Kỳ cuối: Mô hình Trung Quốc – chế độ chuyên quyền ngày càng nguy hiểm để noi theo
Liên bang Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Xô viết, Liên Xô cũ – thành trì của CNXH đã sụp đổ. Trung Quốc có chế độ chính trị tương đồng với Việt Nam, cùng hệ tư tưởng cộng sản, nhưng nổi lên như chỗ dựa thực tế với cải cách kinh tế dẫn đến tăng trưởng được cho là ‘ngoạn mục’ trong thời kỳ dài. Tuy nhiên, chế độ chuyên quyền Bắc Kinh ngày càng hung hăng khi thực hiện ‘giấc mơ Trung Hoa’ đe doạ sự chung sống hoà bình theo luật pháp quốc tế, buộc Việt Nam phải độc lập hơn về chính sách và cải cách thể chế kinh tế và chính trị.
Nguyên nhân ‘tụt hậu’ có thể có nhiều, nhưng liệu Việt Nam có tạo ra khác biệt trong cải cách để độc lập trong chiến lược phát triển đất nước, thậm chí ngay từ Đại hội 13 của Đảng CS Việt Nam dự kiến tổ chức vào đầu năm 2021.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban Nhân sự cho đại hội, ông Nguyễn Phú Trọng, trong bài viết mới đây của ông: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13 của Đảng” nhấn mạnh Đại hội 13 là ‘sự kiện mang tầm quan trọng lịch sử’ là ‘một dấu mốc rất quan trọng, có ý nghĩa định hướng tương lai’ ‘trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường’.
Tránh sự sụp đổ như Liên Xô cũ và các nước XHCN ở Đông Âu trước kia. Trung Quốc và Việt Nam lựa chọn cải cách kinh tế mà vẫn giữ quyền lãnh đạo của đảng cộng sản. Trung Quốc tiến hành cải cách trước Việt Nam khoảng một thập kỷ. Trung Quốc là nước lớn với tư tưởng và tầm nhìn chiến lược phát triển từ ‘Giấu mình chờ thời’ đến ‘Giấc mộng Trung Hoa’ và những khác biệt về địa chính trị, lịch sử văn minh, văn hoá… khiến Việt Nam luôn là người theo sau.
‘Giấu mình chờ thời’ là mưu lược trong tư tưởng Đặng Tiểu Bình. Sau khi Mao Trạch Đông chết năm 1976, để tránh sự sụp đổ chế độ do nền kinh tế kiệt quệ sau ‘cách mạng văn hoá’, Trung Quốc đã tiến hành chính sách ‘cải tổ’ từ cuối những năm 1970. Tuy nhiên, khác với cải tổ do Mikhail Gorbachev khởi xướng dựa trên nguyên tắc ‘công khai’ và ‘tái cấu trúc’, Đặng Tiểu Bình, người từng bị ‘cải tạo’ hai lần trong các nông trang dưới thời Mao, đã nêu khẩu hiệu ‘cải cách’ và ‘mở cửa’ với một chiến lược khôn khéo theo phương châm ‘giấu mình chờ thời’.
Đảng CS Trung Quốc và cựu chủ tịch Đặng tỏ ra hiểu ‘tư bản’ hơn chính các nhà lãnh đạo của các nước tư bản chủ nghĩa, chế độ dân chủ với nền kinh tế thị trường phát triển. Trong thời kỳ sau ‘chiến tranh lạnh’ khi hệ thống XHCN ở Đông Âu đã sụp đổ và trong bối cảnh toàn cầu hoá các tập đoàn tư bản xuyên quốc gia đã ‘ồ ạt’ đầu tư, vào Trung Quốc để tìm kiếm lợi nhuận cao nhờ chi phí nhân công rẻ, thị trường tiêu thụ lớn, và dễ dàng bỏ qua các ràng buộc về các vấn đề môi trường, quyền biểu tình, biểu đạt và các vấn đề tự do, dân chủ khác.

Lịch sử còn ghi lại rằng chuẩn bị cho chính sách ‘mở cửa’ Đặng Tiểu Bình đã khảo sát một số nước tư bản và mới nổi châu Á như Singapore để học hỏi kinh nghiệm ‘hoá rồng’ trong thời gian ngắn. Kết quả là sau đó một loạt các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng tự do kinh tế đến các đặc khu hành chính kinh tế kiểu như ‘phố Đông Thượng Hải’ hay Thâm Quyến Quảng Châu được ra đời và phát triển. Họ ‘hấp dẫn thu hút’ đầu tư nước ngoài và ‘trải thảm’ chào đón các tập đoàn tư bản lớn nhỏ Từ Á châu các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… đến châu Âu, Mỹ, Canada, tuỳ thuộc vào ‘ưu thế kinh doanh của mình’ mà ‘miệt mài’ mang vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý vào thị trường Trung Quốc kiếm lời.
Trong hơn 30 năm ‘cải cách và mở cửa’ tăng trưởng tỷ lệ tăng GDP của Trung Quốc luôn ở mức hai con số, trên 10%. Năm 2011 đã vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ, và nay đã đạt quy mô GDP khoảng 14 nghìn tỷ đô la. Trung Quốc còn là công xưởng sản xuất của thế giới, chiếm vị trị quan trọng trong chuỗi cung kinh tế và thị trường của thế giới, đang ‘tiên phong’ trong một số lĩnh vực, như công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo…
Các tập đoàn kinh tế tư bản xuyên quốc gia vốn do bản chất lợi nhuận; nhưng nhiều thế hệ các nhà lãnh đạo các nước tư bản phát triển được cho là ‘vô tư’ với quan niệm rằng khi kinh tế tăng trưởng sẽ thúc đẩy cải cách dân chủ mà không cần có điều kiện nào. Họ đã không hiểu Đặng Tiểu Bình, mưu đồ sâu xa và bản chất của chế độ Trung Quốc cho đến khi Tổng thống Donald Trump đề cao chính sách ‘Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại’.
Giai đoạn hơn 30 năm ‘giấu mình chờ thời’ chấm dứt, ‘Giấc mộng Trung Hoa’ bắt đầu. Đây là tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước do Tập Cận Bình, Tổng Bí thư ĐCS, chủ tịch nước khởi xướng từ nhiệm kỳ đầu tiên nắm quyền vào năm 2013.
‘Giấc mộng Trung Hoa’ được thiết kế dựa trên ‘lý thuyết chủ quyền quốc gia’ do Vương Hộ Ninh, một trong bảy lãnh đạo cao cấp nhất, Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS TQ, đề xuất, tạo nền tảng cho các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc về chủ quyền quốc gia gắn với ổn định chế độ. Một tinh thần dân tộc được kích lên nhờ tuyên truyền về biến cố ‘Bách niên quốc sỉ’, ‘nỗi nhục trăm năm’ từ triều đại Mãn Thanh trong thế kỷ 19, khi bị các nước đế quốc đô hộ sau thất bại trong hai cuộc ‘chiến tranh nha phiến’ (1840 – 1843 và 1856 – 1860). Kiểu ‘tinh thần dân tộc’ dựa trên lòng hận thù dân tộc còn nguy hiểm ‘chủ nghĩa dân tộc’, một hiện tượng nổi lên trong giai đoạn thoái trào ‘toàn cầu hoá’.
Ngoài ra, ‘Giấc mộng Trung Hoa’ còn được thiết kế tổng thể và chi tiết trong chiến lược theo thời kỳ trăm năm, rất riêng ’Trung Quốc’, theo những mốc thời gian kỷ niệm các ngày lễ lớn của chế độ với những mục tiêu cụ thể. Đến năm 2020 nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng hoàn thành xây dựng xã hội khá giả, ‘tiểu khang’. Đến 2025 phải hoàn thành chiến lược ‘Made in China’, ‘chế tạo tại Trung Quốc’ các thiết bị, sản phẩm công nghệ cao cấp… Đến năm 2049 nhân kỷ niệm 100 năm ngày ra đời nước CHND Trung Hoa mục tiêu xây dựng CNXH mang đặc sắc Trung Quốc dự kiến hoàn thành với tham vọng địa vị thống trị thế giới. Đồng thời với các chiến lược các sáng kiến, kiểu như ‘một vành đai, một con đường’ của Tập cũng đang được khởi động…

Hơn thế, ‘Giấc mộng Trung Hoa’ gắn liền với quyền lực của Tập Cận Bình. Việc sửa đổi điều lệ đảng và hiến pháp Trung Quốc năm 2018 cho phép Tập trở thành ‘hạt nhân lãnh đạo’ và kéo dài sự cai trị không bị giới hạn bởi hai nhiệm kỳ như trước đây.
Thế giới đang ngày càng phải đối phó với ‘giấc mộng Trung Hoa’ với sự hung hăng và bành trướng của chính quyền Trung Quốc, trong đó Việt Nam còn chịu áp lực lớn nhất trước sự xâm chiếm lãnh hải, quân sự hoá và hành chính hoá các đảo chìm nổi thuộc chủ quyền Việt Nam.
Vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ đã phát động ‘chiến tranh thương mại’ khi cáo buộc chính quyền Trung Quốc đã ‘không sòng phẳng’ cạnh tranh kinh tế khi ‘phớt lờ’ cam kết về cải cách thể chế khi vào Tổ chức Thương mại Thế giới – WTO, trợ cấp cho các công ty nhà nước, ép buộc các tập đoàn xuyên quốc gia chuyển giao công nghệ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Các vấn đề vi phạm dân chủ nhân quyền cũng được chính quyền Mỹ nêu ra nhiều hơn khi nhắc đến các vấn đề nóng, trước đây được cho là ‘nhạy cảm’, về tôn giáo, dân tộc ở Tây Tạng và Tân Cương... Hơn thế, vấn đề dân chủ ở Hồng Kông, chủ quyền của Đài Loan, vốn được coi là ‘nội bộ’ cũng trở nên phức tạp khi quan điểm và chính sách của chính phủ Mỹ đang thay đổi.
Hiện nay, đại dịch coronavirus – COVID-19 khiến cả thế giới đang chịu khủng hoảng kép: y tế và kinh tế chưa từng có trong lịch sử từ hơn thế kỷ nay. Tuy nhiên, Trung Quốc đã lợi dụng tình trạng này để trục lợi từ việc cung cấp khẩu trang và các thiết bị y tế, thúc đẩy truyền thông hung hăng phủ nhận nguồn gốc của virus corona chủng mới xuất phát từ Vũ Hán và việc đã giấu diếm sự nguy hiểm lây lan trong cộng đồng… Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh đang đẩy mạnh xâm chiếm Biển Đông, sử dụng vũ lực đe doạ chủ quyền biển đảo của các quốc gia liên quan…
Mặt khác, ngoài hậu quả nặng nề về kinh tế, sự gián đoạn các mối liên kết trong khủng hoảng đã bộc lộ sự phụ thuộc của nhiều quốc gia vào Trung Quốc về nguồn cung từ vật tư y tế thiết yếu, thuốc chữa bệnh đến các bán thành phẩm cho chế tạo và tiêu dùng khác, trong đó có Việt Nam…
Thế giới đang ở tình thế đối phó bị động trước cuộc khủng khoảng kép này. Ngoài ra, chế độ chuyên quyền Trung Quốc đang khiến nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ và Liên hiệp châu Âu hoạch định chính sách giảm lệ thuộc nguồn cung từ Trung Quốc hậu COVID-19.
Một tương lai thế giới bất định. Theo các nhà nghiên cứu, trật tự cũ, toàn cầu hoá, vai trò cường quốc của Mỹ, các mối liên kết địa chính trị, kinh tế… đang lung lay, nhưng trật tự mới như thế nào chưa thể hình dung được một cách rõ ràng.
Mô hình Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn mới, chế độ chuyên quyền là một thực tế nguy hiểm để noi theo. Việt Nam cần chiến lược quyết đoán hơn để thoát Trung. Để cho Đại hội 13 mang ‘ý nghĩa lịch sử’, một sự lựa chọn cải cách thể chế sao cho nguyện vọng toàn dân về chủ quyền biển đảo, sự toàn vẹn lãnh thổ được phản ánh đậm nét, rõ ràng trong chính sách của đảng.
Phạm Quý Thọ gửi từ Hà Nội
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do