Trước tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng và phức tạp, Đảng Cộng sản Việt Nam đang tăng cường công tác phòng chống (PCTN), tuy nhiên tư duy và cách làm vẫn không thay đổi, bởi vậy hiệu quả sẽ không thể bền vững.
Hội nghị Trung ương 5 Đảng Cộng sản Việt Nam vừa kết thúc hôm 10/5 cho thấy Đảng tiếp tục nỗ lực tập trung quyền lực cao hơn để chống tham nhũng bằng cách quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo cấp tỉnh).
Ngày 13/5 Hà Nội là tỉnh đầu tiên cụ thể hóa chủ trương nêu trên. Tổ chức mới này là ‘cánh tay nối dài’ quyền lực tập trung của Đảng ở cấp trung gian, bao gồm 15 thành viên với Bí thư Thành uỷ làm Trưởng Ban và các Phó ban là Trưởng các Ban Nội chính, Ban Tổ chức, Uỷ ban Kiểm tra, Giám đốc Công an... Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ cụ thể hoá dựa trên, về cơ bản, Quy định số 211-QĐ/TW ngày 25/12/2019 đối với cấp Trung ương. Trường hợp Hà Nội sẽ là điển hình để mở rộng cho các tỉnh thành khác trong cả nước.
Quyền lực hệ thống quan chức cấp tỉnh, thành giờ đây, ‘chậm còn hơn không’, đã có cơ quan giám sát nội bộ. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của Ban PCTN cấp tỉnh, cũng như cơ chế kiểm soát quyền lực nói chung mang bản chất của chế độ tập quyền cần được xem xét từ triết lý đến cách đánh giá gắn với cải cách thể chế.
Triết lý giáo điều
“Tập trung quyền lực để chống tha hoá quyền lực” - triết lý PCTN của chế độ tập quyền trong bối cảnh chuyển đổi sang thị trường đã trở nên giáo điều, bảo thủ.
Triết lý này có cội nguồn từ chế độ phong kiến tập quyền: quan chức được giáo dục, tuyển chọn và bổ nhiệm theo năng lực và đạo đức vào bộ máy đặc ân, đề cao sự phục tùng tuyệt đối trong quan hệ “Vua – Tôi” và phục vụ nhà vua suốt đời. Công cụ cai trị chủ yếu bằng bạo lực, gieo rắc nỗi sợ hãi. Cơ quan giám sát quyền lực thời phong kiến có tên gọi Đô sát viện, do nhà vua trực tiếp chỉ đạo và độc lập tương đối với thiết chế khác của chế độ trong việc giữ “kỷ cương phép nước”. Hệ thống giám sát này góp phần ‘làm trong sạch’ đội ngũ quan chức để duy trì quan hệ “Vua – Tôi”, nhưng không thể giúp chế độ phong kiến thoát khỏi suy vong vì vấn đề “nguỵ vương” - sự tha hoá của nhà vua.
Dưới chế độ tập quyền Đảng Cộng sản toàn trị, phương thức công tác cán bộ, về bản chất, không thay đổi. Công cụ kế hoạch hoá tập trung nền kinh tế song hành với bộ máy đặc quyền đặc lợi và bị kiểm soát bởi các ban chuyên trách của Đảng. Quyền lực Đảng đứng trên và bao trùm cả nhà nước và pháp luật. Ngoài ra, thiết chế hình tháp quyền lực vẫn phản ánh lãnh tụ tuyệt đối ở chóp đỉnh quyền lực. Cả hệ thống chính trị, quan chức lệ thuộc vào Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Một chế độ tập quyền cao, được tổ chức tinh vi và dựa vào hệ tư tưởng phức tạp nhưng đã lung lay trước thực tế chuyển đổi sang thị trường. Tình trạng tha hoá quyền lực, tham nhũng, suy thoái đạo đức quan chức nghiêm trọng, thậm chí chia rẽ và tranh giành quyền lực. Trước tình hình đó cùng với một số ban Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập năm 2013 do Tổng Bí thư Đảng đứng đầu. Xét về bản chất, đó là mô hình Đô sát viện ‘kiểu mới’, một thể chế quyền năng bao trùm lên các cơ cấu quyền lực khác của chế độ.
Nay chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chứng tỏ Đảng tiếp tục theo đuổi phương châm PCTN trên. Triết lý này đã trở nên bảo thủ, “ta đánh ta” hay “kỷ luật hết thì lấy ai làm việc”, phản ánh sự duy ý chí khi cho rằng hệ thống quan chức vẫn có thể lấy lại ‘sức đề kháng’ trước thực tế thị trường nếu quan chức phục tùng Đảng và lãnh tụ, kiên định với ý thức hệ CNXH và tự rèn luyện.

Hiệu quả PCTN
Triết lý PCTN như trên đã dẫn dắt thái độ và hành động coi trọng sự trừng phạt và coi mức độ nặng nhẹ là sự răn đe như giải pháp phòng ngừa. Cách làm này phản ánh nỗ lực tập trung vào triệu trứng – ‘bề nổi của tảng băng trôi’, sự cần thiết trước mắt, phản ánh sự nghiêm trọng của tham nhũng, nhưng không giải quyết gốc rễ của vấn đề. Bởi vậy, hiệu quả PCTN không chỉ bởi số lượng quan tham, cán bộ tha hoá bị trừng phạt, mà còn xem hiệu ứng tích cực thúc đẩy cải cách, trước hết là tạo ra các thể chế hữu hiệu để kiểm soát quyền lực.
Trong các năm 2013-2020 có 14.300 vụ/24.410 bị can đã bị khởi tố, điều tra, trong đó hơn 11.700 vụ/22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Trong năm năm nhiệm kỳ (2016-2021) Đại hội 12 có hơn 87 nghìn đảng viên bị kỷ luật, trong đó 113 cán bộ cao cấp diện Trung ương quản lý. Số lượng các quan tham, cán bộ tha hoá bị trừng phạt nhiều và vẫn có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây, đặc biệt trong nửa đầu năm nay. Như Đảng đã thừa nhận, công tác PCTN chuyển biến chưa rõ rệt; tham nhũng “vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, và vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.
Cải cách chính trị, gần đây trong Đại hội 13 năm 2021 mới được nhấn mạnh, đã không đáp ứng với cải cách chuyển đổi thị trường và, hậu quả lớn đã diễn ra, trong đó: Bộ máy cai trị phình to và kém hiệu năng (Theo báo cáo giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016, tính đến hết tháng 12/2016, bộ máy hành chính có tổng cộng 337 Cục trưởng, 767 Phó Cục trưởng, 218 Vụ trưởng, 593 Phó Vụ trưởng, 4599 Trưởng phòng và tương đương, 7021 Phó Trưởng phòng và tương đương để quản lý tổng số công chức 69.813 người, trong đó, riêng Bộ Tài chính có 181 Cục trưởng, 423 Phó Cục trưởng…); Quan hệ thân hữu giữa đại gia và quan chức ngày càng nghiêm trọng gây ra bất công, bóc lột lao động và bất bình đẳng kiểu mới; “những trường hợp đặc biệt” đã phá vỡ giới hạn kiểm soát quyền lực, chuyển giao quyền lực Tổng Bí thư khó khăn; Xuất hiện tâm lý sùng bái lãnh tụ; Công tác lý luận trở nên giáo điều, nguỵ biện để giải thích mối quan hệ giữa chế độ toàn trị và thị trường, bế tắc đề xuất mô hình phát triển; Rối loạn quản lý điều hành trong nhiều lĩnh vực như đất đai, đầu tư công, thị trường tài chính…; Xung đột lợi ích, dân oan khiếu kiện và bùng phát các hiện tượng xã hội tiêu cực…
Trường hợp phân cấp, phân quyền cho địa phương cấp tỉnh là điển hình. Khi lãnh đạo các tỉnh, thành phố có quyền lớn hơn trong quy hoạch, phê duyệt các dự án đầu tư, đấu thầu mua sắm công, quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất… nhưng đã thiếu cơ chế ràng buộc trách nhiệm, kiểm soát quyền lực phù hợp và hiệu năng. Và, hậu quả là các vi phạm trong lĩnh vực đất đai xảy ra trên diện rộng, vô số các án kỷ luật, truy tố đối với các cá nhân lãnh đạo và tập thể tỉnh uỷ, thành uỷ, thị uỷ… được thực thi khi đã trở nên quá muộn mằn!
Hiệu quả của công tác PCTN cần phải được đánh giá gắn liền với cải cách thể chế chính trị, trong đó và trước hết, phải thay đổi tư duy, thay đổi cách làm để tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực. Rất tiếc, việc thiết kế “Lồng thể chế” để kiểm soát quyền lực, “Kê khai” để minh bạch tài sản quan chức, cụ thể hoá, chỉnh sửa để tăng tính khả thi của Luật phòng chống tham nhũng… là những đề xuất đúng và quan trọng, đã được khởi động trong nhiệm kỳ trước, dù chưa phải là những giải pháp căn cơ như đối trọng chính trị hay tam quyền phân lập vốn đặc trưng cho kinh tế thị trường trong chế độ dân chủ, nhưng đã bị trì hoãn mà không rõ lý do.
Rõ ràng đây là một món nợ xấu trong cải cách thể chế và, cần thiết phải có Hội nghị Trung ương thảo luận và ban hành nghị quyết về vấn đề này.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.