Theo báo cáo của Bộ Y tế Việt Nam, từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 281.189 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 110 trường hợp tử vong.
Thông tin trên được đăng trên tờ Outbreak News Today trong ngày 1/11.Theo tin, so với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc SXH tăng gấp 4,8 lần, số người chết tăng 89 trường hợp.
Riêng tại Hà Nội, bản tin Đại Đoàn Kết cho biết, trong hai tuần gần đây, số ca mắc liên tục tăng nhanh, trên một ngàn ca mỗi tuần, vượt ngưỡng cảnh báo dịch.
Trong đó, số ca mắc tại các huyện ngoại thành chiếm 58,1%, nội thành chiếm 41,9%. Các quận, huyện có nhiều ca mắc nhất gồm: Đan Phượng (1.057), Thanh Oai (854), Đống Đa (585), Thanh Trì (571), Thường Tín (565), Hà Đông (511).
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận hơn 9.700 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 12 ca tử vong. Theo CDC Hà Nội, trong thời gian đến, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng và tử vong, do đó CDC khuyến cáo các địa phương cần tiếp tục bám sát tình hình dịch, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue.
Một chuyên gia dịch tễ cho biết trên tờ Đại Đoàn Kết rằng SXH đến nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó cách tốt nhất là tuân thủ các hướng dẫn và khuyến cáo trước đó của Bộ Y tế. Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân về việc vệ sinh môi trường sống, diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy... thường xuyên để hạn chế nguồn lây bệnh, ngành y tế dự phòng thành phố cũng cần lên phương án chủ động để đối phó với dịch.
Dịch SXH cũng đang hoành hành tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long khi trong ngày 2/11, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long cho truyền thông hay từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 2.880 ca mắc, tăng gấp bảy lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó ba trường hợp đã tử vong, so với năm ngoái không có ca tử vong nào. Các ổ dịch tập trung nhiều nhất tại huyện Tam Bình, Bình Tân và thành phố Vĩnh Long với gần 400 ca.