Dân nộp đơn kiện vì đoàn cưỡng chế làm lây COVID-19, chính quyền từ chối thụ lý
2022.02.16
Một người dân ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đâm đơn tố cáo chính quyền địa phương vì đã làm lây dịch COVID-19 cho cả gia đình năm người, nhưng bị từ chối thụ lý.
Gia đình của bà Trần Thị Tươi, sống tại ấp 12 A, xã Khánh Bình Đông bị đoàn cưỡng chế tiến hành tháo dỡ nhà vào ngày 22 tháng 11 năm 2021.
Theo tạp chí Kinh Tế Nông Thôn đưa tin thì ở thời điểm buổi cưỡng chế diễn ra, tình hình dịch bệnh tại địa phương này đang diễn ra nghiêm trọng, và mặc dù phía gia đình đã làm đơn đề nghị tạm hoãn cưỡng chế vì không có nơi nào khác để tá túc, nhưng chính quyền vẫn quyết định dỡ nhà.
Buổi cưỡng chế thu hút đông đảo người dân đến xem, bản thân đoàn cưỡng chế cũng có số lượng lớn nhân viên công lực, hậu quả là cả gia đình năm thành viên của bà Tươi bị nhiễm vi-rút corona và phải đi cách ly tập trung.
Cho rằng việc tiến hành cưỡng chế là nguyên nhân dẫn đến việc bản thân và gia đình bị nhiễm bệnh, bà Tươi sau đó làm đơn tố cáo lãnh đạo huyện Trần Văn Thời, vì làm lây lan dịch bệnh.
Ngày 15 tháng 2 năm 2022, báo Thanh Niên đưa tin Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau thông báo không thụ lý đơn khiếu nại của bà Trần Thị Tươi với lý do “không thoả mãn quy định của Luật Tố cáo”.
Từ khi đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát ở Việt Nam vào giữa năm ngoái, chính quyền đã khởi tố nhiều cá nhân và thậm chí bỏ tù một số người dưới tội danh “làm lây lan bệnh truyền nhiễm”. Trong đó phải kể đến vụ khởi tố Hội thánh Truyền giáo Phục hưng ở TP HCM, sau đó phải hủy bỏ.
Ở tình Cà Mau nói riêng, hồi tháng 11 năm 2021, một người đàn ông là công nhân thuỷ sản bị toà án xử 12 tháng tù giam dưới tội danh “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”.
Bình luận về quyết định không thụ lý đơn tố cáo của bà Tươi do Thanh tra tỉnh Cà Mau xác định "nội dung tố cáo không đủ điều kiện để thụ lý giải quyết", một luật sư bình luận với đài RFA dưới điều kiện giấu tên vì lý do an toàn, rằng:
“Như chúng ta đã biết thì nhiều người ở Việt Nam đã bị chính quyền khởi tố về hành vi làm lây nhiễm dịch bệnh, tuy nhiên, từ trước tới giờ tôi chưa thấy một vụ việc cụ thể nào, ví dụ như là người dân khởi kiện chính quyền về cái việc làm lây lan dịch bệnh.
Trong trường hợp này thì tôi nghĩ rằng chính quyền ở Cà Mau họ đã cố tình trốn tránh trách nhiệm, khi đã tiến hành cưỡng chế trong thời kỳ dịch bệnh căng thẳng”.
Vị luật sư này cũng bình luận về vấn đề nằm ở quy định pháp luật trong việc tố cáo, khiến chính quyền có thể lợi dụng nhằm chạy tội:
“Ở đây theo tôi thấy cái chính là ở quy định pháp luật, dẫn đến trường hợp người dân rất khó khăn trong việc khiếu nại hoặc tố cáo khi chính quyền làm sai.
Bởi vì khi anh muốn chứng minh chính quyền làm sai, thì anh phải có bằng chứng, nhưng anh muốn có bằng chứng thì anh cần phải có xác nhận của những cơ quan có thẩm quyền ví dụ như công an, uỷ ban nhân dân, hoặc cơ quan y tế.
Thì như chúng ta đã thấy là ủy ban, công an, hoặc cơ quan y tế với chính quyền đều là một, họ không có sự phân công giữa các nhánh quyền lực với nhau, cho nên là dẫn đến cái việc họ o bế, bảo vệ cho nhau, bảo vệ thể diện của chính quyền. Dẫn đến việc người dân không thể nào có bằng chứng để bảo vệ cho chính bản thân mình, nói rằng chính quyền đã làm sai trong trường hợp này.”
Phóng viên của Đài Á châu Tự do đã cố gắng liên hệ với bà Trần Thị Tươi để tìm hiểu về sự việc nhưng không thể liên lạc với bà.
Chúng tôi sau đó gọi điện thoại nhiều lần cho ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau để xác minh thông tin, nhưng ông này không bắt máy.
Đài Á châu Tự do cũng gửi thư điện tử cho cơ quan Thanh tra của tỉnh Cà Mau để hỏi về kết quả thanh tra đơn khiếu nại của công dân, nhưng cơ quan này chưa lập tức trả lời email.