Cải cách thể chế thế nào trong bối cảnh chống tham nhũng ngày càng khó?

Bài bình luận của ông Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam
2023.02.06
Cải cách thể chế thế nào trong bối cảnh chống tham nhũng ngày càng khó? Nhân viên an ninh đứng canh gác tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia nhân Đại hội 13 ĐCSVN ở Hà Nội hôm 27/1/2021 (minh hoạ)
AFP

Người dân hiểu rằng chế độ mà họ đang sống đang có “vấn đề”, trong đó có quốc nạn tham nhũng cần phải diệt trừ và ngăn chặn, và cần phải cải cách để có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Tuy nhiên, công tác chống tham nhũng “không vùng cấm” đang ngày càng cam go khiến họ băn khoăn như: vì sao sau 10 năm “đốt lò” vẫn không đạt kết quả như mong muốn? Sau “đốt lò” sẽ là gì, và thể chế phải cải cách thế nào để ngăn chặn tham nhũng?

Từ góc nhìn trên bài viết trình bày những nội dung chủ yếu sau đây:

(1)Chế độ chính trị dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng Cộng sản (ĐCS) là “toàn trị” được tái thiết lập trong bối cảnh quốc nạn tham nhũng;

(2)Vai trò cá nhân Tổng bí thư ĐCS trong chống tham nhũng và duy trì chế độ toàn trị;

(3)Tăng trưởng kinh tế trở thành ràng buộc chính sách cải cách chế độ;

(4)Cải cách thể chế có hướng tới dân chủ?

Chế độ chuyên chế “toàn trị” chống tham nhũng thế nào?

Chế độ dựa trên quyền lực tập trung luôn “mất thăng bằng” trước nhiều nguy cơ, trong đó  vấn nạn tham nhũng đe doạ sự tồn vong, và chế độ chuyên chế “toàn trị” được tái thiết lập để biện minh. Kiểu mô hình chính trị này là gì, liệu tham nhũng có được diệt trừ và đích đến có là dân chủ?

Mỗi quốc gia đều chịu điều hành bởi một chế độ chính trị nhất định. Chế độ chính trị ở Việt Nam hiện nay được hiến định do sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối bởi Đảng Cộng sản Việt Nam. Các nhà khoa học chính trị gọi nó là chế độ chuyên chế, trong đó phân biệt hai biến thể chuyên chế “độc tài” và chuyên chế “toàn trị” (tiếng Anh là “authoritarian” and “totalitarian”  dictatorships), bởi các đặc trưng chủ yếu sau:

1.    Một nhà nước độc đảng, nơi một đảng độc quyền trong tất cả các hoạt động chính trị;

2.    Duy trì chế độ chủ yếu bằng các công cụ bạo lực như cảnh sát và quân đội;

3.    Một hệ tư tưởng nhà nước do đảng cầm quyền áp đặt;

4.    Độc quyền kiểm soát các phương tiện thông tin đại chúng để phân phối thông tin chính thống;

5.    Nền kinh tế do nhà nước kiểm soát dưới các hình thức khác nhau;

6.    Đàn áp ý thức hệ có thể biến các hoạt động kinh tế hoặc nghề nghiệp thành phạm tội.

Cơ sở lý luận về mô hình chế độ này là chủ nghĩa toàn trị, nghĩa là toàn bộ quyền lực chính trị do nhà nước thực hiện. Định nghĩa trên được đưa ra vào năm 1923 bởi Giovanni Amendola để phân biệt về cơ bản với các chế độ độc tài thông thường khi chủ nghĩa phát xít đang nổi lên, trong đó nhà độc tài phát xít Ý Benito Mussolini đã chính trị hóa mọi thứ tinh thần và con người. Ông ta phát biểu: "Mọi thứ bên trong nhà nước, không có gì bên ngoài nhà nước, không có gì chống lại nhà nước." Sau đó khái niệm về chế độ này được làm rõ thêm rằng nó cung cấp "sự đại diện toàn diện của quốc gia và hướng dẫn hoàn toàn cho các mục tiêu quốc gia." Vào giữa thế kỷ 20, thuật ngữ “toàn trị” chuyên chế được Carl Friedrich và Zbigniew Brzezinski sử dụng để mô tả các chế độ Xô-Viết. Đó là chế độ được lãnh đạo bởi một đảng cộng sản có kỷ luật, hoạt động dựa trên hệ tư tưởng Mác – Lênin, sử dụng quyền lực của cảnh sát, quân đội để thực thi ý chí của lãnh tụ một cách tàn nhẫn và tìm cách kiểm soát các khía cạnh cuộc sống xã hội, ràng buộc người dân trực tiếp với Đảng, áp đặt các giá trị “không tưởng” bằng nỗ lực duy ý chí về xã hội tương lai…

000_8ZX9LW.jpg
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại họp báo kết thúc Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 1/2/2021. Ông Trọng là người đứng đầu phong trào chống tham nhũng rộng khắp trong Đảng. Hình: AFP

Chế độ toàn trị kiểu Xô-Viết, sự thử nghiệm lịch sử, đã sụp đổ vào những năm 1990 vì nhiều lý do, trong đó mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung xã hội chủ nghĩa đã thất bại trong việc tạo ra “năng suất” vượt trội so với chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, khát vọng chuyên chế - sự kiểm soát hoàn toàn đối với “cơ thể và tâm trí” của toàn dân - đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp nối và “làm mới” với tư tưởng thực dụng “mèo đen, mèo trắng” của cố Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình. Ông ta đề xướng “cải cách” nhưng vẫn giữ nguyên chế độ đồng thời “mở cửa” để chào đón đầu tư tư bản từ các nước phát triển hơn, từ thế giới phương Tây. Trong bối cảnh “hậu chiến tranh lạnh” khi xu hướng toàn cầu hoá, “thế giới phẳng” được cổ vũ, và ranh giới cạnh tranh ý thức hệ bị xoá nhoà… phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã thúc đẩy các nhà đầu tư được “tự do” kiếm lời ở thị trường hấp dẫn với hơn một tỷ dân. Đây là lý do chủ yếu tạo nên sự thành công kinh tế của Trung Quốc với tăng trưởng duy trì ở mức hai con số trong một phần ba thế kỷ. Trong giai đoạn này mô hình Trung Quốc đã từng được coi là “lý tưởng” đối với nhiều nước nghèo, lạc hậu, và nó được giới nghiên cứu gọi là chế độ chuyên chế “độc đoán”.

Các nhà lãnh đạo phương Tây đã sai khi cho rằng tăng trưởng kinh tế nhờ thị trường sẽ có thể chuyển đổi dân chủ. Sự chuyển đổi đã không xảy ra, và “sự dẻo dai” của chế độ này được giải thích bởi nguồn gốc “vô cùng phức tạp”. Theo sự khái quát của GS Samuel Huntington từ năm 1968, đó là sự kết hợp của các đặc điểm như tính thích nghi, tính tinh vi, tính tự trị và tính gắn kết của các tổ chức nhà nước, và sau này, năm 2003 được GS Nathan, Andrew J. giải thích thông qua khái niệm “thể chế hoá”, bao gồm các nội dung chủ yếu: 1) Quá trình chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ lãnh đạo ngày càng dựa trên các chuẩn tắc; 2) Việc đề bạt tầng lớp tinh hoa chính trị ngày càng dựa trên thành tích hơn là quan hệ bè phái; 3) Sự phân công và chuyên môn hoá về chức năng của các thể chế trong bộ máy nhà nước; và 4) Sự thành lập các thể chế nhằm gia tăng sự tham gia chính trị và tính hấp dẫn đối với quần chúng nhằm giúp củng cố tính chính danh của Đảng CS. Các nỗ lực “cải cách thể chế” của lãnh đạo chế độ chuyên chế “độc đoán” qua ba thế hệ lãnh đạo từ thời Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào cho thấy kiểu chế độ này có khả năng thích nghi cao.

Tuy nhiên, khi vấn nạn tham nhũng lên đỉnh điểm, thực trạng chế độ chính trị ở Trung Quốc theo GS Bùi Mẫn Hân (tiếng Trung: 裴敏欣) từng mô tả là “nhà nước tư bản thân hữu”, trong đó có sự cấu kết tinh vi, phức tạp giữa giới chính trị và giới kinh doanh. Và, trước nguy cơ tồn vong chế độ chuyên chế “toàn trị” kiểu Mao được tái lập như một “phản ứng tự vệ.” Tại Đại hội 18 ĐCS Trung Quốc năm 2012 Tập Cận Bình nắm quyền Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước đã thâu tóm mọi quyền hành. Ông ta đã phá huỷ bốn nội dung “thể chế hoá” nêu trên đồng thời phát động chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” được coi phương tiện để đạt mục đích. Ông ta sửa đổi Điều lệ Đảng, tự phong là “hạt nhân lãnh đạo” và kéo dài cương vị Tổng bí thư Đảng ở nhiệm kỳ thứ ba… Ông Tập từng nói: “Nếu chúng ta không thể quản lý Đảng của chúng ta một cách chặt chẽ và hiệu quả… chẳng bao lâu nữa Đảng sẽ đánh mất quyền lãnh đạo đất nước và sẽ bị lịch sử loại bỏ” khi coi sự suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống của bộ phận đảng viên là nguyên nhân của vấn nạn tham nhũng. Dùng quyền lực tuyệt đối, hệ thống bạo lực được thiết lập như “kiểm tra và kỷ luật”, công an, thanh tra… để gieo rắc nỗi sợ hãi trong bộ máy cầm quyền. GS Francis Fukuyama đã nhận định cách chống tham nhũng như vậy có cội nguồn từ chế độ phong kiến tập quyền và không có cơ hội cho dân chủ. Trong bối cảnh trật tự thế giới khác chưa định hình phương Tây đang “chật vật” đối phó với một Trung Quốc trỗi dậy với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và vẫn duy trì chế độ chuyên chế hung hăng hơn trước đây.

Những phân tích trên có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam trong bối cảnh cải cách thể chế đồng thời với chống tham nhũng “không vùng cấm” đang ở vào giai đoạn căng thẳng. Tương đồng về chế độ, chính trị Đảng CS Việt Nam đang nhấn mạnh cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, và từ 2021 tại Đại hội 13 đã đặt nhiệm vụ trọng tâm là củng cố mô hình Đảng – Nhà nước mạnh. Sau hai năm thực thi các dấu hiệu của chế độ chuyên chế “toàn trị” kiểu Trung Quốc ngày càng rõ rệt. Các nhà lãnh đạo Đảng đang cố chứng tỏ về khả năng thích ứng của chế độ trước những yêu cầu mới khi sự “lèo lái” bởi sự lãnh đạo tập thể thay vì độc tài cá nhân. Tuy nhiên, hình ảnh “tay bắt mặt mừng” trong cuộc gặp tại Bắc Kinh giữa hai ông Tổng bí thư của hai Đảng CS Việt Nam và Trung Quốc nhân dịp ông Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba (2022-2027) biểu thị tình đồng chí với sứ mệnh chung và vai trò vô cùng lớn của họ trong việc quay trở lại chế độ chuyên chế “toàn trị”.

(còn tiếp)

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Duy Hữu, USA
11/02/2023 07:11

Đảng là Nhà nước, Nhà nước là Đảng,
độc đảng, độc tài, độc đoán, độc tôn, độc địa, độc ác, đôc trị, toàn trị, đảng trị, đảng độc ...

độc quyền...tham nhũng, tham ô, tham ăn hối lộ.... theo luật rừng... bất công, bất chinh, bất nhân... của Đảng, do Đảng, vì Đảng,
độc diễn... chống tham nhũng, tham ô, tham ăn hối lộ, chơi luật rừng, bất công, bất chính, bất nhân, của Đảng, do Đảng, vì Đảng

độc quyền... làm vua Đảng, Đảng vua... vua tham nhũng, vua tham ô, vua tham ăn hối lộ... vua chơi luật rừng, theo luật rừng...
bất công, bất chính, bất nhân... phản tự do, phản nhân quyền, phản dân quyền, phản dân chủ... của Đảng, do Đảng, vì Đảng... bất tài, bất lực, bất chính, bất tín, bất lương, bất nhân, đảng giặc cờ đỏ búa liềm Việt Cộng.

Tập đoàn đảng viên Việt Cộng chúng phản bội quyền tự do, quyền dân chủ, quyền nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước Việt Nam, nước nhà Việt Nam, nhà nước Việt Nam của người dân, của công dân Viêt Nam, của nhân dân, của toàn dân Việt Nam.

Ý dân là ý Trời. Tiếng dân là tiếng Trời... từng người dân ta, toàn dân ta có toàn quyền... chính đáng, chính danh, chính nghĩa...
Đứng Lên, Lên Tiếng... trường kỳ đấu tranh nhân dân... thay đổi, đổi mới, đổi thay... đất nước, nước nhà, nhà nước Việt Nam.