Thấy gì qua hai chuyến công du mới đây của ông Vương Nghị?

Đinh Quỳnh Như
2021.01.12
Thấy gì qua hai chuyến công du mới đây của ông Vương Nghị? Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi ở Naypyitaw, Myanmar hôm 11/1/2021
Reuters

Chuyến thăm châu Phi

Tiếp tục truyền thống ngoại giao 30 năm kể từ năm 1991, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chọn thăm châu Phi trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trong năm 2021. Ông đã đến thăm Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo, Tanzania, Botswana và Seychelles từ ngày 4-9/1. Chuyến công du tiếp nối truyền thống 3 thập kỷ qua khi nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc luôn chọn châu Phi là điểm đến quốc tế đầu tiên trong năm. Truyền thống này phản ánh tầm quan trọng của châu Phi trên phương diện ngoại giao đối với Trung Quốc, và việc Vương Nghị dừng chân ở những nơi như Seychelles, một quần đảo dân cư thưa thớt, chứng tỏ Bắc Kinh không coi bất kỳ quốc gia nào là tầm thường.

Theo phân tích của tác giả Lye Liang Fook từ Singapore thì một kế hoạch quan trọng trong chuyến thăm châu Phi của Vương Nghị là củng cố thông điệp rằng Trung Quốc tìm cách tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong sự phát triển kinh tế của họ, bao gồm thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Tại châu Phi, Trung Quốc hiện là nhà tài trợ chủ chốt và là nhà xây dựng chính của các dự án cơ sở hạ tầng như dự án đường sắt tiêu chuẩn Lagos-Ibadan tại Nigeria. Trong chuyến đi này, Vương Nghị và người đồng cấp Cộng hòa Dân chủ Congo đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác BRI.

Chắc chắn, các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở châu Phi đã gặp phải khó khăn chung, được thấy qua các dự án bị đình trệ như dự án cảng Bagamoyo, khu kinh tế đặc biệt ở Tanzania và dự án đường bộ Nata-Maun ở Botswana. Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn này, Bắc Kinh dường như rất quyết tâm để thúc đẩy BRI ở châu Phi mặc dù có những sửa đổi, điều chỉnh.

Một kế hoạch quan trọng khác trong chuyến thăm châu Phi của Vương Nghị là nhằm tái khẳng định cam kết của Trung Quốc trong việc cung cấp vaccine COVID-19 của Trung Quốc cho các quốc gia tại châu Phi trong bối cảnh sự tranh giành vaccine đang diễn ra hiện nay trên toàn thế giới. Cam kết này được xây dựng dựa trên cam kết trước đó của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là biến vaccine COVID-19 của Trung Quốc trở thành hàng hóa công toàn cầu”.

2020-11-09T201059Z_988536593_RC2WZJ90NVOB_RTRMADP_3_HEALTH-CORONAVIRUS-VACCINE.JPG
Hình minh hoạ. Cờ Trung Quốc và giọt thuốc từ syringe và kim tiêm, biểu tượng như vaccine. Reuters

Năm ngoái, khi đại dịch COVID-19 càn quét thế giới và các nước giàu có bắt đầu đặt hàng khối lượng lớn vaccine để phục vụ chương trình tiêm chủng của mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết việc cung cấp vaccine cho châu Phi sẽ là một “ưu tiên” đối với Bắc Kinh. Cam kết được đưa ra sau khi chính quyền Bắc Kinh và một số cá nhân người Trung Quốc, trong đó có tỷ phú Jack Ma, quyên góp và vận chuyển số lượng lớn khẩu trang, bộ thử và trang thiết bị y tế tới Lục địa Đen.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc chuyến công du châu Phi vào cuối tuần qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã không hề đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào về vấn đề vaccine cho khu vực này vốn đang hy vọng vào sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19). Lời hứa của lãnh đạo Trung Quốc thực ra chỉ là “lời nói gió bay” mà thôi.

Chuyến thăm 4 nước Đông Nam Á

Chỉ một ngày sau khi kết thúc chuyến thăm tới 5 nước châu Phi trong 6 ngày, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bắt đầu chuyến công du nước ngoài thứ 2 trong năm 2021 tới Đông Nam Á từ ngày 11/1 đến các nước Myanmar, Indonesia, Brunei và Philippines. Các nhà phân tích cho rằng với chuyến thăm này, Trung Quốc đang muốn chuyển trọng tâm sang ngoại giao láng giềng, điều này sẽ giúp Trung Quốc củng cố hình ảnh và tiếp tục duy trì ảnh hưởng đối với các nước Đông Nam Á sau khi Trung Quốc trải qua bất ổn và khó khăn trong thời gian gần đây. Các quốc gia Đông Nam Á có vị trí rất quan trọng đối với Trung Quốc vì khu vực này là một phần trong chính sách ngoại giao láng giềng của Bắc Kinh và chủ yếu là các nước đang phát triển tương tự như Trung Quốc. Khu vực Đông Nam Á đã trở nên quan trọng hơn trước đó do Trung Quốc đang gặp khó khăn trong quan hệ với với các nước quan trọng khác như Australia, Ấn Độ, Mỹ và một số nước châu Âu.

Thời báo Hoàn cầu ngày 10/1 cho biết, chuyến thăm này của ông Vương Nghị sẽ có mục đích củng cố quan hệ hợp tác với 4 nước Đông Nam Á này trong chống dịch COVID-19 và tái khởi động các dự án quan trọng của sáng kiến Vành đai và con đường” (BRI).

Chuyến thăm của ông Vương Nghị diễn ra 3 tháng sau chuyến thăm đến Campuchia, Malaysia, Lào, Thái Lan và dừng chân tại Singapore. Tháng 9/2020, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã có chuyến thăm tới 4 nước ASEAN. Tháng 8/2020, Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì đã thăm Singapore.

Trong một bài viết ngày 11/1, Thời báo Hoàn Cầu cũng nhấn mạnh thêm, vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ là một trọng tâm trong chuyến thăm của ông Vương Nghị lần này.

Tuy nhiên, những lo ngại về xung đột trên biển Đông vẫn đang tiếp diễn, trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường hiện diện quân sự của họ ở đây. Giáo sư Oriana Skylar Mastro, từ Đại học Georgetown, lo ngại rằng sức mạnh quân sự tăng cao trong khu vực một ngày nào đó sẽ dẫn đến xung đột. Phát biểu trước Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, bà nói: Tôi cho rằng hiện có một số yếu tố cho thấy nếu Trung Quốc không thể đạt được mục tiêu của họ, trên thực tế là quyền kiểm soát Biển Đông, thì Bắc Kinh có thể tiến hành leo thang. Mỹ có thể hành động quyết đoán hơn, dẫn đến hành động gây hấn từ phía Trung Quốc. Nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ đi đến kết luận rằng các biện pháp ngoại giao để xử lý tình hình sẽ không hề hiệu quả. Cùng với khả năng phô trương quyền lực và sức mạnh quân sự lần đầu tiên... cuối cùng, chúng ta có thể chứng kiến Trung Quốc tiến hành các hành động quân sự, chẳng hạn như chiếm đóng các đảo để phản đối các tàu của Mỹ trên vùng biển Biển Đông.”

Chính vì vậy, các quốc gia Đông Nam Á luôn cảnh giác với Trung Quốc ở biển Đông.

Mới đây, hãng thông tấn chính thức Antara của Indonesia cho biết, Phó Chủ tịch Quốc hội Syarief Hasan đã nhấn mạnh: Chính phủ cần cảnh giác tới vùng biển Bắc Natuna trong bối cảnh Biển Đông – khu vực tiếp giáp với Biển Bắc Natuna - đang nóng” lên từng ngày với cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ”.

Theo ông Syarief, cần tăng cường lực lượng quân đội tại Bắc Natuna để bảo vệ lãnh thổ Indonesia trong trường hợp nổ ra xung đột. Ông Syarief cũng cho rằng nếu xảy ra xung đột tại Biển Đông, tất cả các nước Đông Nam Á, trong đó có Indonesia, sẽ chịu tác động.

Phó Chủ tịch Quốc hội Syarief nhấn mạnh: Do vậy, chính phủ Indonesia phải đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng sức mạnh quân sự nhằm giảm thiểu, thậm chí ngăn chặn tác động trong trường hợp xảy ra xung đột”.

Ông Syarief cho rằng không nên xem nhẹ cuộc đối đầu nói trên và việc Trung Quốc đơn phương đưa ra các yêu sách tại Biển Đông dựa trên “đường 9 đoạn” khiến Mỹ cũng phải can thiệp. Ông nói: “Điều kiện này có khả năng sẽ biến thành xung đột giữa hai cường quốc tại Biển Đông”.

Cảnh cáo Việt Nam và Malaysia

Trong chuyến thăm Đông Nam Á lần này, ông Vương Nghị đã không đến thăm Việt Nam và Malaysia, với lý do hai quốc gia này thời gian vừa qua đã có những hành động mạnh mẽ để chống lại các luận điệu sai trái cũng như các hành động hung hăng của Bắc Kinh tại Biển Đông.

2016-08-09T120000Z_1996919193_S1BETUNMLDAA_RTRMADP_3_SOUTHCHINASEA-VIETNAM.JPG
Hình minh hoạ. Tàu hải cảnh Trung Quốc nhìn từ tàu cảnh sát biển Việt Nam ở Biển Đông hôm 14/5/2014. Reuters

Thời báo Hoàn Cầu “cảnh báo” với chuyến thăm này, “Trung Quốc cũng gửi tín hiệu đến các nước khác trong khu vực như Malaysia và Việt Nam rằng những nước này nên ngừng nhảy múa” với Mỹ và kích động rắc rối, nếu không, cuối cùng các nước này sẽ tự làm tổn hại chính mình.”

Malaysia tuy vẫn giữ chính sách “ngoại giao thầm lặng” nhưng cũng rất kiên quyết khi bảo vệ lợi ích của mình trên biển Đông. Malaysia cũng là quốc gia đã khởi động các tranh cãi pháp lý dẫn đến “cuộc chiến công hàm” năm 2020. Còn Việt Nam, quốc gia vốn là láng giềng cả trên bộ và trên biển của Trung Quốc, trong những năm qua, thất vọng trước các hành động hung hăng và lòng tham của Trung Quốc trước vấn đề biển đảo, Việt Nam đang tìm cách rời xa Trung Quốc và phát triển quan hệ với Mỹ - quốc gia đối thủ lớn nhất và khó chịu nhất của Trung Quốc.

Có lẽ, các quốc gia Đông Nam Á, không chỉ riêng Việt Nam và Malaysia, đều cần phải cảnh giác trước những lời “hứa hão” và chính sách “ngoại giao bẫy nợ” trong sáng kiến BRI của Trung Quốc.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.