Người mẹ tử tù trong Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý - Hòa Bình
2014.12.06
Thông thường, Thánh lễ Cầu nguyện cho Công lý - Hòa bình hàng tháng tại Thái Hà thường có một số người ngoài công giáo đến hiệp thông, cầu nguyện. Họ hoặc là nạn nhân của bạo lực, bất công... hoặc thân nhân của những tù nhân lương tâm trong các vụ án chính trị mang tính chất hài hước, chế giễu một nền tư pháp độc tài.
Hoặc cũng có thể họ là những người tâm huyết với tiền đồ non sông gấm vóc đang ngày đêm mất dần vào tay quân xâm lược phương Bắc và nguy cơ đó chưa có hy vọng dừng lại.
Những con người đó, họ thường có những cách biểu lộ thái độ, tình cảm khác nhau. Có thể họ thể hiện sự căm phẫn trước họa xâm lăng, có thể họ ấm ức trước những bản án bất công, trái pháp luật, không tình người dành cho các thân nhân họ là tù nhân lương tâm. Cũng có thể họ thể hiện sự chán nản trước những oan ức, những gánh nặng cuộc sống đã vùi dập họ bao năm tháng mỏi mòn kêu đòi công lý.
Tuy nhiên, Thánh lễ cuối tháng 11, Cầu nguyện cho Công lý- Hòa bình lần này có một gương mặt khá lạ lùng và thái độ không giống ai hiện diện trong Thánh lễ và buổi thắp nến cầu nguyện.
Người phụ nữ đó không nói nhiều, thậm chí chỉ biết cúi mặt xuống như để ngăn những giọt nước mắt mà giờ đây cũng đã khô cạn. Chị chỉ cúi xuống khi nhận được sự ái ngại, đồng cảm, chia sẻ của mọi người như cố nuốt đi, cố ghìm xuống nỗi oan khuất, đau đớn của mình: Một người mẹ của tử tù oan khuất.
Con chị, một tử tù đang sắp được đưa ra giết chết trong một vụ án mà chị đã mấy năm nay chạy ngược chạy xuôi từ cao đến thấp để mong kêu lên tiếng kêu thảm thiết của người mẹ cho nỗi oan khuất của con mình: Tử tù Hồ Duy Hải.
Một án tử hình khuất tất
Một án tử hình khuất tất và vi phạm tố tụng bởi chính cơ quan tố tụng.
Tiếp xúc với hồ sơ vụ án, chúng tôi kinh ngạc khi thấy việc giết chết một con người trong xã hội, bằng chính hệ thống luật pháp này sao nó đơn giản và nhẹ nhàng đến vậy?
Một vụ án mà kết luận của nó liên quan đến việc tước đi số phận một thanh niên trong xã hội nhưng cả hai cấp tòa từ Sơ thẩm đến Phúc thẩm đều bỏ qua các tình tiết hết sức quan trọng có tính chất quyết định về việc kết tội, để nhằm chỉ giết chết một con người.
Không chỉ vi phạm các nguyên tắc tố tụng, mà những việc làm bất chấp pháp luật trong vụ án nhằm đến việc giết chết một con người đã buộc người bình thường nhất cũng phải đặt ra câu hỏi: Đằng sau việc giết bằng được người này nhằm mục đích gì? Ai là thủ phạm chính trong tội ác này?
Những câu hỏi đó, không được chỉ rõ bằng các cơ sở pháp luật, các căn cứ pháp lý qua hai cấp sơ và phúc thẩm xét xử. Trái lại nó càng làm nổi lên nhiều nghi vấn về động cơ giết người nhân danh pháp luật.
Trong lịch sử xét xử của nền tư pháp Việt Nam nhiều vụ án oan khốc đã lộ ra trước công luận, bởi bức cung, bởi nhục hình, bởi chứng cứ giả, bởi mưu đồ cá nhân và tập thể... Trên hết, là bởi một nền tư pháp đối lập với Tam quyền phân lập, tất cả đều dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của một đảng cầm quyền. Và hẳn nhiên hậu quả cũng từ đó mà ra không nhỏ.
Bao người bị oan khuất, bao người bị giết oan vẫn còn đó. Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, nếu không vì "có thân nhân tốt" thì hẵn đã bị giết chết nằm sâu dưới đất với mấy lần cải táng, đâu còn chờ được cả chục năm đến khi thủ phạm thú tội mới biết là oan sai để nói lên câu "Ơn đảng, ơn chính phủ" đã "sinh ra" (ông ta) lần thứ 2".
Ở vụ án này, chàng thanh niên Hồ Duy Hải được kết tội không cần những chứng cứ, bằng chứng có sức thuyết phục mà chỉ bằng "lời khai" là chủ yếu. Mà chẳng ai lạ ở VN, việc tra tấn, nhục hình để ép cung, mớm cung là chuyện thường ngày, khi mà cơ quan điều tra hành động bí mật, loại trừ vai trò luật sư và không cần công khai. Vậy thì việc có lời khai, thậm chí cả đơn từ chối luật sư... chỉ là chuyện lặt vặt khi mà tư duy "không có tội thì đánh cho có, có tội thì đánh cho chừa" vẫn là một nguyên tắc hành xử trong trại giam.
Ở vụ án, tuyên tử hình, mà vật chứng giết người được mua từ chợ bỏ vào hồ sơ... cho đủ. Cũng vụ án này, cơ quan giám định không thể giám định được mẫu máu tại hiện trường của thủ phạm, không kết luận được thủ phạm, vật chứng gây án... mà vẫn kêu án tử hình(?)
Một vụ án, mà ngay trong bản án cũng kết luận việc vi phạm các thủ tục tố tụng. Nhiều chi tiết chống lại nhau dữ dội không được làm rõ, dấu vân tay, vết máu tại hiện trường được xác định không phải là của thủ phạm, người nhận diện không nhận ra đúng thủ phạm bị tuyên án... cùng với quá nhiều chi tiết mâu thuẫn không hề được làm rõ. Nhưng, hai cấp tòa án đã quyết tâm tuyên án tử hình bị cáo.
Vậy thì những nghi ngờ của người dân rằng vụ án đã được dựng lên, cố tình giết chết chàng thanh niên này để che giấu một kẻ gây ác có thế lực khác nào đó, không phải là không có logic. Bởi chẳng lẽ nền tư pháp Việt Nam khoái giết người đến vậy sao?
Nước mắt và nỗi lòng người mẹ tử tù
Thánh lễ cầu nguyện và thắp nến, cầu cho các tù nhân lương tâm và trong đó có cầu nguyện cho tử tù Hồ Duy Hải được ánh sáng của Công lý chiếu rọi đến giải tỏa, soi sáng sự thật đã được hàng ngàn người tham dự và hiệp thông tại Nhà thờ Thái Hà.
Sau Thánh lễ, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Loan. Khác với những người nhà nạn nhân khác, họ lớn tiếng kêu la, kể lể hoặc khóc lóc về nỗi oan khiên của người thân mình đang chịu. Ở đây, chị chỉ im lặng cúi xuống cố ghìm đi những tiếng nấc nghẹn của mình. Có lẽ chừng đó năm, chạy vạy kêu cứu cho con mình từ nam ra bắc, từ thấp đến cao, từ xuôi đến ngược hầu hết các cửa chị đã không còn nước mắt để khóc, không còn sức để kể lể hoặc kêu la. Trên tay chị, một tờ giấy kêu oan cho con nói lên tất cả.
Có thể, chị chẳng cần nói gì nhiều, bởi những ai không vô cảm, có quan tâm đến một mạng người đang bị tước đoạt vô cớ chỉ nhìn qua cách hành xử, qua những chứng cứ và bản kết tội của Tòa án đối với con chị, cũng hiểu được sự tình và nỗi oan khuất của con chị đến đâu.
Án tử hình, một loại án mà nhiều nước văn minh trên thế giới đã bãi bỏ từ lâu. Bởi về nguyên tắc cuộc sống, chẳng ai có quyền và nhân danh bất cứ một tổ chức, nhà nước hay đảng phái nào để cướp đi "Quyền sống" của một con người - Điều mà chỉ có Tạo hóa mới có quyền ban tặng và do vậy cũng chỉ có Tạo hóa mới có quyền lấy đi.
Tuy nhiên, hiện nay, một số nước, trong đó có Việt Nam vẫn duy trì loại án man rợ này - đồng loại tự cho mình đoạt mạng sống của nhau.
Ít nhất, là con người, về cá nhân khi tuyên án mức án này, người nhân danh pháp luật cũng phải tự mình xác định chắc chắn rằng đó là người đã có tội rõ ràng. Nếu không đảm bảo điều này, thì chính người tuyên bản án đó, đã tuyên bản án cho chính mình về đạo đức và lương tri.
Với một nhà nước pháp quyền, ngay cả kẻ có tội, với những vụ án bình thường họ vẫn được xét xử đến mức tội nhân phải tâm phục, khẩu phục, chứ chưa nói đến án tử hình.
Một nhà nước, mà để người dân kêu oan khuất, kết án không có cơ sở, tiếng oan ngút trời mấy năm nay mà vẫn kiên quyết lôi nạn nhân đi giết, thì đó là một nhà nước và luật pháp theo kiểu gì?
Hẳn nhiên phải khẳng định việc cố tình giết người bằng các vụ án như vậy thì không hề có một chút nào việc giáo dục hoặc răn đe tội ác trong xã hội. Ngược lại, càng là cơ hội cho bạo lực lan tràn và mạng sống con người trở nên mong manh.
Và vẫn phải lặp lại một câu hỏi không hề cũ: Phải chăng, nhà nước ta, thông qua nền tư pháp hiện nay và qua những vụ án như thế này, càng thể hiện rằng họ khoái giết người đến thế?
Hà Nội, ngày 3/12/2014
J.B Nguyễn Hữu Vinh
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.