nên phức tạp hơn khi những người nhiễm được phát hiện có nhiều tiếp xúc với người khác trong cộng đồng trên diện rộng. Đặc biệt sự kiện ở bệnh viện Bạch Mai dẫn đến việc phong tỏa cả bệnh viện và “dịch có nguy cơ lan sang cả 30 quận huyện của Hà Nội”-như Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cảnh báo trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố ngày 30/3.

Để đối phó, gần đây nhất, ông Chung đã đưa ra phương án “lập 10 trạm xét nghiệm dã chiến và đưa vào sử dụng bộ test nhanh của Hàn Quốc từ sáng 31/3”.

Đây là bộ test do Hàn Quốc sản xuất và đang sử dụng, thông qua lấy mẫu máu, cho kết quả trong 10 phút. Theo ông Chung, việc xét nghiệm nhanh trên diện rộng sẽ tìm ra "xác suất, cách ly sớm người nhiễm, tránh mầm bệnh phát tán". Nhưng đứng dưới góc độ khoa học, việc làm này thật sự không phù hợp cho mục đích trên.

Cho đến hiện nay, vì nhu cầu rất lớn về phát hiện là kiểm tra người nhiễm bệnh COVID-19 nên đã có nhiều cơ quan chính phủ hoặc công ty tư nhân ở khắp nơi trên thế giới tham gia vào việc nghiên cứu và sản xuất ra các KIT để xét nghiệm bệnh này. Dựa trên đối tượng phát hiện của sản phẩm KIT xét nghiệm, chúng được chia ra làm 2 loại:

Loại 1: Sử dụng dịch từ que quẹt mũi hoặc họng để xác định TRỰC TIẾP sự hiện diện của virus SARS-CoV-2 có trong người nghi nhiễm, dựa trên bộ gene RNA của chúng.

Loại 2: Sử dụng máu của người nghi nhiễm để tìm kiếm các kháng thể đặc hiệu được tạo ra trong cơ thể chống lại virus SARS-CoV-2 sau khi bị nhiễm. Do vậy, có thể xem đây là phương pháp xác định GIÁN TIẾP virus đã nhiễm vào người bệnh.

Điểm khác biệt quan trọng ở 2 loại xét nghiệm trên là THỜI GIAN!

Loại 1 với phương pháp xác định TRỰC TIẾP có thể phát hiện được virus rất sớm có trong cơ thể người nhiễm (chỉ vài ngày sau khi nhiễm). Nhưng loại 2 với phương pháp xác định GIÁN TIẾP virus qua việc tìm kháng thể trong người nhiễm phải cần ít nhất 7 đến 10 ngày sau khi người này nhiễm virus.

Điểm khác biệt này là do kháng thể của chúng ta được tạo ra từ các tế bào miễn dịch trong pha trễ của phản ứng miễn dịch có tên gọi là “miễn dịch đáp ứng” (adaptive immunity). Nói cách khác, cần thời gian ít nhất từ 7 đến 10 ngày để cơ thể con người bắt đầu tạo ra kháng thể trong máu nhằm kháng lại tác nhân xâm nhập (trong trường hợp này là virus). Các kháng thể này có thể tiếp tục được tìm thấy trong máu ngay cả khi tác nhân gây bệnh đã bị tiêu diệt. Các nghiên cứu còn cho thấy chúng có thể tồn tại đến cả năm. Do vậy, dựa trên đặc điểm về thời gian thì phương pháp tìm kháng thể trong máu không có ý nghĩa trong việc phòng dịch bệnh COVID-19 lây lan.

Ngược lại, việc sử dụng phương pháp này có thể gây kết quả âm tính giả trong 1 tuần đầu tiên nhiễm virus vì cơ thể chưa tạo được kháng thể, hoặc cơ thể người bệnh tạo ra kháng thể trễ hơn thời gian thông thường. Điều này có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng khi người mang kết quả âm tính giả này không được cảnh báo để thực hiện cách ly mà đi khắp nơi.

Vậy việc xét nghiệm dựa trên kháng thể có ý nghĩa trong trường hợp nào?

Do sự tạo ra kháng thể là hệ quả của việc nhiễm virus SARS-CoV-2 và phản ứng của cơ thể chống lại virus này, nên việc tìm thấy kháng thể chỉ có thể giúp xác định xem trong cơ thể người bệnh (hoặc đã bệnh) có tạo được kháng thể hay không, chứ không xác định được thực trạng người đó có còn virus trong cơ thể hay không.

Tuy nhiên, việc xác định kháng thể trong người bệnh này có một số ý nghĩa khác như sau:

  • Trong hoàn cảnh dịch bệnh nghiêm trọng và chưa có thuốc điều trị hữu hiệu thì những bệnh nhân đã hồi phục và trong máu chứa lượng kháng thể chống lại virus này có thể hiến huyết thanh của họ để giúp điều trị cho những bệnh nhân nguy kịch.

  • Việc xét nghiệm còn có thể giúp xác định những người đã miễn dịch với virus (sau khi đã nhiễm và khỏi) có thể an toàn hơn khi đảm nhận các công việc tuyến đầu trong đại dịch.

  • Sau một thời gian dịch bệnh lan tràn hoặc sau một thời gian tiêm phòng vaccine, việc kiểm tra kháng thể trong người dân có ý nghĩa để biết được bao nhiêu phần trăm người trong cộng đồng đã trở nên miễn nhiễm với virus này, từ đó có thể đánh giá mức độ miễn dịch cộng đồng.

Tóm lại, xét nghiệm dựa trên vật liệu di truyền của virus SARS-CoV-2 hiện nay vẫn là tiêu chuẩn vàng để xác định người nhiễm virus và đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa lây lan của bệnh dịch COVID-19.

Phương pháp xét nghiệm dựa trên việc sử dụng máu để tìm kháng thể đặc hiệu vẫn chưa chứng minh được tính hữu dụng của nó để áp dụng một cách đại trà nhằm mục đích phòng dịch. Do vậy, việc Hà Nội quyết định đầu tư cho việc lập trạm xét nghiệm dã chiến và đưa vào sử dụng bộ test nhanh để nhằm mục đích tìm ra "xác suất, cách ly sớm người nhiễm, tránh mầm bệnh phát tán" là không phù hợp. Chúng tôi đề xuất nên cân nhắc lựa chọn lại các phương pháp xét nghiệm dựa trên việc xác định trực tiếp sự hiện diện của virus SARS-CoV-2 có trong người nghi nhiễm, dựa trên bộ gene RNA của chúng.

TS. Nguyễn Hồng Vũ,

Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA

Tài liệu tham khảo:

https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/about/testing.html

Rothe C et al., 2020. Transmission of 2019-nCoV Infection from an Asymptomatic Contact in Germany. N Engl J Med. 382(10):970-971.

Leung DT et al., 2004. Antibody Response of Patients with Severe Acute Respiratory Syndrome (SARS) Targets the Viral Nucleocapsid. J Infect Dis.190(2):379-86.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.