Kamala Harris thăm Việt Nam: Đánh giá vị thế địa chính trị của Việt Nam
2021.08.28
Khác biệt Việt Mỹ trong cách nhìn mối quan hệ của hai bên
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris kết thúc chuyến thăm Singapore và Việt Nam. Trước và sau chuyến thăm này, có rất nhiều ý kiến lạc quan về quan hệ Việt Mỹ. Bài viết này bày tỏ một cách nhìn thực dụng và không lạc quan như vậy.
Có ý kiến cho rằng đây là thời cơ để Việt Nam nâng quan hệ với Hoa Kỳ lên tầm “đối tác chiến lược” (Phạm Quý Thọ, RFA Tiếng Việt). Alexander L. Vuving điểm lại quá trình nước Mỹ chật vật đề xuất với Việt Nam nâng tầm quan hệ thành “đối tác chiến lược” từ 2010 đến nay và tin tưởng vào mối quan hệ hai nước những năm sắp tới. Có ý kiến nhấn mạnh đến vai trò và vị trí của Việt Nam trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ và ASEAN (Ted Osius, Hanoi Times). Một bài viết hiếm hoi trên báo chí nhà nước ở Việt Nam nói về thái độ của người dân Việt nam đối với Mỹ “Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, có tới 94,2% số người được hỏi đều tỏ thái độ có thiện cảm với Mỹ, 97,3% số người được hỏi đều ủng hộ mối quan hệ gần gũi giữa Mỹ với Việt Nam” và “93,7% số người được hỏi đều ủng hộ việc nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược”” (VTC News).
Đối với Hoa Kỳ, các chuyên gia hoạch định chính sách của Hà Nội thường chú tâm vào quan hệ về an ninh hàng hải (vấn đề Biển Đông), quan hệ kinh tế, “xử lý hậu quả chiến tranh” và hiện nay là chống đại dịch COVID (Xem: Nguyễn Quốc Cường và Phạm Quang Vinh, cả hai là cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ).
Và Mỹ cũng hầu như tiếp cận Việt Nam ở những vấn đề tương tự, chỉ bổ sung thêm vấn đề nhân quyền.
Tất nhiên, mục đích tiếp cận của Mỹ hoàn toàn khác Việt Nam. Tuy cùng nhìn vào Biển Đông, giao thương, chống đại dịch, nước Mỹ khác Việt Nam ở chỗ nhìn từ góc độ “địa chính trị”, đặt Việt Nam trên bàn cờ châu Á của mình. Điều này dẫn đến sự khác biệt cốt lõi nằm ở chỗ: các vấn đề nêu trên đều là vấn đề sinh tử của Việt Nam, nhưng không phải là lợi ích sát sườn của Mỹ.
Hệ giá trị và địa chính trị trên bàn cân
Vấn đề nhân quyền liên quan đến hệ giá trị của nước Mỹ được truyền lại từ thế hệ lập quốc. Cho đến nay, qua gần ba thế kỷ, nước Mỹ không ngừng đấu tranh nội bộ để khắc phục các vấn nạn nhân quyền ở trong nước, đồng thời truyền bá nó ra toàn cầu như một giá trị toàn nhân loại chung.
Tuy vậy, vấn đề nhân quyền ở Việt Nam lại không liên quan đến lợi ích của nước Mỹ.
Nhà hoạt động Will Nguyen trong một bài viết đăng trên Washington Post, và Đại sứ Mỹ Samuel Brownback trên the Hill cho rằng Hoa Kỳ cần chú tâm vào các vấn đề dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Các nhóm xã hội dân sự quốc tế như BPSOS, Legal Initiatives for Vietnam (LIV) hay The 88 Project gửi thư cho Chính phủ Mỹ đề nghị trao đổi với Việt Nam để giải quyết những vấn đề nóng về nhân quyền. Mối quan hệ giữa nhân quyền, dân chủ và kiến thiết nền độc lập của quốc gia đã được thế hệ khai sáng của Việt Nam thảo luận thấu đáo từ đầu thế kỷ 20. Xét từ góc độ lịch sử, hệ giá trị toàn nhân loại, và tầm nhìn phát triển dài hạn của Việt Nam, những yêu cầu này hoàn toàn đúng. Nhưng các bên nắm quyền lực thì chủ yếu nhìn vấn đề từ góc độ lợi ích, đa phần là ngắn hạn.
Hoa Kỳ sẽ phải lựa chọn giữa một bên là hệ giá trị mà mình theo đuổi, và một bên là lợi ích địa chính trị trước mắt. Xét từ yêu cầu lựa chọn này, vấn đề nhân quyền sẽ không phải là một ưu tiên của Mỹ đối với Việt Nam. Washington DC vẫn sẽ lên tiếng, nhưng sẽ linh hoạt và mềm dẻo trong cách thực hiện, sao cho không phá hỏng mối quan hệ với Hà Nội.
Trao đổi với chúng tôi, Derek Grossman, chuyên gia cao cấp tại RAND Corporation, cho rằng tinh thần tôn trọng thể chế chính trị Việt Nam của Mỹ được thể hiện chính thức bắt đầu từ 2015, khi cựu Tổng thống Obama mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ, chính thức thừa nhận vị thế nguyên thủ quốc gia của lãnh tụ Đảng ở Việt Nam. Thời cựu Tổng thống Trump, vấn đề dân chủ và nhân quyền không được quan tâm đúng mức. Chính quyền Tổng thống Biden tuyên bố vấn đề hệ giá trị dân chủ và nhân quyền toàn cầu là một trọng tâm. Ông không chỉ lên án Trung Quốc, một nước xâm hại nhân quyền một cách hệ thống, mà còn phê phán cả đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ hay Saudi Arabia.
Tuy vậy, đối với các quốc gia vi phạm nhân quyền trên thế giới, theo Derek Grossman, không phải chính quyền Biden không có lựa chọn và cân nhắc đối tượng phê phán.
Thực vậy, vào tháng 5 vừa rồi, ông từ chối phê phán Israel khi họ phóng tên lửa giết hại nhiều thường dân Palestine khi hai bên xung đột. Điều đó có nghĩa là Biden cũng có thể sẽ có “lựa chọn và cân nhắc” đối với Việt Nam, dù mức độ sẽ khác đi.
Phó tổng thống Harris đã khẳng định với lãnh đạo Việt Nam vai trò của xã hội dân sự đối với sự phát triển quốc gia, sau đó, trước khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam, gặp gỡ các nhóm xã hội dân sự (có giấy phép, hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới và hỗ trợ người khuyết tật). Mức độ quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam của chính phủ Hoa Kỳ trong tương lai gần cũng sẽ chỉ dừng lại ở đó.
Vị thế địa chính trị của Việt Nam
Như trên đã nói, Việt Nam trong con mắt của Mỹ hiện giờ, lợi ích địa chính trị lớn hơn yêu cầu về hệ giá trị. Nhưng điều đó không có nghĩa là, vị thế về mặt địa chính trị của Việt Nam không có những giới hạn căn bản của nó.
Bà Phó Tổng thống Mỹ Harris đã nhấn mạnh nhiều lần ở cả Singapore và Việt Nam về vấn đề an ninh và tự do hàng hải, về duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Tuy nhiên, nói một cách thực tế và lạnh lùng, an ninh hàng hải ở Biển Đông không phải là vấn đề nghiêm trọng đối với nước Mỹ.
Biển Đông không phải là vấn đề sinh tử của Mỹ...
Giả sử Trung Quốc chiếm nốt toàn bộ Trường Sa thì chỉ có những nước như Việt Nam bị ném vào tình thế “thập diện mai phục”, chứ nước Mỹ vẫn không bị ảnh hưởng gì.
Trung Quốc phải điên dại ở mức không tưởng thì mới thách thức quyền tự do hàng hải của hải quân và tàu dân sự Hoa Kỳ trên Biển Đông. Khả năng Trung Quốc tấn công Hoa Kỳ kiểu Nhật Bản đánh Trân Châu Cảng trong Thế chiến hai cũng gần như bằng không, trừ khi Bắc Kinh muốn tự sát.
An ninh hàng hải trên Biển Đông cũng như “lợi ích cốt lõi” của Hoa Kỳ tại đây, do đó, chỉ là một cách dấy lên vấn đề, để Hoa Kỳ đứng về phía các nước nhỏ yếu xung quanh Biển Đông bị Trung Quốc uy hiếp, trong đó Việt Nam là nạn nhân số một.
Một vấn đề không phải là an ninh sát sườn của nước Mỹ thì không có gì bảo đảm sẽ được Mỹ duy trì quan tâm lâu dài thực sự. Hoa Kỳ có thể tiếp tục phê phán Trung Quốc mạnh mẽ, tặng cho các nước xung quanh Biển Đông thêm nhiều tàu tuần duyên, và tự mình tiến hành các cuộc tuần tra ở vùng biển quốc tế và thực hiện quyền tự do hàng hải theo UNCLOS, nhưng Hoa Kỳ không có động cơ để làm gì mạnh mẽ hơn.
Mối quan tâm thực sự của cả Mỹ và Trung Quốc nằm ở vị trí khác trên bàn cờ châu Á: Đài Loan. Dù Phó Tổng thống Harris phê phán Trung Quốc mạnh mẽ ở cả Singapore và Việt Nam về chính sách bành trường của họ trên Biển Đông, thực tế, bố trí quân sự của Mỹ ở châu Á nói lên điều chính phủ Mỹ thực sự nghĩ: Lực lượng Hoa Kỳ, bao gồm cả thủy quân lục chiến, hải quân, không quân, tên lửa, bố trí chủ yếu ở Đông Bắc Á để bảo vệ Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản, chứ không phải Biển Đông.
… nhưng là chuyện sống chết của Việt Nam
Theo Gregory B. Poling, một chuyên gia về Biển Đông ở CSIS, giả sử (chỉ là giả sử) một cuộc xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc xảy ra trên Biển Đông hiện nay, chính Trung Quốc chứ không phải Hoa Kỳ sẽ chiếm thế thượng phong, ít nhất trong màn dạo đầu của trận chiến. Bởi lẽ, các căn cứ quân sự khổng lồ của Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa có đủ những khí tài tối tân và quy mô đủ mạnh để tấn công và phòng thủ. Ngoài ra, các căn cứ này đã liên kết với nhau thành một thế trận hỗ trợ cho nhau, không dễ phá. Trong khi đó, các căn cứ mạnh của Mỹ tại Đông Bắc Á lại ở quá xa khu vực. Trên Biển Đông, các tàu sân bay của Hoa Kỳ sẽ là đối tượng cần bảo vệ trước tên lửa tầm xa của Trung Quốc hơn là một lực lượng tấn công hữu hiệu.
Biển Đông, do đó, tuy nóng trên các diễn đàn quốc tế với tất cả các bên, nhưng chỉ nóng trên thực địa đối với những nước bị Trung Quốc bắt nạt như Việt Nam.
Trước khi bà Harris sắp hạ cánh xuống Nội Bài khoảng một tuần, Trung Quốc bắn tín hiệu ở cả hai mặt quân sự và kinh tế. Tỉnh Vân Nam tạm dừng nhập khẩu thanh long của Việt Nam vì lý do đại dịch, trong khi đó các sản phẩm rau củ quả khác vẫn thông quan bình thường, trung bình 400 xe mỗi ngày. Trên Biển Đông, Trung Quốc điều tàu khảo sát Hai Da Hao (Hải Đại Hiệu) khảo sát sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, cách bờ biển Phú Yên chỉ 60 hải lý. (Dữ liệu từ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic).
Việt Nam thường nói mình tự lực tự cường để bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia. Rõ ràng, so với Trung Quốc thì khả năng “tự lực” của Việt Nam là không đáng kể. Chắc hẳn Việt Nam hiểu rõ, giả sử (chỉ là giả sử) trong tương lai gần, nếu Trung Quốc đánh một trận nhỏ, chiếm thêm một hai bãi đá ở Trường Sa, tương tự đánh đá Gạc Ma năm 1988, thì cùng lắm chỉ dấy lên những phản ứng rất ồn ào của các bên. Và Trung Quốc, nếu đánh, cũng sẽ chuẩn bị trước hàng chục nước cờ để hóa giải dần dần các phản ứng này.
Việt Nam thỉnh thoảng bộc lộ cái nhìn coi việc Hoa Kỳ đối đầu với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là vì họ có nhu cầu đó. Như trên đã nói, đó không phải vấn đề sinh tử của Hoa Kỳ mà là của Việt Nam. Sự hỗ trợ hiện nay của Hoa Kỳ là vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. Nếu Việt Nam lầm tưởng rằng nguồn lực này sẽ luôn có sẵn ở đó thì trong tương lai, có khả năng nó sẽ một đi không trở lại.
Quan hệ kinh tế, quốc phòng: Giáo dục là nền tảng
Cách tiếp cận của cả Việt Nam và Hoa Kỳ về quan hệ kinh tế chỉ thuần túy là đếm số tiền mỗi bên kiếm được, quy thành các con số thống kê trong báo cáo, không quan tâm thực chất đến sự phát triển của các nền tảng là khoa học, công nghệ và giáo dục của đối tác yếu thế là Việt Nam.
Năng lực công nghiệp hóa của Việt Nam
Cách đây hơn 20 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra mục tiêu xây dựng Việt Nam thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 (Xem: Báo cáo chính trị đại hội IX, mục III và IV). Mục tiêu này được tuyên truyền mạnh mẽ, đưa cả vào sách giáo khoa (Xem sách giáo khoa Lịch sử lớp 12, trang 215). Nhưng đến 2018, Đảng Cộng sản Việt Nam “âm thầm” dời mục tiêu “công nghiệp hóa - hiện đại hóa” xuống năm 2030 (Xem: Nghị quyết 23-NQ/TW).
Ở “vị thế” như vậy, Việt Nam chỉ còn cần thiết cho Hoa Kỳ ở những lĩnh vực cần lao động bậc thấp. Những chuyển dịch của các công ty công nghệ cao Hoa Kỳ gần đây vào Việt Nam do thương chiến Mỹ Trung không thể so sánh với quy mô và chất lượng họ chuyển dịch sang những nước Đông Nam Á có trình độ phát triển cao hơn, như Malaysia, Indonesia và Singapore.
Quốc phòng và giáo dục
Khoa học và giáo dục là nền tảng cho an ninh quốc gia. của Việt Nam hiện nay. Không chỉ trên biển, ngay cả trên đất liền, Hoa Kỳ cũng sẽ không bận tâm nhiều đến khả năng Việt Nam bị Trung Quốc tấn công, bởi lẽ, khả năng này là rất thấp. Nó thấp, không phải vì Trung Quốc không dám làm hay vì Việt Nam có thể “tự cường”, mà vì Trung Quốc không cần dùng đến chiến tranh nóng nữa.
Theo thống kê của Liên minh Viễn thông Quốc tế, Trung Quốc đã có lưu lượng dữ liệu xuyên quốc gia cao nhất thế giới, với 115 triệu megabits/giây, gần gấp đôi Mỹ (60 triệu megabits/giây). Trong đó, Việt Nam chiếm tỷ phần dòng chảy dữ liệu vào/ra Trung Quốc đến 17%, tuy thấp hơn Mỹ (25%) nhưng cao hơn Singapore (15%).
Việt Nam có lượng dữ liệu trao đổi nhiều với Trung Quốc cũng có nghĩa là Trung Quốc có điều kiện xây dựng dữ liệu lớn về Việt Nam, cho phép họ có thể theo dõi, phân tích và tiên đoán hành vi của xã hội Việt Nam, có thể sẽ hiểu Việt Nam hơn Việt Nam hiểu chính mình, nếu Việt Nam kém đầu tư về trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn.
An ninh quốc gia của Việt Nam, do đó, nằm ở năng lực khoa học, công nghệ và giáo dục, không chỉ là tàu chiến và tên lửa.
Hợp tác ở những lĩnh vực thứ yếu
Danh mục hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ khá dài, từ chống đại dịch, sông Mekong, biến đổi khí hậu, năng lượng xanh, đến an ninh hàng hải, hỗ trợ người khuyết tật, người thiểu số… Hai lĩnh vực chính Việt Nam cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Hoa Kỳ để thực hiện thành công mục tiêu hiện đại hóa và bảo vệ nền độc lập là cải cách thể chế và phát triển khoa học - giáo dục. Tuy vậy, cải cách thể chế không thấy được nhắc đến trong danh mục hợp tác Việt Mỹ, còn hợp tác giáo dục thì khá mờ nhạt.
Ở trình độ hiện nay của Việt Nam, muốn thúc đẩy phát triển, cách nói của Mao trước đây vẫn đúng trong bối cảnh khác, “chính trị là thống soái”. Và muốn cải cách thể chế, nền tảng trung tâm là nguồn nhân lực mới.
Đối với Mỹ, giáo dục cũng chính là lĩnh vực để Mỹ tăng cường ảnh hưởng ở Việt Nam theo chiều sâu, chứ không phải là các lĩnh vực được hai bên liệt kê trong chuyến thăm của bà Harris. Mỹ đã làm một vài. chính sách nhỏ, như lập quỹ học bổng VEF (đã kết thúc) từ nguồn tiền Hà Nội trả nợ thay chính phủ Việt Nam Cộng hòa, hỗ trợ cho sự ra đời của Đại học Fulbright… Nhưng tất cả những đầu tư này chỉ có tính chất nhỏ giọt, nếu so sánh với trong lịch sử, cách nước Mỹ hỗ trợ cho giáo dục của Nam Việt Nam và Nam Triều Tiên trong thập niên 1960s và 1970s.
Nếu nước Mỹ khôi phục lại ở Việt Nam ngày nay chính sách hỗ trợ giáo dục một cách hệ thống như nửa thế kỷ trước ở Nam Việt Nam và Nam Triều Tiên thì đó sẽ là cơ hội rất lớn cho Việt Nam cất cánh sau một thế hệ nữa: đào tạo giảng viên đại học, đào tạo giáo viên phổ thông, tạo cơ chế để xây dựng mối quan hệ hợp tác thực chất giữa các trường đại học Việt Nam và Hoa Kỳ, viện trợ về mặt vật chất cho giáo dục, như xây dựng các trường phổ thông và đại học theo mẫu Hoa Kỳ, xây dựng hệ thống thư viện trong các cơ sở giáo dục và cung cấp sách vở và phương tiện cho chúng...
Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng nên tài trợ cho các đại học Mỹ phát triển các chương trình nghiên cứu Việt Nam và cộng đồng người Mỹ gốc Việt để các đại học này có một cầu nối với giáo dục Việt Nam. Đây cũng từng là một chính sách Hoa Kỳ đã thực hiện trong chương trình hỗ trợ giáo dục Hàn Quốc một cách bài bản hơn nửa thế kỉ trước.
Vấn đề giáo dục không được quan tâm đúng mức trong chính sách của chính phủ Biden-Harris đối với Việt Nam. Trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris, cả Singapore và Việt Nam đều được bà Harris nhấn mạnh ở các lĩnh vực an ninh hàng hải, chống dịch COVID, biến đổi khí hậu, nhưng Singapore đã thể hiện vị thế cao hơn Việt Nam khi hợp tác với Mỹ trong đổi mới sáng tạo công nghệ cao và phát triển đô thị thông minh, những lĩnh vực mà Việt Nam không có nền tảng để có thể “hợp tác”.
Bà Harris có nhắc đến hỗ trợ giáo dục đại học, nhưng kinh phí khá khiêm tốn, chỉ 14,2 triệu dollars, rải đều cho 3 trường đại học quốc gia ở Việt Nam. (So sánh với ngân sách hằng năm Việt Nam dành cho Đại học Quốc gia Hà Nội và TP. HCM là khoảng hơn một ngàn tỉ đồng, tức hơn 50 triệu dollars, cho mỗi trường).
Phó Tổng thống Mỹ cũng nhắc đến việc Hoa Kỳ gửi Đoàn Hòa Bình (Peace Corps) đến Việt Nam năm 2022. Thông cáo của Nhà trắng hé lộ chi tiết họ mất 17 năm thương lượng với Việt Nam. Chắc hẳn, ở Việt Nam có những người nhìn Peace Corps như là lực lượng “diễn biến hòa bình” của “đế quốc Mỹ” mà không biết rằng đội tình nguyện viên quốc tế này được nhiều sử gia quốc tế ngày nay ghi nhận là đóng vai trò quan trọng trong việc đặt nền móng giáo dục cho sự phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc từ thập niên 1960s.
Có một điều thú vị là Trung Quốc thường xuyên khuyên Việt Nam đề phòng Mỹ, nổi tiếng nhất có lẽ là bài xã luận mấy năm trước trên báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, “Trung Quốc cho Việt Nam một cơ hội nữa, khuyên đứa trẻ ngỗ nghịch sớm trở về”. Nhưng, chính họ lại không ngần ngại mở cửa để nhận hỗ trợ của Mỹ, đặc biệt đã mở cửa cho Đoàn Hòa Bình (Peace Corps) vào Trung Quốc để giúp đỡ nền giáo dục nước này hơn 20 năm qua. Peace Corps mới rút lui khỏi Trung Quốc năm 2020 vì lý do nước này không còn là nước nghèo nữa. Còn Việt Nam thì trì hoãn hơn 17 năm, cũng đến tận 2020 mới đồng ý cho họ vào Việt Nam.
Giả sử trong tương lai, Washington DC tăng cường hỗ trợ Việt Nam trên lĩnh vực giáo dục, chắc chắn họ sẽ phải đối đầu với những nỗi lo sợ “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực giáo dục của Hà Nội. Điều thú vị là, dù viện trợ giáo dục đại học với kinh phí chưa nhiều, Phó Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh mục đích của nó là để “hỗ trợ cho một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập với tư cách là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ.” Nhìn từ góc độ này, chúng ta thấy, nếu Hoa Kỳ không muốn nhìn thấy một Việt Nam yếu đuối nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Đông Nam Á. Nếu Việt Nam thực sự muốn bảo vệ nền độc lập tự chủ, giáo dục chứ không phải thương mại mới là cây cầu Việt - Mỹ cần tập trung xây dựng.
Việt Nam lại lỡ tàu?
Ngoại giao độc lập, tự chủ?
Có lẽ không phải là ngẫu nhiên, khi kết thúc chuyến thăm của bà Harris, chính phủ Hoa Kỳ nhấn mạnh đến việc hỗ trợ một Việt Nam “mạnh mẽ” và “độc lập”.
Trao đổi với chúng tôi, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng ở Đại học George Mason và CSIS đánh giá rằng, việc Thủ tướng Việt Nam hội đàm với Đại sứ Trung Quốc, cam kết không liên minh với nước này chống nước kia, ngay trước khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris hạ cánh xuống Nội Bài chỉ vài tiếng đồng hồ, là một nước cờ ngoại giao có phần nào sơ hở của Việt Nam.
Chính giới Mỹ rất hiểu Việt Nam cần phải cân bằng giữa hai đại cường Mỹ Trung. Ở cả Singapore lẫn Việt Nam, bà Harris đều nhấn mạnh không bắt ai phải chọn phe, không khác cựu Ngoại trưởng Pompeo năm ngoái từng nói. Người Mỹ cũng thấy hoàn toàn bình thường nếu lãnh đạo Việt Nam trước khi (hoặc sau khi) hội đàm với Mỹ thì đã / hoặc sẽ làm như thế với người đồng cấp Trung Quốc, như lâu nay vẫn thế.
Giả sử lần này, Thủ tướng Việt Nam điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc, tương tự Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với nguyên thủ Cu Ba cam kết “xây dựng chủ nghĩa xã hội”, thì vấn đề vẫn hoàn toàn bình thường như trước nay vốn có.
Nhưng đại sứ Trung Quốc không phải là một cấp ngang bằng để cấp thủ tướng của Việt Nam hội đàm với cam kết những vấn đề thuộc về chiến lược quốc gia, nội dung cam kết rõ ràng nhắm tới Mỹ dù không đề cập trực tiếp, ngay trước khi người lãnh đạo số 2 của Mỹ hạ cánh xuống Nội Bài chỉ vài giờ đồng hồ.
Ngoài ra, chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris thực chất là chuyến thăm ở tầm nguyên thủ (Bà Harris là thay mặt cho Tổng thống Biden vì ông đang phải xử lý các vấn đề nội bộ). Để tránh thất bại khi cấp nguyên thủ đi đàm phán mà không chuẩn bị trước kết quả, như trường hợp Tổng thống Kennedy năm 1961, chắc chắn một chuyến đi như vậy của bà Harris đã được các cấp chuyên gia đàm phán và thỏa thuận xong xuôi đến từng chi tiết, không chỉ kết quả đàm phán, mà còn cả các vấn đề cơ bản trong giao tiếp. Vì vậy, cho dù cuộc hội đàm và cam kết của Thủ tướng Việt Nam với hàng đại sứ Trung Quốc chỉ vài giờ trước khi Phó Tổng thống Mỹ hạ cánh, là một động thái người Mỹ được biết trước hay bất ngờ đối với họ, thì một việc như vậy đương nhiên là thắng lợi về mặt ngoại giao của Trung Quốc, truyền đến phía Mỹ một thông điệp có phần thiếu tích cực, làm hình ảnh Việt Nam trở nên tương đối mềm yếu, không chỉ trong mắt Trung Quốc mà trong mắt tất cả các bên, từ Mỹ đến Đông Nam Á.
Bất kỳ ai, kể cả Trung Quốc, cũng hiểu rằng cho dù Hoa Kỳ hỗ trợ cho Việt Nam hay các nước Đông Nam Á phát triển vị trí và vai trò của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu đến mức nào đi nữa, đã quá trễ để có thể xóa bỏ vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu đó, vì các bên đã hội nhập sâu vào rộng về hạ tầng công nghiệp. Ở tình thế này, tất cả các bên, từ Mỹ đến Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á trong đó có Singapore, đều đã tuyên bố không dưới một lần: Họ không muốn các cuộc va chạm bị đẩy đi quá xa, không bắt các bên phải chọn phe. Trung Quốc không có lý do để lo ngại rằng Việt Nam ngả về phía Mỹ thì họ mất ảnh hưởng, nhưng Việt Nam thì lo ngại thay cho họ?
Singapore có số dân chỉ bằng hơn 1/20 Việt Nam (hơn 5 triệu người so với gần 100 triệu người). GDP của Việt Nam năm 2020, như chính phủ Việt Nam cho biết, đã vượt Singapore. Không chỉ Việt Nam hay Singapore, bất kỳ nước nào ở Đông Nam Á cũng cần giữ cân bằng giữa hai đại cường Mỹ Trung. Nhưng Singapore không cần phải thanh minh với Trung Quốc về quan hệ với Mỹ, lại càng không cho phép bên nào sử dụng mình làm đòn bẩy để hạ vị thế bên kia về mặt ngoại giao.
Thời gian không còn nhiều
Nhiều phát biểu của các quan chức cấp cao ở hàng nghiên cứu và hoạch định chính sách của Việt Nam cho thấy Hà Nội có vẻ tự tin là Mỹ cần Việt Nam, với lý do “Việt Nam cần cho chiến lược xoay trục của Mỹ”. Thực tế, vị thế của Việt Nam không thực sự quan trọng với Mỹ như trong các tuyên bố ngoại giao, bởi vì không có Việt Nam thì Mỹ vẫn xoay trục sang châu Á thuận lợi.
Việt Nam không có gì ngoài “vốn tự có” là vị trí địa lý và nguồn lao động giá rẻ. Mỹ có thể cần Việt Nam trên bàn cờ ngắn hạn trước mắt, nhưng Việt Nam không nên quá tự tin khi “Hiệp hội Dệt may và Giày dép Hoa Kỳ” xin Tổng thống Biden viện trợ vắc-xin cho Việt Nam. Bởi lẽ, nếu Mỹ không thể may quần ở Việt Nam thì họ có thể may quần nơi khác, đồng thời, họ có muốn đưa phòng thí nghiệm tối tân về chip điện tử đến Việt Nam thì Việt Nam cũng không có năng lực để đón nhận. Cơ hội gắn kết với Mỹ của Việt Nam không còn dài, bởi lẽ, không thể biết rõ “vị thế” nhờ vào “vốn tự có” là vị trí địa lý và lao động thô của Việt Nam sẽ kéo dài bao lâu.
Nhiều nhà quan sát lạc quan với một chi tiết trong bản “Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời” chính phủ Biden công bố hồi tháng 3, nêu đích danh Việt Nam và Singapore như là những đối tác quan trọng. Trao đổi với chúng tôi, Derek Grossman cho rằng, thông thường, trước tiên người ta phải xây dựng chiến lược an ninh quốc gia, trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược quốc phòng, rồi từ đó mới đi vào chiến lược vùng, như chiến lược Ấn Độ dương - Thái Bình dương. Khi có chiến lược vùng thì mới rõ vị trí của Việt Nam trên bàn cờ ấy. Nhưng hiện giờ chính quyền Biden còn chưa xây dựng những chiến lược đó, mà mới chỉ có “Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời” kể trên. Việc nêu đích danh Việt Nam và Singapore trong văn bản tạm thời này có thể là một chỉ dấu về chiến lược vùng (Ấn Độ dương - Thái Bình dương) trong tương lai. David Hutt cũng cho rằng Mỹ rút khỏi Afghanistan là dấu hiệu của việc họ dấn thân mạnh hơn cho khu vực khác, với hàm ý đó là chính là khu vực Đông Nam Á.
Như vậy, tuy thông điệp của Mỹ đã rõ ràng nhưng chiến lược chính thức thì chưa có. Chiến lược vùng chưa có, nên nó có thể thay đổi trong tương lai. Chiến lược này, nếu có, không chỉ phụ thuộc vào cách nhìn của các chuyên gia hoạch định chiến lược của Mỹ về địa chính trị trong khu vực, mà còn phụ thuộc vào cách Singapore và Việt Nam tiếp cận Hoa Kỳ.
“Timeline” cũng là vấn đề ảnh hưởng đến diễn tiến của quan hệ Việt Mỹ sắp tới. Nước Mỹ hiện có rất nhiều vấn đề nội bộ, Chính phủ Biden sẽ không thể quá quan tâm đến Việt Nam một thời gian dài. Từ nay đến cuối năm 2023 là khoảng “thời gian vàng” để Việt Nam tăng cường quan hệ với Mỹ. Sau đó thì nước Mỹ sẽ chủ yếu tập trung vào các vấn đề nội bộ để chuẩn bị cho bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm 2024.
Nếu biết nắm bắt cơ hội, Việt Nam hiện nay có thể được Mỹ hỗ trợ theo cách đã giúp Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Nam Việt Nam và Đài Loan ở giai đoạn giữa thế kỉ 20. Nhắc lại thông điệp cốt lõi của bài viết này, vị thế “địa chính trị” của Việt Nam không có nhiều giá trị như ồn ào trên truyền thông và các diễn đàn ngoại giao. Như Tổng đốc Hoàng Cao Khải hơn một thế kỷ trước từng phân tích nguyên nhân Việt Nam mất nước trong tiểu luận “Gương sử Nam” năm 1909, rằng vị trí địa lý của một quốc gia không còn giá trị khi khoa học và kỹ thuật phương Tây nổi lên.
Cho dù chính phủ Mỹ thể hiện rõ thông điệp muốn “ở lại”, bằng dự án xây dựng tòa nhà Đại Sứ quán Hoa Kỳ mới ở Hà Nội với kinh phí 1,2 tỷ USD, nếu Việt Nam không phát triển được năng lực tự thân, không bảo vệ thể hiện quốc gia trước Trung Quốc, không quản trị quốc gia bằng các giá trị toàn nhân loại của tinh thần cộng hòa, không có gì bảo đảm nước Mỹ không nói lời tạm biệt như cách họ rút khỏi Afghanistan hiện nay.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.