Những bước ngoặt mới

Nguyễn Vũ Bình, viết từ Hà Nội
2016.08.30
HungTran1.jpg Giáo dân Đông Yên xuống đường vì môi trường trong sạch hôm 7/8/2016.
Ảnh: Facebook Hung Tran

Trong thời gian vừa qua, có hai sự kiện lớn, gây chấn động đời sống chính trị Việt Nam. Đó là sự kiện ngày 15/8/2016, hơn 30 nghìn giáo dân của ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình thuộc giáo phận Vinh, đã hưởng ứng lời kêu gọi của ngài Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp về bảo vệ môi trường, tập hợp nhau nhân ngày Đức Mẹ Lên Trời. Đây là cuộc tập hợp lớn chưa từng có, liên quan tới việc đấu tranh bảo vệ môi trường.

Sự kiện thứ hai, cũng gây chấn động không kém, đó là vào sáng 18/8/2016 nghi án Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đã sử dụng súng, bắn chết bí thư tỉnh ủy, chủ tịch hội đồng nhân dân kiêm trưởng ban tổ chức tỉnh ủy, sau đó tự sát. Tính chất của sự việc này đã làm rúng động toàn bộ hệ thống chính trị hiện nay của chế độ cộng sản Việt Nam.

Một sự việc có tính chất bước ngoặt thường có hai yếu tố cấu thành, đó là sự việc chưa từng xảy ra, và sau sự việc đó, một số khía cạnh liên quan của sự việc sẽ đi theo một hướng hoàn toàn khác. Chúng ta sẽ tìm hiểu xem, bước ngoặt mà hai sự kiện này tạo ra là gì.

Đấu tranh bảo vệ môi trường

Quá trình đấu tranh bảo vệ môi trường, cụ thể là việc lên tiếng, tập trung, diễu hành, biểu tình yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ ô nhiễm môi trường biển bốn tỉnh miền Trung, cụ thể là yêu cầu bồi thường xứng đáng cho ngư dân, làm sạch môi trường và đóng cửa công ty gây ô nhiễm Formosa chưa lúc nào dừng lại.

Tuy nhiên, đó chỉ là những tiếng nói phản kháng đơn lẻ của các cá nhân, của các nhóm xã hội dân sự, hoặc của một địa phương, giáo xứ.

Ngày 15/8 vừa qua, lần đầu tiên, có sự tập trung của một số đông người, hơn 30 nghìn người công giáo, nghe theo tiếng gọi bảo vệ môi trường của Đức Giám mục, lên tiếng về vấn đề môi trường. Với một số lượng người lớn chưa từng có, được tổ chức bởi các vị chức sắc công giáo của giáo phận Vinh, các giáo xứ, giáo họ khắp ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, người công giáo của giáo phận Vinh nói riêng, Việt Nam nói chung đã làm sững sờ tất cả hệ thống chính trị ở Việt Nam.

Sự kiện lần đầu tiên, có một số lượng rất lớn người được tổ chức chặt chẽ, có người thủ lĩnh tinh thần kêu gọi, lên tiếng đấu tranh với nhà cầm quyền Việt Nam là một sự kiện đặc biệt.

Nhưng chúng ta cũng nên hiểu một điều. Sự dồn nén của người dân về vấn đề cá chết, ô nhiễm môi trường trong cả nước đang sục sôi. Số người bị ảnh hưởng và nhận thức được về tác hại là vô cùng lớn, nhưng họ chưa có, chưa được tổ chức lại để lên tiếng.

Vì vậy, nhà cầm quyền dễ dàng bẻ gãy sự phản kháng có tính chất đơn lẻ đó.

Nhưng khi giáo phận Vinh đồng lòng lên tiếng, từ những đức cha lãnh đạo giáo phận, cho tới các giáo xứ, giáo họ người giáo dân đồng lòng đứng lên thì nhà cầm quyền Việt Nam đã không dám ra tay đàn áp số lượng người cực lớn như vậy.

Ý nghĩa lớn nhất của sự kiện người công giáo đứng lên tại Vinh là sự động viên tinh thần rất lớn cho những người đấu tranh khắp cả nước, cho phong trào dân chủ. Sự kiện này cũng khẳng định, khi người dân đồng lòng, lại có sự tổ chức thì không một thế lực nào có thể ngăn cản nổi sức mạnh của người dân.

Bước ngoặt dễ thấy nhất sau sự kiện này, đó là từ nay, nhà cầm quyền Việt Nam sẽ đặt giáo phận Vinh vào tầm ngắm, mục tiêu triệt hạ số một ở Việt Nam. Đồng thời, những nhà lãnh đạo phong trào phản kháng, nếu hiểu rõ về nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thì họ cũng sẽ xác định, họ đã cưỡi lên lưng hổ, chỉ có đường tiến, không có đường lui khi thực hiện đối đầu có tổ chức với nhà cầm quyền Việt Nam.

Trong quá khứ, đã có nhiều dịp, nhiều sự kiện và phong trào, tuy chưa đạt tới mức như sự kiện ngày 15/8/2016 vừa qua, nhưng cũng đã huy động được số lượng lớn người công giáo lên tiếng phản kháng.

Đáng tiếc là nhà cầm quyền Việt Nam đã thực hiện thành công kế sách “rút củi đáy nồi” điều chuyển lãnh đạo tôn giáo, hạ nhiệt và giải tỏa được “cơn sốt” phản kháng của người công giáo.

Chúng ta cũng biết được rằng, chỉ một giáo phận trong cả nước đứng lên, với sự đồng lòng từ các vị lãnh đạo tôn giáo tới người dân, đã huy động được sức mạnh như vậy.

Trường hợp toàn bộ giáo hội công giáo Việt Nam và tất cả giáo dân cả nước đứng lên, thì sức mạnh sẽ là dời non lấp biển. Đáng tiếc, nhà cầm quyền Việt Nam đã dùng nhiều thủ đoạn phân hóa, chia rẽ đến ngày hôm nay Công giáo Việt Nam không còn là một khối thống nhất.

Nguy hại hơn, rất có thể giáo phận Vinh chịu chung số phận, bị điều chuyển lãnh đạo tinh thần bằng kế sách quen thuộc “rút củi đáy nồi”.

Mâu thuẫn vì xung đột lợi ích

Sự kiện thứ hai, việc mâu thuẫn về lợi ích trong nội bộ lãnh đạo địa phương và trung ương là việc bình thường. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc đấu đá và triệt hạ lẫn nhau trong nội bộ vẫn xảy ra quanh năm suốt tháng.

Nhưng sự kiện một lãnh đạo ngành (nhỏ) của một tỉnh, ra tay sát hại hai lãnh đạo cao nhất của tỉnh một cách công khai, cùng lúc tự sát đã thể hiện mâu thuẫn khủng khiếp về lợi ích và bế tắc của những kẻ kém thế trong tranh đoạt.

Mâu thuẫn và xung đột về lợi ích càng ngày càng gay gắt hơn khi nguồn lực của chế độ đang cạn kiệt. Sự kiện này có hai yếu tố có tính chất bước ngoặt. Đó là lần đầu tiên, một sự kiện chấn động, gây ảnh hưởng nặng nề tới uy tín của đảng cộng sản lại được công khai, họp báo sau một thời gian rất ngắn.

Chúng ta phải ghi nhận vai trò, ảnh hưởng sâu rộng của hệ thống mạng xã hội đã làm tốt chức năng công khai hóa thông tin, dẫn tới việc nhà cầm quyền Việt Nam đã phải từ bỏ cách thức hành xử truyền thống, giấu nhẹm những tin tức bất lợi cho đảng và nhà nước.

Từ nay, bất kể thông tin nào, báo chí lề trái và lề phải sẽ đều được (bị) công khai ngay lập tức.

Bước ngoặt thứ hai, thái độ của người dân khi biết được mâu thuẫn nội bộ trong đảng cộng sản, sự triệt hạ lẫn nhau giữa các đồng chí, và cái chết của lãnh đạo. Sự vui mừng không cần che dấu, một sự hả hê không xuất phát từ sự ác ý.

Chỉ có thể giải thích được hiện tượng người dân vui mừng bằng việc họ đã đặt những lãnh đạo cộng sản vào tầng lớp thống trị, còn họ tự đặt mình vào vị thế bị trị. Tầng lớp bị trị vui mừng và hả hê khi tầng lớp thống trị điêu đứng, tổn thất.

Đây là bước ngoặt rõ ràng nhất về thái độ của người dân đối với đảng cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay./.

Hà Nội, ngày 30/8/2016

N.V.B

*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.