Gánh nặng từ khai man chính sách

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2015.12.08
Một bản ghi công khắc gỗ bày bán tại chợ đồ cổ Sài-Gòn Một bản ghi công khắc gỗ bày bán tại chợ đồ cổ Sài-Gòn
RFA

Câu chuyện ông Đoàn Quốc Dũng, nguyên chủ tịch xã đã khai man rằng ông lớn hơn mẹ ông ba tuổi để hưởng chính sách và nhận huân chương kháng chiến không phải là một trong vài câu chuyện ở Việt Nam. Có thể nói rằng hiện tại, gánh nặng khai man chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công cách mạng tại Việt Nam đã khiến cho hệ thống kinh tế vốn yếu ớt của Việt Nam càng thêm rệu rã vì khoản chi hằng tháng cho diện chính sách quá nhiều. Và hệ lụy của vấn đề này không chỉ đơn giản là gánh nặng về kinh tế.

Gánh nặng kinh tế

Ông Viên, một cựu viên chức ngành lao động, thương binh và xã hội ở Thanh Hóa, chia sẻ: “Nói chung là những hộ nhiều đất là những cán bộ xã. Họ có chủ tịch xã này, bí thư xã này, phó chủ tịch này, nhiều lắm, mỗi xã như vậy có từ 25-30 cán bộ, nhiều râu ria lắm. Từ cán bộ đoàn, đoàn thể, đảng, hội nông dân này… người ta chiếm được nhiều đất.”

Theo ông Viên, gánh nặng của các đối tượng chính sách khai man có công cách mạng đối với chế độ Cộng sản Việt Nam là quá lớn. Bởi chỉ riêng tỉnh Thanh Hóa, con số khai man có thể lên đến hàng ngàn đối tượng. Với 64 tỉnh thành, đặc biệt các tỉnh từ Huế vào đến Cà Mau, nơi được xếp vào vùng răng lược trong thời chiến tranh, số lượng khai man sẽ tăng cao hơn nhiều bởi đây là vùng không thể kiếm soát được.

Hay nói cách khác, cuộc chiến tranh Nam Bắc kết thúc sau 30 tháng 4 năm 1975, có hàng chục triệu nhân dân bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh và nỗi mất mát của họ là không thể mô tả được. Nhưng sau những mất mát của những người dân vô danh kia lại mọc lên hàng triệu con người cơ hội. Họ đã khéo léo biến cái chết của những người thân, người quen biết trở thành cây cần câu cơm của họ.

Ông Viên nói rằng nếu làm một cuộc tổng thanh tra nghiêm túc từ Bắc chí Nam, sẽ có hàng ngàn liệt sĩ bị gánh từ hai đến ba cuốn sổ tiền tuất. Nghĩa là cùng một người lính Cộng sản bị chết trong chiến tranh nhưng lại có tới hai hoặc ba thân nhân hưởng tiền tuất. Thậm chí có nhiều trường hợp thân nhân thật sự của liệt sĩ cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hưởng chế độ gì từ phía nhà nước bởi họ không có kiến thức và điều kiện kinh tế để tìm hiểu, khai báo. Trong khi đó, những kẻ cơ hội đã phỗng tay trên, đã hưởng mất khoản tiền tuất.

Cũng có trường hợp trước 30 tháng 4 là lính của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, sau 30 tháng 4, vì quá sợ đi tù cải tạo đã nhờ một người thân là cán bộ Cộng sản tạo ra bộ hồ sơ giả để chứng minh rằng trong quá trình đi lính bên Việt Nam Cộng Hòa, họ vẫn “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”, họ vẫn hoạt động ngầm để ủng hộ cho chế độ Cộng sản. Đương nhiên đây là những bộ hồ sơ khai man và khá tốn kém. Mục đích ban đầu của việc khai man này là tránh bị tù tội. Nhưng về sau, cũng chính những người khai man này lại ngang nhiên xóa bỏ phần quá khứ chiến binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa của mình và quay sang nhận mình là “nhà hoạt động cách mạng”.

Ông Viên cho rằng sở dĩ có chuyện khôi hài và nhục nhã cho một người lính như vậy là do hai nguyên nhân: Bản chất léo hánh của kẻ hèn nhát và; Chính sách lý lịch hà khắc của nhà nước Cộng sản xã hội chủ nghĩa. Chính bởi tính hèn nhát và nhược tiểu, sợ sệt và cầu toàn đã đẩy không ít người lính Việt Nam Cộng Hòa đến chỗ cầu cạnh, khai man lý lịch, khai man thân phận để biến mình thành một loại Cộng sản nằm vùng, để được yên thân và được hưởng nhiều chế độ khác.

Bảo tàng lịch sử, nơi tụng ca và hô hào chiến công của chế độ cộng sản. RFA
Bảo tàng lịch sử, nơi tụng ca và hô hào chiến công của chế độ cộng sản. RFA

Nhưng tình trạng những người lính chế độ cũ khai man không phải là phổ biến, vấn đề những cán bộ Cộng sản tự dựng lên sự việc, dựng lên thành tích cho người thân, cho tộc họ để rồi sau đó khai hưởng chế độ mới là hạt sạn nổi cộm trong chén cơm xã hội chủ nghĩa. Hiện tại, con số này đông đến mức không thể kiểm soát được. Ông Viên nói rằng chỉ riêng tỉnh Thanh Hóa thôi, nếu làm một cuộc thanh tra nghiêm túc thì có hàng ngàn người hoàn toàn không có công gì trong việc hoạt động hay chiến đấu trước 30 tháng 4 năm 1975 nhưng họ vẫn ngang nhiên hưởng tiền tuất hằng tháng.

Và cũng chính vì gánh nặng gọi là “đền ơn đáp nghĩa khống” cho những kẻ không có công, khai man, gian lận đã khiến cho đời sống của người dân ở một số huyện Thanh Hóa phải vất vả, chật vật đến độ không có để ăn. Cứ mỗi mùa gặt thì hàng loạt các loại cán bộ con nhà có công, con nhà liệt sĩ lại kéo ra ruộng để thu thuế lúa của dân. Sở dĩ số lượng cán bộ quá nhiều bởi nó được dung nạp vào bộ máy nhà nước theo tiêu chuẩn lý lịch. Và những cán bộ theo tiêu chuẩn lý lịch này động lúc nhúc, tạo ra gánh nặng kinh tế không thể nào tả cho trọn vẹn.

Bánh xe phát triển xã hội bị thủng

Ông Thoại, một cán bộ về hưu ở huyện Mường Lát, Thanh Hóa, tỏ ra chán ngán: “Chung quy lại thì cán bộ là có di truyền. Giờ làm cán bộ là ước muốn của cả một dòng họ. Nếu dòng họ nào đó có người làm cán bộ thì trước sau gì cũng cả dòng họ làm cán bộ. Chúng ta ước tính rằng, cán bộ có quyền lợi của cán bộ và cả quyền lợi gia tăng. Vậy tại sao lại không đi làm cán bộ, đó chính là mấu chốt của vấn đề. Điều đó cũng chính là nguyên nhân cán bộ bây giờ ít làm được việc. Cán bộ là đày tớ của nhân dân nên nhân dân có trách nhiệm phải nuôi cán bộ học, học nữa, học mãi!”

Ông Thoại cho biết thêm là hiện tại, trên toàn quốc có đến gần hai triệu thân nhân liệt sĩ và hai triệu gia đình có công cách mạng, người bị tù đày, gần ba triệu thương binh Cộng sản. Đây chỉ là con số ông thống kê sơ bộ theo những thông số trong công báo hành chính nội bộ. Ông cho rằng con số thật phải cao hơn nhiều. Và với gánh nặng kinh tế cho ngót nghét sáu triệu con người cùng với chính sách ưu tiên cho con cái của họ, e rằng đất nước khó tài nào phát triển được.

Lý giải thêm, ông Thoại cho rằng bởi những đặc quyền đặc lợi của các nhóm lợi ích trong đảng Cộng sản quá lớn và những chế độ ưu đãi dành cho con em nhà liệt sĩ, người có công cũng không nhỏ, nhất là xét tuyển thi đại học, xét lý lịch khi xin việc cũng như toàn bộ quá trình đóng học phí, nhận học bổng, vay ưu tiên đều dành cho gia đình thương binh liệt sĩ, người có công. Đây là nguyên  nhân dẫn đến chảy máu nhân tài.

Bởi hệ thống nhà nước, xét cho cùng, hiện tại con em gia đình có công cũng chiếm hơn 80% và nắm những chức vụ trọng yếu trong cơ quan. Như vậy, yếu tố sáng tạo, tiến bộ và phát triển sẽ bị đẩy lùi đến mức thấp nhất, thay vào đó là hách dịch, cửa quyền, toa rập để tham nhũng, thậm chí tạo thế lực nhóm để kéo dài nhiệm kỳ… Tất cả những thứ này đang là hiện tượng xã hội tại Việt Nam.

Ông Thoại chua xót đưa ra kết luận là với gánh nặng về kinh tế quá lớn, mỗi tháng phải chi ra hàng trăm tỉ đồng để trả tiền chính sách gồm khai đúng và khai man. Và mỗi tháng phải chi ra hàng chục ngàn tỉ đồng để trả lương cho cán bộ vốn là con của gia đình chính sách gồm khai đúng và khai man. Trong khi đó đất nước vẫn liên tục đi thụt lùi bởi thiếu sáng tạo, thiếu những lãnh đạo có tài và thiếu cả ngân sách do nạn tham nhũng lộng hành. E rằng đất nước này sẽ tiếp tục lao dốc khi vấn đề chính sách trở thành ung nhọt của xã hội!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.