Việt Nam cần gửi công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc bắt ngư dân ở Hoàng Sa - chuyên gia nhận định
Tin cập nhật lúc 11:30 AM giờ miền Đông Hoa Kỳ
Việt Nam đã nghiêm chỉnh đề nghị Trung Quốc bồi thường và thả ngư dân bị bắt giữ ở biển Đông nhưng đề nghị này đưa ra hơi chậm và Hà Nội cần phải có công hàm ngoại giao phản đối hành động vi phạm pháp luật quốc tế của Bắc Kinh. Đó là nhận định của chuyên gia Biển Đông trước phản ứng mới đây của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Vào ngày 31/10, phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt tuyên bố tại họp báo thường kỳ ở Hà Nội:
“Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ các quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, thả ngay toàn bộ tàu cá và ngư dân Việt Nam bị bắt giữ trái phép, bồi thường thỏa đáng các thiệt hại và chấm dứt, không để tái diễn các hành động quấy nhiễu, bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra thông tin về việc các ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ khoảng một tháng sau khi tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đi đánh bắt cá ở ngư trường truyền thống là quần đảo Hoàng Sa bị tàu chấp pháp của Trung Quốc tấn công.
Truyền thông Nhà nước dẫn lời kể của các ngư dân cho biết, tàu cá Quảng Ngãi là QNg-95739-TS vào ngày 29/9 vừa qua, khi đang đánh bắt cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã bị tàu chấp pháp Trung Quốc rượt đuổi, tấn công, đánh đập ngư dân Việt Nam, lấy đi các máy móc và khoảng sáu tấn hải sản trên tàu. Vụ tấn công đã khiến ít nhất 10 ngư dân bị thương.
Báo Nhà nước cũng cho biết một tàu cá khác của ngư dân Quảng Ngãi là QNg-90659-TS cũng bị tấn công vào ngày 29/9 tại ngư trường Hoàng Sa, bị hành hung và tịch thu các thiết bị và hải sản đánh bắt được. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính 300 triệu đồng.
Ba ngày sau vụ tấn công, ngày 02/10, Phát ngôn nhân Phạm Thu Hằng của Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố Hà Nội “hết sức quan ngại, bất bình và kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gây thương tích, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam.”
Tuy nhiên, báo chí Nhà nước Việt Nam và Bộ Ngoại giao chưa bao giờ công bố thông tin ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ sau vụ việc ngày 29/9 cho đến thông báo ngày 31/10 vừa qua. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng không thông báo cụ thể có bao nhiêu ngư dân bị bắt giữ.
Nhà nghiên cứu Biển Đông Trương Nhân Tuấn nhận định với RFA qua tin nhắn:
“Yêu cầu Trung Quốc thả ngư dân và bồi thường cho họ của Phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao là khá nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, phía Việt Nam chỉ mới lên tiếng, như vậy là rất trễ.
Theo tôi sẽ hiệu quả hơn nếu Việt Nam gởi thông điệp này bằng một công hàm ngoại giao.”
Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales, Úc - chuyên gia quốc tế về vấn đề Biển Đông - nhận định hành động của Trung Quốc là trái luật pháp quốc tế. Ông nhận xét với RFA qua email:
“Theo luật quốc tế, một quốc gia ven biển không thể sử dụng luật nội địa để biện minh cho hành động sử dụng vũ lực quá mức đối với tàu cá nước ngoài tại vùng nước tranh chấp.”
Theo chuyên gia Carl Thayer: “hành động sử dụng vũ lực quá mức của Trung Quốc là vi phạm luật quốc tế và việc Việt Nam yêu cầu bồi thường là hợp lý”.
Hồi đầu tháng 1/2021, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua luật Hải cảnh mới cho phép tàu hải cảnh của nước này được quyền bắn vào các tàu nước ngoài trong vùng nước mà Bắc Kinh đòi chủ quyền, làm dấy lên những lo ngại về việc Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực với các ngư dân của những nước láng giềng ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp giữa các nước. Giáo sư Carl Thayer nhận định:
“Trung Quốc đang cố gắng nguỵ trang cho những gì mà họ làm và nói luật của chúng tôi cho phép cho nên đừng có can thiệp vào chủ quyền của chúng tôi. Đây là điều đáng báo động.
Các tàu hải cảnh của TQ được trang bị đầy đủ và tương đương như các tàu chiến.
Trung Quốc bây giờ với luật hải cảnh mới, trong bất cứ đụng độ nào giờ đây họ không còn phải đâm tàu nữa. Họ chỉ cần bắn vào tàu nếu ngư dân chống cự.”
Trung Quốc hiện đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông bao gồm cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà Hà Nội cũng đòi chủ quyền.
Liên quan đến vụ việc tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu chấp pháp Trung Quốc tấn công, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này.
Trong trả lời yêu cầu bình luận của hãng tin Reuters về vụ gây thương tích đối với ngư dân Việt Nam, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng tàu cá Việt Nam đã đánh bắt trái phép trong vùng biển Hoàng Sa.
Lâm Kiếm (Lin Jian) - phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc - hôm 1/11 phát biểu: "Trung Quốc kêu gọi Việt Nam tăng cường hiệu quả công tác giáo dục và quản lý ngư dân, đồng thời kiềm chế tham gia vào các hoạt động phi pháp ở vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc".
Trong nửa năm gần đây, Việt Nam và Trung Quốc trao đổi nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao, bao gồm chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng Bí thư Tô Lâm vào tháng 8 và của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 6 cùng chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường vào giữa tháng trước. Trong các cuộc gặp, hai bên cam kết đẩy mạnh quan hệ song phương và xử lý ổn thỏa bất đồng ở Biển Đông, cùng nhau giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Carl Thayer, “Ngoại giao thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc không chứng minh được sự thành công. Trung Quốc hứa một điều nhưng vẫn tiếp tục hung hăng làm điều khác.”