Bộ TT&TT: Hơn 12 triệu SIM không có thông tin thuê bao chính xác

Các nhà mạng đã loại bỏ 12,5 triệu thuê bao thông tin không khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tin trên trong ngày 6/9 tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9/2023.

Đại diện Bộ TT&TT được tờ VTC News dẫn lời xác nhận đến thời điểm hiện tại 12,5 triệu SIM không chính chủ trên hệ thống bị loại bỏ đều là các SIM mà chủ thuê bao không cập nhật, chuẩn hóa lại thông tin dù đã quá hạn.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho hay, trước kia, Bộ chưa có thước đo nhằm kiểm tra xem thông tin thuê bao của người sử dụng có chính xác hay không. Điều này đã thay đổi khi Bộ Công an cho ra đời Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Đây là căn cứ để các doanh nghiệp viễn thông đối soát thông tin thuê bao.

Theo thống kê, hàng tháng có khoảng 1,5 triệu thuê bao mới xuất hiện trên thị trường. Khoảng 85% thuê bao mới sẽ thuộc về các nhà mạng lớn như MobiFone, VinaPhone, Viettel và những doanh nghiệp này đều đã được kết nối trực tuyến với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đối soát trực tiếp.

Các nhà mạng còn lại như Vietnamobile, Wintel, Itel... hiện chiếm 15% tổng lượng thuê bao mới ra thị trường hàng tháng. Những nhà mạng này chưa kết nối được với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Tuy nhiên, ông Long khẳng định, định kỳ hàng tháng, các nhà mạng này sẽ phải gửi số liệu về thuê bao mới đến Bộ TT&TT. Trong trường hợp sau quá trình đối soát, nếu thuê bao mới không đúng với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, thuê bao sẽ bị xóa khỏi hệ thống.

Ông Long cũng cho biết để chống nhận các cuộc gọi lừa đảo, các doanh nghiệp phải sử dụng brandname (tên thương hiệu) khi liên hệ với người dùng di động. Cơ quan công quyền như tòa án, công an, viện kiểm sát cũng phải dùng tên hiển thị khi gọi tới người dân.

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), trong sáu tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82 % so với sáu tháng cuối năm 2022.

Ba nhóm lừa đảo chính gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác. Trong tổng số 24 hình thức lừa đảo trực tuyến được Cục An toàn thông tin nêu tên, việc giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án để thực hiện cuộc gọi lừa đảo cũng diễn ra rất phổ biến.